Khi tôi yêu cầu những người bạn Ấn Độ của tôi nêu tên một cuốn tiểu thuyết đương đại thật hay về Ấn Độ, cái tên Cân bằng mong manh thường được nhắc đến.
Mùa hè năm 2013, tôi sang Ấn Độ lần đầu và ở hơn một tuần tại Bombay – thành phố được Rohinton Mistry dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết Cân bằng mong manh. Hai tuần ngang dọc thành phố, tôi có cảm giác như sống trong một giấc mơ sắc màu: vây quanh tôi là những tấm sari sặc sỡ, những khoảng vai, cổ và cánh tay rám nắng, những trang sức lóng lánh, những tấm khăn dài hờ hững trùm lên suối tóc đen của những thiếu nữ Ấn Độ. Nhưng cũng chính ở Bombay, tôi không sao thoát khỏi cảm giác tất cả những người tôi nhìn thấy – người đàn ông bán cá dạo trong các khu chung cư, lũ trẻ tắm truồng trong khu ổ chuột bên sông, những người đàn bà bán hoa quả trong chợ, người dạy xiếc khỉ dọc bờ biển, các bà già quỳ rạp người trong các đền thờ, hay những phụ nữ giúp việc lặng lẽ trong các gia đình – đều là những nhân vật mà tôi đã gặp ở Cân bằng mong manh. Từng người trong số họ đều mang những câu chuyện đời thăm thẳm, là những người kể chuyện và nhà triết học đời sống tuyệt vời.
Một cuốn tiểu thuyết có khả năng bắt được cuộc sống thật rồi làm bạn nhìn cuộc sống thật khác đi như Cân bằng mong manh dĩ nhiên là đáng đọc.
Sách lấy bối cảnh là những thay đổi của Ấn Độ vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt là khoảng đầu thập kỷ 70 khi chính phủ của thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, trong một nỗ lực cứu mình khỏi bị mất quyền, đã ban bố một Tình trạng Khẩn cấp quốc gia. Trong thời kỳ khẩn cấp này, nhiều đảng phái và nhóm hoạt động chính trị bị bắt và bỏ tù, báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng đặc biệt nhất là một chiến dịch cưỡng chế triệt sản lạ lùng cộng với việc phá các khu ổ chuột để “làm đẹp” đất nước. Trên cái nền lịch sử đó, bốn cuộc đời với bốn xuất thân khác nhau đã hội tụ: Dina, một phụ nữ thuộc tầng lớp trên, muốn sống độc lập với người anh lắm điều sau khi chồng qua đời bằng cách gia công quần áo tại nhà; Maneck, một sinh viên đến ở trọ nhà Dina trong lúc theo học đại học; và hai bác cháu Ishvar và Om vốn xuất thân từ tầng lớp “hạ tiện” của xã hội đến làm thợ may thuê cho Dina.
Họ gặp nhau trong căn hộ của Dina, biến căn hộ đó thành một gia đình bất đắc dĩ nhưng đầm ấm. Có điều, sự đầm ấm không kéo dài. Những cơn gió lịch sử của thời kỳ khẩn cấp nhanh chóng thốc vào, cuốn họ lên và quăng quật họ trong bất định.
Bỗng nhiên, mỗi ngày của Ishvar, Om, Maneck, và Dina cùng với triệu triệu người Ấn Độ khác chỉ còn thu lại trong những ám ảnh triền miên: ở chỗ nào, ngủ tại đâu, ăn gì, làm thế nào sống sót, để không bị mang đi “triệt sản”? Bất hạnh rơi xuống đầu họ không ngơi nghỉ trong một đất nước mà công bằng và quyền cá nhân tạm thời không tồn tại và không miễn trừ ai nhưng đặc biệt tàn nhẫn với những người ở tầng đáy. Phẩm giá – và sự vị tha cùng hài hước – bỗng nhiên trở nên quá xa xỉ nhưng cũng vì thế mà càng quý giá. Kết thúc truyện, Dina rút cục đã phải trở về nhà sống dưới sự bảo trợ của anh trai; Ishva và Om trở nên hai người ăn xin què quặt sau khi bị cưỡng chế triệt sản; và Maneck, trong một cơn tuyệt vọng sau khi gặp lại Ishvar và Om, đã lao vào tàu hỏa tự tử như Anna Karenina của Tolstoy.
Cân bằng mong manh là một cuốn sách không khoan nhượng khi nói về thân phận con người; vì thế mà nhiều nhà phê bình đã ví nó với các tác phẩm của Charles Dicken hay Leo Tolstoy. Một cuốn sách buồn nhưng cũng lấp lánh hy vọng – thứ hy vọng thực chứ không phải hy vọng của văn chương tô hồng. Rohinton Mistry đã rất tỉ mỉ, kiên nhẫn, vững vàng trong lột tả những định dạng khác nhau của sự thống khổ giống nhau và khao khát giống nhau khi làm người. Khi theo chân bốn nhân vật của cuốn sách này trong lúc câu chuyện cuộc đời họ mở dần, bạn chắc chắn sẽ lo lắng cho họ, khóc cười với họ như thể khóc cười cho người thân của mình hay cho chính mình. Không khác họ, mỗi chúng ta có lẽ đều đang cố gắng hết sức để tìm và duy trì một điểm cân bằng mong manh cho cuộc sống của mình – giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa cái có nghĩa và vô nghĩa, giữa cái thuộc về mình và cái thuộc về họ. Theo nghĩa đó, mỗi cuộc đời trở thành một kiệt tác vĩ đại, đáng trọng và đáng thương như nhau.
Theo Phan Việt - phieuplus