Vì sao bạn không cần một cuộc đời như phim Hollywood?
Vì sao bạn không cần một cuộc đời như phim Hollywood?
Ước mơ của bạn sẽ tan vỡ, nhưng đó không hẳn đã là một điều tồi tệ.

Ai chẳng tin rằng một ngày nào đó mình sẽ trở nên xinh đẹp, nổi tiếng, giàu có. Ai chẳng tin mình là siêu nhân chuẩn bị cứu thế giới. Phim anh hùng kiểu Hollywood dù có bị chê bai đã đời trên mặt báo thì vẫn cứ cháy vé như thường - ai có thể bỏ qua cơ hội được sống một cuộc đời siêu phàm đầy ý nghĩa trong hai tiếng đồng hồ trên màn hình, không phải lo đến thực tế chỉ toàn công việc giấy tờ mình không muốn làm, những cuộc gặp với đối tác mình ghét cay đắng, những mối lo về giá xăng giá điện giá củ đậu lên hàng ngày chẳng để cho mình bỏ việc theo đuổi mơ ước nào... 

 

Nhưng cuộc đời ai cũng là một câu chuyện, cho dù có nhàm chán mệt mỏi vụn vỡ đến đâu. Và những câu chuyện như thế, không rực rỡ, không siêu phàm, mới chính là những gì cuốn tiểu thuyết đồ sộ gần 600 trang của Jess Walter muốn kể, chuyện của những "Phế tích tráng lệ."

 

Ai cũng có ước mơ, rõ ràng rồi, và ở Hollywood điều này càng đúng hơn nữa. Ở nơi này ai cũng là một diễn viên hay biên kịch hay nhạc công, ai cũng muốn làm trong ngành điện ảnh và truyền hình. Nhưng phải có bao nhiêu ước mơ tan vỡ để có một Mia của La La Land? Phải có bao nhiêu diễn viên bỏ dở sự nghiệp để có một Elizabeth Taylor? Con số chính xác thì chẳng bảng thống kê nào cho ta biết, nhưng Jess Walter sẽ kể ta nghe câu chuyện của một trong những cô diễn viên bỏ nghiệp diễn, bỏ cơ hội toả sáng bên cạnh Liz Taylor. Dee Moray, cô diễn viên đã bỏ vai phụ trong phim Cleopatra, trôi dạt tới một làng ven biển hẻo lánh chẳng có một cái gì ngoài một khách sạn tên Cảnh quan Vừa phải và chàng quản lý khách sạn tên Pasquale muốn biến vùng này thành khu nghỉ dưỡng bậc nhất nước Ý. Đây là câu chuyện của nhiều giấc mơ tan vỡ, bắt đầu với giấc mơ của hai con người này. Một giấc mơ khởi nghiệp và một giấc mơ Hollywood.

Chẳng như người ta vẫn nghĩ, Hollywood không phải một vùng đất của giấc mơ. Hãy thử xem một ngày làm việc của Claire Silver, trợ lý phát triển của nhà sản xuất lớn Michael Deane. Cô gọi nó là ngày Thứ Sáu Pitch Khùng Điên, bởi từ sáng đến tối cô được nghe toàn những ý tưởng kỳ quái cho show truyền hình thực tế, phim dài tập trên TV, và hiếm hoi lắm là phim điện ảnh--và kỳ quái ở đây có nghĩa là dở đến mức kỳ quái: chương trình truyền hình thực tế Lâu đài Tâm thần về phản ứng của bệnh nhân tâm thần khi bị đưa vào một căn nhà với thiết bị hù doạ, phim dài tập về cảnh sát thây ma, hay chương trình truyền hình thực tế về mấy đứa cháu của tác giả ý tưởng. Ý tưởng thì đâu có thiếu, nhưng xin lỗi giấc mơ của bạn, những ý tưởng tuyệt vời đều đã được thực hiện mất rồi.

Hiện thực Hollywood

Thế thì chẳng trách được Claire muốn bỏ công việc trong mơ của cô. Nhất là khi phần nhiều của công việc ấy là khổ sở tìm cách để không sản xuất ra cái gì. Ở Hollywood đầy rẫy những nghịch lý như vậy đấy. Cứ nhìn vào Michael Deane, gương mặt thành công của Hollywood thì biết: “một gương mặt nhẵn nhụi đến bất thường, giống kiểu mấy gương mặt được phần mềm máy tính làm cho già đi nhưng lại là theo chiều ngược lại, một gương mặt trẻ thơ gắn trên cổ của một ông già.” Nhìn cái gương mặt ấy thì bạn có thể tự nhủ, à, thành công cũng chẳng có gì quá tuyệt vời. 

Bởi vì một khi bạn đã mơ ước thành công, ước mơ của bạn không còn lung linh bóng bẩy mà chỉ còn là sự thật trần trụi. Claire ước mơ một công việc trong hãng phim, và rồi cô có một công việc trong hãng phim chẳng chút gì như tưởng tượng - mọi thứ đều bê bối, lộn xộn, thiếu cảm hứng. Alvis Bender ước mơ viết một cuốn sách, nhưng nói về việc viết sách muôn ngàn lần dễ hơn bắt tay vào viết, ông cứ lăn lê khắp nước Ý nốc rượu mà chẳng viết nổi một chữ. Bảy năm để viết mỗi một chương sách rồi bỏ dở mãi mãi, có ai mơ thành nhà văn như vậy không? Nhưng sự thật hầu hết là thế, không gọn gàng xinh đẹp như những ước mơ lấy cảm hứng từ phim Hollywood của chúng ta. Phim Hollywood và ước mơ thì ai cũng thích, còn chẳng ai thích nhìn vào sự thật.

 

“Suy cho cùng, sự thật nào có thể thu về được 40 triệu đô trong tuần đầu công chiếu chứ? Sự thật nào bán được cho 40 vùng lãnh thổ nước ngoài chỉ trong sáu tiếng đồng hồ? Ai sẽ xếp hàng để coi phần hai của sự thật?”

 

Nhưng cái người ta buộc phải sống cùng thì là sự thật chứ không phải giấc mơ hay bộ phim nào hết. Và cuộc sống thật thì có vẻ đẹp riêng của nó. Giống như bức vẽ Dee Moray và Pasquale ngắm nhìn trong công sự bỏ hoang sau chiến tranh, chẳng được ai nhìn ngó đến, nhưng lại đẹp hơn muôn phần bức vẽ đó nếu cắt ra đem trưng bày ở viện bảo tàng, mãi mãi phai màu vì không được một giọt nắng chiếu vào. Một cuộc sống đủ gọn gàng xinh đẹp để cất vào viện bảo tàng thì chẳng còn là cuộc sống đúng nghĩa, với cảm giác khoan khoái được hít thở căng tràn lồng ngực ngay cả sau một ngày mệt mỏi.

Một cuốn sách như Phế tích tráng lệ rất khó để tóm gọn nội dung chỉ trong vài từ. Nói đơn giản thì đây là một câu chuyện tình, vì bất cứ câu chuyện hấp dẫn nào cũng trước hết phải là một chuyện tình. Nhưng có lẽ nhiều hơn một câu chuyện về những người yêu nhau, đây là một câu chuyện về tình yêu cuộc sống, với tất cả những vụn vỡ bình thường của nó.

 Thanh Huệ - Trạm Đọc

Tags: