Tên tuổi của nhà văn Thạch Lam đã từng một thời thăng hoa cùng Tự lực văn đoàn, thổi vào nền văn chương nước nhà những làn gió mát của những tư tưởng mới tiến bộ, không chỉ làm thay đổi góc nhìn của con người lúc bấy giờ, mà còn làm vang mãi những âm hưởng ấy đến tận ngày hôm nay.
Vì sao tập truyện ngắn bắt đầu bằng nắng trong vườn? Khu vườn, xưa nay vẫn vậy – là nơi mộc mạc nhất, bình yên vô cùng, nơi mà con người tìm về sau những ồn ã cuộc đời, để rũ bỏ những bụi bặm, phiền não, để được trở về bản ngã của chính mình. Và nắng, những tia nắng xiên ngang dọc qua hàng vạn chiếc lá, nhành cây tạo nên vô vàn những khuôn hình nắng lung linh, sống động, hắt hiu theo nhịp gió lao xao và theo từng thời khắc trong một ngày. Nắng biến ảo và đa sắc. Như chính bản thân con người theo thời gian và giữa đời sống. Những con người trong truyện ngắn Thạch Lam được khắc họa với những mảnh đời hoàn toàn khác biệt. Thế nhưng, cho dù họ chẳng có một sợi dây liên kết thực sự nào, dù họ là ai, ở bất cứ nơi đâu trên nước này, họ đều có những tâm tư, ước vọng và những câu chuyện đời rất riêng, giàu tình cảm.
Phải sở hữu một tâm hồn hết sức nhạy cảm, hết sức mến thương, trân trọng loài người, thì mới viết được những thiên truyện gợi cảm và tinh tế đến vậy. Thạch Lam, chẳng cần những khoa trương, hoa mỹ, phức tạp, ông là ông, nâng niu và chau chuốt những nét đẹp dung dị của đời sống. Đời sống cũng chẳng thiếu những hạnh phúc, những khổ đau, những biến cố và những thăng trầm. Thế nhưng tất cả mọi nét thi vị hoang hoải đó lại cấu thành nên cốt lõi của nó. Làm cuộc sống trở nên đáng sống và con người trở nên có giá trị, ở một chừng mực nhất định.
Nắng trong vườn có chút gì đó thấm đượm nỗi buồn hơn so với những tác phẩm khác của nhà văn. Tập truyện là về con người, luôn biến đổi qua thời gian và tất cả bọn họ đều phải đối mặt những trắc trở, những lạnh nhạt và có khi là cả bi kịch của cuộc sống. Ta thấy gì qua họ? Sự yểu mệnh của một mối tình tươi trẻ, sự thương tiếc những gì đã mất, vị cay đắng đối lập giữa thực tại và ước mộng, nét tính cách đẹp hiếm hoi giữa một xã hội đầy những dị nghị đồn đoán, cái chết của một tình yêu ngang trái, ước vọng không bao giờ thành thực của người phụ nữ, sự đổi thay của lòng người, ám ảnh bởi quá khứ, hy vọng cho tương lai tươi mới, một tình yêu vượt qua khuôn phép xã hội, và cuối cùng là sự bắt đầu của tình yêu và hôn nhân.
Sự sống và cái chết, con người với muôn hình vẻ và đa dạng tầng lớp xã hội cứ hiện lên thầm lặng trong những trang truyện. Niềm vui và nỗi buồn cũng có những tầng bậc khác nhau. Với giọng văn trung dung và hết sức nhân văn, Thạch Lam không hề phán xét, chê bai hoặc tung hô bất cứ cá nhân nào mà chỉ phân tích đời sống tâm tư phức tạp của họ, để cùng cười, và cùng khóc. Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lối sống, tư duy con người – tất cả hầu như cố gắng đập vỡ những quy tắc định kiến cũ. Họ có thể chọn cái chết để giải thoát phận mình, chuyển đổi quan điểm sống để yêu thương nhau hơn. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, những gì là bình dị nhất của cuộc sống, hóa ra lại là điều có mãnh lực ghê gớm nhất. Như chuyến tàu sáng lên giữa con phố huyện tăm tối của hai chị em Liên, như chỉ một buổi sớm mai Bình thức dậy ngắm bình minh lên giữa căn nhà bé nhỏ… âu đều gợi lên cho con người ý thức và ham muốn sống mãnh liệt, khát khao cho những sự thay đổi và điều mới.
Và sẽ là một sai sót rất lớn nếu không nhắc tới thiên nhiên trong truyện ngắn Thạch Lam. Mặc dù chẳng hề có sự gắng gượng trong lời văn, con người trong truyện vẫn cứ hồn hậu và cảnh vật tự nhiên vẫn đậm đà hương sắc. Từng khung cảnh cánh đồng, rừng cây, đồi núi, con sông, chiếc cầu đều rất gần gũi, rất chân phương và thuần Việt. Mối liên kết giữa con người và thiên nhiên lúc bấy giờ là không thể phủ định – thiên nhiên luôn sẵn sàng mở vòng tay bao bọc lấy con người, vỗ về họ và xúc cảm cùng họ. Đất nước ta đẹp lắm, sự nên thơ và sức sống hiển hiện ở khắp mọi nơi, trong cả con mắt của mỗi con người. Chỉ cần một chút để ý và quan tâm, ta sẽ thấy.
Con người, đã và sẽ luôn là một chủ đề và nguồn cảm hứng bất tận của văn học. Nhưng tôi chắc chắn, sẽ chẳng thể tìm được một Thạch Lam yêu mến con người như năm nào. Người mà sẽ để bạn tự quyết định quan điểm của chính mình về xã hội loài người, lay bạn tỉnh giấc giữa cơn mơ mà nhắc rằng thứ mà tay bạn đang cầm nắm là thời gian, và hãy sống làm sao để khỏa lấp những ước vọng, tâm tư sâu kín nhất của mình trong cõi đời này.
Tác giả: H.Phuong – Nguồn Văn học 365