Chỉ là mơ ước thôi: Hạnh phúc đừng để đồng tiền quyết định
Chỉ là mơ ước thôi: Hạnh phúc đừng để đồng tiền quyết định
Chỉ là mơ ước thôi là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Grégoire Delacourt, tác giả đến từ nước Pháp từng học luật nhưng lại thành danh với nghề quảng cáo. Chỉ là mơ ước thôi đem đến câu chuyện về hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực, đã trở thành cuốn sách bestseller hơn 1 triệu bản năm 2015 và được dịch ra 30 thứ tiếng trên thế giới. Cuốn sách đã đem về “bạc tỷ” cho tác giả Grégoire Delacourt đồng thời giúp ông vinh danh trong nhiều giải thưởng văn học uy tín của Pháp.
Chỉ là mơ ước thôi diễn ra trong những không gian hẹp loanh quanh từ cửa hàng bán đồ may, nhà riêng của Jocelyne Guerbette đến một vài địa điểm khác tại Arras thành phố thuộc Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp. Trái ngược với những đô thị lớn và cũng không mang âm hưởng của những vùng nông thôn nước Pháp, Arras trong Chỉ là mơ ước thôi không chỉ có cái lạnh mà còn có sự im lìm nhàm chán, nơi người ta mua vui bằng chuyện phiếm của xóm giềng. Và đó cũng là bộ mặt nào đấy của Jocelyne (Jo) – nhân vật chính của tác phẩm.

Danh sách những ước mơ, cái đó thì phụ nữ nào chẳng có

Jo, một phụ nữ xấp xỉ ngũ tuần, không đẹp nếu không muốn nói là sồ sề, chảy xệ. Jo thích đan lát, và cô có một cửa hàng xén làm ăn tàm tạm cùng với một blog chia sẻ đều đặn về những kinh nghiệm đan lát viết giết thời gian nhưng vô tình lại lôi kéo những người phụ nữ đang buồn chán ở Arras vào niềm vui giản dị của mình.

Bìa sách Chỉ là mơ ước thôi - Ảnh Lichii

 Những công việc đó làm Jo thấy bớt buồn tẻ. Khi còn là một thiếu nữ, cô đã có rất nhiều ước mơ. Jo mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang được đào tạo tại một học viện thời trang danh tiếng. Nhưng mọi ước mơ sụp đổ khi mẹ cô qua đời vì tai nạn giao thông còn cha cô mắc chứng Alzheimer và trở nên lú lẫn với trí nhớ chỉ trong vòng 6 phút. Tất cả khép lại khi cô có mang với Jocelyn - người đàn ông hiền lành làm việc ở nhà máy sản xuất kem - và kết hôn.

“Còn tôi, bố mẹ đặt tên tôi là Jocelyne. 

Tôi chỉ có một phần triệu cơ may để lấy được một anh chàng tên Jocelyn làm chồng và cơ may ấy hẳn đã đến với tôi. Jocelyn và Jocelyne. Martin và Martine. Louis và Louise […] Một phần triệu cơ may. Và nó rơi trúng vào tôi.”

Jo chấp nhận cuộc sống dường như khá êm đềm của mình, tuy vậy, không có nghĩa là hiện giờ Jo không có những ước mơ. Trong lòng cô luôn tràn đầy mong muốn thầm kín, từ phù phiếm xa hoa như túi Chanel, áo khoác Dior, xe Porsche; đến vụn vặt đời thường như một chiếc radio đặt ở bếp, một con dao nạo loại tốt; hay thực tế hơn đó là tài trợ kinh phí để con gái Nadine đang học làm phim ở Anh có thể thực hiện bộ phim của nó, hoặc chuyển bố cô sang một phòng tiện nghi hơn ở viện dưỡng lão. Dù giản đơn, thực tế, hay phù phiếm thì tất cả ước mơ đó đều cần phải có tiền mới thực hiện được.

Và may mắn đã bất ngờ đến khi Jo trong một lần tình cờ đã trúng giải thưởng 18 triệu euro.

Đôi khi chúng ta mơ có tiền, nhưng khi có tiền có hạnh phúc không lại là chuyện khác!

Có đôi khi chúng ta sẽ tự ve vuốt bản thân mình trong những giấc mơ đầy vật chất. Nhưng nếu như giấc mơ ấy trở thành hiện thực thì liệu nó có mang lại một hạnh phúc thực sự hay không?  

Bỗng chốc trở thành triệu phú, một số tiền lớn làm danh mục những điều mong ước được viết ra đầy tự tin, mạnh bạo hơn. Mọi ước mơ, dự định của cô, của chồng cô và các con cô đều có thể trở thành sự thật, những món đồ hàng hiệu đều có thể ở trong tầm tay. Thế nhưng Jo lại bắt đầu loay hoay không biết nên làm gì với khoản tiền khổng lồ ấy. Khi đi nhận giải, Jo đã được gặp 1 bác sĩ tâm lý bởi họ lo rất nhiều trường hợp xấu ngoài mong muốn xảy đến khi cô đột nhiên trúng 1 số tiền "khủng" như vậy! Đủ rắc rối được liệt kê, từ người ngoài, đến người nhà v.v...

Nhà văn Delacourt đã không khai thác vào những chuyện tranh chấp tài sản bi hài, càng không viết về cuộc hoán đổi từ bình dân lên thượng lưu quý tộc rồi đề cập đến sự phù hoa của đồng tiền. Phần thưởng 18 triệu euro chỉ là cái cớ để người phụ nữ tên Jo nhìn lại chính cuộc đời mình.

“Giàu có là nhìn ra mọi điểm xấu xí bởi người ta sẽ ngạo mạn cho rằng người ta có thể thay đổi mọi thứ. Chỉ cần trả tiền là xong. Nhưng tôi không giàu. Tôi chỉ sở hữu một tấm sec mười tám triệu năm trăm bốn mươi bảy nghìn ba tram lẻ một euro hai mươi tám xăng tim, được gấp gọn làm tám và giấu kỹ dưới tấm lót giày. Tôi chỉ sở hữu một sự cám dỗ. Một cuộc sống khác có thể xảy ra. Một ngôi nhà mới. Một chiếc tivi mới. Và nhiều thứ mới. Nhưng không có gì khác.”

Hàng ngày nhân vật Jo phải đối mặt với hàng đống những chuyện đau đầu mà không thể nào tìm ra cách giải quyết. Nào là việc thừa cân nặng, sự vô tâm hờ hững của người chồng cùng với một cuộc sống chẳng lấy gì làm dư dả khiến cho cô đã rất chán ngấy. Jo thường ngồi trước gương những lúc rảnh rỗi để ngắm nghía bản thân mình rồi mơ mộng và hoài niệm. Cô đã nhớ lại thời thiếu nữ của mình với một thân hình thon gọn và tình yêu xen lẫn với dục vọng đã đến từ người đàn ông mà cô đã lấy làm chồng. Nhưng thời gian ngày càng trôi qua, tuổi tác và gánh nặng của gia đình dường như đã cướp đi ở cả hai rất nhiều. Họ ở cùng bên nhau một cách miễn cưỡng và nặng nề như một thứ nghĩa vụ.

Đằng sau vẻ yên ả là những xung đột gia đình, là những mất mát thiếu thời, là nỗi đau của người làm mẹ, nỗi dằn vặt của người làm vợ. Là sự tự ti của một người đàn bà không đẹp nhưng luôn biết thế nào là đẹp. Từ trong tâm khảm, người ấy luôn muốn thật ưa nhìn, muốn được tự yêu mình, muốn được khiến chồng, khiến bố có thể tự hào. Là nỗi lòng của người sống chiều theo số phận, để mơ ước trôi xa trong nỗi tiếc nuối vô bờ.

Liệu có phải ông trời cho cơ may này để cướp đi một thứ khác quý giá hơn không?

18 triệu euro là bí mật lớn nhất đời Jo. Bí mật to lớn ngăn Jo với hai đứa con, với hai cô gái sinh đôi hay ra vào hàng xén. Khoảng cách 6 phút ngăn cô dựa dẫm vào người cha già, người cô luôn đợi trở về.

Bí mật mà linh cảm phụ nữ bảo với cô rằng chỉ cần nó lọt khỏi vòng kiềm tỏa, cuộc sống bình thường êm ả không cao trào, không phiêu lưu, cuộc sống được chuẩn bị để “sẵn sàng già đi” cạnh những người yêu dấu sẽ không thể còn như lúc ban đầu.

Danh sách mơ ước cứ dài ra rồi lại ngắn đi, cứ thêm rồi lại bớt để rồi chỉ còn một điều duy nhất. Vậy nhưng vào đúng lúc Jo quyết định, dòng chảy cuộc đời đột nhiên rẽ hướng.

Đúng như Jo linh cảm, chồng cô đã lấy cắp tấm séc lĩnh thưởng và xóa đi chữ "e" trong tên cô để chiếm toàn bộ số tiền. Tất cả như sụp đổ trước mắt, Jo không chỉ mất tiền mà còn mất đi tình yêu và sự tin tưởng lớn nhất trong đời cô dành cho người đàn ông cô đã nghĩ rằng anh ta sẽ yêu mình đến suốt cuộc đời.

“Mình muốn có cơ hội được quyết định cuộc đời mình, mình tin đó là món quà lớn nhất con người được ban tặng.”

Cuối cùng, Delacourt đưa người phụ nữ của mình đến sự cô đơn tự quyết định. Tự quyết định làm gì với món tiền nguy hiểm, tự quyết định với nỗi đau của bản thân khi vào lúc xế chiều, mọi hy vọng giản đơn nhất hoàn toàn sụp đổ. Và hơn hết, Jo tự quyết định tiếp tục cuộc đời, bước qua đổ vỡ như thế nào. Cô quyết định bán cửa hàng và chuyển đến sống ở Nice - một thành phố biển xinh đẹp. Giờ đây cô tập trung phát triển cho trang blog và tìm lại được cân bằng cho cuộc sống. Chính tại nơi đây Jo cũng tìm thấy tình yêu mới và những giá trị đích thực của bản thân. Sau một thời gian chịu sự dằn vặt của lương tâm, ông chồng Jocelyn đã quyết định trả lại Jo số tiền thưởng. Nhưng giờ đây, số tiền đó với Jo không còn quan trọng như trước bởi vì cô đã tìm thấy hạnh phúc mà không cần tiền.

Nguồn ảnh: Pibook

Chỉ là mơ ước thôi không phải là câu chuyện kể về một người phụ nữ bỗng chốc thành tỷ phú. Cuốn tiểu thuyết là hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực, là cuộc đấu tranh không ngừng giữa tình yêu và số phận.

Bằng lối kể chuyện giản dị, vừa chứa đựng những yếu tố chủ tâm xếp đặt rõ ràng, vừa nói những điều đời thường nhất, gần gũi nhất, nhỏ bé nhất. Tác giả đã tạo ra phong cách đầy tính hư cấu, thậm chí phóng đại, cường điệu nhưng vẫn thực, vẫn mang hơi thở của cuộc sống thường nhật hoàn toàn có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất cứ đâu. Chỉ là mơ ước thôi gợi nhắc đến những điều quen thuộc bằng âm hưởng Pháp và góc nhìn xưng “tôi” đầy nữ tính dưới ngòi bút của một nhà văn nam.

Chỉ là mơ ước thôi chan chứa tình yêu âu yếm, sự trân trọng dành cho những người phụ nữ vô danh, nhỏ bé ở thành phố xa tít về mạn Bắc. Những vết nứt vỡ tuy không thể chữa lành trong tính hiện thực nhưng ít nhất, nó có thể được vá lấp bởi những tình yêu khác khi ta lại gần nhau, khi cho và nhận, khi con người biết đủ và biết điểm dừng. Cuốn sách truyền tải một thông điệp ý nghĩa đối với mỗi chúng ta: Dừng những ham muốn xa vời. Dừng cả những nỗi đau để sống tiếp.

"Bởi vì những gì ta cần lại là những giấc mơ nhỏ thường nhật của chúng ta. Đó là những thứ lặt vặt mà chúng ta thường phải làm, theo chúng ta đến ngày mai, ngày kia, đến tương lai; những thứ linh tinh mà chúng ta sẽ mua vào tuần kế tiếp và cho phép chúng ta nghĩ rằng tuần kế tiếp ấy, chúng ta vẫn còn sống."

  Trạm Đọc tổng hợp

 

 

Tags: