Admin Lê Duy Nam của Book Hunter: Mong muốn xây dựng văn hóa kiến tạo
Admin Lê Duy Nam của Book Hunter: Mong muốn xây dựng văn hóa kiến tạo
Trong quý 1 năm 2019, Book Hunter đã cho ra mắt Tủ sách Kiến tạo và lựa chọn cuốn sách “Chiến thắng của đô thị: Thịnh vượng, thông minh, xanh, lành mạnh, hạnh phúc” của Edward Glaeser là sản phẩm đầu tiên. Cuốn sách là một trong các tác phẩm quan trọng của học giả Edward Glaeser bàn về chính sách phát triển đô thị hiện đại dưới góc nhìn kinh tế học.

Trạm Đọc có cuộc trò chuyện với Lê Duy Nam, admin của Book Hunter, và cũng là trưởng nhóm dịch cuốn sách “Chiến thắng của đô thị: Thịnh vượng, thông minh, xanh, lành mạnh, hạnh phúc”.

Chào Lê Duy Nam, vừa qua cuốn sách “Chiến thắng của đô thị: Thịnh vượng, thông minh, xanh, lành mạnh, hạnh phúc” đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà báo quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị. Rất mong anh cho biết thêm về quá trình chọn lựa cuốn sách đầu tiên trong “Tủ sách kiến tạo”?

Book Hunter bắt gặp cuốn sách “Chiến thắng của đô thị: Thịnh vượng, thông minh, xanh, lành mạnh, hạnh phúc” của Edward Glaeser vào khoảng thời gian năm 2012, khi đó Book Hunter vẫn là một nhóm kín với rất ít thành viên. Tôi còn nhớ lúc ấy Book Hunter thường thảo luận về nhiều chủ đề như tôn giáo, chủ nghĩa tiêu dùng, chính trị, triết học, Internet đã kiểm soát tâm trí chúng ta ra sao… và trong số ấy có một chủ đề khá đặc biệt, đó là: các nền văn minh là trỗi dậy và biến mất như thế nào. Cuốn sách tuy không quá gần gũi với chủ đề này, nhưng khi nhà văn Hà Thủy Nguyên tìm kiếm liên quan đến chủ đề thì lại tìm đến cuốn sách này. Đến khi chúng tôi đọc nội dung của cuốn sách thì mới nhận ra tại sao lại có sự liên quan này.

Cuốn sách đề cập đến các đô thị hiện đại đã thành công và thất bại như thế nào, cũng giống như các nền văn minh cổ vậy. Các đô thị thành công nhờ chính sách phát triển nhân tài, kích thích giao lưu và giao thông, thông minh trong xử lý các khủng hoảng đô thị,… và các nền văn minh cũng thành công theo cách đó. Các đô thị trong dòng lịch sử không phải chỉ là nơi định cư của một số đông dân chúng mà còn là nơi những nền văn minh rực rỡ được kiến tạo. Tuy nhiên, tại sao có những đô thị không có được sự rực rỡ ấy, và tại sao nhiều nền văn minh lại lụi tàn? Thông qua các tiểu luận khảo cứu tại các đô thị hiện đại của Edward Glaeser chúng ta có thể hiểu được một lý do quan trọng dẫn đến cả sự rực rỡ và lụi tàn: đó là vấn đề chính sách phát triển.

Do đó, để mở đầu cho “Tủ sách kiến tạo”, Book Hunter đã quyết định chọn dịch cuốn sách này. Cuốn sách vừa ghi dấu những ngày đầu thành lập nhóm, lại vừa chạm vào vấn đề cấp thiết cho xã hội hiện nay. Trong thời gian gần đây, rất nhiều câu hỏi trong quy hoạch và quản lý đô thị được đặt ra như: làm thế nào để xử lý ô nhiễm môi trường, thế nào là đô thị xanh, làm sao để cân đối giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị… Cuốn sách mở ra cho chúng ta một cái nhìn mới, đó là quy hoạch đô thị không quan trọng bằng chính sách phát triển đô thị và chính sách ấy phải lấy người dân là trọng tâm, kết hợp với các tính toán tối ưu về các thiệt hại tài chính. Tác giả Edward Glaeser đã khảo sát và phân tích các vấn đề quan trọng của đô thị qua một loạt những trường hợp đô thị hiện đại đã thành công và thất bại ra sao.

Tôi thấy cuốn sách được dịch bởi một nhóm các bạn trẻ. Liệu nhiều người cùng dịch một cuốn sách có ảnh hưởng đến chất lượng của sách hay không?

Đây là một cuốn sách không quá khó dịch nhưng có nhiều thuật ngữ chuyên môn, những bạn trẻ trong đội ngũ của Book Hunter cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình dịch sách. Nhưng chúng tôi chấp nhận mạo hiểm bởi vì quá trình dịch với Book Hunter không phải là một quá trình cố gắng hoàn thành sản phẩm mà là quá trình học hỏi. Những phần nào chúng tôi cảm thấy khó hiểu thì chúng tôi sẽ tra cứu thêm cho đến khi hiểu. Việc này khiến cho tiến độ dịch chậm. Đương nhiên chúng tôi cũng không thể tránh được sai lầm trong khi dịch, và rất mong độc giả có thể góp ý để những lần tái bản sau hoặc những cuốn sách sau chúng tôi có thể hoàn thành tốt hơn.

Có nhiều người cho rằng tại sao chúng tôi không có chuyên môn về quy hoạch đô thị hay nghiên cứu chính sách mà lại “liều mạng” dịch cuốn sách này. Thú thực là từ khi thành lập tới nay, Book Hunter chỉ muốn đóng vai trò review sách. Chúng tôi đã chia sẻ giới thiệu cuốn sách này nhiều lần trên Book Hunter nhưng không nhận được nhiều sự quan tâm, và đợi nhiều năm cũng chưa thấy đơn vị xuất bản hay dịch giả nào dịch cuốn sách này. Do đó, chúng tôi quyết định là sẽ tự tổ chức bản thảo và phát hành ngay trên hệ thống fanpage và website của Book Hunter.

Những bạn tham gia dịch “Chiến thắng của đô thị” đều rất trẻ, lần đầu dịch sách, và mỗi người lại có một thói quen dùng từ khác nhau, vậy nên quá trình hiệu đính cũng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, không sao cả, miễn là mọi người trong nhóm đều học được những gì cuốn sách truyền tải. Sau đó, chúng tôi còn dịch thêm series Crash Course của Edward Glaeser về Kinh tế học đô thị với mong muốn những ai quan tâm đến sách hiểu thêm về lý thuyết mà Edward Glaeser sử dụng trong cuốn sách.

Để mở đầu cho “Tủ sách kiến tạo”, Book Hunter đã quyết định chọn dịch cuốn sách này. Cuốn sách vừa ghi dấu những ngày đầu thành lập nhóm, lại vừa chạm vào vấn đề cấp thiết cho xã hội hiện nay

Như vậy có thể nói rằng Book Hunter dịch thuật với tinh thần học tập không?

Có thể nói là như vậy! Mỗi dịch giả đều có một triết lý dịch riêng biệt, còn đối với mỗi thành viên của Book Hunter chúng tôi coi trọng việc học tập thông qua dịch thuật hơn. Khi đọc sách ngoại văn, chúng ta rất dễ dàng bỏ qua các chi tiết, nhưng dịch thuật bắt buộc chúng ta phải hiểu cuốn sách kỹ hơn. Bằng việc dịch một cuốn sách, một người có thể học được nhiều hơn việc đọc lướt nhiều cuốn sách: không chỉ là kiến thức, mà còn là khả năng xử lý ngôn từ, phân tích và tra cứu thông tin, và… cả sự kiên nhẫn.

Vậy đó có phải là mục đích của Tủ sách Kiến Tạo?

Tủ sách Kiến Tạo là một ý tưởng Book Hunter đã ấp ủ từ năm 2016, nhưng phải 3 năm sau chúng tôi mới thực hiện được. Trong nhiều lần họp nhóm, chúng tôi đã bàn với nhau, rốt cuộc chúng tôi muốn “kiến tạo” cái gì? Thế rồi chúng tôi quay lại với một trong những chủ đề mà Book Hunter thường thảo luận trong những ngày đầu thành lập: một nền văn minh được kiến tạo như thế nào? Do đó, Tủ sách Kiến Tạo sẽ tập hợp nhiều cuốn sách nghiên cứu và phê bình cách một quốc gia đã tạo dựng và thiết lập nền văn mình: từ quy hoạch đô thị, phát triển nông nghiệp, tạo dựng cái đẹp, xử lý các mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền… Chúng tôi hi vọng rằng, với Tủ sách Kiến Tạo, Book Hunter đóng góp phần nào xây dựng văn hóa kiến tạo ở Việt Nam hiện nay.

Gắn bó với những cuốn sách như vậy có phải là một cuộc mạo hiểm?

Thực ra đã bước chân vào hoạt động tri thức thì ai cũng mạo hiểm, và nếu không mạo hiểm thì chúng ta không thể có được sự hiểu biết. Từ ngày tham gia vào Book Hunter thì tôi đã biết rằng mình phải bỏ qua những cơ hội khác, sẽ không dễ dàng có một công ăn việc làm ổn định với mức lương cao và hưởng thụ một cuộc sống sung túc. Không phải tôi chưa từng nghĩ đến việc thỏa hiệp bằng việc  biến Book  Hunter thành hoạt động “tay trái”, nhưng một khi bạn càng dấn sâu vào con đường tri thức, càng thấy nó lôi cuốn và bắt đầu phải lựa chọn. Tôi chọn mạo hiểm thay vì an toàn, bởi vì trong quá trình mạo hiểm ấy, tôi có thể khám phá bản thân mình.

Book Hunter có một vị thế không thuận lợi trong hoạt động tri thức: chúng tôi hoạt động độc lập theo đúng nghĩa đen của từ “độc lập”, nên buộc phải tự học, tự túc tài chính, tự thể hiện bản thân mình mà không có bất cứ sự nâng đỡ nào. Nhưng ở Book Hunter, chúng tôi luôn được thử thách liên tục và nhanh chóng trưởng thành qua các thử thách ấy. Và quan trọng hơn, chúng tôi được tự do là chính mình và đeo đuổi con đường mình chọn.

Cảm ơn Nam rất nhiều! Chúc Book Hunter và Tủ sách Kiến Tạo gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.

Sơn Tùng thực hiện

Tags: