Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách phi-hư-cấu tháng 2
Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách phi-hư-cấu tháng 2
Sách phi hưu cấu hay nhất trong tháng 2, do Ban biên tập Trạm đọc tuyển chọn.

 

 

Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy - Ryan Holiday

 

Bạn có băn khoăn tại sao Sơn Tùng MTP đạt nhiều view đến thế. Tại sao có những người cố tình “hứng gạch đá” để được nổi tiếng trên mạng như Bà Tưng. Tại sao những trang web có nội dung tốt sau một thời gian lại “biến chất”.

Tất cả những câu hỏi đó đều được giải đáp trong Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy. Những gì bạn nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông đều là vỏ bọc của những mục đích sâu xa hơn. Có thể là kiếm tiền, có thể là nổi danh, có thể là thao túng chính trị,… nhưng là gì đi nữa thì khám phá ra chúng cũng đều là một con đường khó khăn.

Ryan Holiday vừa là một phần, vừa tách ra quan sát cái thế giới truyền thông “ngầm” của nước Mỹ để cho chúng ta thấy một cỗ máy thông tin khổng lồ đang hoạt động ra sao, phục vụ những mưu toan gì. Ở đó không còn truyền đạt thông tin, không còn sự thực, không còn đạo đức, mà chỉ có những kỹ năng thao túng độc giả vừa tài tình vừa gian giảo. Khi bạn đã bước vào thế giới ấy, bạn vừa là ông chủ vừa là nạn nhân. Trở thành gì, tùy vào sự tỉnh táo của cá nhân bạn mà thôi.

Dù là cuốn sách đầu tay, nhưng Ryan Holiday đã có một văn phong linh động, hài hước, sâu sắc đủ để gọi tên những vấn đề lớn của truyền thông Mỹ.

Đọc sách xong, bạn hãy thử với một vài gợi ý của tác giả để “vach trần” các tin tức giả mạo trên báo chí hàng ngày:

- Ba bước đơn giản để biến không thành có;

- Góc khuất của những con quái vật đưa tin

- Trò đùa trên mạng mang tính gây hấn;

- Sự dối trá của chính chúng ta.

 

 

Tương lai Trung Quốc - David Shambaugh

 

Là Giáo sư Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc (The China Policy Program) tại Đại học George Washington, cùng với gần 30 đầu sách về Trung Quốc, David Shambaugh đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi gây nhiều hoang mang và hi vọng nhất của thế kỷ XXI: tương lai của Trung Quốc, cụ thể là nền kinh tế chính trị của nó sẽ đi về đâu, và kế đó là tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc như thế nào vào đầu tàu đầy ẩn số này.

Khác với nhiều cuốn sách đã xuất bản ở Việt Nam về đề tài này – thường đầy những thuyết âm mưu, thêu dệt vô căn cứ, hay phân tích số liệu khô khan từ các bản báo cáo kinh tế vĩ mô, Tương lai Trung Quốc, giống như Thế giới phẳng, được viết bởi một người kể chuyện sinh động và thấu hiểu địa phương, nhưng cũng có viễn kiến sâu rộng về việc tương lai sẽ được thiết kế thế nào từ những việc nhỏ nhất của hiện tại.

Cuốn sách tập trung phân tích sâu vào câu hỏi gây tranh cãi nhất: hi sinh tất cả để đánh đổi lấy tăng trưởng kinh tế có phải con đường sáng duy nhất cho Trung Quốc hay không, và duy trì chính sách mao hiểm đó đến bao lâu nữa. Dựa vào mô hình của các nền kinh tế mới nổi (BRICs) khác, tác giải nêu quan điểm rằng thể chế dân chủ, ít nhất phải cộng sinh vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mới hòng đảm bảo một sự đi lên bền vững.

Ở Trung Quốc câu trả lời phức tạp hơn nhiều. Tác giả đưa một cái nhìn nhuốm màu bi quan về tương lai của đất nước tỷ dân này nhưng vẫn để ngỏ một vài “đường sáng” cho tương lai của Trung Quốc.

 

 

Sát thủ quảng cáo

 

Được viết từ những năm 1960, nhưng Sát thủ quảng cáo đến nay vẫn còn những giá trị vượt thời đại.

Nhà báo Vance Packard không chỉ viết về quảng cáo mà còn viết về quảng cáo với những mối liên hệ phức tạp của nó với toàn bộ hệ thống xã hội. Bạn nghĩ rằng quảng cáo P/S chỉ là kem đánh răng thôi mà, có nghiêm trọng gì đâu. Liệu có thực thế không? Quảng cáo P/S và những quảng cáo kem đánh răng khác thực ra đã chèo lái hành vi đánh răng và ý thức về sự sạch sẽ của chúng ta nhiều hơn bất kỳ bác sỹ nha khoa hay sách sinh học bàn về răng nào khác.

Cuốn sách mở ra hình ảnh nền công nghiệp quảng cáo với những ảnh hưởng bất tận của nó, cả ở mức mưu mô toàn xã hội đến mức hành vi thường ngày của người dùng. Chính vì thế bất kỳ cuốn sách nào phân tích về quảng cáo, dù tiếp cận ở mức độ phân tích thông điệp xã hội, lẫn khoa học phân tích hành vi đều tìm thấy những tham khảo đầu tiên từ nó.

Thông qua việc phân tích nhiều loại sản phẩm khác nhau, các chiến dịch quảng cáo và nhiều chương trình truyền hình đương thời, Vance Packard chứng minh cho chúng ta thấy các kỹ nghệ thuyết phục và thao túng đám đông đã và đang thống trị cả thế giới và chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào. Kể từ khi ra đời, Sát Thủ Quảng Cáo đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của chúng ta đối với thế giới của nghề quảng cáo mãi mãi về sau.

 

 

Mật mã văn hóa

 

Tại sao logo đơn giản của Nike lại làm thế giới phát điên? Tại sao mấy cảnh máu me được chiếu suốt ngày trong khi hình ảnh bà bầu thì chỉ hiện ra cùng quảng cáo bỉm sữa? Và tại sao một hình ảnh được chấp nhận ở thị trường nhưng hoàn toàn bị căm ghét ở thị trường khác?

Mật mã văn hóa là câu trả lời cho điều đó. Clotaire Rapaille không chỉ là một bậc đại tài trong marketing làm cho hàng trăm công ty hốt bạc nhờ việc xây dựng thương hiệu thành công, mà ông còn là một nhà nhân học văn hóa.

Chính sự pha ghép giữa hai chuyên môn này tạo ra một cuốn sách vừa lý giải sâu xa những bí mật tác động của thị giác lên tâm trí chúng ta ở cấp độ văn hóa – cộng đồng – thị trường vừa vạch đường cho người làm truyền thông biết kế hoạch nào cần chuẩn bị cho nhãn hàng của mình ở cấp độ phân tích khách hàng – lựa chọn thông điệp.

Dù viết từ 1970, nhưng đến nay chưa một cuốn sách nào có thể đạt được thành công như Mật mã văn hóa  trong việc “Một khi bạn đã biết về mật mã, tất thảy sẽ không còn như trước nữa”. Cách bạn nhìn thế giới các biểu tượng, cách bạn lên kế hoạch cho một thương hiệu sản phẩm, và quan trọng nhất là cách dẫn dắt các “nền văn hóa”

 

Bạn thích cuốn sách phi-hư-cấu nào nhất trong số sách Trạm Đọc giới thiệu tháng này?
Địa chỉ Facebook:
Tin tôi đi tôi đang nói dối đấy
Tương lai Trung Quốc
Mật mã văn hóa
Sát thủ văn hóa
 

 

Đọc thêm: Tuyển tập sách hay hư cấu tháng 2 

Trạm Đọc

Tags: