Phong phú chuyện đời trong tập truyện ngắn
Phong phú chuyện đời trong tập truyện ngắn "Đối tác đến từ phía bên kia"
Tập truyện ngắn "Đối tác đến từ phía bên kia" của tác giả Phan Ngọc Chính mang đến cho độc giả những câu chuyện đời phong phú từ thành phố đến làng quê, từ quá khứ đến hiện tại...

Đến với văn chương ở tuổi 18, nhưng “mối duyên” với nghiệp văn của Phan Ngọc Chính lại đứt đoạn khá sớm khi anh dừng bút sáu năm sau đó. Nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân”, dù xa nghiệp bút mực đã lâu, Phan Ngọc Chính vẫn quay trở lại với tập truyện ngắn Đối tác đến từ bên kia, như một cuộc trả nợ văn chương. Dẫu bận bịu với công tác của người làm quản lý (hiện anh là Giám đốc NXB Tài Chính), nhưng tâm hồn nhạy cảm và khả năng nắm bắt tinh tế những vấn đề thời sự của cuộc sống, Phan Ngọc Chính ghi tên mình trên nhiều báo, tạp chí văn nghệ qua những truyện ngắn đa dạng đề tài nhưng đều hướng tới tính nhân bản, gắn liền đời sống, thời cuộc. 

Qua 10 truyện ngắn được tác giả tuyển lựa, Đối tác đến từ bên kia mang đến cho độc giả những trải nghiệm khác nhau về bối cảnh, nhân vật cùng cốt truyện được nhà văn trải lòng qua con chữ. Có thể bắt gặp khung cảnh làng quê với những căn cốt vốn có về nếp sống, con người bao đời như sự tự tôn dòng họ, tục mua bán ngôi thứ trong Trưởng thôn làng Lềnh, thói ỷ mạnh hiếp yếu trong Cổ tích của làng; hoặc quen thuộc đâu đó lề lối hiện đại qua cuộc chiến thương trường, tranh chấp quyền lực ở Nhân tài về quê, Giấc mơ cuối ngày

Nếu để ý, ta sẽ bắt gặp ở đó những mẫu số chung số phận con người qua từng mảnh ghép trên chuyến tàu thời gian. Cần (Nhân tài về quê), Phương, Anna Thùy Dương (Phồn Chim) đại diện cho giới trẻ vươn lên, có lối sống hiện đại cùng sự nhiệt huyết; thầy Lý (Di nguyện), Sơn (Đối tác đến từ bên kia) bước ra từ cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc, trở về với cuộc sống đời thường nhưng nơi họ, vẫn còn đó chất lính hào sảng, cương nghị và tinh thần dân tộc đậm sâu. Thật nhiều cảm xúc khi trong truyện ngắn Đối tác đến từ bên kia, tinh thần dân tộc của Sơn không chỉ thể hiện ở thời quá khứ nơi cuộc chiến tranh vệ quốc 1979 “đem đại nghĩa để thắng hung tàn/lấy chí nhân để thay cường bạo”, mà còn tiếp nối trong hiện tại khi yêu cầu sự rõ ràng, minh bạch trong làm ăn xuyên quốc gia, bảo vệ thương hiệu sản phẩm của quê hương. 

Tập truyện ngắn chuyển tải đề tài khá đa dạng; từ nếp sinh hoạt làng quê, luật bất thành văn của làng, dòng họ trong Đồng Xa khắc gợiTrưởng thôn làng Lềnh, cho đến cạm bẫy của cuộc chiến quyền lực mà ở đó những cám dỗ tiền bạc, nhan sắc và chức vị có thể khiến con người sa ngã nếu không có cái đầu lạnh trong Giấc mơ cuối ngày, Hẹn ngày trở lại. Những doanh nhân, ông lớn hay ai đó xông pha nơi thương trường, đam mê với tiền bạc, quyền lực và bao cám dỗ đời thường, khi lướt qua những nội dung của Nhân tài về quê, Hẹn ngày trở lại… có thể sẽ giật mình, toát mồ hôi và nhìn lại mình, xét đúng sai khi những lợi ích vật chất to lớn thu được, là sự đánh đổi hạnh phúc, tài nguyên, văn hóa… và bao thứ tài sản vô hình, hữu hình khác. Là truyện đấy, nhưng truyện cũng là đời, là hồi còi, là tiếng chuông cảnh báo những lỡ bước, sai lầm. 

Sự tiếp nối của quá khứ, hiện tại cũng là sợi dây liên kết, giữ hồn nhân vật được tác giả chăm chút trong Mầm xưa, Cổ tích của làng. Và phải chăng, đó cũng là ẩn ý của nhà văn khi muốn truyền tải đến độc giả thông điệp, sống với hiện tại nhưng đừng bỏ quên quá khứ; thành quả của ngày hôm nay có gốc nền từ những gì đã qua của những xưa cũ mà ở đó, có những mất mát, hy sinh. 

Đọng lại sau khi gấp trang cuối Đối tác đến từ bên kia, đa phần là những cái kết viên mãn, có hậu; và cũng có truyện, là cái kết mở để độc giả tự trôi theo dòng cảm xúc với những suy đoán, liên tưởng. Nhưng cao hơn hết thảy, là tính nhân văn trong tác phẩm, được truyền tải bởi ngòi bút Phan Ngọc Chính.  

 

Theo Nxb Tổng họp TPHCM

Tags: