Giá trị từ những ghi chép vụn trong sổ tay nhà báo
Giá trị từ những ghi chép vụn trong sổ tay nhà báo
Từ những thông tin, cảm xúc trên đường tác nghiệp, lúc giải trí... những ghi chép nhỏ nhặt đã đem lại nguồn tư liệu và cảm hứng để làm nên những cuốn sách có giá trị.

Viết sách là một công việc đòi hỏi sự chuyên tâm và đầu tư về mặt thời gian, công sức. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là người viết lúc nào cũng phải ngồi hàng giờ trước máy tính để soạn bản thảo. Rất nhiều tác phẩm đã được tạo nên nhờ những ghi chép vụn vặt hàng ngày, những ghi chú viết vội trên chuyến công tác, hay những cảm xúc bất chợt được gom góp lại qua năm tháng.

Trong “Tuần lễ sách của người làm báo”, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức buổi giao lưu giữa các nhà báo là tác giả sách, diễn ra vào ngày 18/6 tại Đường sách TP.HCM. Đây là dịp để tác giả chia sẻ về kinh nghiệm viết của mình, với những đặc thù trong công việc của một nhà báo, nhà văn.

 

Quan sát, lắng nghe và ghi chép

 

Nhà báo Trung Nghĩa là cây bút có sở trường về mảng phóng sự, ký sự. Theo anh, nhà báo có lợi thế được đi đó đi đây rất nhiều và có khả năng viết tốt. Nhờ đi nhiều nên có nhiều trải nghiệm, nhiều điều mắt thấy tai nghe về vùng đất, con người, văn hóa. Tất cả điều đó cung cấp tư liệu cho nhà báo tập hợp lại và viết thành sách có chủ đề và nội dung súc tích, cô đọng.

“Tôi được truyền cho một kinh nghiệm, đó là đi đâu cũng phải mang theo một cuốn sổ tay. Ở trang bên trái, chúng ta ghi lại những sự việc ta chứng kiến. Ở trang bên phải, chúng ta ghi những cảm nhận của mình. Cuốn sổ sẽ trở thành một quyển tư liệu rõ ràng hỗ trợ ta viết sách”, anh chia sẻ.

Nhờ đó mà trong cuốn sách mới nhất, Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl, anh đã có những ghi chép rất tỉ mỉ về những chuyến hành trình ở khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương để tác nghiệp, săn tin, săn ảnh.

(Từ trái sang) MC Phương Thảo và các nhà báo: Trung Nghĩa, Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường, Hồ Huy Sơn. Ảnh: Thanh Trần.

“Nói đến nghề báo, mọi người sẽ có ấn tượng nhà báo phải đi xa. Tôi may mắn phụ trách về mảng xuất bản, được sống trong môi trường sách vở, đọc nhiều sách, đây cũng là một nguồn sống về văn chương. Tôi là người viết theo cảm xúc, đôi khi đi đường chợt thấy điều gì tôi thường dừng xe lại để ghi chú vào điện thoại”, nhà báo Hồ Huy Sơn bổ sung một góc nhìn khác. Anh cũng là tác giả của nhiều tập thơ, tản văn kể về những câu chuyện hàng ngày như Cơm nhà cơm người, Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố, Xin chào ngày nắng đẹp...

Với nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường), tác giả của nhiều tác phẩm như Ký ức về nước mắt và tiếng cười, Chuyện gái trai, Trên đường về nhớ đầy… - nhà báo luôn sống trong thời cuộc, sống giữa dòng chảy thông tin. Thông tin đó có thể là các câu chuyện thời sự, những câu chuyện về cuộc sống, về con người. Tất cả đều gợi ra nhiều điều sâu xa khiến ta suy ngẫm và từ đó, nhà báo ghi lại những câu chuyện thành sách, để nó có sức sống bền lâu hơn, có đời sống dài hơn một bài báo.

“Chúng ta phải khuyến khích người Việt viết sách. Người Việt chúng ta có vẻ chưa có thói quen viết sách. Ngay cả Việt Nam thế kỷ 19, 20 như thế nào, chúng ta vẫn nhờ ghi ghép người Pháp. Hoặc ở Trung Quốc, triều đình có chính sử, dân gian có dã sử, sau này cũng được các nhà nho ghi ghép lại. Cho nên tôi mong là chúng ta cứ viết đi, sách có một cái duyên rất lạ. Dù là viết nhật ký, thì tất cả đều gắn cuộc sống, tất cả đều có ý nghĩa”, ông nói thêm.

 

Viết báo hay viết sách đều giống nhau ở chữ "viết"

 

Việc viết báo và viết sách, viết văn vốn có nhiều khác biệt. Tuy vậy, dù nhà báo có cố gắng tách bạch giữa hai công việc, chúng vẫn có những khoảng giao nhau, bổ trợ lẫn nhau theo nhiều cách.

Đến nay, nhà báo Nguyễn Khắc Cường đã có gần 30 năm làm báo thiếu nhi. Ông cho biết mình thường xuyên được lắng nghe những ước mơ, trăn trở của các bạn thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ. Chính bầu không khí ấy đã giúp ông có sự đồng cảm tự nhiên với trẻ thơ, và nó cũng trở thành chất liệu và nguồn cảm hứng cho ông viết nên những tác phẩm như Kho báu trong thành phố, Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch.

Một số tác phẩm của các nhà báo

“Tôi chưa từng nghĩ người làm báo viết văn và người làm văn viết báo khác nhau như thế nào. Bây giờ nhìn lại, trong truyện tôi viết đều có dáng dấp của người làm báo. Ví dụ, khi làm báo tôi luôn giáo dục các em phải gọi số khẩn cấp. Rồi kiến thức đó cũng được lồng ghép vào trong câu chuyện, trong tình huống đó, nhân vật đã gọi số đó và tôi cũng nhắn nhủ với các em cần phải làm gì. Ở tình huống này thật khó để phân biệt vai trò của mình là người làm báo hay làm văn”, ông nói.

Theo nhà báo Dương Thành Truyền, khi làm nghề báo, ta có cơ hội nhìn vấn đề từ nhiều chiều, nhiều góc độ. Nhà báo luôn sống trong thông tin, ngập trong thông tin từ nhiều nguồn. Vì thế, nghề cũng giúp nhà báo phát triển cách nhìn cuộc sống một cách không thiên lệch, không định kiến để có thể kể lại câu chuyện một cách đa chiều cho mọi người.

“Người viết cần nuôi dưỡng cảm xúc với ngôn từ, trau dồi vốn tiếng Việt và vốn liếng sống. Cá nhân tôi luôn cảm thấy xúc động và được truyền cảm hứng khi bắt gặp những cách diễn đạt hay trong tiếng Việt. Để cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ và trau dồi năng lực diễn đạt, ta cần phải đọc sách thật nhiều”, ông Dương Thành Truyền nhắn nhủ.

Theo Zingnews

Tags: