Làm việc với một số công ty lớn tại Việt Nam có niêm yết trên sàn chứng khoán, tôi thấy nhiều công ty rất tự hào bởi các kết quả kinh doanh của họ được kiểm toán bởi một trong bốn đại gia lớn nhất trên toàn cầu bao gồm: Deloitte, EY, PWC và KPMG- còn được gọi là Big 4. Nhiều nhà đầu tư cũng tin tưởng vào các kết quả kinh doanh sau khi đã “qua tay” các công ty này. Tuy nhiên, nếu là một người quan tâm đến các vấn đề kiểm toán, các nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp có thể biết rằng 4 đại gia kiểm toán này có khá nhiều vấn đề, đồng thời họ cũng đang phải đối mặt với những thách thức khá lớn từ xã hội, thời cuộc.
TS Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia tài chính ngân hàng; Phó Tổng Giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam giai đoạn 1995-1997; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc First Vietnamese American Bank tại California giai đoạn 2005-2008) nhận xét về cuốn sách “4 đại gia kiểm toán”: “Đây là một quyển sách rất có giá trị và lý thú trong việc tìm hiểu lịch sử phát triển của The Big Four (KPMG, E&Y, PwC và Deloitte). Quyển sách này không những là một công trình nghiên cứu công phu mang tính lịch sử và học thuật về sự phát triển của ngành kiểm toán tại các nước Tây Phương mà còn đưa ra những dự báo cho sự phát triển của những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới.”
Cuốn sách “4 đại gia kiểm toán” có gì?
Cuốn sách “4 đại gia kiểm toán” được chia làm 4 phần. Phần I - Sơ khai, sẽ giúp độc giả tìm hiểu lịch sử kinh tế và văn hóa của Big 4. Trọng tâm của phần này là về bối cảnh hình thành, các nhà tiên phong, sáng lập, cũng như động lực của quan hệ đối tác và nghề nghiệp của 4 đại gia kiểm toán.
Phần II - Trưởng thành, miêu tả Big 4 trong hình thái hiện đại: cách họ định hình bản thân, giá trị chuyên môn và ranh giới nghề nghiệp, cách họ làm thương hiệu, người họ tuyển dụng, những đặc điểm nổi trội của nền văn hóa đó.
Phần III của cuốn sách “Những khó khăn khi trưởng thành”, tìm hiểu những thách thức cam go mà hiện nay Big 4 đang phải đối mặt trong mọi dòng dịch vụ chủ chốt của họ. Hàng loạt tai ương lớn của Big 4 có thể truy nguyên cho những nguyên nhân tái diễn, bao gồm: các xung đột cơ bản giữa các dòng dịch vụ, tình trạng đầu tư không thỏa đáng vào mảng kiểm toán, làm suy yếu nghiệp vụ – vốn là một dịch vụ vô cùng quan trọng đối với giá trị của thương hiệu Big 4.
Cuối cùng, Phần IV của cuốn sách “4 đại gia kiểm toán” đề cập đến sự lỗi thời, áp lực đòi hỏi đổi mới nếu không được đáp ứng có thể đưa đến giai đoạn lụi tàn của Big 4. Những áp lực này bao gồm: sự thay đổi công nghệ, bộ máy quản lý và cạnh tranh đột phá, tạo nên những tác động bao trùm lên mọi phương diện của các công ty: con người, quyền sở hữu, cấu trúc, các mạng lưới, các dịch vụ và các phương pháp của công ty. Từ đó, các tác giả đã chỉ ra làm thế nào một tập hợp các áp lực cũ và mới lại có vẻ đang thúc đẩy các công ty bước vào cuộc biến hình triệt để hoặc có thể đi đến hồi kết.
Và những điều đặc sắc
Với độc giả có nhiều mối bận tâm và thời gian dành cho việc đọc sách có giới hạn, có lẽ phần III và phần 4 của cuốn sách sẽ khiến họ thấy thu hút hơn cả. Độc giả có thể bất ngờ về hàng loạt sai phạm, cũng như việc thụt lùi trong chất lượng dịch vụ của 4 đại gia kiểm toán này như: năm 2007, công ty KPMG bị thanh tra vì đã phớt lờ “những khoản thanh toán đáng ngờ” trong một vụ hối lộ liên quan đến Siemens. Năm 2009, EY phải đồng ý trả 109 triệu đô-la cho các cổ đông và cho các trái chủ ở HealthSouth Corp để hòa giải một vụ bê bối kế toán liên quan tới những thu nhập kê khống. EY đã không phát hiện được vụ khai khống 2,5 tỷ đô la lợi nhuận của Tập đoàn này.
Trong vụ China Cast năm 2003, theo bên khiếu nại, Deloitte “đã bỏ qua tên tuổi” và thương hiệu của công ty để đưa ra các chứng nhận báo cáo tài chính gần như sai hoàn toàn. Gần đây, Quỹ Bill & Melinda Gates đã kiện PwC và Petrobras vì liên quan tới những thua lỗ đầu tư do tham nhũng ở công ty dầu hỏa lớn tại Brazil. Và rất nhiều các ví dụ khác.
Theo các tác giả cuốn sách, có nhiều lý do gây ra sự xuống cấp trong nghiệp vụ của 4 đại gia kiểm toán này như: sự coi thường chất lượng dịch vụ (phần lớn công việc kiểm toán đang được tiến hành bởi người vừa rời ghế đại học, và chưa đủ tư cách làm kế toán viên có chứng nhận hay được cấp phép hành nghề; những người có kinh nghiệm sau đó cũng chỉ kiểm tra những mẫu nhỏ của các giao dịch và kiểm soát nhằm giảm thiểu chi phí...) sự độc lập bị thỏa hiệp (khi các công ty này có một tầng thực hiện việc kiểm toán, một tầng khác lại đưa ra các lời khuyên làm sao né được các quy tắc, điều lệ, cách tô vẽ các báo cáo tài chính, thì điều này khó có thể tránh khỏi)... 4 đại gia kiểm toán đều bị chỉ trích về những thất bại trong việc soát xét các định giá, xác minh các tài sản, thấu hiểu công việc kinh doanh của đối tượng kiểm toán.
Các tác giả viết: “Đối với Big4, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 có một khía cạnh gây kinh hoàng. Dường như thị trường đã biết rằng những phát hiện kiểm toán trước cuộc khủng hoảng là vô giá trị”.
Đối với áp lực cạnh tranh, đổi mới trong tương lai gần và xa hơn nữa, các tác giả cuốn sách cho biết: ngành kế toán đang thay đổi chóng mặt theo nhiều cách khác nhau, kéo theo đó là rất nhiều cạnh tranh mà 4 đại gia kiểm toán phải đối mặt. Đó là sự xuất hiện của các công ty kiểm toán mới có mô hình kinh doanh đổi mới, sử dụng các phát triển mới về công nghệ thông tin “nhằm dân chủ hóa các dịch vụ tình báo”, đưa ra các đề xuất dịch vụ minh bạch hơn, ít tốn kém chi phí hơn.
Kiểm toán dựa trên công nghệ bao gồm việc áp dụng các tiến bộ như trí tuệ nhân tạo, học máy và dữ liệu lớn. Những robot kiểm toán có thể thu thập dữ liệu của công ty. Các thuật toán có thể tìm kiếm những chỗ dị thường... So sánh với kiểm toán truyền thống, những chương trình như vậy có thể hữu hiệu hơn rất nhiều trong việc phát hiện gian lận.
Ngay trong mảng tư vấn dịch vụ, Big 4 cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh vô tiền khoáng hậu trên thị trường ý tưởng từ mọi phương hướng: từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, các cơ quan của chính phủ, các chuyên gia tự do với tổng chi phí vận hành thấp hơn và tính linh hoạt cao hơn; mà nhiều người trong đó là các cựu nhân viên của Big 4.
Trong khi đó, 4 đại gia kiểm toán có rất nhiều rào cản đối với việc đổi mới sáng tạo như chủ nghĩa bảo thủ, ra quyết định chậm chạp, e ngại rủi ro... Như nhiều tổ chức lớn khác, Big4 có xu hướng không khuyến khích sáng kiến, và chỉ tưởng thưởng cho ý thức tự giác. Văn hóa nổi trội của họ mang tính tuân thủ và trung bình. Họ ca tụng các giá trị của kỷ luật, tuân thủ, làm việc chăm chỉ và biết hòa nhập. Phần lớn nhân viên của họ đều là sinh viên tốt nghiệp hạng trung từ các trường đại học, cao đẳng hạng trung.
Và theo các tác giả, đổi mới mang tính chuyển mình trong nghề kế toán là không thể tránh khỏi, nhưng vì tất cả lý do đã nêu ở trên, sự đổi mới không có nhiều khả năng được thúc đẩy từ trong lòng Big4. Và như vậy thời khắc “xế chiều” của Big4 đã được điểm lên rồi.
4 đại gia kiểm toán là cuốn sách thú vị cho nhiều độc giả
Với ngồn ngộn nội dung, theo tôi cuốn sách “4 đại gia kiểm toán” rất hữu ích với mọi nhà đầu tư lâu nay vẫn tin tưởng vào các kết quả kiểm toán của Big 4. Hiểu được lịch sử, quá trình phát triển, thách thức trong hiện tại và tương lai, cũng như những sự thật ít biết về 4 công ty này; sẽ khiến họ có cái đầu lạnh, tỉnh táo hơn, biết tìm hiểu nhiều nguồn thông tin hơn là chỉ dựa vào các kết quả kiểm toán được đưa ra bởi Big 4, để đưa ra các quyết định đầu tư của mình.
Với tất cả các học sinh, sinh viên và những người đang làm việc trong ngành kế toán, kiểm toán, cuốn sách sẽ cung cấp cho họ một bức tranh tương lai về ngành kiểm toán, để họ có được những dự tính cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp của mình: hoặc phải cập nhật những kiến thức, tư duy mới; hoặc sẽ bị gạt ra bên lề khi cách tân công nghệ tác động và làm thay đổi sâu sắc ngành kế toán, kiểm toán.
Với lãnh đạo và đội ngũ nhân sự của các công ty kiểm toán, kể cả 4 đại gia kiểm toán cuốn sách này là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự đổi mới sáng tạo hay là chết dần. Thực tế, Big4 thường chỉ bị kiểm tra khi có vấn đề quá nghiêm trọng. Và những áp lực Big4 đang phải đối mặt cũng đáng sợ và tiềm ẩn kịch tích không kém những áp lực từng dồn họ tới những thất bại tồi tệ trong quá khứ.
Cuối cùng nắm bắt được xu hướng thay đổi của ngành kế toán, kiểm toán cũng là yêu cầu được đặt ra cho các giám đốc và giám đốc điều hành của các công ty. Bởi “chất lượng của các báo cáo tài chính rất quan trọng để đánh giá giám đốc điều hành và định giá công ty”. Vì vậy đây cũng là cuốn sách cần phải đọc đối với đối tượng này.
4 đại gia kiểm toán là tác phẩm của lan D. Gow và Stuart Kells. lan D. Gow là Giám đốc Của Trung tâm Quản trị Doanh nghiệp và Quy chế Melbourne tại Đại học Melbourne. Ông từng làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard, Trường Quản lý Kellogg tại Đại học Northwestern. Ông cũng từng đảm nhận các vị trí tại Morgan Stanley, General Motors, Stern Stewart & Co., và Andersen Consulting.
Stuart Kells trước đây là trợ lý của Tổng kiểm toán bang Victoria và giám đốc tại KPMG. Ông cũng làm việc cho Deloitte, S. G. Warburg. Sau CUỘC khủng hoảng tài chính năm 2008, ông làm việc cùng một trong những người tiếp nhận Lehman Brothers. Ông từng giành được Giải thưởng Ashurst Business Literature.
Nguyễn Cường - Trạm đọc