Tôn giáo đã tồn tại từ rất lâu, có lẽ là hàng nghìn năm, khi tôn giáo vẫn được gói gọn trong hình thức cúng tế, khi con người xem các biểu tượng của thiên nhiên, động vật là vị thần của mình. Suy nghĩ, niềm tin về sự tồn tại của một thế lực siêu nhiên nào đó có thể thực hiện những điều mà phàm nhân không thể đã bám sâu vào trong tư duy của con người: chúng ta luôn cần một điểm tựa tinh thần.
Và thế là những tôn giáo trật tự, quy củ và thống nhất hơn đã ra đời. Holloway đã cho độc giả một cái nhìn khái quát về các tôn giáo lớn nhỏ trên thế giới, từ Hindu giáo, cho đến tôn giáo kỳ lạ và khắc nghiệt như Kỳ-na giáo, Sikh giáo, Phật giáo, và đặc biệt là nhóm Thiên Chúa giáo. Một cái ngoảnh đầu để nhìn lại chặng đường lịch sử của vùng trời tôn giáo rộng lớn không chỉ cho ta thấy được vẻ đẹp của nó, mà còn là những nỗi đau nó đã gây ra và cả dự đoán về tương lai của tôn giáo.
Bất kể tôn giáo nào cũng đều ra đời với một sứ mệnh nguyên thủy nhằm hướng con người đến với cái chân - thiện - mỹ. Mỗi tôn giáo đều có cuốn Kinh của riêng mình, nhưng chung quy lại, nó đều dạy con người về tình yêu thương, lòng từ bi, hạnh phúc, lên án điều xấu và khuyến khích điều thiện.
Tôn giáo phản ánh thế giới tinh thần của con người. Và chắc chắn rằng đó là một thế giới vô cùng sinh động và phong phú. Có lẽ, việc tin vào Thượng Đế chẳng phải là dấu hiệu của một kẻ yếu đuối, mà đó là biểu hiện về sức mạnh - sức mạnh của niềm tin - niềm tin về những điều tốt đẹp vượt ra khỏi khả năng nhận thức của con người, và khao khát được trở nên tốt đẹp hơn.
Chính nhờ những điều đó, tôn giáo đã cho con người một thứ mà có lẽ không một điều gì khác trên đời này có thể làm được, một thứ dường như tôn giáo đã nắm độc quyền với sự tồn tại của con người - một điểm tựa tinh thần vững chắc. Chính nhờ lời kêu gọi của Thượng Đế, những người nô lệ ở Ai Cập đã đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và rồi, một tôn giáo tuyệt vời đã ra đời, Do Thái Giáo. Thật kỳ diệu, nhờ có tôn giáo, con người có thể dũng cảm vượt qua mọi chướng ngại để đến với chốn Thiên Đàng; hay suy ngẫm về mọi sự đau khổ trong cuộc sống và nhận ra rằng trên đời này vẫn còn có cõi Niết Bàn làm cứu cánh của kiếp nhân sinh.
Kinh Thánh không cung cấp cho ta thông tin về cách thế giới vận hành, hay tất cả chân lý, sự thật trên đời này, điều Kinh Thánh cho ta chính là bài học đằng sau những bài học mang ý nghĩa biểu tượng ấy. Vậy nên, ta không thể (và cũng không nên) tranh cãi một giáo lý nào đó là đúng hay sai, mà hãy tự hỏi rằng nó có ý nghĩa gì. Nhưng nếu mọi thứ xảy ra theo chiều ngược lại, khi con người cố chấp xem tôn giáo của mình là sự thật, là chân lý toàn diện, là cao quý mà bài xích, loại bỏ những tôn giáo khác, xung đột tất yếu sẽ xảy ra.
Có lẽ đã có rất nhiều giai đoạn trong lịch sử, con người không thực sự hiểu Chúa, họ chỉ hiểu Chúa theo cách của mình, và rồi áp đặt người khác tin theo điều đó. Thế rồi, mâu thuẫn xảy ra, mỗi người đều có vị Chúa của riêng mình. Họ dùng bạo lực, đàn áp lẫn nhau vì cho rằng điều gì đó là thiếu trong sạch, là méo mó với ý nguyện của của Chúa - một phương thức vô cùng sai lệch về bài học về lòng yêu thương, bao dung, tình đoàn kết mà Chúa đã gửi gắm từ rất lâu.
Rồi khi tôn giáo trở thành một công cụ quyền lực, một phương tiện chính trị để cả những Giáo Hoàng cao quý hay Đức Vua đáng kính thao túng, lợi dụng đức tin của người dân nhằm chiếm đoạt lợi ích cá nhân. Chỉ cần họ là những người có tiếng nói, bất kể điều gì cũng có thể “nhân danh Chúa” để che dấu cho mục đích xấu xa của mình. Và tôn giáo có thẩm quyền mạnh mẽ đến mức có thể phán quyết điều gì đó là “đúng” hay “sai” mà không cần bất kỳ một lý lẽ nào.
Thật đáng ngạc nhiên vì đôi khi nghiên cứu về lịch sử của tôn giáo lại cũng chính là (phần nào đó) nghiên cứu về lịch sử đấu tranh, đàn áp, chia rẽ của nó. Vậy là con người đã làm sai lời dạy của Thượng Đế bấy lâu nay mà không hề hay biết?
Tôn giáo đã từng là một trụ cột trong đời sống chính trị và xã hội, Giáo Hoàng cũng từ có vị thế chẳng kém gì Vua Chúa, nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tôn giáo đã mất dần đi ánh hào quang của nó và lùi lại phía sau cánh gà. Nguyên dân là do đâu? Chính là sự phát triển của khoa học.
Kinh Thánh bảo rằng Trái Đất có hơn 6000 năm tuổi, nhưng khoa học đã chứng minh hành tinh xanh của chúng ta có tuổi thọ tới hơn 4,5 tỷ năm. Thuyết nhật tâm của Copernic và Galilee đã vạch trần sự ngộ nhận của loài người về vị trí trung tâm của Trái Đất trong hệ mặt trời. Và cứ thế, các tiến bộ khoa học đã khiến Kinh Thánh mất đi uy tín và tính “xác thực” của mình. Con người không thể dùng Kinh Thánh để làm kim chỉ nam nếu muốn khám phá tri thức mới, bởi nó không thể cung cấp cho ta kiến thức về các hệ thống, về cách mà thế giới vận hành; tôn giáo không giải thích, nó chỉ cho ta niềm tin. Vậy là tôn giáo buộc phải lui về với tư cách là một giá trị tinh thần và nhường lại sân khấu cho khoa học.
Giờ đây, niềm tin tôn giáo đã có cái nhìn “nhân đạo”, mềm dẻo và thực tế hơn. Loài người đang dần chấp nhận rằng ai cũng có Đấng Tối Cao của riêng mình, và họ học cách đón nhận vị Chúa của nhau. Và trên đời này cũng có những điều ta có thể thấu hiểu bằng tri giác mà không cần đến lời răn của Chúa; làm điều thiện là việc tốt, yêu thương là việc tốt, bằng tự tánh, ta có thể hiểu rõ điều đó mà không cần ai phải chỉ bảo. Sống thuận theo ý chí của mình là điều rất quan trọng, dù niềm tin là một điều đẹp đẽ, nhưng niềm tin mù quáng sẽ khiến ta mù lòa trước chân lý.
Trong khi khoa học ngày càng phát triển, ta cũng bắt đầu hoài nghi một ngày nào đó khi ánh sáng của tôn giáo ngày càng phai nhòa, liệu cuối cùng nó có biến mất hay không? Thật khó để trả lời. Đúng là khoa học có thể khám phá ra nhiều sự thật, chân lý về thế giới này, nhưng đôi khi, sự thật khoa học không thể thỏa mãn được những nhu cầu tinh thần phức tạp, tinh vi của ta - những điều không thể thấy và chạm, những điều vượt ra khỏi tầm nhận thức của con người.
Trịnh Tố Uyên
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Vai trò của tôn giáo đối với mong muốn hạnh phúc của con người
Triết lý kinh doanh dài hơi: Muốn tồn tại phải đi theo con đường của Tôn giáo