5 tiểu thuyết Nhật Bản mình yêu thích nhất
5 tiểu thuyết Nhật Bản mình yêu thích nhất
Không tính truyện trinh thám. Không tính truyện của Murakami.

 

Thư tình - Iwai Shunji

 

Một câu chuyện tình cảm nhất mà mình có thể nghĩ tới. Liệu con trai và con gái trùng họ trùng tên có được gọi là định mệnh không? Liệu có cái gọi là tiếng sét ái tình, yêu từ cái nhìn đầu tiên hay không?

Qua những bức thư qua lại của hai cô gái trẻ, câu chuyện thanh xuân đã được kể lại giữa một cậu bạn và một cô bạn cùng tên là Fujii Itsuki. Những chuyện dở khóc dở cười bắt đầu xảy đến từ đây khi hai người lúc nào cũng bị bạn bè trêu chọc, làm thì làm chung, bài vở suốt ngày bị nhầm, đến cả trò đùa với mấy tấm thẻ thư viện của cậu ta cũng liên lụy đến cô,...

 

Nhưng có phải đấy thật chỉ là trò đùa không? Có thật cậu ấy chỉ qua để nhờ cô trả giúp sách không? Có đúng là cậu ấy đã tức giận vì cô giới thiệu một cô gái khác cho cậu? Có chắc là cô đã quên tất cả những ký ức về cậu ấy?

Cuốn sách này được đạo diễn Iwai Shunji viết để dựng thành phim Love letter 1995. Mình xem phim này từ hồi lớp 6 rồi, tầm 2007 thì phải, lúc đó thề là thích vô cùng, nhưng là phim thuyết minh, lại không xem từ đầu nên không biết tên. Mãi sau này khi có mạng Internet mới ngồi lóc cóc tra phim theo cái tên Fujii Itsuki na ná thôi. Đến sau này biết Việt Nam dịch xuất bản sách, mình đã phải đi mua ngay lập tức.

 

Gai hướng dương - Nozomi Katsura

 

Đây là cuốn sách văn học Nhật mới nhất mình đọc được, và đã nhanh chóng lọt top cuốn sách yêu thích. Tác phẩm kể về câu chuyện của hai người phụ nữ, Kotani Natsuko và Ishida Tetsuko và mối liên hệ đầy rắc rối giữa họ. Nếu như Natsuko là kiểu phụ nữ có thể xoay cánh đàn ông như chong chóng mà không tốn một giọt mồ hôi thì Tetsuko lại phải chịu nhiều ấm ức khi là luật sư nữ hiếm hoi trong ngành.

 

Vì là họ hàng xa với nhau, mỗi lần Natsuko gây ra chuyện gì lại lại nhờ cậy đến Tetsuko, và mỗi lần như vậy, nàng luật sư lại càng thêm băn khoăn, rốt cuộc Natsuko là kiểu người như thế nào. Cả cuốn sách chỉ là lời kể của Tetsuko, còn không có đến lấy một lời thoại dành cho Natsuko, nhưng qua những câu chuyện được kể lại xung quanh cô ấy, một Natsuko đã dần dần được hiện ra thật rõ ràng mà cũng lạ lùng trước mắt độc giả.

Lại thêm một tác phẩm mình được xem phim trước khi cầm vào sách. Phim có tựa đề là Những bông hướng dương gai góc chiếu trên Redbyhbo, mình cũng mới xem cách đây không lâu, nhưng mình chân thành khuyên các bạn nên đọc sách thì hay hơn. Sách có nhiều đoạn mà phim đã cắt lược bỏ đi, hơn nữa đọc sách mới thấy được nghệ thuật viết văn độc đáo không để nhân vật chính xuất hiện của Nozomi Katsura.

 

Totto-chan bên cửa sổ - Tetsuko Kuroyanagi

 

Đây là cuốn sách đầu tiên trong số 5 cuốn được kể tên dưới đây. Bản hồi mình đọc năm lớp 6 là bản bìa màu đỏ có hình mấy con cá Koi ấy. Đó là cuốn sách mẹ của bạn mình mua được ở hội chợ, may mắn thế nào mà sau đó mình mượn được và vô cùng yêu thích.

Cô bé Totto-chan mới vào lớp 1 đã bị đuổi chỉ vì em không giữ được trật tự trong lớp như các bạn khác, chỉ vì em luôn thấy tò mò với thế giới bên ngoài. Totto-chan được chuyển đến một trường Tomoe - ngôi trường làm từ các toa tàu hoả cũ - nơi em đã gặp được thầy hiệu trưởng đáng kính nhất Kobayashi và những người bạn tuyệt vời.

Một điều kỳ lạ là mình lại rất thích đọc lời sau cùng của tác giả Kuroyanagi, bà kể lại việc mình không hề nhớ rằng cô bé Tottchan ngày nào - chính là bà bây giờ - đã từng bị đuổi học, hay câu chuyện về vị trí ngôi trường cũ giờ đang là một trong tâm thương mại, hay một người đồng nghiệp đang tìm kiếm tư liệu về nhà giáo dục Kobayashi mà không hề biết chính bà lại là một học trò của thầy. Những câu chuyện ấy khiến mình cảm thấy rất thật, thậm chí còn cảm động hơn cả những mẩu chuyện nhỏ về Totto-chan.

 

Kitchen - Banana Yoshimoto

 

Phong cách của Banana Yoshimoto cứ nhẹ nhàng dễ đọc làm sao ấy. Mình đọc Kitchen lần đầu tiên là khi mượn sách thư viện hồi lớp 8, khoảng năm 2009-2010, đọc đi rồi lại đọc lại. Tới khi ra Hà Nội học mình đã quyết định mua sách và đọc thêm mấy lần nữa. Suốt bao nhiêu năm rồi mà vẫn thấy hay.

Câu chuyện chính trong cuốn sách kể về mối quan hệ kỳ lạ giữa Mikage và Yuichi (và cả ‘mẹ’ Eriko) khi họ chuyển về sống cùng nhau sau một sự việc không thể tình cờ hơn. Căn bếp là nơi đã gắn kết tâm hồn những con người ấy, họ tìm thấy nhau và tìm thấy chính mình trước dòng đời xô đẩy và nghiệt ngã.

Câu chuyện thứ hai là phần mình thích hơn cả. Trong khi một cô gái cố gắng vượt qua nỗi đau mất người yêu thì một cậu chàng khác vẫn còn chưa thể nguôi ngoai được nỗi đau mất cả anh trai và bạn gái. Nỗi cô đơn cứ dần gặm nhấm trái tim của họ, không ai chịu để quá khứ ở lại, để những người đã khuất ra đi thanh thản.

 

Tôi bị bố bắt cóc - Mitsuyo Kakuta

 

Đây là cuốn sách mình đã chủ động đi xin, vì lần ấy sếp bảo mỗi đứa được chọn 2 cuốn sách, thế là mình không ngần ngại mà chọn cuốn Tôi bị bố bắt cóc. Chỉ nghe cái tên đã muốn đọc, nhưng vì mình biết đó sẽ là một câu chuyện hay.

Cuốn sách kể về kỳ nghỉ hè rất đỗi lạ lùng của Haru, cô bé học lớp 5. Lạ là vì em đi nghỉ hè cùng với một kẻ bắt cóc, và còn lạ hơn nữa khi kẻ bắt cóc lại chính là bố của em. Hai bố con đi nghỉ mà chẳng giống nghỉ gì cả, lại còn gặp bao nhiêu rắc rối khi bố Haru là tên bắt cóc hậu đậu nhất quả đất.

Điểm hay nhất của cuốn sách là nó được kể bằng lời của cô bé Haru, người dù còn nhỏ tuổi mà đã suy nghĩ như một bà cụ non. Mọi người cứ nghĩ rằng em không hiểu chuyện, nhưng thực ra em hiểu hết. Vậy nên mới nói người lớn là sinh vật lạ lùng nhất trên Trái Đất này, họ cứ nghĩ mình trưởng thành lắm, thông minh, thạo đời lắm, nhưng rốt cuộc lại chẳng thể nào giải quyết được chuyện của mình. Cuốn sách kết thúc với một câu nói không thể ấm lòng hơn, “Bố lại đến bắt cóc nữa nhé”, và mình tin rằng lần tới khi gặp nhau, bố con Haru sẽ gần gũi và thân thiết hơn.

Bài viết của một độc giả Trạm Đọc, chúng tôi đăng tải với tinh thần tôn trọng nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm của tác giả.

 Thu Hoài

Trạm Đọc.

Tags: