Có những nhóm thì vừa lên xe đã hát đồng ca, hân hoan như thế giới đại đồng, bốn biển là anh em. Xe đi thì như thế. Mấy ngày sau, trên chuyến xe trở về thì không ai nói gì với ai, cả xe lặng phắc lạnh tanh như nấm mồ di động.
Thì đã nói đường đi bao giờ cũng rất dài và rất xa. Hôm nay hân hoan cởi mở thì phải nghĩ đến ngày mai có còn hân hoan cởi mở được nữa hay không.
Bây giờ tôi kể một chuyện đường dài giữa một chuyến đi và một chuyến về như vậy.
Chuyến ấy ba đứa chúng tôi đi tàu hỏa từ thủ đô New Delhi xuống thành phố Hyderabad ở miền Nam. Gần 1.600 cây số, tàu đi mất hai mươi lăm tiếng. Vừa lên tàu, thằng Paul đã giở mẹo vặt. Theo số giường ghi trên vé thì giường của tôi ở trên cùng, giường của Sergio ở giữa, giường Paul ở dưới cùng. Ai cũng biết cái giường tầng dưới cùng là chán nhất, hành khách hay ngồi nhờ vào đấy.
Cứ theo số giường mà nằm thì yên chuyện. Nhưng cái thằng Paul người xứ Scotland giở thói ranh mãnh. Thằng Sergio người Napoli cũng muốn lấy cái giường trên cao của tôi. Hai thằng đầy tham vọng bèn ậm ờ bảo để bàn nhau một tí xem ai nằm ở đâu. Tình thế ấy, tôi mà đòi trèo lên cái giường cao nhất của mình thì tôi thành đối tượng oán thù của hai đứa kia. Thế là tôi chọn biện pháp trung dung, tôi bảo để tao nằm giường giữa cho. Hai thằng kia liền ra giọng lịch sự như là nhường nhau. Paul bảo mày chọn trước đi. Sergio cũng bảo mày chọn trước đi. Đẩy qua đẩy lại. Rốt cuộc thằng Paul không cố thủ lâu được, nó đành bỏ cuộc: Thôi, tao nằm giường dưới vậy.
Bên đối diện, ba chị em cô Ấn Độ giở đồ ăn ra ăn tối. Họ mời chúng tôi cùng ăn. Sergio nói ngay, cảm ơn, nhưng tôi ăn chay. Ba chị em bảo: Thì chúng tôi cũng ăn chay mà. Paul bóc mẽ: Anh bạn Sergio của tôi đây người Ý, bên Ý bạn ấy ăn thịt, nhưng sang Ấn Độ được một năm bạn ấy đã Ấn Độ hóa thành người ăn chay rồi. Ba chị em cô Ấn Độ được dịp cười vui với cái câu Ấn Độ hóa. Họ cho chúng tôi mỗi đứa hai cái bánh rán puri. Thằng Sergio ghé tai tôi: Người miền Nam tốt thật.
Ở bên Ý, Sergio là người miền Nam. Thành phố Napoli của nó ở phương Nam. Cánh sinh viên quốc tế chúng tôi đã nhiều lần ngồi chuyện trò với nhau trong ký túc xá để đi đến một tổng kết: người phương Bắc ở đâu cũng nhẹ nhàng lịch thiệp tinh tế, người phương Nam ở đâu cũng bộc trực thẳng thắn rộng rãi. Bắc và Nam nước Anh, Bắc và Nam Hàn, Bắc và Nam Ý, vân vân. Nhưng người phương Nam một khi mà keo kiệt thì trình độ keo kiệt phải ở hạng cao thủ, thằng Sergio người Nam Ý là một ví dụ. Để tôi kể tiếp.
Vẫn là chuyện cái giường. Nhà nghỉ ở Hyderabad, căn phòng chúng tôi thuê được ngăn làm đôi, nửa ngoài một giường, nửa trong hai giường. Sang đêm thứ hai, Paul bảo, tao nghĩ là hôm qua tao đã ngủ ở phòng ngoài, phòng ngoài có cái cửa sổ bị hở, muỗi nhiều hơn bụi, tao nghĩ là. Sergio quàng quạc lên: Xem kìa cái gã Scotland miền Bắc, muốn đổi vào phòng trong thì chỉ việc nói toẹt ra, việc gì phải vòng vo tao nghĩ là thế này, tao nghĩ là thế nọ.
Bóc bài nhau ra như vậy, nhưng thằng Sergio cũng không chịu đổi ra phòng ngoài. Tình thế lại dẫn đến chỗ tôi phải tự nguyện ra đổi chỗ cho thằng Paul. Còn lâu hai đứa ấy mới chịu nhường nhau.
***
Xong chuyện giường, bây giờ tôi kể chuyện xe. Đến ga Hyderabad, cùng lúc cả nghìn người đổ ra cửa ga, chúng tôi không sao gặp được người của ban tổ chức ra đón. Quyết định, tự tìm đến nhà nghỉ đã ghi trong giấy mời. Tôi bảo phải đi tắc xi. Hai đứa kia bảo chỉ cần đi bộ, nhà nghỉ đâu đây thôi. Vừa đi vừa hỏi đường. Hỏi đường người Ấn thì chết rồi, không biết đường họ cũng chỉ cứ như là rất thông thạo. Càng đi càng xa nơi đến. Trời nắng chang chang, hai thằng xách va li đến vẹo cả sườn lệch cả vai, thế mà vẫn khăng khăng đi bộ. Tôi đeo ba lô, ba lô cân bằng trên vai, mệt đứt hơi nhưng nhìn hai thằng vẹo sườn thì thầm nghĩ đáng đời.
May cho chúng là cuối cùng cũng đến nơi, nhưng phải trả giá bằng một cuộc vác nặng đi bộ bảy cây số và mất gần ba tiếng giữa trời nắng.
Chuyện ấy lặp lại khi chúng tôi rời Hyderabad đến Madras. Ra đến cửa ga chúng lại quyết định đi xe buýt. Khăng khăng: sách hướng dẫn du lịch nói tuyến xe buýt này rất thuận tiện. Thuận tiện là lúc thường thôi, làm sao thuận tiện được khi một chuyến tàu vừa đến và đổ xuống hàng nghìn người. Tôi lại bảo đi tắc xi. Chúng lại không nghe. Ra đến bến xe thì mới thấy không khác gì một cuộc biểu tình. Người đánh đu cả trên cửa xe. Cứ có chuyến xe lam hay tắc xi nào đến là người ta cướp luôn. Chờ ở bến xe buýt hơn một tiếng, cuối cùng hai thằng kia chấp nhận đi tắc xi. Tôi kéo chúng đi ra xa bến xe một chút rồi tôi chặn được một cái tắc xi. Đúng ra phải nhảy lên ngay thì thằng Sergio cứ thò đầu vào mặc cả với lái xe. Ngay lập tức có người nhảy vào xe cướp mất, cái xe và đi luôn.
Chỉ còn cách giở bản đồ ra rồi tự tìm đường. Xa. Gần chục cây số. Xa cũng phải đi vậy. Hai thằng lại xách hai cái va li đến lệch cả vai thất thểu đi bộ qua những đường phố. Đông đặc xe cộ nhưng không có xe nào dành cho chúng tôi. Không xe nào.
Buổi tối, sau khi ăn tối và đã hơi hoàn hồn, tôi mới bảo nếu lần tới chúng mày định đi bộ
thì bảo trước, tao sẽ tách ra và tự tìm phương tiện để đi, sức khỏe mới là quan trọng, tại sao phải đi hết phố này sang phố khác, hành lý nặng, mất bao nhiêu thời gian, để tiết kiệm mấy chục đồng rupee? Thằng Sergio bảo, nhưng những đứa khác còn có tiền gia đình cho và sứ quán cho, còn tao đây chỉ có mỗi một khoản tiền còm cầm theo. Tôi nghĩ thầm, tao đây thì lấy đâu ra “một khoản tiền còm” như mày. Hồi ấy cán bộ đi công tác nước ngoài được tiêu chuẩn phát cho hai mươi đô la Mỹ gọi là tiền đi đường. Tôi cũng là cán bộ trẻ, nhưng chỉ có hai mươi đô mà cũng không được phát, lý do: tôi có học bổng nước ngoài. Vậy mà cũng dám trèo lên máy bay và đi qua mấy sân bay quá cảnh, khi trong túi không có một xu.
Lấy đâu ra một khoản tiền còm.
***
Bây giờ kể sang chuyện tham quan. Học viện cử ba đứa xuống Hyderabad để tham dự một đêm thơ quốc tế bằng tiếng Hindi. Quốc tế. Bởi vì có những người nước ngoài như chúng tôi sẽ lên đọc thơ bằng tiếng Hindi. Trước đấy, tôi đã lôi ra khoảng chục bài thơ Việt Nam tôi thích mà dịch sang tiếng Hindi và tiếng Anh, in trên tờ nội san của học viện, rồi bây giờ tôi mang lên sân khấu mà đọc trước tiếng reo hò cổ vũ của một khán phòng nghìn người. Xong. Hoàn thành nhiệm vụ với học viện. Những ngày sau chúng tôi lang thang thăm thú mấy thành phố phương Nam.
Đến lúc ra chỗ thuê xe đạp mới lòi ra thằng Paul không biết đi xe đạp. Về sau thằng Tibor người Hung biết chuyện, nó cứ ngơ ngác hỏi tôi, lạ nhỉ, tao tự hỏi không biết đi xe đạp thì lúc bé nó chơi với cái gì. Đấy là thắc mắc về sau, còn lúc cùng đạp xe thăm thú thành phố, tôi cứ nhìn Sergio đèo thằng Paul đi mà tự bảo, chắc thằng Paul lắt léo tinh ranh thế là vì nó không biết đi xe đạp.
Ở ngôi đền Hồi giáo mang tên Mecca, một người đàn ông lảng vảng quanh ba đứa rồi tiến lại nói dăm ba câu giới thiệu ngôi đền. Tôi bảo tôi đã đọc trong sách rồi, còn bây giờ muốn yên lặng đi lại và ngắm nhìn. Tôi tách khỏi hai đứa và tự đi một vòng quanh cái sân thênh thang của ngôi đền Hồi giáo lớn bậc nhất Ấn Độ. Người đàn ông lại đến giới thiệu cho Sergio nhưng nó cũng lảng đi. Rốt cuộc chỉ còn lại một mình Paul. Nó đưa mắt rất nhanh, nhận ra ông kia không đeo thẻ hướng dẫn viên. Nó cũng phán đoán rất nhanh, không phải hướng dẫn viên tức là không đòi tiền thù lao. OK. Thế là nó để cho ông kia nhằng nhẵng đi theo và giới thiệu ra rả
Nói mỏi mồm đến nửa giờ chứ không ít. Rồi ông kia cũng bảo Paul là muốn cho bao nhiêu thì cho. Lúc này Paul mới hiểu rằng không có dịch vụ hướng dẫn miễn phí như nó tưởng bở. Nó vội vàng chạy lại nhập bọn với Sergio và tôi. Giọng nó có vẻ khó xử: Bọn mình cho ông ấy bao nhiêu là vừa? Sergio keo kiệt rất nhạy với chữ “bọn mình”. A, gã Scot tinh ranh muốn cả bọn gánh chung chi phí. Sergio ta ồn ào vung tay: Không đời nào, tao có nghe đâu mà phải trả tiền cho lão.
Ông kia bám theo Paul ra chỗ để xe. Ba đứa nhặt hai cái xe đạp phóng đi. Ông ta cũng lấy một cái xe đạp mà đi theo. Đành phải xuống xe ở một phố mua sắm, lang thang qua những cửa hàng lụa giả vờ nhìn ngó. Chiến thuật trì hoãn đánh lạc hướng. Người Ấn nổi tiếng bởi đức tính kiên nhẫn. Ông kia vẫn lảng vảng gần đấy. Sau rốt, Paul ta không chịu nổi nữa, phải đưa cho ông kia mấy đồng rupee. Phải cắn răng mà đưa. Chuyện tiếu lâm về thói keo kiệt của người Scotland thì cả thế giới đã biết đã cười.
***
Đi du lịch thì không thể không nói chuyện ăn. Nhưng ai coi miếng ăn là chuyện nhạy cảm thì không nên đọc tiếp đoạn này.
Ngồi ăn cùng một bàn nhưng ai ăn món nào tự trả món ấy. Tôi gọi một đĩa mì xào kiểu
Tàu chow mein. Hai đứa kia thì ăn đồ Ấn. Xúp đỗ xanh. Món xào hỗn hợp cà tím súp lơ khoai tây. Bánh mì nướng áp chảo chapati. Ở các quán trước, các món sẻ đôi, riêng bánh mì thì mỗi đứa một đĩa riêng gồm hai cái bánh tròn dẹt, ăn xong chia đôi tiền mà trả. Chia đôi. Quán này thì phục vụ chỉ bê ra một đĩa gồm năm cái bánh. Có thể là người ta đưa thừa một chiếc. Chắc chắn hai đứa đang nhẩm tính rất nhanh trong đầu rằng mỗi đứa ăn hai cái là đúng tiêu chuẩn. Đứa nào ăn thêm cái thừa ra kia thì phải trả thêm tiền.
Hai thằng đánh rất nhanh khẩu phần của mình. Cuối cùng còn lại một cái trên đĩa, giống như khoản bonus phụ trội.
Sergio bảo: Mày ăn đi. Paul đáp lại: Mày ăn đi.
Cả hai không nhìn nhau, không nhìn cái bánh, mà cầm cốc nước lên uống.
Sergio lại bảo: Mày ăn đi.
Lần này cực chẳng đã, Pau đành cầm cái bánh lên. Xé một mảnh, rồi chấm vào bát xúp đỗ xanh gọi là dal. Chấm.
Cứ như là chỉ chờ có thế, Sergio chỉ một ngón tay giao hẹn, mày ăn ba cái đấy nhé. Paul đành bấm bụng chịu chứ biết làm sao. Chấp nhận. Chấp nhận trả tiền cho cái bánh phụ trội.
Tôi chỉ muốn chui đầu vào đâu đấy cho đỡ ngượng. Dưới gầm bàn chẳng hạn.
Nhưng kết cục mới thật là bất ngờ. Năm cái bánh người ta chỉ tính tiền như hai suất, không có khoản phụ trội.
Đấy là kết cục theo kiểu bi kịch đối với Sergio. Và là kết cục có hậu đối với Paul.
Ngày hôm sau chúng tôi trèo mấy trăm bậc lên pháo đài Golkonda trên một ngọn núi. Lúc lên thì không sao. Lúc xuống thì bị ong đốt. Tôi đang đi xuống thì thấy thằng Sergio ở đằng trước bỗng giật lên đùng đùng. Nó vung tay loạn xạ xua đuổi xung quanh đầu. Một cặp phi công trẻ lái máy bay bà già người Âu vừa chạy vừa ré lên: Ong, ong đấy. Tôi nhanh tay rút phắt cái khăn mùi xoa buộc cho kín mặt, chỉ hở đôi mắt. Cùng lúc tôi kéo tay thằng Sergio chạy xuống cho đến khi đàn ong vỡ tổ đã san ra, đuổi theo cả trăm người mà bỏ quên chúng tôi.
Vết ong đốt phản ứng rất nhanh. Môi trên của Sergio sưng vều, quăn tếu lên. Cái môi quăn như miếng phồng tôm ló ra từ chòm râu kiểu ẩn sĩ người Ấn. Đám ngoại quốc đến Ấn Độ thường hào hứng Ấn Độ hóa bằng cách mặc áo dài kiểu Ấn, quấn tấm vải dhoti kiểu Ấn, để râu kiểu Ấn. Sao cái tổ ong bị vỡ kia không đốt tôi và Paul mà chọn thằng Sergio để đốt. Có khi lũ ong cũng dị ứng với kiểu cách bản địa hóa của bọn người nước ngoài.
Môi sưng vều nhưng thói nói nhiều nói to của dân Napoli phương Nam vẫn còn nguyên. Nói và nói. Than thở. Rền rĩ. Nó tự thương thân bằng cách dỗi, không đạp xe nữa mà đi bộ, báo hại thằng Paul không biết đi xe đạp phải tự dắt cái xe về. Buổi tối nó hầm hập sốt. Nhiễm trùng nọc ong thì ít mà cám cảnh thương thân thì nhiều, chắc thế.
Tôi đạp xe ra chợ mua mì sợi, mấy quả trứng, mấy quả cà chua, rau mùi và hành. Mượn nồi của nhà nghỉ và dùng nhờ bếp ga. Nấu một nồi mì nước kiểu Việt Nam. Coi như là nấu cho người ốm. Ba đứa xì xụp ăn. Cái môi sưng vều ăn xúp mì dễ nuốt. Cái môi sưng vều lại còn khen: Mì Việt Nam ngon thật.
Nó khiến tôi nhớ câu nó nói hôm nào trên tàu: Người miền Nam tốt thật.
Sáng hôm sau, vết ong đốt xẹp xuống như không. Cơn sốt cũng biến mất. Chắc là sốt vì sợ hơn là sốt vì bệnh
***
Trên chuyến tàu trở về, ghế của hai thằng áp lưng vào nhau. Paul quay lại để tranh luận với Sergio, bằng cách ấy nó chổng mông vào ba người ngồi đối diện. Cứ thế nó chõ sang ghế Sergio mà hội thảo song phương. Thực ra không phải hội thảo mà là đả kích. Paul khơi mào, rằng ở Ý thằng Sergio có ăn chay đâu mà sang đây đi đâu cũng phải tìm bằng được quán ăn chay. Đấy chỉ là nhõng nhẽo. Đấy chỉ là tự đồng hóa. Nhưng mà bản địa hóa cũng chưa đến nơi đến chốn, lúc hai giờ sáng kết thúc đêm thơ, đi bộ về, Sergio ta mót đái, Paul bảo ra sau gốc cây mà đi theo kiểu Ấn thì không. Cứ õng ẹo ngượng lắm.
Sergio phản kích. Nó nhắc chuyện Paul không biết ngượng là gì. Ba thằng ở chung một phòng. Sáng ra, Paul ta tắm xong thì cứ thế trần truồng đi từ phòng tắm ra giữa nhà, vừa lau người vừa bàn bạc chương trình cho ngày mới. Cứ trần cả ra. Nồng nỗng cả ra. Sergio bĩu môi, tao chỉ nói chuyện với thằng lớn chứ có cần nói với thằng bé đâu. Trong ký túc xá Paul cũng duy trì chủ nghĩa khỏa thân kiểu ấy. Nó cứ thế mà đi lại trong căn phòng chung với thằng Jaime người Colombia. Thằng kia cũng đành phải coi đấy là thường.
Trên tàu mà Sergio còn nhắc lại, tức là nó không coi đấy là thường. Đến một ga xép, Paul thò tay qua cửa sổ mua mấy quả chuối, chìa cho chúng tôi mỗi đứa một quả. Tôi từ chối. Sergio cũng phẩy tay. Paul bảo Sergio: Không ăn à, vẫn giận à, giận dai thế. Sergio ta lặng im.
Cứ thế chúng lặng im khi ngày hôm sau tàu về đến ga. New Delhi đang mưa. Hai thằng lại xách va li vẹo sườn nghiêng ngó định hướng để tìm đường ra bến xe buýt.
Tôi không đi với chúng. Cùng một cái đích về là ký túc xá, nhưng bây giờ ba đứa đã chia ra ba ngả. Tôi nhảy lên một cái xe lam đang chạy trong mưa. Thoáng cái đất trời xung quanh trắng mù, không làm sao thấy được hai thằng kia.
Giữa chúng tôi là cả một trời mưa.
- Trích từ chương “Cách một trời mưa” cuốn sách “Ở lại để chờ nhau” của tác giả Hồ Anh Thái -