10 bộ phim tuyệt vời dựa trên những cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em
10 bộ phim tuyệt vời dựa trên những cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em
Một quyển sách hay đọc lúc giờ đi ngủ sẽ là thứ khơi gợi nên trí tưởng tượng ở trẻ nhỏ, nhưng tái dựng sự huyền ảo đó lên màn ảnh quả là bài toán không dễ chút nào. Sau đây là 10 bộ phim tuyệt vời có thể làm được chuyện đó.

Một quyển sách hay đọc lúc giờ đi ngủ sẽ là thứ khơi gợi nên trí tưởng tượng ở trẻ nhỏ, nhưng tái dựng sự huyền ảo đó lên màn ảnh quả là bài toán không dễ chút nào. Sau đây là 10 bộ phim tuyệt vời có thể làm được chuyện đó.

 

1. The Wizard of Oz (1939) (Phù thủy xứ Oz)

Đạo diễn: Victor Fleming

 

The Wizard of Oz

 

 

Dorothy sống ở giữa những vùng thảo nguyên rộng lớn của Kansas với chú Henry, một người nông dân, và thím Em, vợ của người nông dân đó. Căn nhà thì nhỏ, bởi vì người ta phải dùng xe ngựa chở gỗ từ nhiều dặm đường đến để xây căn nhà đó.

 

– The Wonderful Wizard of Oz của L. Frank Baum (1900)

 

The Wonderful Wizard of Oz
 

Cuốn tiểu thuyết The Wonderful Wizard of Oz mở đầu khiêm nhường như thế. Đây là câu chuyện về một cô bé buồn chán ở một vùng nông trại, và trong một cơn gió xoáy cô bé này được đưa tới vùng đất Oz huyền ảo. Những phiên bản sân khấu và phiên bản điện ảnh thuở ban đầu của tác phẩm này bắt đầu xuất hiện ngay sau khi cuốn sách được xuất bản, và Sam Raimi là đạo diễn gần nhất chuyển thể câu chuyện này, với bộ phim Oz the Great and Powerful (2013).

 

Nhưng phiên bản âm nhạc năm 1939 của MGM mới là phiên bản đáng nói nhất, gần như che phủ tác phẩm văn học gốc bằng cách dùng những kĩ thuật quay phim màu Technicolor tuyệt vời khi thể hiện những chi tiết như Con đường Gạch Vàng, Thành phố Ngọc lục bảo, mụ Phù thuỷ Xấu xa Tây phương, và những người bạn đồng hành thân thiện của Dorothy như tay Bù nhìn, Người Thiếc và Sư tử Nhút nhát. Diễn viên Judy Garland đã hớp hồn cả thế giới khi vào vai cô bé Dorothy mặc áo bông kẻ ô và mơ tới một nơi huyền ảo xa xăm nào đó.

 

2. Five on a Treasure Island (1957)

Đạo diễn: Gerald Landau

 

Five on a Treasure Island

 

‘Mẹ ơi, mấy ngày nghỉ hè của tụi con mẹ quyết định chưa?’ Julian nói khi ngồi ở bàn ăn sáng. ‘Tụi con có thể tới Polseath như thường lệ không?’ ‘Mẹ e là không,’ bà mẹ nói. ‘Năm nay họ hết chỗ rồi.’ Ba đứa trẻ nhìn nhau bằng vẻ thất vọng não nề. Chúng rất thích căn nhà đó ở Polseath, và bãi biển nơi ấy là một nơi bơi lội thật tuyệt.

 

– Five on a Treasure Island của Enid Blyton (1942)

 

Five on a Treasure Island (book)
 

Ai từng đọc cuốn sách này đều biết, Julian và hai đứa em của cậu bé, Dick và Anne, chấp nhận đi nghỉ hè ở chỗ chú Quentin. Tại đó, ba anh em cùng với cô em họ George và con chó Timmy tạo thành ‘bộ năm lừng danh’ và dính vào cuộc săn tìm kho báu xung quanh đảo Kirrin.

 

Vào cuối thập niên 1950, cứ hàng tuần bọn trẻ quay trở lại rạp để bắt kịp chuyến phiêu lưu của bộ năm này trong chương trình chiếu phim nhiều kì vào thứ bảy hàng tuần do Children’s Film Foundation tổ chức. Do Gerald Landau đạo diễn, bộ phim nắm bắt và truyền tải một cách hấp dẫn tinh thần của tác phẩm gốc. Đối với bất kì đứa trẻ nào từng hào hứng với ý tưởng về những tấm bản đồ kho báu, về những con tàu đắm và những toà lâu đài mục nát, thì tám tập phim vui đùa và mạo hiểm này vẫn được coi là món quà trời cho.

 

3. Journey to the Center of the Earth (1959) (Cuộc phiêu lưu vào lòng đất)

Đạo diễn: Henry Levin

 

Journey to the Center of the Earth

 

Vào ngày 24 tháng 5 năm 1863, một ngày Chủ nhật, chú tôi, Giáo sư Lidenbrock, hối hả trở về căn nhà nhỏ của mình, số 19 Königstrasse, một trong những con phố cũ kĩ nhất ở một khu phố cũ kĩ tại Hamburg.

 

– Journey to the Centre of the Earth của Jules Verne (1864)

 

Journey to the Center of the Earth (book)
 

Người Pháp khó chịu khi những cuốn tiểu thuyết của Jules Verne được xếp vào dạng văn chương thiếu nhi, nhưng trong giới Anh ngữ thì những phiên bản tóm tắt của những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông từ lâu được xem là một phần không thể thiếu trong danh mục sách đọc vào giờ ngủ. Ở những trang mở đầu của Journey to the Centre of the Earth, Giáo sư Lidenbrock hối hả về nhà để xem xét món đồ mới mua của mình: một tấm bảo thảo tiếng Iceland chứa đựng một dòng mã cổ xưa mô tả con đường dẫn vào bên trong hành tinh chúng ta thông qua một núi lửa đã ngưng hoạt động.

Bộ phim năm 1959 do hãng 20th Century Fox là phiên bản điện ảnh tốt nhất, với James Mason thể hiện rất tốt ở vai một Lidenbrock thô lỗ, với phần thiết kế sản xuất được thực hiện tuyệt vời khi tạo ra được lòng trái đất phát lân quang, và một số hiệu ứng khủng long trông quyến rũ.

 

4. Swiss Family Robinson (1960)

Đạo diễn: Ken Annakin

 

Swiss Family Robinson

 

 

 

Chúng tôi đã bị cơn bão tố ném vào đây nhiều ngày rồi. Đã sáu lần bóng đêm khép lại trên khung cảnh hoang dã và tuyệt diệu, và ánh sáng trở lại thường mang đến mà cũng tiếp tục nỗi đau, bởi cơn bão dữ dội càng lúc càng cuồng nộ cho đến ngày thứ bảy mọi hi vọng đều mất hết.

 

– The Swiss Family Robinson của Johann David Wyss (1812)

 

Swiss Family Robinson (book)
 

Dựa theo cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe năm 1719 của Daniel Defoe, The Swiss Family Robinson của Johann David Wyss mở rộng số người bị trôi dạt ra đảo hoang thành một gia đình. Cả gia đình này bị mắc kẹt trên một hòn đảo thuộc quần đảo East Indies sau khi con tàu của họ chìm trong cơn bão tố.

Phiên bản chuyển thể năm 1960 của Walt Disney đã thực hiện nhiều thay đổi so với bản gốc, nhưng lại nêu bật được nét hấp dẫn với những căn nhà trên cây tỉ mỉ trau chuốt, những cái bẫy mìn và còn có chi tiết thêm vào là băng cướp biển để gây nguy hiểm cho vùng đất bình dị của nhà Robinson.

 

5. Mary Poppins (1964)

Đạo diễn: Robert Stevenson

 

Mary Poppins

 

 

Nếu bạn muốn tìm Cherry Tree Lane (Con đường Cây Anh đào) thì tất cả những gì bạn phải làm là hỏi ông cảnh sát ở ngã tư. Ông ta sẽ đẩy lệch chiếc mũ sang một bên, gãi gãi đầu suy nghĩ, và rồi chỉ ngón tay to lớn nằm trong chiếc găng tay trắng và nói: “Đầu tiên rẽ phải, thứ nhì rẽ trái, rẽ ngay bên phải lần nữa, và bạn sẽ tới được đó. Chúc buổi sáng tốt lành.”

 

– Mary Poppins của P. L. Travers (1934)

 

Mary Poppins (book)
 

Đó là đường đến số 17, Cherry Tree Lane, London – nhà của gia đình Banks – nơi mà cô giữ trẻ Mary Poppins được chiếc dù đưa tới trong luồng gió phương đông ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong một loạt tiểu thuyết thiếu nhi của P. L. Travers. Việc chọn diễn viên sao cho hợp ý đã đạt hiệu quả khi Julie Andrew bị từ chối vai diễn Eliza Doolittle trong phim My Fair Lady(1964), thế là bà được tự do để vào vai Poppins trong phiên bản ca nhạc năm 1964 của Disney, với vai diễn này bà còn dành được giải Oscar cho nữ diễn viên chính.

 

Bà đã làm cho vai diễn thật sự nổi bật, xoay xở mọi chuyện dễ dàng trước cặp mắt tròn xoe của lũ trẻ nhà Banks, làm bọn trẻ líu lưỡi với lời bài hát ‘Supercalifragilisticexpialidocious’ và dọn dẹp cấp kì căn phòng bọn trẻ với một cú búng tay đầy phép thuật. Bộ phim của Robert Stevenson là tác phẩm đỉnh cao luôn được mọi người mến mộ trong dòng phim truyền thống về gia đình của Disney.

 

6. The Railway Children (1970) (Lũ trẻ đường tàu)

Đạo diễn: Lionel Jeffries

 

The Railway Children

 

Ban đầu chúng không phải là những đứa trẻ đường hoả xa. Tôi không nghĩ rằng trước đó chúng đã từng nghĩ đến đường hoả xa ngoại trừ nghĩ rằng nó là phương tiện để đến nhà Maskelyne và Cook, đến buổi diễn pantomime, đến mấy vườn bách thú, và đến nhà bà Tussaud.

 

– The Railway Children của E. Nesbit (1906)

 
The Railway Children (book)
 
 

Nhưng chúng trở thành bọn trẻ đường hoà xa khi gia đình Waterbury bị buộc phải chuyển từ London sang chỗ ở cạnh đường hoả xa tại Yorkshire Dales sau khi cha chúng bị cầm tù vì tội gián điệp. Câu chuyện của E. Nesbit xuất hiện ở dạng truyện nhiều kì trên The London Magazine suốt năm 1905 trước khi được xuất bản thành một cuốn tiểu thuyết vào năm 1906. Nó tạo cảm hứng để cho ra đời phiên bản chuyển thể điện ảnh hoàn mĩ vào năm 1970 trong tay của nam diễn viên Lionel Jeffries, đánh dấu bộ phim đầu tiên ông làm đạo diễn.

 

Jenny Agutter thủ vai Roberta, đứa lớn nhất trong số ba chị em, một cô bé giết thời gian ở khung cảnh thôn dã mới mẻ của mình bằng cách quan sát những chuyến hoả xa chạy bằng hơi nước đến rồi đi và kết bạn với người phục vụ trạm hoả xa tốt bụng (do Bernard Cribbins thủ vai). Mặc dù câu chuyện liều lĩnh việc xuất hiện với vẻ cổ xưa đối với người xem hiện đại, nhưng không ai có thể phủ nhận nét duyên dáng mà Jeffries nêu bật được khi làm bộ phim này.

 

7. Willy Wonka & the Chocolate Factory (1971) (Willy Wonka & Nhà máy Sô-cô-la)

Đạo diễn: Mel Stuart

  

Willy Wonka & the Chocolate Factory

 

Hai người rất già này là cha và mẹ và ông Bucket. Tên của họ là Grandpa Joe và Grandma Josephine. Và hai người rất già này là cha và mẹ của bà Bucket. Tên họ là Grandpa George và Grandma Georgina.

 

– Charlie and the Chocolate Factory của Roald Dahl (1964)

 

Charlie and the Chocolate Factory

 

Những dòng mở đầu trong cuốn sách của Roald Dahl Charlie and the Chocolate Factory đi kèm với những nét vẽ mảnh mai tuyệt vời của hoạ sĩ Quentin Blake, do đó bất kì nhà làm phim nào tiếp cận tác phẩm huyễn tưởng năm 1964 này đều phải thực hiện thật kĩ càng: độc giả thiếu nhi đã biết chính xác dàn nhân vật quyến rũ của Dahl trông ra sao rồi.

 

Bản thân Dahl không thích phiên bản ca nhạc năm 1971, với ngôi sao Gene Wilder vào vai Willy Wonka, một tay làm chocolate bí ẩn đồng ý tổ chức một chuyến tham quan nhà máy dành cho những đứa trẻ nào may mắn tìm được tấm vé bằng vàng trong thanh chocolate của Wonka. Nhưng nhiều thế hệ lại thích thú với cách bộ phim hiện thực hoá nhà máy điên rồ của Wonka, với những dòng sông chocolate, những cái cây làm bằng kẹo và những nhóm người Oompa-Loompa da cam vận hành dây chuyển sản xuất. Tim Burton đã mang cái cảm nhận thâm u của chính ông vào câu chuyện khi dựng lại tác phẩm này vào năm 2004, với Johnny Depp thủ vai Wonka. Tuy nhiên, đối với nhiều người thì những kí ức đẹp đẽ với phim của Dilder thật khó có phim nào thay thế được.

 

8. Alice (1988)

Đạo diễn: Jan Švankmajer

 

Alice

 

Alice bắt đầu thấy chán chường khi cứ ngồi bên cô chị ở bờ sông, và khi không có gì làm; cô bé trộm nhìn một hai lần vào sách cô chị đang đọc, nhưng nó chẳng có tranh cũng chẳng có những mẩu chuyện trò nào trong đó, ‘và công dụng của một cuốn sách là gì,’ Alice nghĩ, ‘nếu không có tranh ảnh hay những mẩu chuyện trò?’

 

– Alice’s Adventures in Wonderland của Lewis Carroll (1865)

 

Alice’s Adventures in Wonderland

 

Trong phiên bản năm 1988 dựng lại tác phẩm của Lewis Carroll do Jan Švankmajer đạo diễn, khi Alice phát hiện và sau đó đi theo con thỏ trắng, thì bối cảnh đó không xảy ra ở bờ sông. Thay vào đó, nó xảy ra trong căn phòng chơi đùa của cô bé, ở đó một chú thỏ nhồi bông trong cái hộp trưng bày bỗng nhiên trở mình chuyển động, lấy một nhúm mạt cưa trút vào trong người mình, phá tung lồng kiếng và nhanh chóng chạy mất dạng băng qua cánh đồng lầy lội, theo sau là cô bé Alice hiếu kì.

 

Tinh thần, nếu không muốn nói là cái chất văn tao nhã, của Carroll được Švankmajer tái dựng lại tuyệt hảo bằng một kiệt tác dị thường, ít thân thiện với trẻ em. Bộ phim kết hợp vai diễn người thật của cô bé Kristýna Kohoutová và thể loại hoạt hình stop-motion với màn trình diễn của những món đồ chơi gồm búp-bê và mấy món nhồi bông. Nhà làm phim hoạt hình người Czech đã di dời tác phẩm gốc của Carrol ra khỏi kiểu cổ tích vốn được nhiều nhà làm phim ưa chuộng, để chuyển sang địa hạt siêu thực, làm người ta thực sự bất an trong một câu chuyện tựa như giấc mơ. Như lời thuyết minh ở phần đầu phim đã nói: “Hãy nhắm mắt lại hoặc bạn sẽ chẳng thấy gì hết.”

 

9. A Little Princess (1995)

Đạo diễn: Alfonso Cuarón

 

A Little Princess

 

Lần nọ vào một buổi ban ngày mùa đông tăm tối, khi sương mù vàng lửng lơ dày đặc trên những con phố ở London đến nỗi đèn đường sáng lên và những cửa sổ ở các tiệm bán hàng cũng sáng trưng nhờ khí đốt y như lúc buổi đêm, một cô bé trông khác thường ngồi trong xe taxi cùng cha và họ đi chầm chậm băng qua con đường lớn.

 

– A Little Princess của Frances Hodgson Burnett (1905)

 

A Little Princess (book)
 

Từ bộ phim mang kiểu Southern Gothic [một kiểu Gothic đặc trưng cho văn học Mĩ với bối cảnh đặc biệt xảy ra ở miền Nam nước Mĩ] chuyển thể từ tác phẩm của Charles Dickens, Great Expectation (1998), cho đến một tập phim trong loạt phim Harry Potter, Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004), đạo diễn người Mexico Alfonso Cuarón rõ ràng rất hứng thú với những cuộc phiêu lưu của trẻ em. Mặc dù không mấy thành công về mặt thương mại, nhưng bộ phim Anh ngữ đầu tiên của ông, A Little Princess, vẫn được xem là một trong những bộ phim hay nhất của ông.

 

Cuốn tiểu thuyết của Frances Hodgson Burnet ra đời vào lúc chuyển giao thế kỉ. Nó là câu chuyện về một cô bé nhà giàu, Sara, được đưa trở về từ Ấn Độ sang London để đi học. Sau đó cô không còn được đối xử long trọng nữa mà thay vào đó là những trò tàn nhẫn và bắt nạt khi bất thần cô bé không còn đồng xu nào. Chuyển diễn biến câu chuyện từ London sang New York, Cuarón đã xử lí câu chuyện thật tráng lệ theo lối hiện thực huyền ảo, làm cho màn ảnh tràn ngập ánh hổ phách rực rỡ. Như Janet Maslin viết cho tờ New York Times: “Khi xem cảnh Sara quay vòng trong phấn khích ở căn phòng gác mái của mình vào một đêm tuyết rơi, hân hoan theo những xúc cảm từ một cảnh tượng làm lòng người dâng trào ở ô cửa sổ gần đó, lúc đó ta biết được nét đáng yêu ở một bộ phim thiếu nhi có thể dạt dào cảm xúc đến dường nào.”

 

10. Howl’s Moving Castle (2004) (Lâu đài bay của pháp sư Howl)

Đạo diễn: Miyazaki Hayao

 

Howl’s Moving Castle

 

Ở vùng đất Ingary, nơi mà những thứ như đôi hia bảy dặm và chiếc áo tàng hình thực sự hiện hữu, thì thật là bất hạnh khi được sinh ra là đứa lớn nhất trong số ba chị em. Ai cũng biết bạn sẽ là đứa thất bại đầu tiên, và tệ nhất, nếu cả ba đứa khởi sự đi tìm vận mệnh của mình.

 

– Howl’s Moving Castle của Diana Wynne Jones (1986)

 

Howl’s Moving Castle (book)
 

Được hình thành từ trí tưởng tượng của nhà văn người Anh Diana Wynne Jones, vương quốc Ingary là một trong những thế giới huyễn tưởng hấp dẫn nhất trong nền văn học thiếu nhi hiện đại. Ở thị trấn Market Chipping cổ xưa thuộc cựu lục địa, Sophie, cô chị cả trong số ba chị em, gần như không có tương lai cho đến khi có cơ hội gặp tay phù thuỷ bí ẩn Howl. Bị mụ Phù thuỷ Xấu xa Vùng hoang địa (Wicked Witch of the Waste) biến thành một bà già, Sophie lên đường tìm kiếm Howl nhờ giúp giải trừ phép ếm đó.

 

Những chuyến hành trình kì thú trên không trung của Wynne Jones đã có được bản chuyển thể điện ảnh hoàn hảo vào năm 2004 khi Miyazaki Hayao đã tập hợp hết khả năng sáng tạo vô hạn của hãng Studio Ghibli để thổi sức sống đầy sinh khí vào vùng đất của những phép thuật và bùa mê. Trong số những sáng tạo đáng nhớ nhất của phim là chính toà lâu đài của Howl, được Miyazaki tái hiện lại thành một khối tập hợp các pít-tông biết đi sừng sững, kêu bình bịch, khò khè khi di chuyển khắp các vùng thung lũng.

 

 Trạm Đọc - Read Station

Theo Duy Đoàn - Blog Chiếc nón

 

Tags: