"Cây Chuối Non Đi Giày Xanh” - Món Qùa Cho Những Tâm Hồn Không Muốn Lớn
Phải rồi, món quà ấy là thứ vô giá, là chuyến tàu về với tuổi thơ mà ai khi lớn rồi cũng một lần khao khát có lại. Thì đây, đó là Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh đang chờ bạn mở xem

Sách cho những tâm hồn không muốn lớn

Nếu Tô Hoài và Trần Đăng Khoa giữ ấu thơ qua những góc sân và khoảng trời, qua hành trình phiêu lưu đầy kỳ thú mê ly của chàng dế mèn, thì Nguyễn Nhật Ánh lại giữ tuổi thơ qua những khoảng sân trường đầy nắng. Ta thấy ve kêu và cánh phượng bay, và lén ngó mắt biếc ai chơi vơi ngắm trời xanh mơ mộng, và ta thấy nhen lên trong lòng chút bối rối ngô nghê của tuổi bắt đầu biết thương, biết giận.

Cây chuối non đi giày xanh cũng không ngoại lệ, không khác những “Kính Vạn Hoa”, “Bàn có 5 chỗ ngồi”, “Bồ câu không đưa thư” hay “Bảy bước đến mùa hè”… và vô vàn những tác phẩm khác của ông. Nhưng dù biết trước đích đến, ta vẫn không thể ngừng đưa chân lên chuyến tàu tốc hành về tuổi vu vơ này. Bạn đã lên chưa?

Người giữ mộng mơ qua trang giấy

Dù là quyển sách thứ bao nhiêu của Nguyễn Nhật Ánh, gấp sách lại, vẫn thấy lòng mình thì nở hoa và rộn rã, và xanh mướt, và mát mẻ, và xốn xang, và hiền lành như khu vườn mùa hè trở về. Cây chuối non đi giày xanh cũng không ngoại lệ!

Bạn và tôi chắc chắn đều tìm thấy mình trong cậu bé Đăng đa sầu đa cảm, đa những lo lắng vu vơ, đa những giận dỗi vô cớ và cả những ham mê đầy mộng mơ của tuổi trẻ.

Một cô bé Thắm có nước da ngăm ngăm bướng bỉnh, có bím tóc xinh xinh cùng thói quen hỏi “nhiều và dai nhách” như bất cứ cô bé tuổi teen nào. Một cô bé Thắm đáng yêu và diện nguyên cả cây “chuối non” từ nón đền giầy chỉ vì cậu nhóc cô để ý lỡ miệng nói thích màu xanh lá cây. Một cô bé Thắm ngoan ngoãn không dám cãi lời ba nhưng cũng không kém phần quyết liệt khi đòi quyền “được kết hôn với người mình thương”.

Một cậu bé Phan là anh chàng mà ai cũng muốn có một thằng bạn như thế, nghĩ ra đủ trò tai quái, có khả năng “phán bừa” nhiều câu nhưng vẫn khiến bạn bè phục sát đất và nhất là luôn bảo vệ, giúp đỡ bạn bè.

Một chú tiểu Khôi hiền lành, tốt bụng nhưng cương quyết theo cách riêng của mình. Và tất nhiên trong đám bạn không bao giờ thiếu những đứa ba hoa, chuyên quậy phá bằng những trò nghịch dại như thằng Định, thằng Trí.

Và ai chả có những lần suýt chết đuối, những lần trốn học, những lần tắm suối, những lần trèo cây, những lần ham mê cắm đầu ở quán thuê truyện, những lần làm một âm mưu nào đó vì “danh dự của tất cả con trai”, những phi vụ điều tra “đứa nào sẽ làm chồng tương lai của cái Thắm”, cả những lần háo hức rủ nhau đi xem người lớn làm đám cưới…

Những câu chuyện nhỏ nhặt như vậy qua ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh bỗng trở nên sống động như vừa mới hôm qua. Ta như thấy cả khu vườn của ngoại quanh quất đâu đây, thấy nắng xuyên qua những chòm lá xanh, nơi chùm khế chín lắc lư, thấy văng vẳng đâu đây tiếng cười của tụi bạn học chung từ cấp 1. Hình bóng của cô giáo của ta hôm nào ẩn hiện trong những chiều tà nắng xuyên vào tận ngăn bàn.

Thấy những vạt sáng hắt lên từ con suối đang chảy lấp lóa trong nắng chiều hè, thấy thằng bạn xô mình nhảy ùm xuống dòng nước mát lạnh, thấy cả mùi cỏ mật thơm ngai ngái mà nồng nàn lãng đãng trôi theo gió ven suối. Ôi, ta thèm ở mãi trong không gian này đến thế! Ước gì đời người dừng mãi ở tuổi thơ thôi mà không phải lớn lên, mà không phải quay cuồng với cơm áo gạo tiền hôm nay.

Trong một bài viết giới thiệu về cuốn sách Cây chuối non đi giày xanh nhân ngày ra mắt có đoạn hỏi về lý do vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại luôn viết được những tác phẩm về tuổi thơ lôi cuốn người đọc đến vậy. Ông đã trả lời rằng “Có lẽ là vì tôi đã sống rất sâu với tuổi thơ của chính mình”.

Còn chúng ta, dường như tuổi thơ trôi qua tay nhanh như một cái chớp mắt, để rồi tới hôm nay nhớ lại chỉ còn là những miền kỷ niệm đẹp khắc khoải.

Câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh có một cái kết “Happy ending” khi sau tất cả, “cây chuối non” của cậu bé Đăng cuối cùng cũng đã làm hòa với nhau, chú tiểu Khôi thì chọn đi theo con đường của Bụt Như Lai, còn những người khác cũng đều được như ý muốn.

Còn bạn có bao giờ tự hỏi “cây chuối non” năm xưa của bạn giờ ra sao rồi. 

Tác giả: Giang Tạ – Nguồn Văn học 365

Tags: