Khi biết tôi là người Úc, ít người Việt tỏ ra tò mò về văn hoá, cách sống của tôi và đồng bào tôi. Cái đầu tiên họ thường hỏi là con chuột túi có hay nhảy dọc đường phố Úc hay không, có lần họ chỉ thốt ra từ “kangaroo", cười vui vẻ và chờ xem tôi phản ứng thế nào. Lúc biết con chuột túi là loài động vật sống theo đàn, nhút nhát, thường ở đồng cỏ cách xa các thành phố lớn thì họ lái sang chuyện khác như Úc có món đặc sản nào tương đương với phở hay bún mắm Việt Nam hay không.
Nhưng rõ ràng điều mà họ quan tâm nhiều nhất là TÔI NGHĨ GÌ VỀ VIỆT NAM.
Liệu tôi có thấy người Việt Nam thân thiện, dễ thương hay chỉ thấy lạ thôi? Đã bao nhiêu lần tôi ăn Tết ở Việt Nam hay cảm thấy như thế nào về phụ nữ Việt Nam? Từ những ngày đầu ở Việt Nam tôi phát hiện ra, tôi chỉ cần trả lời bằng một từ thôi - “đẹp" là đủ để khiến một nhóm đàn ông Việt cười ha hả.
Thực ra, qua cuộc nói chuyện kiểu này, tôi thấy người Việt Nam có một điểm chung với người Úc - cũng có thể là vì cả người Việt lẫn người Úc có xu hướng suy nghĩ về bản thân và đất nước với sự liên quan đến các nước lớn khác như trong trường hợp của Việt Nam là Trung Quốc hay Mỹ, Anh trong trường hợp của Úc. Đó là xu hướng đặt niềm tin vào cách nhìn của người khác lên mình, hơn là cảm giác của mình về bản thân. Khác với người dân của các nước lớn hơn, có quyền thế lớn hơn, ý thức về bản thân của người Việt và người Úc có vẻ phụ thuộc nhiều về cách nhìn nhận của người nước ngoài về mình.
Khoảng từ 10 - 15 năm trước có một số người nước ngoài không chỉ đến Việt Nam để sống mà họ còn viết khá tinh ý về những gì họ nhìn thấy và trải nghiệm ở Việt Nam. Bài viết này giới thiệu 4 cuốn sách thuộc thể loại “Người nước ngoài nhìn vào cuộc sống ở Việt Nam thì thấy gì?” mong rằng sẽ làm thảo mãn những người Việt Nam hiếu kì về cách nhìn xuyên văn hóa nói trên. 3 trong 4 cuốn sách dưới đây có cả bản gốc tiếng Việt.
#1 NGƯỢC CHIỀU VUN VÚT - Joe Ruelle
Chắc bạn biết Joe Ruelle (tên gọi tiếng Việt là Dâu Tây) là một người Canada nói tiếng Việt như ma, nổi bật gần 15 năm trước, không chỉ vì viết sách tiếng Việt mà còn vì diễn khá hay ho.
Nói về làn sóng người Tây thành nhà văn tiếng Việt thì Anh Dâu có ưu thế của “người đầu tiên vào cuộc". Anh ấy gần như là trai Tây đầu tiên trong thời kỳ internet nổi tiếng vì “nói với Ta bằng tiếng Ta” mà vẫn nói từ một góc nhìn rất Tây. Nhưng cái mới lạ ở giọng của Joe rõ ràng không phải yếu tố duy nhất khiến người trẻ Việt Nam cười cảm kích khi nghe anh ấy nói mà còn bởi những bài viết của Joe dí dỏm, sâu sắc mà không khó tiếp cận, nhận xét sáng suốt về đủ thứ. Và bộ sưu tập bài blog “Ngược chiều vun vút” là cuốn sách có đủ tố chất đó.
Phương pháp viết của Joe khá đơn giản: Phản ánh và viết những suy nghĩ về cuộc sống hàng ngày của một trai Tây ở Hà Nội. Anh ấy viết về cảm giác của người Tây khi học tiếng Việt, cảm nhận của người bản ngữ tiếng Anh khi nghe người Việt xen tiếng Anh vào câu hoặc sự đắc chí của người bản ngữ “ngôn ngữ quốc tế” khi đối phó với những người loay hoay nói tiếng mẹ đẻ của mình. Đa dạng về đề tài, anh ấy còn viết về trải nghiệm yêu đương “xuyên văn hoá", những điều hào hứng thích thú hoà trộn với những thử thách và rủi ro.
Bài này thì nói đến những điều ở Việt Nam khiến anh hơi bị dị ứng (như kiểu câu hỏi tại sao chưa có vợ), bài nọ lại viết những điều anh ấy từ từ mới hiểu (kiểu tại sao nhiều cô gái tài giỏi mà vẫn “bị ế"), bài kia thì về những điều khiến anh ấy ngạc nhiên ngay từ đầu ( như số người bảo anh ấy đẹp trai – điều anh ấy chỉ mới được nghe từ mẹ.) Viết về chủ đề nào anh ấy cũng nói thật rõ, thật tinh tế, nói đất nước Việt Nam đang thay đổi như thế nào.
Bạn đọc nào nghiên cứu về triết học hay tâm lý học thì có thể đọc bài của Joe về tầm quan trọng của việc sống trong thời khắc hiện tại hay những điều kiện tốt cho một mối tình bền vững (cách đối đầu với cảm giác “chán cơm thèm phở” chẳng hạn). Ai thích châm biếm hơn thì có thể “nghe" Joe nói móc về trai Tây qua Việt Nam sống và thấy họ đột ngột có sức gợi tình đặc biệt. Còn bản thân tôi ưa thích bài một bức thư tình hư cấu viết cho ca sĩ Mỹ Tâm, người Joe si mê mà có cái kết là bị bỏ tù ở Hàn Quốc 60 năm.
Ở Việt Nam 6 năm mà tôi chưa bao giờ gặp anh Joe, nhưng nghe đồn trước khi qua Singapore làm việc cho Google, Joe đã khiến một số người Hà Nội phát tức vì cách nói của anh ấy về xã hội xung quanh hơi quá “cay". Dù sao đi nữa, sự thật là Joe không còn ở Việt Nam và hình như không còn viết tiếng Việt nữa, là một chuyện đáng tiếc nuối.
Đọc “Ngược chiều vun vút” khiến tôi có cảm giác cuốn sách này là tác phẩm của một người trẻ trung, yêu đời, một người nói đến mặt tiêu cực của cuộc sống và đeo mặt nạ của nhà văn hài. Joe không còn viết những cuốn sách dõi theo cuộc sống ở Việt Nam nữa, đó là chuyện đáng buồn với độc giả trẻ Việt Nam.
“Ngược chiều vun vút” là cuốn sách ưa thích nhất của tôi trong số bốn cuốn thuộc danh sách này. Với tính hài hước và sâu sắc đan xen, lại có “chất Tây", cứ gọi là óc hài hước tự phê, mà cuốn sách tự biến nó thành yếu tố rất tích cực, thậm chí rất Việt Nam.
#2 JESSE CƯỜI - Jesse Peterson
Tôi không biết Jesse Peterson tuổi con mèo hay tuổi con nào mà tôi nghĩ thành ngữ “con mèo chín mạng” có thể đúng với anh ấy. Anh ấy lớn lên ở địa hình đóng băng ở miền Bắc Canada, đã từng làm lính Canada đóng quân ở Afghanistan, làm kinh doanh ở Thái Bình, dạy tiếng Anh ở Hà Nội, bây giờ viết báo ở Sài Gòn cho Tuổi Trẻ Cười (tạp chí có nhiều bài trong bộ sưu tập “Jesse Cười” thường xuất hiện). Jesse cũng là bạn của tôi vì vậy người đọc bài review này thì phải nhớ tôi cũng có thể thiên vị ủng hộ tác phẩm.
Có thể nói Jesse thuộc loại trai Tây ở Việt Nam hơi đặc biệt: Jesse là trai Tây hiếu động. Trong chuyện cười của anh ấy thoang thoảng “mùi” anh hùng. Đến Việt Nam anh ấy thích đi dã ngoại, đạp xe cự ly dài, chạy bộ trong rừng. Anh ấy dạy tiếng Anh thì khiến học trò bị sốc bởi thầy bắt họ trau dồi trí tuệ, nâng cao sức khoẻ bằng mọi cách. Vì đã biết nói tiếng Việt lưu loát sau năm 3, 4 ở Việt Nam nên anh không ngại bắt chuyện hay đi nhậu với tất cả mọi người.
Thực ra, khá nhiều chuyện anh ấy kể trong cuốn “Jesse Cười" có phần mở đầu là Jesse uống say bí tỉ và làm cái gì đó ngờ nghệch ở Cao Nguyên, ở Canada, ngoài quán bia hơi, trên mặt một hồ, với sự có mặt của một con ngựa. . . Khả năng gây cười (ít nhất kiểu cười mình hay nghe khi đi nhậu) thì gần như không có giới hạn với ngôn từ của Jesse.
Ưu điểm thứ nhất của sách là nó dễ tiếp cận, ít hơn một ngày để đọc xong. Như vậy nó hợp với gu của người đọc tò mò về cách suy nghĩ hay lối sống của người expat (người nước ngoài) ở Việt Nam, chủ yếu đọc sách để giết thì giờ (giãn cơ mặt, giải trí nhanh giờ nghỉ trưa…).
Nhưng cái tôi thích nhất ở “Jesse Cười” chắc là những mảnh nhỏ của “tiếng Việt hàng ngày" mà Jesse thành thạo, thành công trong việc dệt vào câu chuyện. Jesse khác với kiểu người expat bình thường ở Việt Nam lâu vì có trình độ tiếng Việt kha khá. Trong khi nhiều người có xu hướng sử dụng tiếng lóng để giỡn hơi quá, hình như để ghi điểm với ngưới Việt xung quanh, thì Jesse xài tiếng lóng để giúp cho độc giả người Việt hiểu những nhân vật trong chuyện, bao gồm cả anh ấy, nghĩ gì và có cách nói như thế nào.
Với tôi, sách cũng có một nhược điểm. Với mục đích chính là giải trí, Jesse khó mà có cách nói hàm ý tinh tế hay phát triển khả năng tự phản ánh như của Joe. Theo tôi, năng khiếu này khá cần thiết ở một cuốn sách của một người Tây đang viết về Việt Nam.
Đó là vì hoàn cảnh, lịch sử của người Tây ở Việt Nam không hề đơn giản. Sự thật là người Tây đã từng áp đặt cách suy nghĩ của họ vào người Việt.
Số người Việt vẫn nhìn người Tây qua lăng kính màu hồng không hề nhỏ nên luôn luôn có nguy cơ mình tỏ ra ngạo mạn vì nền giáo dục hay kinh nghiệm sống của mình, như là nhà thông thái lúc nào cũng có thật nhiều bài để giảng cho người địa phương. Tôi không muốn nói Jesse đi quá xa về phía này, nhưng có vài ba lần tôi thấy hơi nghi ngờ ở tông giọng một chút.
Chuyện nhỏ này để dành, cũng phải nói Jesse đùa khá hay trong sách. Không chỉ vậy mà anh ấy đùa một cách khá phong phú nữa, vừa có cách “đùa thành công", cũng có cách “cố ý nói đùa bất thành". Cái mắc cười ở câu nói đùa không phải ở nội dung mà chính ở chuyện có người (Jesse) đủ gan để đùa nhạt hay vô duyên đến như vậy.
Và Jesse không chỉ giỏi trong việc “thêm muối” ngôn ngữ địa phương vào câu chuyện mà còn siêng năng trong việc dịch một số cách nói “có muối" của tiếng Anh sang tiếng Việt. Trong một chừng mực nào đó, “Jesse Cười" cũng là cách nỗ lực tìm hiểu văn hoá xuyên biên giới, có thể giúp người Việt hiểu cách suy nghĩ xa lạ của người Tây hơn.
Đọc tiếp phần 2