6 tác phẩm được trao Giải thưởng Sách Hay hạng mục “Sách cho người trẻ” năm 2016
6 tác phẩm được trao Giải thưởng Sách Hay hạng mục “Sách cho người trẻ” năm 2016
Hạng mục “Sách cho người trẻ” lần đầu tiên xuất hiện tại Giải thưởng Sách Hay năm 2016 bên cạnh 7 hạng mục thường niên quen thuộc. Điều đặc biệt không thể không nói tới đó là sự tham gia của 5 cộng đồng sách cho người trẻ trong quá trình xét duyệt.

Sự kiện “Công bố kết quả giải Sách Hay năm 2016” được diễn ra từ 8:30 đến 12:00 sáng ngày hôm nay, 18/09/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh những hạng mục thường niên đã có từ những năm trước bao gồm: Nghiên cứu, Văn học, Giáo dục, Thiếu nhi, Quản trị, Kinh tế và Phát hiện mới, “Sách cho người trẻ” với chủ đề “Tôi đi tìm tôi” là hạng mục lần đầu tiên được đưa vào xét duyệt giải thưởng. Tuy mới xuất hiện lần đầu tiên nhưng hạng mục này dường như nhận được những quan tâm rất tích cực từ phía cộng đồng. Trạm Đọc (Read Station), Kafka Bookstore, Bookaholic, Sachhay,org và Booknest là 5 đơn vị được lựa chọn trở thành Ban cộng đồng  bình chọn giải thưởng “Sách cho người trẻ”.

 

6 tác phẩm (1 sách viết và 5 sách dịch) được trao Giải thưởng Sách Hay hạng mục “Sách người trẻ” năm 2016 lần lượt là:

 

1. Tựa sách xếp hạng nhất:

 

Dịch phẩm: Walden - một mình sống trong rừng (Henry David Thoreau)


Dịch giả: Hiếu Tân


ĐVXB: NXB Tri thức



2. Tựa sách xếp hạng nhì:

 

Dịch phẩm: Bắt trẻ đồng xanh (Jerome David Salinger)


Dịch giả: Phùng Khánh


ĐVXB: NXB Văn học & Nhã Nam

 

3. Các tựa sách đồng hạng ba:

 

Dịch phẩm: Cuộc cách mạng một cọng rơm (Masanobu Fukuoka)


Dịch giả: Nhóm Xanhshop


ĐVXB: NXB Tổng hợp TP.HCM

 

Dịch phẩm: Khuyến học (Fukuzawa Yukichi)


Dịch giả: Phạm Hữu Lợi


ĐVXB: NXB Thế Giới & Nhã Nam

 

Dịch phẩm: Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì (Samuel Smiles)


Dịch giả: Phạm Viêm Phương & Thư Trung


ĐVXB: Ban Tu Thư Đại học Hoa Sen, NXB Hồng Đức & Phương Nam

 

Tác phẩm: Tôi tự học


Tác giả: Thu Giang - Nguyễn Duy Cần


ĐVXB: NXB Trẻ

 

 

Vài nét về những tác phẩm đạt giải

 

  1. Tựa sách xếp hạng nhất:

 

Dịch phẩm:            Walden - một mình sống trong rừng (Henry David Thoreau)

 

Dịch giả:                Hiếu Tân

 

ĐVXB:                 NXB Tri thức

 

 

 

Ông Henry David Thoreau là một nhà thiên nhiên học và cũng là một nhà văn nổi tiếng của thế kỷ 19. Có lần ông đã bỏ ra hơn hai năm trời để sống một mình trong một khu rừng vắng tại hồ Walden. Bạn có biết để làm gì không? Để tìm lại mình.

 

Ông chọn một lối sống thanh vắng tĩnh mịch trong suốt hai năm trời ấy để tập sống với những gì đang thật sự có mặt chung quanh ông, những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Ông có viết hồi ký để chia sẻ lại kinh nghiệm ấy.

 

Ông Thoreau kể, có những ngày ông không làm gì hết, chỉ ngồi trước hiên nhà hàng giờ để quan sát và lắng nghe. Khi mặt trời đi ngang qua không trung, ánh nắng làm thay đổi những bóng dáng của vạn vật, cây cỏ chung quanh ông. Đối với ông những giây phút “không làm gì hết” ấy lại là những giây phút nhiệm mầu, quý giá nhất trong đời.

 

Không thể là cô đơn

 

Có một người bạn bảo với tôi rằng, chị ta cũng ưa thích thiên nhiên, nhưng nếu như phải sống một mình thì chị sẽ cảm thấy buồn chán và cô đơn lắm.

 

Tôi nghĩ đó có lẽ là tâm lý chung của đa số chúng ta. Nhưng thế nào là cô đơn? Tôi muốn đọc cho bạn nghe những lời này của ông Henry Thoreau:

 

“Người ta thường bảo tôi rằng: ‘Ông sống một mình trong rừng như vậy chắc là cô đơn lắm, nhất là vào những ngày mưa hay tuyết và giữa những đêm khuya.’

 

Tôi muốn trả lời với họ rằng, trái đất mà chúng ta đang sống đây chỉ là một điểm nhỏ bé trong vũ trụ. Như vậy thì khoảng cách giữa chúng ta với nhau trên quả đất này có là bao nhiêu? Tại sao tôi lại phải cảm thấy cô đơn? Có phải trái đất của chúng ta đang nằm giữa dải ngân hà không? Khoảng cách nào trên mặt đất này lại có thể ngăn cách hai người khiến họ cảm thấy cô đơn?

 

Tôi không cô đơn hơn một đóa hoa rừng hay một cánh bồ công anh (dandelion) giữa đồng cỏ mênh mông, hoặc một lá đậu, hoặc một con chuồn chuồn, hay một con ong đất.

 

Tôi không cô đơn hơn một con suối vắng, một chiếc chong chóng gió đứng chơ vơ giữa cánh đồng, hoặc ngôi sao bắc đẩu, một ngọn gió từ phương nam, một cơn mưa tháng tư, hoặc tuyết tan vào tháng giêng, hay một con nhện đầu tiên trong một ngôi nhà mới.”

 

Cô đơn cũng chỉ là một ý niệm. Và nếu như ta không có khả năng tiếp xúc được với những gì đang có mặt chung quanh mình, thì dù ở đâu hay đi đâu cũng vậy thôi, sống ngay giữa phố chợ ta cũng vẫn có thể cảm thấy mình cô đơn.

 

Dù đang ở nơi nào

 

Ông Henry Thoreau đã về sống ẩn dật nơi hồ Walden, vì ông muốn kinh nghiệm được thực chất của sự sống. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần phải tìm đến hồ Walden hay một nơi quạnh quẽ xa xôi nào đó. Trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn có thể trải nghiệm được thực chất của sự sống này bằng cách sống chánh niệm và tỉnh giác.

 

Như lời của một thiền sư viết: “Mây trắng bao giờ cũng trong sáng và an tịnh, những dòng sông bao giờ cũng thong dong chảy ra biển cả. Thế giới tầm thường này tự nó bao giờ cũng an nhiên và tĩnh lặng, nhưng chỉ vì con người muốn tự tạo nên phiền não bằng chính sự tìm kiếm của chính mình mà thôi... Đứng trên đầu một cây sào cao trăm trượng, ta phải dám bước tới thêm một bước nữa - và chừng ấy muôn hình tướng của thế giới này sẽ hiển lộ tự thân của nó cho ta thấy.”

 

Một buổi sáng, đi lên một ngọn đồi cỏ đầy hoa rừng, sương mù trùm phủ, như mây. Trời nắng ấm và trong. Tôi thấy những tàng lá cây xanh phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng, loáng thoáng ánh mặt trời. Thiên nhiên mùa nào cũng đẹp.

 

Thật ra chúng ta không cần phải đi tìm một không gian lý tưởng nào đó. Dù đang ở nơi nào, hay trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều có thể trải nghiệm được thực chất của vạn pháp. Ta chỉ cần biết buông bỏ đi cái thái độ kiếm tìm, quay trở về để thấy rõ được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Vì thực chất của sự sống chỉ có thể có mặt ngay ở nơi đó.

 

Và sự trở về ấy của ta phải là một sự buông xả, để ta lặng nhìn lại chính mình một cách tự nhiên và thoải mái. Và chừng ấy "muôn hình tướng của thế giới này sẽ hiển lộ tự thân của nó cho ta thấy...", phải không bạn?   

 

(Theo Nguyễn Duy Nhiên)

 

  1. Tựa sách xếp hạng nhì:

 

Dịch phẩm:            Bắt trẻ đồng xanh (Jerome David Salinger)

 

Dịch giả:          Phùng Khánh

 

ĐVXB:                 NXB Văn học & Nhã Nam

 

 

The Catcher in the Rye là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn J. D. Salinger ra mắt vào năm 1951. Nó thường được biết đến tại Việt Nam với cái tên quen thuộc: Bắt trẻ đồng xanh. Tiểu thuyết này từng bị cấm một thời gian dài tại nhiều quốc gia vì ngôn từ bạo liệt, nội dung dữ dội và đầy chân thực về cuộc sống của một chàng trai trẻ nổi loạn.

 

Nhân vật chính Holden trong The Catcher in the Rye sau này đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng cho những thanh thiếu niên dám dấn thân, biết theo đuổi ước mơ của mình và kiên quyết phản đối lại những điều cũ kỹ, nhàm chán. Dĩ nhiên, nhân vật Holden không phải là một kiểu mẫu hoàn hảo, thậm chí từng có lúc phạm sai lầm rất nghiêm trọng, nhưng đây vẫn là một nhân vật có sức truyền cảm hứng rất mạnh mẽ đến với nhiều thế hệ trẻ trên thế giới.

 

(Theo Thuyết Tùng – Zing.vn)

 

 

  1. Các tựa sách đồng hạng ba

 

Dịch phẩm:            Cuộc cách mạng một cọng rơm (Masanobu Fukuoka)

 

Dịch giả:                Nhóm Xanhshop

 

ĐVXB:                 NXB Tổng hợp TP.HCM

 

 

Ngày nay, những từ như “không gian xanh” và “thực phẩm hữu cơ” mang một âm hưởng xa xỉ và dường như không thuộc về số đông cũng như cách rất xa hiện tại. Nhưng lẽ ra chúng có thể ở rất gần mỗi người.

 

Năm 25 tuổi, sau một cơn bệnh nặng, Masanobu Fukuoka bỏ việc ở bộ phận thanh tra cây trồng thuộc Cục Hải quan Yokohama. Bị thúc đẩy bởi những suy tư về sự vô nghĩa của con người trước vạn vật vô biên, ông quay lại trang trại của cha và bắt đầu thực hành “nông nghiệp vô canh” để xác nhận những điều mình tin.

 

Những ham muốn phi tự nhiên

 

Nghiên cứu những nguyên tắc làm nông hữu cơ cơ bản ở phương Tây, Fukuoka nhận thấy chúng hầu như không khác so với nông nghiệp truyền thống phương Đông, đó là một nền nông nghiệp có sự tham gia của động vật, cây trồng và con người, kết hợp như một thể thống nhất. Ruộng vườn của ông không cày xới, không dùng phân hóa học hay vi sinh, thuốc diệt cỏ hay các loại hóa chất khác.

 

Ông rải rơm còn nguyên chưa cắt trở lại mặt ruộng để trả cho đất lớp mùn tự nhiên, trồng cỏ ba lá hoa trắng nhằm hạn chế cỏ dại và để côn trùng, chim chóc cùng các con vật nhỏ tự cân bằng mọi thứ như chúng vẫn làm trong tự nhiên từ ngàn đời... Ngũ cốc và hoa trái ông thu được nhiều không kém gì, thậm chí còn hơn những trang trại dùng công nghệ cao, lại rất tươi ngon và giàu dinh dưỡng.

 

Nhiều năm nay, nhu cầu vô độ của con người đã biến nông nghiệp thành một ngành sản xuất ngày càng thiếu lành mạnh. Công nghệ hiện đại cung cấp những loại thực phẩm to, nhiều và trông rất đẹp, nhưng gây mất cân bằng tiến trình hóa học trong cơ thể và khiến người ta càng trở nên ham muốn thực phẩm phi tự nhiên.

 

“Điều cần cân nhắc đầu tiên phải là sống làm sao để bản thân thức ăn ăn vào ngon miệng, nhưng thay vào đó, ngày nay tất cả mọi nỗ lực lại là tập trung vào việc thêm thắt tính ngon miệng cho thức ăn. Mỉa mai thay, những thức ăn ngon lành chẳng thấy đâu mà chỉ biến mất tiệt” - nhận xét từ 40 năm trước của ông Fukuoka đến nay đã trở nên thấm thía đối với những cư dân sống trong đô thị ô nhiễm và ngày ngày phải ăn thực phẩm vừa đắt đỏ vừa độc hại.

 

Nông nghiệp vô canh

 

Thành tựu của Fukuoka được chú ý từ những năm 1970, nhưng sự tiếp nhận còn dè dặt. Theo ông, một trong những lý do là “thế giới đã trở nên chuyên biệt hóa tới mức người ta không thể nắm bắt được bất cứ cái gì trong sự toàn vẹn của nó nữa”.

 

Phương pháp của ông bị nghi ngờ, rằng sự tốt đẹp đơn giản như vậy khó có thể nhân rộng. Nhưng suốt cuộc đời mình, ông đã miệt mài chứng minh điều ngược lại, rằng nông nghiệp tự nhiên rất gần gũi, không hề tốn kém và phức tạp so với các phương pháp hiện thời. Nó không chỉ giải quyết tận gốc khủng hoảng lương thực và ô nhiễm, mà còn có thể giúp con người đạt được hạnh phúc viên mãn.

 

Cách làm nông tự nhiên kiểu rộng trong quan niệm của ông không chạy theo bắt chước tự nhiên, mà ở bất cứ vùng đất nào cũng tuân theo tự nhiên như nó vốn có và tuân theo tâm trí con người như nó vốn là. Sự đơn giản trong kỹ thuật trồng trọt này không lộn xộn tùy hứng, mà dựa trên nhận thức toàn diện về tự nhiên và con người. Nó đòi hỏi tính kiên nhẫn, tâm lý hài hòa và niềm vui của người làm nông nghiệp.

 

Theo ông, 100% dân số làm nông mới là lý tưởng. Con người nên tự trồng trọt cho mình, nhờ thế mà thấu hiểu thế giới thường ngày mình đang sống, rằng mọi thứ đều liên quan đến nhau và đều cần được hiểu, dù là một cọng rơm nhỏ bé. Nông nghiệp tự nhiên chiếm ít thời gian lao động, đó không phải là cuộc chạy đua bất tận mà giống một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Bởi vậy Lão Tử mới cho rằng có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và tươm tất trong một ngôi làng nhỏ.

 

Những cuốn sách như Cuộc cách mạng một - cọng - rơm (*) cho thấy con người đã bỏ lỡ những gì, cũng như đã có thể đạt được điều gì.

 

Một cuốn sách mỏng nhưng có rất nhiều thứ để đọc. Được trình bày một cách thong thả, cuốn hút, từng chi tiết thấm đượm tinh thần trong sáng của tác giả, có thể coi đây là cuốn sách về nông nghiệp, cũng là một cuốn sách thiền dành cho tâm hồn.

 

(Theo Thanh Vân – Tuổi Trẻ Online)

 

 

Dịch phẩm:            Khuyến học (Fukuzawa Yukichi)

 

Dịch giả:                Phạm Hữu Lợi

 

ĐVXB:                 NXB Thế Giới & Nhã Nam

 

 

Toàn bộ quyển sách Khuyến Học như là những lý lẽ để làm toát lên tinh thần “Trời không sinh ra người đứng trên người. Trời cũng không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả là do sự học mà ra” của Yukichi. Tác giả đã dẫn dắt người đọc trong bối cảnh xã hội nước Nhật cách đây hơn 150 năm, nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng với xã hội Việt Nam ngày nay, nên càng đọc càng thấm và thấy xấu hổ.

 

Tại sao phải học?

 

Có lẽ người dân Nhật ngày xưa thời Yukichi chẳng hơn gì dân ta lúc ấy, mới thoát khỏi chính quyền phong kiến nhưng tư tưởng thì vẫn lậm phong kiến toàn xã hội. Nhưng tại sao chỉ vài chục năm sau nước Nhật đã vươn mình trỗi dậy một cách mạnh mẽ? Lần trỗi dậy thứ hai sau thế chiến II, cũng do thừa kế tinh thần khai minh của Yukichi năm nào. Tất cả lý do chỉ chung quy lại một mối, đó là họ hiểu được tại sao phải học. Hiểu ở phương diện cá nhân lẫn quốc gia. Tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng về quyền làm người. Nhưng tại sao trên đời lại có người giàu, kẻ nghèo, người sang, kẻ hèn. Ở quy mô quốc gia cũng tương tự, có nước giàu, nước nghèo, nước mạnh, nước yếu, nước đô hộ, nước thuộc địa. Chẳng phải ông Trời định đoạt số phận của ta, mà là do chính ta ta có nỗ lực học và vươn lên hay không mà thôi. Học đã là bản năng. Học là một đặc quyền thiêng liêng nhất của con người. Ta phải nhận ra điều đó để giành lại quyền làm chủ sự học của mình, làm chủ cuộc đời của mình và làm chủ đất nước mình. Chính khi đó, con người ý thức được rằng “Ta là sản phẩm của chính mình” – Giản Tư Trung.

 

Nhưng học gì và học thế nào?

 

Theo Yukichi, học tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Học tức là phải sử dụng được trong thực tế. Học phải đi đôi với thực hành. Học một cách đàng hoàng tử tế. Học để hoàn thiện bản thân mình. Học để nhận ra trách nhiệm và vai trò của mình đối với đất nước. Học ở mọi nơi, mọi lúc; học từ mọi người, lắng nghe, quan sát; học từ sách vở, đọc nhiều,… Học như thế gọi là thực học, trái với hư học là chỉ học để làm quan, học vì thành tích phù phiếm vớ vẩn.

 

Yukichi kịch liệt phản đối cái tính còn trẻ mà lại muốn lựa chọn những công việc an nhàn. Ví chuyện đi học vì đẳng cấp địa vị, để đầu tư “sinh lãi”, chỉ cần lùng sục và đọc vài ba cuốn sách, đi đây đó để có được 1 vài kinh nghiệm rồi đợi dịp may mà được chọn vào bộ máy nhà nước cho an nhàn. Đó đang là một trào lưu trong xã hội, tác hại của việc tạo ra quá nhiều chiến sĩ rởm thể hiện quyền lực bằng cách áp đặt kẻ yếu, dần dần sẽ làm mất đi bản chất và mục đích cao quý của việc học.

 

Học vấn không phải chỉ việc cứ đọc nhiều sách là đủ, mà quan trọng là khả năng ứng dụng, diễn thuyết để dám nói lên chính kiến của mình. Bản chất của thực học là phải động não suy nghĩ, tố chất đặc biệt quan trọng đối với một việc nâng cao kiến thức là không được tự mãn.

 

Không học có sao không?

 

Người Nhật vẫn dạy con cháu rằng: “Đất nước ta là đất nước nghèo tài nguyên, khoáng sản. Nhân dân ta chỉ có thực học mới có thể thay đổi cuộc sống và mang đất nước đi lên”. Chính vì thế, không học thì chỉ có tiếp tục ngu dốt, nghèo nàn. Không học thì không thể tự chủ. Không học thì thiếu tinh thần độc lập. Một người như thế thì chẳng làm được tích sự gì cho chính mình chứ huống chi là cho đất nước.

 

Đó là chưa kể nghèo dốt sẽ sinh ra tham lam. Tham lam lại là nguồn gốc của mọi thói xấu, gây ghen ghét đố kị, nhất là đối với người giàu. Rồi sự xa cách lại ngày càng gia tăng giữa hai tầng lớp ấy. Do đó, những kẻ mang lòng tham không hề đóng góp mà chỉ phá hoại hạnh phúc xã hội mà thôi.

 

Ngoài ra, cuộc sống ngày nay thì luôn sống động. Xã hội không bao giờ đứng yên nên con người thường phải đón nhận những thay đổi hoặc thất bại không ngờ tới. Vậy mà nếu còn không chịu nỗ lực học thì chẳng biết phải làm sao để có thể đương đầu trước những khó khăn ấy đây?

 

Sở dĩ sự nghiệp khai minh nước Nhật thời đó còn kém (Việt Nam bây giờ cũng vậy), nguyên nhân chính là do dân quá ngu dốt, gian tham, vẫn sống trong vòng u mê tăm tối. Trên đời này điều đáng sợ nhất có lẽ là ngu dốt. Những kẻ ngu dốt thì không biết xấu hổ. Họ chỉ có thể là gánh nặng của xã hội, nỗi khổ cho mọi người xung quanh thôi. Đó là cũng lý do khiến cho một chính phủ chuyên chế, độc tài có thể tồn tại. Bởi dân nào thì chính phủ đó!

 

Theo Yukichi, có ba lý do khiến một kẻ không học, thiếu tinh thần tự chủ, thiếu chí khí độc lập là tai họa của đất nước? Lý do thứ nhất, không có học thì dù có yêu nước cũng chỉ là hàm hồ, nông cạn, bởi thói ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Ai bảo gì làm nấy. Ai nói gì cũng nghe. Thứ hai, khi đã vô học tức là không giác ngộ được tính độc lập thì chỉ mãi mãi hài lòng với thân phận nô lệ của chính mình, thì còn làm gì được nữa. Thứ ba, một người vô học rất dễ bị cái xấu làm chủ cuộc đời, bởi có biết minh định cái gì là đúng, cái gì là sai đâu.

 

Tóm lại, hậu quả gây ra của một kẻ không học là rất to lớn, cho cá nhân kẻ đó trước, rồi đến đất nước của kẻ đó nữa.

 

Hiểu được trách nhiệm làm người, làm việc và làm dân

 

Mỗi người dân đều có hai nhiệm vụ: quyền lập ra chính phủ đại diện mình, và thực hiện nghĩa vụ của mình với chính phủ ấy. Chính vì thế phải ý thức, cân nhắc trong suy nghĩ và hành động của mình. Không phải cứ tùy tiện, tự cho mình cái quyền phán xét, xét xử, thậm chí là nổi loạn, ám sát người khác. Rồi cũng không phải tự cho mình cái quyền tùy tiện thích thì tuân thủ pháp luật, không thích thì thôi. Một khi đã tin tưởng chọn chính quyền thì phải ủng hộ chính quyền, hợp tác với chính quyền, gần gũi với chính quyền. Chửi không bao giờ là cách thông minh. Thay vì vậy, khi thấy luật hoặc chính sách ban hành có nhiều khuyết điểm thì hãy cùng tranh luận, kháng nghị một cách thẳng thắn, không ngần ngại.

 

Trách nhiệm làm dân không phải là dễ dàng, bởi luôn có mâu thuẫn giữa dân và chính phủ. Khi ấy, thường có ba cách phản ứng. Thứ nhất, Yukichi gọi đó là giải pháp mù quáng. Tức là từ bỏ khí tiết, chịu khuất phục chính phủ vô điều kiện. Giải pháp này chỉ làm hỏng vị thế của chúng ta mà thôi. Giải pháp thứ hai, phản kháng bằng bao lực. Đây là điều không nên. Nội chiến luôn là việc làm vô nhân đạo. Cho dù thắng, phe lên nắm quyền cũng không có gì đảm bảo sẽ thực thi chính trị tử tế, vì họ cũng sinh ra từ dòng máu không tử tế. Giải pháp thứ ba mới là thượng sách, đó là sẵn sàng hiến thân, hy sinh tính mạng chứ không để mất khí tiết. Tức là bảo vệ chân lý, sự thật, giá trị tiến bộ và kiên nhẫn thuyết phục, góp ý, tranh luận với chính phủ đến tận cùng.

 

Rồi mỗi người dân trong xã hội cần phải có sự độc lập cá nhân. Trước hết là độc lập về vật chất, nghĩa là mỗi người có gia đình, có nghề nghiệp, tự lo được cho mình mà không nhờ vả ai, không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Dạng độc lập hữu hình như vậy có thể dễ dàng nhận biết. Thứ hai là độc lập về tinh thần, đây là thứ khó nhận biết nhưng lại quan trọng hơn. Một cách sống để đạt được độc lập về tinh thần là phải biết cách tiêu tiền, không lệ thuộc vật chất, đừng để khổ sở khi có chút ít tài sản lại bị chính tài sản đó cai trị.

 

Ngoài ra trong xã hội, lòng tín nhiệm của một người là cực kỳ cần thiết. Nếu không được mọi người đặt lòng tin, không được trọng dụng thì khó làm nên trò trống. Một người càng được tín nhiệm lại càng được tin tưởng để hoàn tất những công việc lớn hơn. Nhưng nếu tín nhiệm lầm người thì sẽ ra sao? Khi ấy mình lại cần thể hiện tinh thần độc lập của mình để dám góp ý thẳng thắn. Trong một xã hội thật giả, thiện ác khó phân biệt, vì thế cần nỗ lực bản thân và xác định rõ vị trí của mình, nhân cách của mình và cần một sự đánh giá đúng về mình từ người khác.

 

Tóm lại, hãy nhớ rằng một nền văn minh quốc gia không thể chỉ trông chờ chính phủ, mà phải xuất phát từ mỗi người dân. Dân có thực học, có độc lập trong tư tưởng, ý chí trong hành động thì nhà nước mới mạnh.

 

(Theo Minh Quân, Tuyết Trinh, Trí Thể - Vuductrithe)

 

 

Dịch phẩm:            Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì (Samuel Smiles)

 

Dịch giả:                Phạm Viêm Phương & Thư Trung

 

ĐVXB:                 Ban Tu Thư Đại học Hoa Sen, NXB Hồng Đức & Phương Nam

 

 

3.400.000 và 1.500

 

Năm 1871, người Nhật đã dịch cuốn TINH THẦN TỰ LỰC của SMILES và bán được 3,4 triệu bản với dân số Nhật khoảng 30 triệu. Gần 150 năm sau, bản dịch tiếng Việt cuốn TINH THẦN TỰ LỰC chỉ in 1.500 cuốn trên quy mô dân số là 90 triệu. Một nỗi buồn thăm thẳm dài hơn 150 năm.

 

Theo Đại tác phẩm Tinh thần tự lực và sự tự cường của Nhật Bản thời Minh Trị – GS. Nguyễn Xuân Xanh: Một trong ba cuốn sách “gối đầu giường của thanh niên Nhật” thời thời Duy Tân Minh Trị ở Nhật… hàng triệu thanh niên đã được đọc mà ngày nay rất ít người biết đến cả 3 cuốn sách này.

 

- “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi viết từ năm 1872 đến 1876

 

- “Bàn về tự do” (On Liberty) của John Stuart Mill xuất bản năm 1859, dịch sang tiếng Nhật năm 1871

 

- “Tinh thần tự lực” (Self-help) của Samuel Smiles xuất bản năm 1859, dịch sang tiếng Nhật năm 1871

 

Động lực đẩy chính quyết định đằng sau của người Nhật, cũng như người Đức, hay người Hàn, là Lòng yêu nước nồng nàn. Không có động lực này, không thể có đôi cánh bay lên, mà vẫn đứng 'lóng ngóng' hoài trên mặt đất bẫn chật. Lòng yêu nước + Tri thức = Thành công. Lòng yêu nước hiện nay ở VN đang bị "phân tán", hay bàn bạc, hay mất mát đi nhiều, không có định hướng, bởi con người không được tham gia vào quá trình canh tân đất nước một cách công bằng. Nhật Bản Duy Tân đã làm điều ngược lại, giai cấp samurai đã tự xóa bỏ mình như một giai cấp được ưu đãi từ nhiều thế hệ, để nhường đại lộ vinh quang lại cho mọi tài năng của dân tộc tiến bước. Ở kia mở thắt nút chai, ở đây đóng lại.

 

Điều đó nói lên rằng người Việt Nam phải ra sức phấn đấu hơn nhiều nữa để thành công. Quyển sách Tự-lực hy vọng tiếp thêm nguồn năng lượng cho những ai đọc nó, và truyền niềm tin, rằng cuối cùng xã hội của những người lương thiện, tài năng sẽ chiến thắng.

 

Theo Giáo sư Chương Thâu: Cuốn “Tinh thần tự lực” đã được cụ Phan Bội Châu chọn dịch từ bản dịch tiếng Nhật (1871) dưới tên “Tự Trợ Luận”. Cụ Phan Bội Châu bắt đầu dịch từ cuối năm 1927 do người học trò – thư ký là Quang Đạm chép tinh lại bản thảo và có chọn một số chương gửi đăng báo. Tuy nhiên đến nay, khi soạn bộ Tổng tập Phan Bội Châu thì tác giả chưa sưu tầm lại được.

 

 (Theo CafeKubua va TS. Nguyễn Xuân Xanh)

 

 

Tác phẩm:        Tôi tự học

Tác giả:            Thu Giang - Nguyễn Duy Cần

ĐVXB:                 NXB Trẻ

 

 

Nhìn vào bề ngoài của quyển sách này cộng thêm độ lâu đời xuất bản của nó, tôi có phần hơi nghi ngại vì cho rằng sách thuộc những giai đoạn cũ, mà có khi đến nay đã không còn thức thời và cập nhật như trước. Thế nhưng tôi đã lầm, quyển sách Tôi Tự Học của nhà văn Thu Giang & Nguyễn Duy Cần là tổng hợp những kinh nghiệm quý báu nhất từ các bậc tiền nhân về phương pháp tự học, tự nâng cao kiến thức và trí lực cho từng cá nhân thông qua những trang viết tuyệt đẹp cả về ngôn từ lẫn những thí dụ minh họa. Sau khi đọc xong tập sách này (trải qua 1 ngày đọc ngấu nghiến không ngừng), tôi đã tự đúc kết ra cho mình những bài học quý báu sẽ được đề cập dưới đây.

 

Cùng lên đường!

 

>>Không khô khan và giáo điều, tác giả đưa ra câu chuyện từ xa xưa được Anatole France kể lại với nhân vật chính là một vị vua lười đọc sách nhưng muốn nắm bắt được tất cả các tinh hoa trong cuộc sống. Vị vua này đưa ra chỉ thị đến nhà thông thái rằng “Hãy tóm tắt tất cả những cái hay của các cuốn sách vào một câu hay nhất” để nhà vua có thể học được tất cả các tinh hoa mà không phải tốn thời gian”. Nhà thông thái trở về và sau 1 tháng, ông cầm theo câu tư tưởng chứa đựng tinh hoa tất cả sự hiểu biết của con người, viết trên 1 tấm lụa ngà:

 

"Con người sinh ra, yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thỏa mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong."

 

Câu chuyện này muốn nói đến cái lẽ rằng: “Văn hóa là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được. Nhưng văn hóa có thể khơi gợi và giúp cho người ta đi đến chỗ hay, hoàn thiện bản thân mình. Cũng giống như người dạy vẽ không thể truyền cho học trò cái thiên tài của họa sĩ nhưng cũng giúp người đó có thể có được những lề lối làm việc để trở thành một họa sĩ chân tài”. Quả là một câu chuyện hay và dẫn nhập đẹp cho một phương pháp mà bất kỳ một bạn trẻ trưởng thành nào cũng phải trang bị cho mình: “Phương pháp tự học”.

 

Các bạn thấy đấy, chỉ là phần lời mở đầu sách ngắn và đơn giản để dẫn nhập vào sách mà ta có thể thấy những sách kĩ năng hiện nay có khi đã bỏ qua nhưng tác giả Thu Giang & Nguyễn Duy Cần đã đầu tư không biết bao nhiêu câu chữ và điển tích hay để kích thích lòng ham học từ người đọc. Chính từ đoạn tựa đầu sách nho nhỏ này đã kéo tôi đọc ngấu nghiến cuốn sách này không ngừng.

 

Từ việc đào sâu vào định nghĩa sự học, tác giả nêu lên những yếu tố cần thiết của một người tự học và điều kiện thuận lợi để giúp cho sự tự học được tiến triển tốt hơn: môi trường học tập, cách sắp xếp thời gian, tinh thần sẵn sàng khi học, rèn luyện sự tập trung khi học, các yếu tố về tư duy tổng quan, tư duy nhân quả, tư duy phản biện cần có ở một cá nhân tự học. Đó là những điều mà ta hay cho là “sẵn có” thế nhưng thực chất chưa được tôi luyện thành một thói quen đúng đắn và hữu ích cho việc tự học của mình. Đọc phần này để củng cố thêm cho ta những chứng minh hữu ích của việc sắp xếp việc học sao cho thông minh và hiệu quả nhất. Đây là tiền đề cho tất cả những điều chúng ta muốn học, một bước chuẩn bị dung nạp kiến thức cho bản thân.

 

Tác giả còn giới thiệu thêm cho người đọc những loại sách bổ ích và cách đọc từng kiểu sách như thế nào cho hợp lý và thực sự mang đến kiến thức. Từ những trang tiểu thuyết đến những tài liệu sử học, thiên văn, toán học và cả những tư liệu báo chí. Không phải cứ đọc là có thể học được mà quan trọng là phương pháp đọc và tư thế chuẩn bị đọc đối với từng loại sách kể trên mới là điều đáng lưu tâm. Viết đến đây, tôi sẽ giới thiệu thêm đến các bạn trẻ cũng thích đọc sách như tôi 1 quyển sách gối đầu giường của bản thân về phương pháp đọc sách sao cho khoa học và hữu ích. Đó là quyển “Đọc sách như một nghệ thuật” hay tựa đề điều chỉnh hiện nay có tên “Phương pháp đọc sách hiệu quả” của Mortimer J.Adler & Charles Van Doren do Alpha books phát hành. Đọc quyển này kết hợp với phần viết của cuốn “Tôi tự học” sẽ thủ sẵn cho các bạn ham đọc sách những vũ khí siêu hạng để chinh phục bất kỳ một quyển sách nào.

 

>>Tiếp tục nói đến cuốn “Tôi tự học”, sau khi tác giả đã chuyển tải những kinh nghiệm về việc đọc sách và chọn sách sao cho phù hợp với bản thân. Họ đi sâu hơn vào vấn đề chính của tác phẩm (câu hỏi lớn nhất): HỌC NHỮNG GÌ?.

 

Và không phụ lòng tôi, 2 tác giả đã đưa ra những lời khuyên không những hay mà còn rất chi tiết, cụ thể cho người học. Những điều mà 1 người tự học cần nắm bắt và rèn dũa cho mình:

 

1. HỌC VIẾT VĂN: để biết suy nghĩ lại vấn đề, phân tích tinh tế tình cảm của mình, tâm tư của mình. Trong quá trình viết cũng là lúc ta luyện cách dùng chữ nghĩa để thể hiện bản thân mình, để nhìn lại mình qua từng con chữ. Bạn không thể viết quá những gì bạn sống và cảm nhận. Thế nên khi viết ra cũng là lúc chính mình soi lại mình để sống tốt hơn ngày hộm qua. Vậy muốn viết văn được hay mà mọi người hiểu được và cảm được thì phải như thế nào? Tác giả đưa ngay ra cho chúng ta lời khuyên thẳng thắng: “VIẾT CHO THƯỜNG“. Có thường rèn dũa mới thành anh thợ rèn giỏi, có thường viết, người viết văn mới thành nhà văn. Bài học xưa vẫn luôn đúng cho đến hiện tại. Tác giả còn giới thiệu một số đầu sách hay để người học tập viết sao cho đúng, cho hay, điển hình là cuốn “Luyện văn” của Nguyễn Hiến Lê. Thật quá đã phải không các bạn? Chúng ta vừa được học điều hay qua những kinh nghiệm, lời khuyên bổ ích, lại có thêm những đầu sách được gợi ý để tìm hiểu thêm. Quả là nhà văn phải chu đáo và tâm huyết lắm khi chắt lọc những tinh hoa văn hóa hay nhất cho người đọc

 

2.Không chỉ học viết, tác giả còn khuyên người tự học nên HỌC DỊCH VĂN. Dịch văn để rèn luyện cái sự hiểu của mình thông qua một ngôn ngữ khác, tăng thêm khả năng tư duy ngôn ngữ cho người học. Ta bị bắt buộc phải thật hiểu ý của tác giả và những danh từ, trạng từ, tính từ cùng động từ mà tác giả đã dùng. Đó là cách bắt buộc ta phải diễn đạt cho thật đúng một ý tưởng, không được miễn cưỡng dùng sai, dùng tạm. Muốn dịch văn hay tác giả Thu Giang & Nguyễn Duy Cần đưa ra những gợi ý như sau:

 

+ Đi từ cái chung đến cái riêng, đi từ cái ý chính của đoạn văn mà tìm hiểu ý nghĩa chi tiết. Đừng lật đật tìm đến từ điển quá vội mà phải lo đọc trước cho thật kỹ bài văn, đọc đôi ba lần cho đến khi thoáng hiểu được cái thâm ý của tác giả. Bấy giờ mới đi sâu vào tìm hiểu ngữ nghĩa của từng từ, từng chữ trong câu.

 

+ Chú ý về những từ nhiều nghĩa, tương đồng ý nghĩa nhưng vào 1 câu văn, đoạn văn lại mang 1 ý nghĩa khác. Thể nên phải dựa theo cái lý mà dịch chứ không căn cứ và sự tương đồng về hình thức câu văn. Phải đọc thật nhiều và tìm tòi ngữ nghĩa để dịch được suông sẻ và hợp lý.

 

>>Học viết và học đọc đã xong, việc kế đến là đề ra cho bản thân những nguyên tắc riêng để tạo điều kiện cho bản thân có môi trường học tập tốt nhất. Tác giả đưa ra vài gợi ý để người đọc có thể linh hoạt áp dụng và thay đổi sau cho phù hợp với từng cá nhân:

 

– Nguyên tắc 1: Đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin vào sự thành công

 

– Nguyên tắc 2: Làm việc đều đều, không nên để gián đoạn

 

– Nguyên tắc 3: Bất kỳ môn học nào cũng phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn.

 

– Nguyên tắc 4: Biết lựa chọn. Chọn sách để đọc, chọn việc để làm và chọn điều hay để học.

 

– Nguyên tắc 5 & 6 : Phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật. Tiết kiệm từng phút giây của bản thân.

 

– Nguyên tắc 7: Hễ làm việc gì thì phải làm cho hoàn thành, đừng phải trở lại một lần thứ 2.

 

– Nguyên tắc 8: Muốn làm việc, học tập cho hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào

 

8 nguyên tắc trên có thể phù hợp với bạn hoặc không, có thể vừa đủ hoặc thiếu tùy vào cá nhân mỗi người. Bạn có thể tự điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân.

 

>>Kết thúc quyển sách quý này là biết bao bài học đọng lại trong trí óc tôi và làm hành trang cho sự học của tôi về sau. Cái học quan trọng ở “phẩm” chứ không phải là “lượng”, học đến đâu, chắc đến đó. “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, đó là bài học không bao giờ xưa cũ dành cho những người trẻ như tôi và bạn.

 

Mong là những gạn lọc của cá nhân tôi về quyển sách này sẽ phần nào giúp bạn có chút hứng thú để đọc và tìm hiểu cuốn “Tôi tự học” này và phát triển cái học của cá nhân mình. Tuy cho là đã biết về cuốn sách nay nhưng tôi tin rằng bản thân còn phải đọc lại đôi lần để thấu đáo hơn nữa. Như đầu đề sách tác giả có đăng những dòng quý giá từ luận ngữ:

 

"Biết thì biết là mình biết. Không biết thì cũng biết rõ là mình không biết. Đó mới thực sự là người biết."

 

Bể học là mênh mông và vô tận. Những người trẻ như tôi và bạn có nhiệm vụ phải khai phá và tìm tòi, chinh phục những cái bể kiến thức như thế để làm tròn bổn phận của mình.

 

(Theo Zeal)

 

Trạm Đọc (Read Station)

Tags: