Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách văn học tháng 2
Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách văn học tháng 2
Sách văn học hay nhất ra mắt trong tháng 2, do Ban biên tập Trạm Đọc tuyển chọn

 

Thành phố trộm - David Benioff

 

 

Bạn trông chờ gì ở một cuốn tiểu thuyết viết về trận chiến thảm khốc và quan trọng nhất của lịch sử loài người thế kỷ XX?

Thành phố trộm sẽ đáp ứng mọi mong chờ của bạn về một thiên sử thi chiến tranh bằng cách miêu tả về hai kẻ trộm … trứng. Trong cuộc phong tỏa Leningrad tàn bạo của quân Đức, Lev Beniov bị bắt vì tội hôi của và bị ném vào cùng xà lim với tên đào ngủ điển trai tên Kolya. Thay vì bị hành quyết, Lev và Kolya còn cơ hội giữ mạng sống bằng cách thực thi một nhiệm vụ tưởng chừng không thể: tìm về một tá trứng – nhân sinh nhật của con gái của một vị tướng.

Bằng một ngòi bút đậm chất điện ảnh, pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thực tàn bạo và chủ nghĩa huyền thoại giễu nhại cay đắng, David Benioff dẫn chúng ta theo sát 2 chàng thanh niên từ những dãy nhà đổ nát với những người mẹ tuyệt vọng tới những lô cốt âm u tàn bạo của bọn phát xít. Giữa những làn đạn và âm mưu độc ác, chỉ có tình bạn trong sáng và tình yêu kỳ quặc mới dẫn hai nhân vật chính hoàn thành chiến công oái ăm nhất trong lịch sử chiến tranh.

Trong những giây phút tăm tối nhất của thời đại, chúng ta vẫn có thể xúc động khi thấy những con người bình dị và khát khao sống mãnh liệt của họ, dù đôi khi, khát khao ấy thật … hài hước.

 

 

Khải hoàn môn - Erich Maria Remarque

 

 

Cuốn tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn viết về chiến tranh vĩ đại nhất lại không có một dòng trực tiếp nào viết về chiến trường. Nhưng nó đau đớn hơn bất kỳ cảnh bom đạn đổ máu nào.

Erich Maria Remarque, tiểu thuyết gia bị bọn Phát xít đốt sách vì tiếng nói phản chiến của ông, đã viết về thời kỳ đau thương nhất của châu Âu thời thế chiến thứ 2 qua thân phận của bác sĩ Ravic chạy trốn bọn Quốc xã sang Pháp. Anh mất hết tất cả, sống chui lủi ở những vùng tăm tối nhất Paris. Nỗi đau và lòng căm hận chiến tranh đã biến anh thành kẻ ngập chìm trong bi phẫn và trả thù. Anh đã gặp và đã yêu Jeanne, cô gái đang chạy trốn tình yêu và cuộc đời vì tất cả là dối lừa và phi lý.

Hai kẻ chạy trốn tất cả ấy, hai kẻ bị tổn thương lòng kiêu hãnh ấy, tìm thấy gì ở nhau, cứu chuộc cho nhau như thế nào.

Khải hoàn môn, có vẻ như, kết thúc trong hạnh phúc, nhưng dư vị xót xa của nó còn vang mãi đến ngày hôm nay. Chiến tranh không chỉ tàn phá con người bằng sắt thép, mà nó còn nghiến nát tinh thần họ trong cay đắng không cất thành lời. Và tình yêu, chỉ tình yêu, mới mở ra một đường sáng. Cất bước theo con đường đó hay không, số phận mỗi cá nhân sẽ quyết định.

 

 

Khi loài vật lên ngôi - Karel Čapek

 

 

Khi loài vật lên ngôi của Karel Čapek là một tác phẩm văn chương mang đầy tính tiên tri pha lẫn hài hước, châm biếm và phản biện xã hội cực kỳ sâu sắc; từ khoa học, nghệ thuật, giáo dục, kinh doanh, chính trị, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa nô lệ, chủ nghĩa quân phiệt, pháp luật, tôn giáo, triết học, sự phân biệt chủng tộc, quyền lực báo chí, và mọi đặc điểm của bản chất con người mà ta có thể nghĩ đến, không gì thuộc về con người mà xa lạ với Karel Čapek!

Khi Karl Marx giải thích sự biến đổi xã hội, giải thích về sự phân chia gia cấp và để xây dựng một lý thuyết về lịch sử phát triển xã hội ông đã đưa ra 3 câu hỏi: - Tại sao xã hội lại biến đổi? - Xã hội biến đổi như thế nào? - Tương lai xã hội sẽ ra sao? Karel Čapek đã trả lời một cách sắc bén và đầy đủ những câu hỏi ấy. Không những thế ông còn viết lại được cả lịch sử tiến trình của văn minh và đưa ra được cả một dự báo mang tính tiên tri cho cả nhân loại. Như Milan Kundera từng nói “Khi loài vật lên ngôi sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng… Čapek có lẽ là nhà văn châu Âu đầu tiên có những tác phẩm hình dung trước được viễn cảnh khủng khiếp của thế giới toàn trị.”

Khi loài vật lên ngôi còn là cảm hứng cho vô số tác phẩm lừng danh được xuất bản sau này, có thể liệt kê ra như: 1984 hay Animal farm của George Orwell; hay The Sirens of Titan, Harrison Bergeron của Kurt Vonnegut… và ngay cả ý tưởng Sinh sản đơn tính của khủng long trong Jurassic Park…

Ngoài ra, Khi loài vật lên ngôi là trường hợp tiên phong và độc đáo nhất trong tiểu thuyết về cả FORM và STYLE. Čapek đã đi trước thời đại trong việc sử dụng yếu tố thị giác để tạo thêm những tầng lớp ý nghĩa khác cho văn bản. Čapek là họa sĩ trước khi thành nhà văn kiêm nhà báo, và kỹ thuật đồ họa báo chí được Čapek khai thác triệt để trong Khi loài vật lên ngôi để tạo thành một hình thức anti-novel đi trước thời đại.

 

 

Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa - John Tiffany & Jack Thorne

 

 

Câu chuyện của Harry Potter và Đứa trẻ bị nguyền rủa, với tôi [dịch giả của cuốn này tại Việt Nam], đó trước hết là một câu chuyện về gia đình, về cha mẹ và con cái cùng những giằng co rất đời thường.

Ở đây ta bắt gặp cái tâm trạng bức bối, cứ loay hoay khó chịu, luôn thấy mình bị hiểu lầm của tuổi ẩm ương. Ở cái tuổi ấy người ta vừa thèm khát bạn bè, vừa thấy mình lạc lõng không giống ai. Ở tuổi ấy người ta có thể rất cô đơn và nỗi cô đơn đó có thể khiến cuộc đời ta thay đổi hoàn toàn. Như lời của một nhân vật “một lúc nào đó, anh sẽ phải lựa chọn trở thành người ra sao (…) ngay lúc đó, anh cần có cha mẹ, hay một người bạn ở cạnh bên. Và nếu anh đã kịp ghét cha mẹ mình, lại không có bạn bè gì…thì anh thực sự đơn độc. (….) Tôi cũng từng đơn độc. Từng ở một nơi vô cùng u ám. Tôi đã ở đó rất lâu. Tom Riddle cũng từng là một đứa trẻ đơn độc (….) Tom Riddle chưa bao giờ rời khỏi nơi chốn u ám ấy. Và thế là Tom Riddle trở thành Chúa tể Voldemort”.

Nếu khán giả nhỏ tuổi có thể thấy mình qua hai nhân vật chính vô cùng đáng yêu và có phần dại dột thì các bậc phụ huynh cũng có thể thấy mình qua “đứa bé vẫn sống” năm nào, giờ đây đã là cha của ba đứa trẻ.

Harry cho ta thấy rằng trong chuyện nuôi dạy con, phù thủy cũng… vò đầu bứt tai như dân Muggle. Dường như không có phép màu hay thành tựu, danh vọng nào ở ngoài xã hội giúp được ta khi phải đối mặt với đứa con mình yêu thương hết mực, nhưng không thể tìm được tiếng nói chung.

Ở một khía cạnh khác, Đứa trẻ lại là câu chuyện của tình yêu và mất mát- hai mặt của một đồng xu. Tình yêu càng sâu nặng thì mất mát càng lớn lao. Tình yêu giúp ta vượt lên nỗi đau mất mát, nhưng tình yêu cũng khiến ta mù quáng. Tình yêu và mất mát khiến một phù thủy lão luyện trở nên lú lẫn, quên bẵng rằng mọi “giá như” ở đời đều là vô nghĩa. Tình yêu và mất mát khiến vị cứu tinh của giới phù thủy – kẻ từng đánh bại Chúa tể hắc ám, phải mang theo một vết thương thẳm sâu trong tâm hồn suốt đời, để mỗi khi đối diện vẫn thấy xé lòng, gục ngã đớn đau. Tình yêu có thể hóa giải lời nguyền chết chóc. Nhưng cũng chính tình yêu cũng có thể đưa ta đến những nơi tăm tối nhất. Tình yêu và mất mát khiến ta cứ luôn đi trên sợi dây thăng bằng nguy hiểm ấy.

Đọc toàn bài cảm nhận của dịch giả tại đây: https://maiba.co.uk/di-xem-dua-tre/

Đọc thêm: Sách hay nên đọc - Tuyển tập sách phi-hư-cấu tháng 2

 

Bạn thích cuốn sách văn học nào nhất trong số những cuốn sách Trạm Đọc giới thiệu?
Địa chỉ Facebook
Thành phố Trộm
Khi loài vật lên ngôi
Khải hoàn môn
Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa
 

 

Trạm Đọc

Tags: