Con sẻ vàng: lời ca du dương về giá trị con người
Con sẻ vàng: lời ca du dương về giá trị con người
"Người ta vẫn chết, hẳn rồi. Nhưng đồ vật bị mất mới thật đau lòng, vô nghĩa. Phải nói mỗi vật chúng ta cứu được từ lịch sử đều là một phép màu."
Người ta gọi cuốn sách này là tiểu thuyết mang phong cách Charles Dickens. Với những người yêu văn chương thực sự, câu hỏi: “Bạn đã đọc cuốn “Con Sẻ Vàng” chưa?” cũng giống như hỏi “Bạn có đang xem Game of Thrones” với những người say mê truyền hình thực tế. The Goldfinch - “Con sẻ vàng” là tiểu thuyết thứ ba của Donna Tartt, cuốn sách của nữ văn sĩ này tiêu tốn tới 11 năm chấp bút và giành được giải Pulitzer hạng mục tiểu thuyết.


Con sẻ vàng là một trường thiên tiểu thuyết kể về cuộc đời của Theodore “Theo” Decker, một cậu bé phải chịu nỗi đau mất mẹ năm 14 tuổi trong một cuộc đánh bom khủng bố tại Bảo tàng Nghệ Thuật thành phố New York. Trung lúc mê man mất phương hướng, cậu đã lấy trộm tuyệt tác con sẻ vàng; bức tranh này cùng với cái chết của mẹ cậu, đã trở thành chất xúc tác cho một ma trận của những cuộc phiêu lưu, những nỗi buồn, những điều huyền bí và sự ăn năn. Cùng sự trưởng thành của Theo, sự thiếu vắng của hình bóng người mẹ và sự xuất hiện của bức họa - Theo đã bị buộc phải đưa ra những lựa chọn mà suýt nữa cậu phải trả giá bằng cả tính mạng. Suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết hơn chín trăm trang, hành trình của Theo đã khám phá ý nghĩa thực sự của Nghệ thuật, cũng như tình yêu, tình bạn và nỗi đau mất mát. 

Nếu thấy con ruồi hay côn trùng xuất hiện trong tranh tĩnh vật – một cánh hoa tàn hay một đốm đen trên quả táo – thì đấy là thông điệp mật của họa sĩ. Ông ấy muốn nói rằng những vật sống không phải là sống mãi – tất cả đều chỉ là phù du. Cái chết giữa cõi sống. Chính vì thế mà tranh tĩnh vật được gọi là nature morte – tự nhiên chết.

Gần bảy mươi trang mở đầu của Con sẻ vàng là lời kể theo ngôi thứ nhất của Theo khi cậu đang ở trong một khách sạn tại Amsterdam và đang tìm kiếm xem liệu tên mình có xuất hiện ở bất kì đâu trên báo hay không. Trước khi bí ẩn được giải quyết, mọi thứ quay ngoắt lại 14 năm trước, vào cái ngày mà mẹ của Theo chết.

Con sẻ vàng là bức tranh có tồn tại trong thế giới thực, tác phẩm của Carel Fabritius, một họa sĩ tài năng đã chết trong một vụ nổ kho thuốc súng gần xưởng vẽ của ông. Khi mọi tác phẩm khác bị phá hủy trong khói lửa. Một bức tranh rất nhỏ, nhỏ nhất trong toàn bộ triển lãm và là bức đơn giản nhất: một chú sẻ lông màu vàng trên nền trơn màu sáng, cái cẳng bị xích vào giá đậu.

Bức tranh “Con sẻ vàng” của họa sĩ Carel Fabritius người Hà Lan sống hồi thế kỷ 17 nổi tiếng sau khi tác phẩm ra đời, hiện thuộc về Bảo tàng Mauritshuis, Hà Lan.

Donna Tartt phân tích giá trị của nghệ thuật hội họa xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Bà mô tả nó bằng nhiều con đường khác nhau qua mối quan hệ thay đổi giữa Theo và kiệt ác. Nghịch lí của Con sẻ vàng là nó vừa vô giá vừa vô giá trị. Một tác phẩm đỉnh cao nhưng không thể mua bán trên thị trường nghệ thuật, và việc sở hữu nó còn khiến cậu rơi vào vòng hiểm nguy. Thế nhưng sự hiện diện của bức tranh lại mang giá trị cá nhân to lớn vì nó là kết nối cuối cùng giữa cậu và người mẹ. “Và dù muốn lắm, tôi cũng biết mình không được quay lại, biết rằng nhìn mẹ trực diện sẽ vi phạm giới luật của cả hai cõi.” “...khi mất mẹ, tôi đã mất đi tấm biển chỉ dẫn tới nơi chốn hạnh phúc, tới một cuộc đời sung túc hay đầm ấm hơn.” Và bức tranh là thứ duy nhất còn sót lại giúp cậu kết nối tới mẹ cậu, tới những ngày còn ở New York, tới những hạnh phúc ấm áp và đẹp đẽ trước khi vụ khủng bố xảy ra, một tai nạn đã cướp đi mẹ cậu và đẩy cậu vào một cuộc phiêu lưu đau đớn và rối ren. Một bức tranh hoàn toàn có thể vô cùng đẹp đẽ mà không cần có giá trị lịch sử hay tiền bạc.

Tình yêu bị đánh mất, tình yêu bị phản bội, tình yêu bị cản trở và tình yêu đơn phương là chủ đề được nhắc đến trong tác phẩm khi Theo thấy mình bị vây giữa lòng thương xót và cảm xúc của người khác. Cậu yêu Pippa trước cả khi vụ nổ xảy ra nhưng vẫn hoang mang không biết bày tỏ cảm xúc mình ra sao. Khi Theo ở cùng với Boris, sự thân mật giữa hai người là một thứ tình yêu không lãng mạn: say xỉn, đánh đấm và trộm cắp. Hai cậu bé ở một vùng đất hẻo lánh gần như bị bỏ hoang tìm kiếm tình yêu, nhưng tình bạn của họ đã vượt lên trên tất cả. Và khi Boris gặp lại Theo khi cậu đã trưởng thành, trải qua nhiều sự lừa lọc, Theo vừa hi vọng Boris ở đó như một người bạn, vừa mang theo nỗi sợ hai người đã trở thành kẻ thù.

Ngay tại thời điểm mà bạn muốn ngay lập tức đóng cuốn sách lại, một biến cố tàn bạo khiến cuộc đời của Theo hoàn toàn thay đổi sẽ đến và làm bạn thêm một chút lạc vào thế giới phức tạp đầy những ngôn từ ma mị của Donna Tartt. Thứ nghệ thuật trong tác phẩm của Donna Tart đến cuối cùng vẫn là một câu hỏi mù mờ, nhưng Nghệ thuật có thể là những trải nghiệm rời rạc vụn vỡ của chính chúng ta có thể được thu nhặt lại và đúc thành thứ gì đó thực sự có ý nghĩa, để chúng ta có thể hiểu thêm được về những trải nghiệm vụn vỡ của người khác. Đấy là nơi hiện thực va vào lí tưởng, nơi trò đùa trở thành nghiêm túc, con mọi điều nghiêm túc lại là một trò đùa. Là điểm ma thuật mà mỗi ý tưởng và ý tưởng đối nghịch với nó đều đồng thời là thực.

Trạm Đọc

Tags: