Cuốn sách là tự truyện của tác giả, được viết trong giai đoạn đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của một cuốn tự truyện, Khi hơi thở hóa thinh không còn là những trăn trở của tác giả về nghề y, về sự sống và cái chết. Những trăn trở ấy đã để lại rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho các độc giả.
Điều này đúng với chúng ta, và đúng cả với Paul. Ngay từ khi nhận được những tín hiệu lạ từ cơ thể, Paul đã muốn trốn tránh. Anh đã tự nhủ bản thân rằng, những dấu hiệu là có lẽ chỉ là của một chứng đau lưng nào đó.
Khá nhiều người trẻ tuổi bị gai cột sống - và còn ung thư cột sống ở tuổi ba mươi thì? Tỉ lệ đó không thể vượt quá một trong mười nghìn. Ngay cả khi nó phổ biến gấp một trăm lần con số đó, vẫn ít khả năng hơn gai cột sống nhiều. Biết đâu tôi chỉ đang hoảng sợ quá mức.
Con người vốn luôn sợ hãi những gì mình không biết, và đặc biệt là những điều mình không biết đang diễn ra trong cơ thể. Trạng thái ngờ vực và hi vọng đan xen trong quá trình này dễ dàng khiến bất kì ai phát điên. Nhưng đến cuối cùng, ta vẫn sẽ phải đón nhận nó, phải đối mặt với nó. Nếu đã không tránh được, sao không chuẩn bị tâm lý để đương đầu, như Paul?
Thay vì tiếp tục sợ hãi, Paul đã dùng hết sức lực để đón nhận điều không mong muốn mà cuộc sống trao tặng mình, dù cho “cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỉ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.” Và bằng chứng cho điều này, chính là Khi hơi thở hóa thinh không.
Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi bạn hít thở và không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở.
Cái chết chưa bao giờ hết đáng sợ và chưa bao giờ ngừng theo đuổi chúng ta. Đó chính là định mệnh không thể tránh khỏi của những cơ thể sống.
Paul không phải là không bi quan, không tiếc nuối. Anh với vợ mình rằng: “Anh không muốn chết.” Việc biết bản thân buộc phải rời khỏi bàn tiệc cuộc sống sớm hơn dự kiến, bao giờ cũng khó khăn để chấp nhận. Có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều thứ để tiếc nuối, và quá nhiều người để lưu luyến.
Anh lo sợ hay buồn bã nhất về điều gì? - Rời xa em.
Sau chuỗi những ngày tháng mỏi mệt dài đằng đẵng, trải qua đủ cả năm pha đau buồn - chuỗi rập khuôn “Phủ nhận - Tức giận - Mặc cả - Suy sụp - Chấp nhận” theo chiều ngược lại, Paul đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết, anh cảm thấy ổn và chấp nhận nó.
Chấp nhận cái chết, nhưng không có nghĩa Paul từ bỏ hi vọng. Con người luôn kì lạ như thế. Nhưng đó cũng chính là điểm đẹp đẽ của con người. Hi vọng là điều gì mơ hồ nằm ở thì tương lai nhưng lại tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta trong thì hiện tại. Paul không hi vọng mình khỏi bệnh, nhưng anh hi vọng mình có thể sống lâu thêm một chút, để có thể ôm con gái Candy vào lòng.
Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.
Ngày thứ bảy cuối cùng của Paul, anh ngồi trong phòng khách tại nhà, ôm Candy trên chiếc ghế bành, với mẹ và vợ đang ngồi ở sofa gần đó. Paul hát cho Candy nghe, rung cô bé nhè nhẹ trên đùi. Candy cười rạng rỡ, chẳng hề bận tâm đến dây chuyền oxy trên mũi cha.
Với Paul, có lẽ từng ấy là đủ để anh khép lại cuốn sách về cuộc đời mình một cách mãn nguyện.
Khi hơi thở hóa thinh không đã trật khỏi hướng đi ban đầu, bởi điều kiện sức khỏe của chính tác giả. Nhưng nó lại là những cảm xúc thật nhất mà Paul muốn chia sẻ với mọi người trong những giờ phút ấy. Ngay cả khi đang trong lúc thập tử nhất sinh, Paul vẫn luôn sống một cách trọn vẹn. Sinh mạng anh có thể mong manh, nhưng tâm hồn anh chưa bao giờ yếu đuối.