Có 2 chú cá nhỏ đang bơi tung tăng trong nước thì bỗng dưng gặp một ông cá già bơi ngược dòng. Ông gọi chúng và hỏi: “Chào buổi sáng hai cháu, nước biển hôm nay thế nào?” 2 chú không trả lời và tiếp tục bơi, rồi cuối cùng một chú cũng nhìn bạn mình và hỏi, “Nước là méo gì vậy bồ?”.
Giống hệt như 2 chú cá nhỏ, phần lớn cuộc sống của chúng ta được vây quanh bởi những thói quen vô thức. Từ vô hại như đánh răng, rửa mặt mỗi khi tỉnh dậy, tai hại như ăn hàng giờ liền không chán, đến tích cực như vào Trạm đọc bài mỗi ngày, thói quen là một con dao 2 lưỡi có thể khiến đời bạn lên tiên, nhưng cũng có thể khiến nó nát bét. Chính sự "vô hình" của thói quen khiến nó có sức mạnh không tưởng.
Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học phẫu thuật một con chuột để gắn các điện cực vào hộp sọ nhằm quan sát những xảy ra trong đầu của nó khi lang thang một mê cung hình chữ T để tìm kiếm sô-cô-la. Trong những lần đầu, con chuột tuy ngửi được mùi thức ăn, nhưng não nó phải làm việc rất cật lực, thử đi thẳng, rẽ phải, dừng lại, rồi rẽ trái để tìm đúng đường. Tuy nhiên, chỉ sau sau thời gian tập luyện ngắn, điều kì diệu đã đến.
“Các nhà khoa học tiếp tục lặp lại thí nghiệm, xem xét bộ não chuột thay đổi như thế nào khi nó di chuyển cùng một con đường hàng trăm lần. Một chuỗi thay đổi từ từ xảy ra. Con chuột dừng ngửi các góc và rẽ sai hướng. Thay vào đó, nó băng qua mê cung nhanh hơn. Và trong não nó, vài thứ không ngờ xảy ra: khi mỗi con chuột học cách xác định mê cung, hoạt động thần kinh của nó giảm xuống. Khi con đường dần quen thuộc hơn, mỗi con chuột bắt đầu suy nghĩ ít dần đi.
"Vài lần đầu khi con chuột xác định đường trong mê cung, não nó phải hoạt động hết sức để nhận thức toàn bộ thông tin mới. Nhưng sau vài ngày đi cùng một con đường, con chuột không cần cào tường hay ngửi mùi nữa, vì thế hoạt động gắn với việc cào và ngửi của não biến mất. Nó không cần lựa chọn hướng rẽ nên trung tâm ra quyết định của não cũng đi vào im lặng. Tất cả những thứ nó phải làm là nhớ lại con đường nhanh nhất để tìm sô-cô-la. Trong vòng một tuần sau, cả cấu trúc não liên quan đến trí nhớ cũng không cần hoạt động. Con chuột đã tiếp thu cách đi trong mê cung đến mức độ nó không cần phải suy nghĩ nữa.”
Nói cách khác, sau vài trăm lần tự huấn luyện, con chuột đã rèn luyện được cho mình một thói quen “tìm sô-cô-la” mà không phải “động não". Và hàng ngày, chính bạn cũng thực hiện hàng triệu các thói quen giống hệt như con chuột kia. Còn nhớ lần đầu bạn tập đi xe máy chứ? Lúc đó, bạn được dặn dò phải về số 0, một tay vặn ga từ từ, một tay để má phanh, chậm chậm đạp số, vững tay tiến xe thẳng lên phía trước. Não bạn lúc đó cứ căng như dây đàn, vì bạn phải tập trung cao độ vào nhiều đối tượng cùng một lúc gồm: chiếc xe, đường phố, những người xung quanh và cả các “pikachu” rình rập. Nhưng chỉ sau 1 tháng, mọi chuyện đã khác. Bạn vừa có thể lai người yêu, vừa nói chuyện, vừa không bị tóm. Công việc lái xe đã được chuyển giao từ “Hệ thống 2” - Tư duy Chậm sang “Hệ thống 1” - Tư duy Nhanh, giúp tạo khoảng trống để não bộ có thể suy nghĩ về những việc đại sự hơn như…tối nay nên đưa nàng ăn gì.
Sức mạnh vừa tuyệt vời vừa kinh khủng của thói quen nằm ở điểm này. Một mặt, nó giúp giải phóng não không phải giám sát những công việc lặp đi lặp đi, có thời gian để nghỉ ngơi, nhưng mặt khác bạn gần như không biết mình đang làm gì khi ở chế độ "tự lái". Đây cũng chính là lý do tại sao việc từ bỏ thói quen xấu lại khó đến thế? Đến lúc bạn ý thức được mình đã lên tăng lên 70 cân, tiêu hết cả buổi tối trên Facebook, đánh đề hết cả tiền nộp học phí thì mọi thứ đã quá muộn. Rồi giống như những lần trước, bạn lại tự hứa với mình đây là lần cuối cùng, nhưng ngày mai bạn lại “vô thức” như một con Zombie, lặp lại y hệt những gì bạn thề sẽ không tái phạm. Tuy nhiên, không hẳn là bạn đã hết thuốc chữa nếu bạn chịu quan sát kĩ thói quen của mình.
Giống như trong trong các phim ma, các sư phụ thường dạy rằng để chiến đấu được kẻ thù thì bạn phải nhìn thấy chúng. Và trong cuốn sách Best-seller “Sức mạnh của thói quen”, tác giả Charles Duhigg đề xuất một chiến lược "bắt ma" tương tự
Ông đề xuất một mô hình vòng lặp thói quen gồm 3 bước đơn giản: thính, chu trình và phần thưởng. Trong ví dụ trên, thính (cues) chính là tiếng click mở thanh chắn khiến con chuột có thể đi vào trong chữ T, chu trình là “Đi thẳng, gặp ngã ba thì nhớ rẽ phải”, và phần thưởng chính là miếng Sô-cô-la ngon lành. Để hiểu rõ hơn, hãy thử xem xét cách mà nhà thiên tài quảng cáo Claude Hopkins (chứ không phải các nha sĩ hay bố mẹ), đã thuyết phục dân chúng tự giác đánh răng như thế nào?
Trong khi đọc rất nhiều sách về răng miệng để tìm ra thông điệp quảng cáo cho nhãn hàng Pepsodent, Hopkins thấy rằng bựa răng là một thứ luôn phủ lên răng mọi người, và bất kể ai cũng có cho dù họ đánh răng thường xuyên thế nào. Ông lập tức áp dụng vòng lặp thói quen, bằng cách tạo ra “thính” và tung hô “phần thưởng" bằng các chiến dịch quảng cáo trên khắp nước Mỹ.
“Chỉ cần lướt ngón tay dọc răng bạn, bạn sẽ cảm thấy mảng bám, nguyên nhân làm cho răng bạn xỉn màu và dễ bị sâu răng”, một quảng cáo nêu lên. “Hãy chú ý xem bao nhiêu người có hàm răng đẹp ở khắp mọi nơi,” một quảng cáo khác khắc họa vẻ đẹp của nụ cười. “Hàng triệu người đang sử dụng một phương pháp mới để làm sạch răng. Tại sao chẳng có phụ nữ nào có mảng bám xỉn màu trên răng họ? Pepsodent đánh bay mảng bám!”
Sự sáng suốt của những lời thuyết phục đó dựa trên một gợi ý – mảng bám răng – một thứ rất phổ biến và không thể bỏ qua. Nói ai đó đưa ngón tay lướt dọc răng họ, có vẻ thực sự họ sẽ làm theo như thế. Và khi họ làm, họ sẽ cảm thấy mảng bám. Hopkins đã tìm thấy một gợi ý đơn giản, lâu đời, rất dễ tạo ra mà một quảng cáo có thể khiến mọi người tự động làm theo. Hơn nữa, như Hopkins hình dung ra, phần thưởng còn hấp dẫn hơn. còn hấp dẫn hơn. Sau cùng, ai không muốn được đẹp hơn? Ai không muốn một nụ cười xinh hơn? Đặc biệt khi chỉ cần đánh răng nhanh với Pepsodent?”
Hopkins đã áp dụng hoàn hảo công thức để lợi dụng sức mạnh của thói quen: ông tìm ra được một loại thính cực kì đơn giản và rõ ràng (mảng bám răng), một phần thưởng cực kì hấp dẫn (ai chẳng muốn răng mình trắng sáng hơn), và thế là hàng triệu dân Mỹ tự giác phải mua kem đánh răng Pepsodent để thực hiện chu trình.
Chiến dịch này thành công tới mức, “trước khi có Pepsodent, chỉ 7% người Mỹ có một ống kem đánh răng trong tủ thuốc. 10 năm sau khi chiến dịch quảng cáo của Hopkins phát triển trên cả nước, con số đó đã tăng đến 65%.” Khi được phỏng vấn sau khi đã kiếm được 1 triệu đô la tiền quảng cáo, ông nói điều then chốt là ông đã biết đúng “tâm lý con người”.
Đến đây, bạn cũng đã hiểu tâm lý học của thói quen, nhưng để thực sự thay đổi được những hành vi đã bám rễ rất sâu thì con đường vẫn còn dài. May thay cho chúng ta là Charles Duhigg đã tổng hợp một quy trình 4 bước cực kì đơn giản và minh họa bằng thói quen ăn vặt khiến anh trở nên béo phì của mình.
"Giả sử bạn có một thói quen xấu làm bạn tăng vài ki-lô-gam. Trên thực tế, hãy nói rằng thói quen đó làm cho bạn tăng chính xác 3.6 kg và rằng vợ của bạn đã nói vài lời nhận xét chọc ngoáy. Bạn đã cố gắng để ép buộc mình dừng lại đến mức đặt một mẩu giấy nhớ trên máy tính của mình, ghi rằng KHÔNG ĂN THÊM CÁI BÁNH QUY NÀO NỮA.
Nhưng mỗi buổi chiều, bạn xoay xở để phớt lờ mảnh giấy đó, đứng dậy, đi lang thang đến quán ăn tự phục vụ, mua một cái bánh quy, và, trong khi tán gẫu với đồng nghiệp quanh quầy tính tiền, ăn nó. Bạn thấy ổn, rồi lại cảm thấy tệ. Ngày mai, bạn tự hứa với chính mình, bạn sẽ tập trung nghị lực để cưỡng lại. Ngày mai sẽ khác.
Nhưng ngày mai thói quen đó lại chiếm lĩnh lần nữa.
Bạn bắt đầu chẩn đoán và sau đó thay đổi lề thói đó như thế nào? Bằng cách xác định vòng lặp thói quen. Và bước đầu tiên là xác định chu trình. Với đa số các thói quen, chu trình là khía cạnh rõ ràng nhất: Đó là hành vi bạn muốn thay đổi. Lề thói của bạn là bạn đứng dậy khỏi bàn làm việc vào buổi chiều, đi bộ đến quán ăn tự phục vụ, mua một cái bánh quy có sô-cô-la vụn và ăn nó trong khi trò chuyện với bạn bè.
Tiếp theo, một vài câu hỏi ít rõ ràng hơn: Thính nào cho lề thói đó? Có đói không? Buồn chán không? Lượng đường trong máu thấp không? Rằng bạn cần nghỉ một lúc trước khi lao vào một công việc khác? Và phần thưởng là gì? Chỉ cái bánh quy thôi? Thay đổi khung cảnh thôi? Làm xao lãng tạm thời thôi? Hòa nhập với đồng nghiệp thôi? Hay nguồn năng lượng dồi dào đến từ lượng đường đó?
Để tìm ra điều đó, bạn sẽ cần phải làm một ít thí nghiệm.
Các phần thưởng có sức tác động lớn bởi chúng thỏa mãn sự thèm khát bên trong của ta. Tuy nhiên, ta lại thường không nhận thức được ham muốn nào thực sự thúc đẩy hành vi. Ta có thể cho rằng mình muốn lượn lờ các trang bán quần áo online, nhưng thực sự ta đang theo đuổi một mục đích khác - một sự sao nhãng khỏi công việc buồn tẻ, hoặc một cơ hội để được mộng mơ giữa ban ngày.
Để tìm ra sự thèm khát nào đang dẫn dắt những thói quen thông thường, sẽ có ích khi thử nghiệm với nhiều phần thưởng khác nhau. Việc đó có thể mất vài ngày, hay một tuần, hoặc lâu hơn. Trong khoảng thời gian đó, đừng tạo ra bất kỳ áp lực nào để tạo ra sự thay đổi thật sự - hãy nghĩ mình như một nhà khoa học đang trong giai đoạn thu thập dữ liệu.
Vào ngày thử nghiệm đầu tiên, khi bạn thấy một thôi thúc đi đến quầy ăn tự phục vụ và mua một cái bánh quy, hãy điều chỉnh lề thói của mình để đưa ra phần thưởng khác. Ví dụ như, thay vì đi bộ đến quán ăn tự phục vụ, hãy đi ra ngoài, đi bộ quanh khu nhà, và sau đó trở lại bàn làm việc mà không ăn gì cả. Ngày hôm sau, hãy đến quán ăn tự phục vụ và mua một cái bánh vòng chiên hay một thanh kẹo, và ăn ở bàn làm việc. Ngày hôm sau nữa, hãy đến quầy ăn tự phục vụ, mua một quả táo, và ăn nó trong khi trò chuyện với bạn bè. Sau đó, thử một tách cà phê. Sau đó, thay vì đi đến quầy ăn tự phục vụ, hãy ngang qua phòng của đồng nghiệp, tán gẫu trong vài phút và trở lại bàn làm việc.
Bạn đã nắm được ý tưởng. Bạn lựa chọn việc gì để làm thay vì mua một cái bánh quy không quan trọng. Mục đích là để kiểm tra nhiều lý thuyết khác nhau để xác định sự thèm khát nào đang dẫn dắt lề thói của bạn. Bạn đang thèm khát chỉ cái bánh quy hay nghỉ ngơi một lúc khỏi công việc? Nếu đó là vì cái bánh quy, có phải vì bạn đang đói? (Trong trường hợp đó, một quả táo cũng có hiệu quả tương tự.) Hay đó là vì bạn muốn nguồn năng lượng mà cái bánh quy mang lại? (Và tách cà phê cũng đáp ứng được.) Hay bạn đang lang thang lên quầy ăn tự phục vụ như một lời biện hộ để hòa nhập, và cái bánh quy chỉ là một lời biện hộ thuận tiện? (Nếu như thế, đi đến bàn của ai đó và tán gẫu trong vài phút có thể thỏa mãn sự thúc đẩy đó.)
Khi bạn kiểm tra 4 hay 5 phần thưởng khác nhau, bạn có thể sử dụng một mẹo cũ để tìm kiếm các mô hình: sau mỗi hoạt động, ghi chú nhanh trên một mảnh giấy 3 điều đầu tiên ập vào tâm trí khi bạn trở lại bàn làm việc. Có thể là cảm xúc, suy nghĩ ngẫu hứng nào đó hay chỉ 3 từ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn.
Sau đó, đặt chuông báo trên đồng hồ hay máy vi tính sau mỗi 15 phút. Khi nó đổ chuông, hãy tự hỏi bản thân mình: Bạn có còn cảm thấy sự thúc đẩy có được cái bánh quy đó?
Lý do tại sao quan trọng là phải viết ra 3 điều – cho dù chúng có là những từ ngữ vô nghĩa đi nữa – có 2 lợi ích chính. Đầu tiên, nó ép buộc một nhận thức tạm thời về điều bạn đang suy nghĩ hay cảm thấy. Các nghiên cứu cho thấy rằng viết ra một vài từ giúp bạn sau này gợi nhớ lại được những gì mình đang suy nghĩ trong thời gian đó. Vào cuối thí nghiệm, khi bạn xem lại ghi chú của mình, nhớ lại điều bạn đang suy nghĩ và cảm thấy vào chính lúc đó sẽ dễ dàng hơn, vì những từ ngữ nghệch ngoạc của bạn sẽ thúc đẩy một làn sóng hồi tưởng.
Và tại sao có chuông báo 15 phút một lần? Vì mục đích của những bài kiểm tra này là để xác định phần thưởng bạn đang thèm khát. Nếu, 15 phút sau khi ăn một cái bánh chiên, bạn vẫn cảm thấy bị thúc đẩy để đứng lên và đi đến quầy ăn tự phục vụ, thì thói quen của bạn không được thúc đẩy bằng sự thèm khát đường. Nếu, sau khi tán gẫu tại bàn làm việc của đồng nghiệp, bạn vẫn muốn một cái bánh quy, thì nhu cầu liên hệ với mọi người không phải là điều đang dẫn dắt lề thói của bạn.
Ngược lại, nếu 15 phút sau khi trò chuyện với một người bạn, bạn thấy dễ quay trở lại làm việc hơn thì bạn đã xác định được phần thưởng – sự xao lãng tạm thời và sự hòa đồng – mà thói quen của bạn đang tìm kiếm để được thỏa mãn.
Bằng cách thử nghiệm với nhiều phần thưởng khác nhau, bạn có thể tách biệt điều bạn đang thèm khát thực sự, điều sẽ cần thiết trong việc xây dựng lại thói quen. Một khi bạn đã tìm ra hành động và phần thưởng, điều còn lại là xác định thính.
Gợi ý là những kích thích khơi mào thói quen của chúng ta. Chúng rất khó để xác định các gợi ý thúc đẩy lề thói của chúng ta là vì có quá nhiều thông tin tấn công dồn dập chúng ta khi các lề thói lộ ra. Hãy tự hỏi chính mình, bạn ăn sáng vào một thời điểm nhất định mỗi ngày vì bạn đói bụng phải không? Hay vì đồng hồ điểm 7h30? Hay vì các con bạn đã bắt đầu ăn? Hay vì bạn đã thay quần áo và đó là lúc thói quen ăn sáng tìm đến?
Để xác định một gợi ý giữa tiếng ồn, chúng ta có thể sử dụng cùng hệ thống như nhà tâm lý học: xác định các loại lề thói trước cần xem xét để có thể nhìn thấy các mô hình. May mắn thay, khoa học đưa ra vài giúp đỡ trên phương diện này. Các thí nghiệm đã cho thấy rằng gần như mọi gợi ý thuộc thói quen phù hợp với một trong năm loại sau:
Thế nên nếu bạn đang cố gắng để tìm ra gợi ý cho thói quen "đi đến quầy ăn tự phục vụ và mua một cái bánh quy có vụn sô-cô-la", bạn viết ra 5 thứ vào thời điểm sự thúc đẩy đó xuất hiện (những cái dưới đây là ghi chú thực tế của tôi từ lúc tôi cố gắng chẩn đoán thói quen của mình):
Khi đã làm việc này 3 ngày, tôi nhận ra rằng gợi ý nào đang thúc đẩy thói quen ăn bánh quy của tôi – thời gian. Tôi cảm thấy thèm ăn bim bim vào khoảng 3.30 mỗi ngày. Trong bước 2, tôi đã khám phá ra rằng thủ phạm không phải cơn đói. Phần thưởng tôi đang tìm kiếm là một sự sao nhãng tạm thời - giống như đi tán chuyện với một người bạn.
Vòng lặp thói quen của tôi đã hoàn thành. Một khi bạn đã xác định định chúng, bạn có thể bắt đầu xê dịch hành vi. Bạn có thể phát triển một chu trình tốt hơn bằng cách lên kế hoạch cho những gợi ý và chọn một hành vi có thể đem lại những phần thưởng bạn đang thèm muốn tốt hơn.
Thói quen là sự lựa chọn mà chúng ta cố tình đưa ra tại một vài thời điểm, và rồi ngừng suy nghĩ về nó, nhưng tiếp tục thực hiện, thường xuyên mỗi ngày. Nhìn theo cách khác, thói quen là một công thức mà não chúng ta tự động làm theo: Khi tôi nhìn thấy GỢI Ý, tôi sẽ thực hiện HÀNH ĐỘNG để có thể nhận được một PHẦN THƯỞNG.
Để xây dựng lại công thức đó, chúng ta cần bắt đầu đưa ra các lựa chọn lần nữa. Và cách dễ dàng nhất để làm điều đó, theo các nghiên cứu, là có một kế hoạch. Trong tâm lý học, những kế hoạch đó được gọi là "ý định thực hiện."
Ví dụ, hãy xem thói quen bánh-quy-vào-buổi-chiều của tôi. Bằng cách sử dụng cơ cấu đó, tôi học được rằng gợi ý của tôi là khoảng 3h30 chiều. Tôi biết rằng hành động của tôi là đi đến quầy ăn tự phục vụ, mua một cái bánh quy, và trò chuyện với bạn bè. Và, thông qua thử nghiệm, tôi đã học được rằng đó thật sự không phải cái bánh quy tôi thèm khát – thực ra, đó là một khoảnh khắc của sự xao lãng và cơ hội để hòa đồng.
Thế nên tôi viết ra một kế hoạch: Lúc 3h30, mỗi ngày, tôi sẽ đi đến bàn làm việc của một người bạn và nói chuyện khoảng 10 phút.
Điều đó không có tác dụng ngay lập tức. Có vài ngày tôi quá bận rộn và bỏ qua tiếng chuông báo, và rồi thất bại việc đó. Những lần khác có vẻ như có quá nhiều công việc để có thể tìm ra một người bạn sẵn lòng trò chuyện cùng – mua một cái bánh quy sẽ dễ dàng hơn, nên tôi đầu hàng trước sự thúc đẩy đó. Nhưng vào những ngày tôi tuân theo kế hoạch của mình – khi đồng hồ đổ chuông, tôi ép buộc bản thân mình đi đến bàn làm việc của một người bạn và trò chuyện khoảng 10 phút – tôi nhận ra rằng tôi kết thúc ngày làm việc với cảm giác tốt hơn. Tôi đã không đi đến quầy ăn tự phục vụ, tôi đã không ăn một cái bánh quy nào và tôi cảm thấy ổn.
Cuối cùng, việc đó trở thành tự động: khi chuông reo, tôi tìm một người bạn và kết thúc ngày làm việc với một cảm giác tuy nhỏ, nhưng thật sự, thành công. Và khi tôi không thể tìm ra ai đó để trò chuyện cùng, tôi đi đến quầy ăn tự phục vụ, mua trà và uống cùng bạn bè.
Rõ ràng, thay đổi một vài thói quen có thể khó khăn hơn. Nhưng cơ cấu này là một nơi để bắt đầu. Đôi khi sự thay đổi mất một thời gian dài hơn. Đôi lúc nó đòi hỏi nhiều thử nghiệm và thất bại lặp lại. Nhưng khi bạn hiểu được cách một thói quen hoạt động – khi bạn chẩn đoán gợi ý, hoạt động và phần thưởng – bạn có được sức mạnh để vượt qua.
***
Gợi ý từ Trạm: Làm sao có thể áp dụng công thức này để giúp bạn đọc sách nhiều hơn: Bạn có thể tự sắp đặt các gợi ý bằng cách bày thật nhiều sách ở mọi nơi, cả ở cả nhà lẫn cơ quan, thậm chí trong phòng vệ sinh. Bạn có thể dùng áp lực xã hội để tạo thói quen, tham khảo thêm chương tác giả bàn về các thói quen của tổ chức và xã hội. Bạn cũng có thể gia tăng phần thưởng mỗi khi hoàn thành một cuốn sách như 1 chiếc bánh kem, hoặc 1 thỏi son. Và hãy kiểm tra nghiêm ngặt chu trình đọc sách của mình, bằng cách tắt hết thông báo của Facebook, Instagram, Email và dành 1 giờ cố định, từ 10-11h tối, để đọc sách. Thành công vạn dặm luôn bắt đầu từ mỗi bước chân, và con đường trở thành mọt sách luôn bắt đầu từ ngay trang 1, ngay bây giờ.
Trạm Tái Bút: Nếu yêu thích những cuốn sách thuộc thể loại tâm lý-xã hội học, pha lẫn các chuyện thú vị trong cuộc sống như Trong chớp mắt của Malcolm Gladwell hay Phi lý trí của Dan Ariely, Sức mạnh của thói quen là một tác phẩm rất đáng đọc (và đảm bảo cực kì giải trí).
Cũng dễ hiểu tại sao nó lại trở thành Bestseller trong nhiều tuần liền ở các bảng xếp hạng sách bán chạy nhất, bởi nhà báo Charles Duhigg cực kì có tài trong việc kết hợp các bài nghiên cứu học thuật và các ví dụ đời sống. Nếu độc giả nào đã đọc và mê phong cách của ông, cuốn sách thứ 2 của ông mang tên Thông minh hơn, Nhanh hơn, Giỏi hơn cũng vừa được xuất bản tại Việt Nam. Các bạn có thể tham khảo cuốn sách này tại đây: https://goo.gl/nqzjUr. Đọc xong nhớ cho Trạm biết cảm nghĩ nhé!
Đọc thêm 1 bài điểm sách khác về cuốn này trên Nytimes: Sức mạnh tiềm ẩn của thói quen
Tham khảo thêm: Tóm tắt sách tại Trạm Đọc