1. Mọi người nghĩ tôi “có tài viết lách”, tôi thì biết: hoàn toàn không. Theo nghề viết, tôi làm việc của một công nhân chữ. Tôi đọc, tôi chạy ra đường, tôi ì ạch nặn từng con chữ. Có những ngày, tôi viết tới mức thấy như sắp đổ máu mũi. Để có đều đặn 3 – 4 bài viết mỗi tuần trên các ấn phẩm, tôi đã làm việc toàn thời gian. Như một người luyện tập lâu mà quen tay, bền sức, tôi có thể viết nhiều và tốt gần như mình muốn.
2. Cảm hứng không tới như tiếng gọi của thiên thần. Nó không tới bằng cách uống nhiều bia và hút nhiều thuốc lá. Nó không chỉ đến với bậc thiên tài. Và cũng không thể nào đợi nó tới, mới bắt đầu lao động. Cảm hứng của tôi là sự tò mò, là tiền nhuận bút, là tự kỷ luật, là ngồi lì bên máy tính, và viết rồi xóa, là nhận yêu cầu chỉnh sửa của biên tập viên mà không buồn muốn khóc, tự ái bỏ đi. Cảm hứng của tôi thực tế vậy đó, nó chưa bao giờ là thứ phù phiếm.
3. Hãy viết sao cho dễ đọc, nhưng đừng viết để làm hài lòng người đọc. Đừng cho họ những thứ đúng như mong muốn, vì bài viết không phải là chai nước trong siêu thị, 1 triệu lon chất lượng như nhau, anh uống để tìm sự quen thuộc yêu thích. Viết là để cho người ta phải nghĩ, và cảm, và thấy điều gì đó mà họ chưa được thấy.
4. Cho dù bạn viết dở thế nào đi nữa, nếu kiên trì, đến cuối cùng, bạn vẫn làm được một cái gì đó. Người thắng cuộc là người không bỏ cuộc.
5. Hãy sống. Nếu phải chọn giữa chuyện viết và sống, hãy chọn sống. Bởi cây viết giỏi đến đâu mà không sống ra trò, thì rốt cuộc chỉ tạo nên những con chữ mỹ ký – đẹp, nhưng không có giá trị.
6. Luôn có thể viết tốt hơn. Vậy nên đừng ngại sửa lại lần 1, lần 2, lần 3, lần 4… lần thứ 20. Hoặc viết lại cái mới. Hoặc cắt một bài viết 3.000 từ xuống còn 500 từ.
7. Người khắc nghiệt với bạn nhất có thể là người giúp bạn giỏi nhanh nhất.
8. Đừng ảo tưởng sức mạnh. Bạn đang có quyền lực kể chuyện trong tay, nhưng hãy dùng nó để phụng sự thay vì tìm kiếm quyền lực cho riêng bản thân mình. Đừng dùng cây bút để chà đạp người khác và tư lợi.
9. Điểm đến cuối cùng trong hành trình người viết là tìm được chính mình.
10. Mỗi hoa mỗi sắc, không cần bắt chước ai khác. Đừng bắt chước giọng văn, đừng bắt chước ý tưởng, đừng bắt chước cuộc đời của bất kỳ ai dù bạn ghen tỵ hay hâm mộ họ đến mức nào. Vì mỗi người đều có một cuộc đời riêng, nên mỗi người là một người viết độc nhất vô nhị.
Bài viết được trích lược từ cuốn Người viết kiếm sống của tác giả Hạ Chi. Quyển sách này là trải nghiệm cá nhân của tác giả về cuộc sống và công việc, nhìn dưới góc độ của một người viết. Vì vậy nó là câu chuyện nghề, nhưng cũng là câu chuyện đời, mà tác giả mơ mộng rằng sẽ đủ thú vị để bạn thưởng thức. Qua quyển sách này, tác giả mong muốn sẽ giúp bạn đọc tự tin theo đuổi nghề viết. Quan trọng hơn, bạn sẽ thấy trân trọng nhu cầu được viết của mình và từ đó có động lực để viết mỗi ngày.
Về tác giả:
– Phóng viên (2!Người Trẻ Việt & 2!Đẹp) / 2009 - 2013
– Chủ bút Đẹp Online (thuộc Đẹp Magazine) / 2014
– Tác giả sách Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình
– Co-founder & Head of content tại Xanh Marketing / 2014 - 2017
– Creative Strategy Manager tại Digipencil MVV / 2017 - 2019