Tưởng tượng rằng bạn đang ở cửa hiệu để mua một loại sữa. Bạn sẽ chọn TH Milk, Vinamilk hay Ba Vì Milk? Và hẳn là bạn không mất quá nhiều thời gian chọn lựa, nhưng cũng không thể giải thích rõ ràng tại sao phải không?
Hiện tượng đó là một phần kết quả của "Dấu ấn thể xác", một dạng "phản ứng nhanh" của bộ não với bất cứ tình huống nào. Bất cứ khi nào chúng ta phải đưa ra quyết định mua, bộ não sẽ thực hiện tổng hợp hàng loạt suy nghĩ và ý tưởng để đưa ra một câu trả lời duy nhất. Thay vì thực hiện một quá trình mới hoàn toàn với những vấn đề giống nhau, bộ não của chúng ta rút ngắn quá trình xử lý thông tin bằng kinh nghiệm có được.
Trên thực tế, một nhóm nghiên cứu đến từ nước Đức phát hiện ra rằng 50% quyết định mua hàng của chúng ta đến từ những phản ứng tự phát, vô thức. Từ đó cho thấy, thông qua dấu ấn thể xác, bộ não đã đưa ra quyết định hết sức nhanh chóng.
Thú vị hơn nữa, dấu ấn thể xác còn khiến chúng ta thích nhãn hàng này hơn nhãn hàng khác. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng, với những khách hàng thích nhãn hiệu Andrex hơn Kleenex (2 nhãn hàng giấy vệ sinh), lí do khiến họ lựa chọn Andrex có liên quan tới chú cún con biểu tượng của hãng. Nghe thực sự kì lạ nhưng chú cún con khiến chúng ta nghĩ về một gia đình trẻ, từ đó tăng cường độ phủ của thương hiệu.
Tương tự khi chúng ta đi mua dụng cụ đồ bếp: Chúng ta thường chọn những cái tên nghe giống như đến từ Đức vì chúng ta thường gắn nước Đức với công nghệ kỹ thuật vượt trội. Budweiser là một nhãn bia của Mỹ nhưng lấy một cái tên nghe giống như Đức cũng vì lý do đó.
Với những hiệu ứng đó, dấu ấn thể xác hiển nhiên trở thành một công cụ Marketing cực kì hữu hiệu. Các nhà quảng cáo luôn cố gắng để tạo ra kết nối giữa những thứ hoàn toàn khác biệt để kích thích dấu ấn thể xác trong ký ức của chúng ta.
Trong cuốn sách tác giả còn đưa ra một dẫn chứng kinh ngạc về màu sơn. Trong một nỗ lực để giúp đỡ một ngân hàng đang gặp khó khăn, tác giả tư vấn rằng nhà quản lý nên sơn sảnh và hầu hết những thứ trong đó một màu hồng. Ba tháng sau, lượng tiền đổ về bùng nổ: Khách hàng liên kết ngân hàng với chú lợn tiết kiệm màu hồng của họ một cách vô thức.