Giáo sư Kinh tế - Xã hội học Tôn Thất Nguyễn Thiêm sinh tại Huế. Ông từng du học Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, và từng giữ chức Giáo sư về kinh tế phát triển và chiến lược ngoại thương tại Đại học Tổng hợp Brussels (Bỉ). Ông là một nhà tư vấn xây dựng thương hiệu giàu kinh nghiệm với doanh nghiệp Việt Nam.
Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm còn được biết đến là một cây bút mẫn cán, cho ra đời nhiều đầu sách về quản trị kinh doanh, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển.
Đọc thêm: 6 cuốn sách quản trị kinh doanh của GS.TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm
Một bước ngoặt trong sự nghiệp cầm vút của giáo sư là khi ông phát hiện ra mình mắc căn bệnh ung thư phổi quái ác. Ông đã tâm sự về hành trình chữa bệnh, cũng như những chiêm nghiệm về đời sống thông qua các tác phẩm mang đậm tinh thần triết học.
Hãy cùng Trạm Đọc điểm lại những tựa sách này nhé!
1. Ngộ…
Cuốn sách "Ngộ" đánh dấu lần đầu tiên giáo sư kinh tế Tôn Thất Nguyễn Thiêm viết về tôn giáo và triết lý sống, đúc rút từ những suy tưởng ngay sau khi biết về tình trạng bệnh của mình.
Đây là câu chuyện có thật của tác giả, bị ung thư phổi, với khả năng điều trị là “năm ăn năm thua”. Hoặc là bệnh tình tiến triển tốt, không di căn, không phải xạ hóa trị lâu. Hoặc là người bệnh chỉ tồn tại ở cõi đời này khoảng 15 ngày nữa. “Ngộ” là những dòng suy nghĩ đan xen trong mấy tiếng đồng hồ tĩnh tâm, đứng trước cửa tử mà đối diện với chính bản ngã của tác giả. Thật may mắn, sau khi quyết định phẫu thuật cắt bỏ lá phổi có khối u, chiến đấu với tử thần khi bị sốc dịch tràn phổi, hôn mê bất tỉnh, Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã trở lại cuộc sống với những chiêm nghiệm về hạnh phúc và những điều cao cả của số phận con người, viết nên Ngộ...
Cuốn sách có tính triết - đạo - đời huyền diệu nhưng chỉ dung dị một lẽ: sống sao cho trọn kiếp người
Văn phong sâu sắc, đầy trải nghiệm, bao dung cùng lượng kiến thức vô cùng rộng mở và quan điểm riêng thoáng đạt đáng ngưỡng mộ của tác giả, “Ngộ” xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dùng để nghiền đi ngẫm lại trong mỗi phút giây chênh vênh trên đường đời. Như một câu chuyện về “Thiền” trong đời sống thực.
2. Về…
“Về” là phần tiếp theo của "Ngộ", đúc kết những triết lý giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm rút ra được vào khoảng thời gian hậu phẫu một năm, khi bác sĩ cho biết ông vẫn còn chịu nguy cơ tái phát, di căn đột biến cao.
Sau khi cắt bỏ một lá phổi và vui mừng đón nhận chẩn đoán không di căn, một lần nữa tác giả lại phải đối mặt với khả năng di căn xuất hiện, qua các cuộc tầm soát hậu phẫu, mà tiên lượng điều trị là con số 0 tròn trĩnh.
Giáo sư kể cuộc đời như tái hiện trước mắt ông chớp nhoáng chỉ trong vài giờ đồng hồ chờ kết quả tái khám. Đã một lần trải qua sinh tử khi sốc tràn dịch màng phổi, hôn mê bất tỉnh, Tôn Thất Nguyễn Thiêm lại một lần nữa phải đối mặt với cái chết. Cuốn sách do đó truyền tải thông điệp giản dị của tác giả - sống sao cho ra một con người. "Qua chuyện sự sống và cái chết, tôi muốn chia sẻ với độc giả hãy nhìn thẳng vào sự việc, luôn có giải pháp và sống tích cực", tác giả gửi gắm.
3. Cội…
Tiếp nối “Ngộ” và “Về”, giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm tiếp tục thể hiện tiếng nói quan điểm về cuộc sống thông qua “Ngộ…Về…Cội”. Tên tập sách như đại diện cho hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác của tác giả, liên tục đối mặt với cái chết, nên càng không ngừng suy ngẫm về cuộc sống, trân trọng cuộc sống.
Sống là hành trình. Mỗi hành trình đều gợi ra nơi đến và cõi về. Nơi đến thì nhiều. Nhưng cõi về, quanh đi quẩn lại, rốt cuộc, rồi cũng chỉ một, mà thôi.
Ngộ là Về. Về là Cội ....
Cuốn sách gồm ba phần
Cuộc sống cứ ngỡ trăm năm nay tồn tại mong manh trong thoáng chốc của những tiếng đồng hồ chờ kết quả mỗi lần tái khám! Một lần nữa những chiêm nghiệm trong khi vượt lên sợ hãi của tác giả không chỉ mang giá trị cá nhân mà còn có thể là niềm cổ vũ, thanh thoát cho tâm hồn của người đọc ở bất cứ tuổi nào.
4. Dặn Với Mai Kia
Dặn Với Mai Kia được xem là phần cuối cùng của bộ sách "Ngộ", "Về", "Cội" được viết ra sau khi tác giả lâm trong bệnh. Thiên về phần "Đời" hơn phần "Thiền" và "Đạo" như các phần trước, cuốn sách vì thế mà trở nên gần gũi với người đọc hơn. Đây đồng thời là lời nhắn nhủ, dặn dò của tác giả đến những người ông yêu quý về những thứ được xem là trọng yếu, để cuộc đời trọn vẹn.
Sách gồm 4 phần tiêu biểu cho 4 giai đoạn trong đời người, được ví như 4 khoảng thời gian trong ngày
“Trong bộ ba trước, tôi cơ bản nói về những chuyện có thể gọi là gần với đạo. Bây giờ, tôi lại chú trọng nhiều hơn đến những việc mang nặng tính chất ĐỜI. Vì vậy cách lập luận và lý giải có đôi điều khác so với trước. Tuy nhiên, ngẫm cho kỹ, nếu đạo xa đời thì đạo ở đâu, và nếu đời xa đạo thì đời chủ còn là một cõi trầm luân ô trọc..tôi cố gắng quyện thông, chan hoà đạo với đời và đời với đạo!” - tác giả chia sẻ
Nếu bạn đọc đã ấn tượng và yêu thích ba cuốn sách “Ngộ”,“Về”, “Cội”, phần cuối “Dặn với mai kia” nối tiếp những câu chuyện và triết lý sống, vẫn với văn phong sâu sắc, từng trải, thêm phần chiêm nghiệm, lại thêm chất đời, tiếp tục để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng độc giả.
Nguyên Hạnh tổng hợp