Nhiều năm trôi qua, tôi được tiếp cận với những tác giả khác, với văn phong và nhiều thể loại khác nhau đã thỏa mãn tâm trí và trái tim tôi, chất đầy trên những kệ sách. Và dù tôi có bận rộn đến mấy trong việc khám phá những thế giới mới lạ trong những cuốn sách khác, Alice’s Adventures vẫn là cuốn sách mà tôi luôn tìm về, và cứ mỗi lần như thế, được theo chân Alice trong cuộc hành trình xuống hang thỏ luôn khiến tôi ngập tràn trong niềm vui và sự tò mò.
Mỗi lần đọc lại cuốn sách, tôi luôn nhận ra điều gì đó thú vị và mới lạ khiến tôi tự hỏi rằng - điều gì đã khiến cuốn sách này trường tồn và thu hút một độc giả trưởng thành như tôi?
Lần đầu tiên được xuất bản năm 1865, Alice Ở Xứ Sở Diệu Kỳ là câu chuyện kể về một cô gái chán nản nhưng hồn nhiên và tươi sáng. Cuốn sách thuật lại cuộc phiêu lưu của Alice khi cô rơi xuống hang thỏ và bước chân vào một thế giới kỳ ảo với chú mèo luôn nhoẻn miệng cười, thợ làm mũ điên khùng và những lá bài tự phụ. Câu chuyện của Carroll đã phá vỡ mọi logic, thu hút hàng thế hệ độc giả trẻ em cũng như người lớn, thả tự do cho trí tưởng tượng trong một thế giới “mỗi lúc một kỳ thú hơn” qua từng trang sách. Cuốn sách chưa bao giờ ngừng xuất bản trong suốt hơn 150 năm qua và đã được dịch ra hơn 176 ngôn ngữ.
Trước nửa sau của thế kỷ 19, những cuốn sách dành cho trẻ em có xu hướng tập trung vào những giá trị đạo đức trong một xã hội tương đối khắt khe. Tuy nhiên, Alice Ở Xứ Sở Diệu Kỳ đã phá vỡ những quy tắc theo một cách chưa từng có tiền lệ, đó là một cuốn sách hư cấu “vô tiền khoáng hậu” - ngớ ngẩn nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Điều này đã được nhắc đến trong lời giới thiệu trong dịp tái bản lần thứ 150 của cuốn sách bởi tác giả Philip Pullman: “Có ý kiến cho rằng những tác phẩm về Alice của Lewis Carroll là hình mẫu cho văn học thiếu nhi sau này, và tôi có lẽ tôi phải đồng tình với điều đó. Từ trước 1865 đã có những cuốn sách dành cho thiếu nhi, nhưng phần lớn đều hướng đến một bài học đạo đức nào đó. Trẻ ngoan thì làm như thế này; trẻ hư thì làm như thế kia, rồi chúng sẽ bị phạt vì hành động đó và được uốn nắn lại. Nhưng trong Alice, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một đứa trẻ bước chân vào một câu chuyện với một mục đích duy nhất là niềm vui thuần túy. Cả trẻ em lẫn người lớn ngay lập tức yêu thích câu chuyện, và họ vẫn luôn như thế. Ngày nay, câu chuyện vẫn giữ được sự mới mẻ, tài tình và hài hước như 150 năm về trước.”
Và đúng là vậy. Với tôi, mỗi cuộc hành trình cùng Alice đều có sự khác biệt rất lớn so với lần trước đó. Khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra câu chuyện cũng đang lớn lên cùng tôi. Tôi khám phá ra những góc nhìn mới từ những nhân vật thân quen đáng mến. Lời văn của cuốn sách đã chiếm trọn sự chú ý, và cái thế giới ngớ ngẩn trong đó đã thu hút trí tưởng tượng này. Quan trọng hơn cả, đó chính là tính ngụ ngôn đã khiến tôi không ngừng đọc lại cuốn sách, bởi tôi biết chắc rằng lần này mình sẽ lại khám phá ra một tầng nghĩa mới.
Với Alice, Carroll đã cho tôi (cũng như hàng triệu cô gái khác) một hình tượng về một nữ anh hùng tươi sáng, hiếu kỳ và dũng cảm nói lên suy nghĩ của mình dù có phải đối diện với quyền lực.
“Không, không được!” Nữ Hoàng nói. “Hình phạt trước - phán quyết sau.”
“Thật ngớ ngẩn!” Alice lớn tiếng. “Làm gì có chuyện đưa ra hình phạt trước!”
“Câm miệng!” Nữ Hoàng hét lên, gương mặt tím lại.
“Không!” Alice nói.
Hãy suy nghĩ về phân cảnh này và biểu tượng về quyền lực chính trị ở đây. Alice, một đứa trẻ, đang đối mặt với Nữ Hoàng Quân Cơ, người thống trị Wonderland. Đây là nhân vật mà Alice phải đấu tranh chống lại để giải mã mảnh ghép bí ẩn của Wonderland. Nói cách khác, Nữ hoàng Quân Cơ đã phản ánh mâu thuẫn bên trong nội tâm của Alice. Không giống như những nhân vật khác, Nữ hoàng bị ám ảnh bởi những luật lệ và hình thức xử tử hà khắc hơn là sự ngớ ngẩn và thiếu logic. “Chặt đầu nó đi” thật ra chỉ là một lời hù dọa. Và dù Alice cũng phải e sợ Nữ hoàng, điều đó không ngăn cô dũng cảm lên tiếng trước một sự việc bất công. Nghĩ đến một thế giới nơi mà những người phụ nữ của biết bao thế hệ luôn được bảo rằng hãy khiêm tốn, giữ im lặng và đừng thắc mắc quá nhiều, thì đây là một bài học quý giá dành cho mọi lứa tuổi.
Qua các cuộc phiêu lưu, Alice luôn nỗ lực hết mình để sử dụng tư duy phán đoán vững vàng và bảo vệ bản thân, dù đó là khi ngụp lặn trong bể nước mắt, tranh cãi với những con vật biết nói hay chơi croquet với chim hồng hạc và những chú nhím. Nữ nhân vật chính của Carroll đã thể hiện sự logic của mình trong những tình huống hoang đường và hoàn toàn bất bình thường, chính điều đó khiến cô trở thành một nhân vật đáng học hỏi và ngưỡng mộ.
“Cô đã không quên bài học từ lần trước, nếu bạn uống một lọ gắn mác “thuốc độc” quá nhiều, gần như có thể chắc chắn rằng nó sẽ đi ngược lại những gì bạn kỳ vọng, dù sớm hay muộn. Tuy nhiên, chiếc lọ này KHÔNG được đánh dấu “thuốc độc”, vì vậy Alice đã liều mình nếm thử nó, và nhận ra nó rất ngon… chỉ một lúc cô đã uống hết.”
Thực tế, bằng cách tạo ra một nhân vật trong một trang phục cổ điển truyền thống cầu kỳ nhưng lại vô cùng phức tạp và dũng cảm, Carroll đã khéo léo giúp người đọc nhận thấy rằng Alice là nhân vật duy nhất tỉnh táo trong suốt cuốn sách, dù cô đã rơi vào một thế giới bị đảo ngược và vô cùng hỗn loạn. Đúng vậy, cô không ngừng trò chuyện với bản thân hết lần này đến lần khác, bất ngờ trước sự thay đổi kích thước của chính mình (điều mà một người bình thường không thể nào làm!), dẫu vậy cô gái trẻ này vẫn có thể an toàn đối diện với những kẻ gặp mặt hoàn toàn xa lạ và tương đối trưởng thành mà không hề đánh mất bản tính trung thực và sự tò mò của mình. Alice đã rất dũng cảm để lớn lên - một bài học mà tất cả chúng ta đều cần trong cuộc sống.
Thật ra, tác giả Amanda Craig tin rằng những nỗ lực không ngừng của Alice trong việc giải mã những quy luật kỳ dị, phi luân lý, và đi ngược lại với tự nhiên ở Wonderland sẽ có sự liên hệ với bất kỳ ai từng cảm thấy lạc lõng, bối rối, sợ hãi và chán nản. Cuối cùng, Alice là biểu tượng của chính chúng ta về việc làm thế nào để giữ vững lý trí trong một thế giới điên rồ.
Trong suốt 15 năm qua, việc đọc lại sách với tôi vẫn luôn là một trải nghiệm khá thú vị. Thật kỳ diệu làm sao khi một cuốn sách vốn được dành cho trẻ em lại có thể cuốn hút cả những người trưởng thành qua biết bao thế hệ. Với tôi, cuốn sách đã đi qua rào cản của thời gian bởi mỗi lần đọc là sự khám phá về một tầng nghĩa mới, chiều sâu mới, và chủ đề mới. Tôi không tranh luận về việc phân loại tác phẩm kinh điển là loại sách dành cho trẻ em như thế này, nhưng tôi không thể phớt lờ tính liên hệ chặt chẽ của nó với cả những người trưởng thành.
Hãy nghĩ về thế giới của Wonderland. Bề ngoài, nó giống như một thiên đường của những trò chơi chữ, nghịch lý và thuyết hình nhân. Nhưng sâu bên trong, nó lại khắc họa một cách chân thân thật nhất tuổi thơ và giai đoạn trưởng thành của một con người. Hãy thử lấy ví dụ qua câu hỏi kinh điển này - “Tôi là ai trong thế giới này? Ôi, đó thật là một bí ẩn lớn!”
Chẳng phải đó là điều mà chúng ta luôn trăn trở hay sao? Câu hỏi ta là ai là một mảnh ghép không ngừng thay đổi hình thù của nó, và ta vẫn suy tư về nó trong suốt quá trình trưởng thành. Và Alice đã tự đặt ra câu hỏi này cho mình trong nửa đầu tiên của cuốn sách, ngay sau khi lớn lên với kích thước khổng lồ. Khoảnh khắc ấy, Alice nhận ra rằng nhiệm vụ của cô không chỉ là định nghĩa xứ sở diệu kỳ, mà còn là hiểu được chính mình trong thế giới ấy - một thế giới luôn thay đổi và thách thức niềm tin cũng như nhận thức về bản ngã của cô. Cô nhận ra tính thiết yếu của việc thích nghi để sống sót trong một thế giới đầy rẫy những quy tắc khác xa so với những gì cô đã biết - “Quay lại ngày hôm qua liệu có ý nghĩa gì, bởi khi ấy tôi đã là một con người khác.”
Giả định rằng Wonderland là một phiên bản mở rộng từ trí tưởng tượng của Alice, thế giới ấy đã giải thích bản năng tự nhiên của câu chuyện. Kết quả là, nó đã chỉ ra bản năng tự nhiên của chính con người Alice. Chúng ta cùng cô ấy gặp gỡ nhiều nhân vật khác nhau khi cô cố gắng hiểu được những trải nghiệm của mình trong mối tương quan với chính cô và thế giới cô từng biết. Thế giới ngớ ngẩn của Wonderland vốn muốn giúp Alice hiểu được những động lực và cảm xúc làm nên con người cô, và cuối cùng, chỉ cho đến khi Alice quyết định về việc mình là ai và những giá trị mà mình đại diện, cô mới có thể thoát khỏi thế giới hoang đường mà cô đã rơi vào.
Sự điêu luyện trong bút pháp châm biếm, ý nhị và tài chơi chữ của Carroll sẽ được thấu hiểu một cách sâu sắc hơn với lớp độc giả đã trưởng thành ở một mức độ nào đó, và qua thời gian, tôi lại càng ngưỡng mộ tài năng của tác giả nhiều hơn. Alice đã dạy cho tôi bài học học về quyền lực của những giấc mơ, sức mạnh của trí tưởng tượng, để đặt câu hỏi trước những điều lạ lẫm và biết chấp nhận những thứ kỳ dị. Cô ấy đã dạy tôi rằng việc thả mình trong sự điên rồ là không hề sai trái, bởi “những người xuất sắc nhất vẫn luôn như vậy mà”. Cô đã dạy tôi cách khám phá ra những điều chưa thể biết và đứng lên cho những gì mình tin tưởng. Và hơn hết, Alice đã dạy tôi rằng mỗi chuyến phiêu lưu đều là một hành trình phi thường, chỉ cần bạn luôn mang trong mình một tâm trí hiếu kỳ và một trái tim rộng mở.
Trịnh Tố Uyên | Theo thecuriousreader.in
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Câu chuyện tôn giáo: Lịch sử - Vẻ đẹp - Bóng tối và Tương lai