TRÍ TUỆ ẤN ĐỘ – Bài học về các quy luật hạnh phúc
TRÍ TUỆ ẤN ĐỘ – Bài học về các quy luật hạnh phúc
Sức mạnh không đến từ năng lực thể chất, mà đến từ ý chí sắt đá. – Mahatma Gandhi
Trở về Ấn Độ với mục đích khám phá cội nguồn, Poonacha Machaiah đã có khoảng thời gian tuyệt vời chiêm nghiệm những giá trị tinh thần ở quê hương mình. Chuyến phiêu du qua các di sản văn hóa lâu đời đã giúp tác giả ghi chép ra các quy luật hạnh phúc của riêng mình
 

 

1. Quy luật của sự can đảm

 

 

Sợ hãi là kẻ thù lớn nhất của con người, nó biểu hiện đa dạng qua nhiều hình thức như nỗi xấu hổ, ganh tị, giận dữ, thô bạo, kiêu căng… Điều gì đã gây ra nỗi sợ? Đó là thiếu tự tin ở bản thân. – Swami Prajnanpad

 
Suốt khoảng thời gian đó tôi dần tin rằng sợ hãi là nguồn gốc của tất cả những bất hạnh và bất ổn của từng cá nhân trong xã hội. Nếu có thể chinh phục nỗi sợ hãi, chúng ta không chỉ có thể chuyển hóa bản thân mà còn mang đến hòa bình trong cộng đồng. Chúng ta sinh ra vốn không biết sợ hãi, xã hội và hoàn cảnh đã khiến chúng ta sợ hãi. Triết gia Krishnamurti từng nhấn mạnh, "Tôn giáo duy nhất được truyền bá chỉ nên là tôn giáo của sự can đảm".
 

 

2. Quy luật của sự cân bằng

Vũ trụ như đại dương trong thế cân bằng hoàn hảo. Một con sóng cuộn trào ở nơi này sẽ tạo ra khoảng lõm ở nơi khác. Tổng năng lượng của vũ trụ vẫn không thay đổi từ đầu này tới đầu kia. Nếu bạn lấy đi ở một nơi, bạn sẽ phải trả lại ở nơi khác. – Swami Vivekananda

Là chuyên gia công nghệ, điều này không khó hiểu đối với tôi. Định luật thứ 3 của Newton về chuyển động đã nêu ra rằng mỗi lực tác động đều tạo ra phản lực tương đương. Và kết quả cũng tương tự đối với tất cả những hành động của chúng ta, mặc dù chúng ta không thấy rõ ngay tức thì. Tôi tin rằng vũ trụ luôn có sự sắp đặt của nó. Vì vậy chúng ta phải học cách giữ lấy sự cân bằng trong tất cả mọi việc.
 

 

3. Quy luật vật chất

 

 

"Giá trị tinh thần chẳng bao giờ đạt được cho đến khi giá trị vật chất bị dập tắt." – Swami Vivekananda

 
Có bao giờ chúng ta thỏa mãn với cơn khát vật chất chưa? Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi ham muốn bất tận này? Tôi nhận ra rằng, khi nào tôi còn nằm trong cái vòng luẩn quẩn của lòng tham muốn tích lũy và sự thỏa mãn, tôi sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc đích thực. Vì vậy khởi đầu của hạnh phúc là từ bỏ nỗi thèm khát sở-hữu-nhiều-hơn-nữa cho bản thân hay cảm giác về quyền lợi.
 

 

4. Quy luật của sự hài lòng

 

 

"Chúng ta luôn so sánh thực tại của mình với cái tương-lai-mình-nên-là. Sự so đo chính mình với người khác là một trong những nguyên nhân chính gây ra nỗi bất an nội tâm. Vì sao có sự so sánh triền miên này? Nếu không so sánh mình với người khác, bạn sẽ là chính bạn." – Krishnamurti

 
Chúng ta sống phần lớn cuộc đời mà không biết chúng ta là ai và thường so sánh mình với kẻ khác. Cả hai việc này đều hoang phí sinh lực và hoàn toàn vô ích.
 
Sự hài lòng có nghĩa là tồn tại trong xã hội đầy bấp bênh và hỗn độn mà không hề đánh giá hay so sánh mình với người khác. Sự hài lòng là việc chấp nhận mỗi cá nhân đều có chỗ trong thế giới này và có con đường riêng để đi. Không có hai dấu vân tay giống nhau, vậy tại sao phải phí tâm so sánh lẫn nhau? Cả nhân loại cùng chia sẻ ánh mặt trời; nó không phải của riêng ai. Nếu ai cũng đều đang hưởng lợi từ nguồn-năng-lượng-cho-không của sự sống, tại sao chúng ta lại không thể hài lòng với cuộc sống của mình và những người xung quanh?
 

 

5. Quy luật của sức mạnh ý chí

 

 

"Sức mạnh không đến từ năng lực thể chất, mà đến từ ý chí sắt đá." – Mahatma Gandhi

 
Chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Nhưng chúng ta có sức mạnh ý chí để thay đổi cách hành xử và thái độ khi đối diện nó. "Chúng ta là những gì mình muốn. Thân tâm như một khu vườn nơi ý chí là người chủ vun xới", William Shakespeare từng nói.
Áp dụng những quy luật này vào cuộc sống đã dạy tôi biết sống hạnh phúc trong hành trình cuộc đời mình và biết đón nhận tình yêu. Hành trình của tôi trong thế giới này bắt đầu bằng tình yêu và rồi một ngày cũng sẽ kết thúc bằng tình yêu.
 
Quốc Trương lược dịch | Theo Huffington Post
Tags: