Vì sao muốn có một chuyện tình ấm êm thì bạn hãy yêu đúng thời điểm?
Vì sao muốn có một chuyện tình ấm êm thì bạn hãy yêu đúng thời điểm?
Ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn tự nhủ với bản thân rằng, bạn không sẵn sàng cho bất kỳ mối quan hệ nào. Cảm giác không còn hứng thú hẹn hò với ai đó thường xuất hiện khi bạn vừa trải qua một cuộc tình tan vỡ hoặc bạn chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ thân mật.

Có lẽ bạn không muốn theo đuổi ai đó cho đến chừng nào bạn lấy lại được cảm giác bình an và tình yêu cuộc sống. Sau một mối quan hệ tưởng chừng là mãi mãi lại bỗng dưng kết thúc đầy bất ngờ, bạn cần thời gian trước khi tái hoà mình vào xã hội ồn ào ngoài kia. Trong bất cứ tình huống nào, việc bạn miễn cưỡng lao vào chuyện tình cảm với ai đó dường như thật lạ lùng và bất thường.

 

Cảm giác chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ mới không có nghĩa là e dè sự thân thiết. Các nhà khoa học vẫn cho rằng, ai cũng có thể cởi mở cho một mối quan hệ nào đó cho đến khi họ tìm thấy đúng người.

Sự sẵn sàng gắn bó với người bạn thương yêu thể hiện qua các hành vi ở từng giai đoạn bạn xây đắp tình cảm với nửa kia. Khi bạn sẵn sàng cho một mối quan hệ, bạn có thể chú ý nhiều hơn đến vẻ ngoài hoặc mua sắm nhiều quần áo hơn. Bạn sẽ để tâm hơn đến chuyện hẹn hò và chẳng ngần ngại bỏ nhiều công sức xây đắp cho tình cảm giữa hai bạn. Những người có mức cam kết thấp với chuyện tình cảm có thể vẫn qua lại với người yêu nhưng, về mặt cảm xúc, họ lại giữ một khoảng cách khá xa để không phụ thuộc quá nhiều vào đối phương.

Qua một loạt các nghiên cứu, lần đầu tiên, các chuyên gia tại trường Đại học Purdue (Mỹ) đã tìm ra mối liên hệ giữa mức độ sẵn sàng bước vào một mối quan hệ với cảm giác hứng thú và quyết tâm theo đuổi chuyện tình lãng mạn ở những người trưởng thành và các sinh viên đại học.

Nhóm nghiên cứu yêu cầu các sinh viên đại học cho họ biết về cảm giác của họ sau hai tuần sử dụng kỹ thuật viết nhật ký mỗi ngày. Để biết mức độ cam kết của từng người ra sao, các nhà khoa học đã yêu cầu người tham gia trình bày rõ liệu họ có nghĩ rằng, thời gian này là phù hợp để họ yêu thương ai đó hay không; những người tham gia cũng cần phải đánh giá nỗi sợ hãi khi họ là người độc thân, lảng tránh cảm giác yêu hay cảm giác thích thú theo đuổi ai đó. Đến đây, vấn đề nằm ở chỗ liệu nỗi sợ hãi độc thân, thái độ e dè khi yêu ai đó hoặc không muốn gần gũi ai đó có làm lu mờ sự chủ động bước vào một mối quan hệ yêu đương hay không.

Một trong những nghiên cứu của nhóm chuyên gia trên là xem xét liệu sự sẵn sàng yêu thương ai đó có ảnh hưởng đến chất lượng của các mối quan hệ hay không. Trong lần nghiên cứu này, các tình nguyện viên vẫn tiếp tục làm theo thói quen 5 tuần và 3 tháng sau quãng thời gian viết nhật ký ban đầu. Ở đối tượng sinh viên, tỷ lệ các bạn trẻ trở thành cặp đôi yêu nhau chỉ chiếm một phần ba. Điều đó có nghĩa là phần lớn người tham gia không tiếp tục theo đuổi bạn tình sau những đánh giá ban đầu để tiến vào một mối quan hệ tình cảm sâu sắc hơn. Tuy nhiên, chừng đó người tham dự cũng đủ để Hadden và những cộng sự của ông hoàn thành phần phân tích của mình.

Như dự đoán, các nhà khoa học đã quan sát thấy một mối liên hệ tích cực giữa điểm số sẵn sàng gắn bó với bạn tình và những chuyện tình chớm nở của một số cặp đôi trong nhiều tháng sau đó. Những người tham gia đều trả lời rằng, họ thực sự sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Không những vậy, họ từng chủ động theo đuổi đối phương và dễ tiếp nhận những cơ hội tạo ra không khí lãng mạn cho hai người. Nói đến “bản chất độc đáo của sự sẵn sàng”, các phát hiện đều cho rằng, “vấn đề thời gian” cho phép mọi người cảm thấy rằng, họ có thể xử lý mối quan hệ tại một điểm nhất định. Đối với những ai đã đi sâu vào mối quan hệ tình cảm, người nào càng sẵn sàng cho các mối quan hệ thì họ càng cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho mối quan hệ đó.

Vậy điều gì ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, cho biết đâu mới là thời điểm thích hợp để bạn bước vào một mối quan hệ tình cảm sâu sắc với ai đó? Như các tác giả đã lưu ý, những ai từng trải qua khổ đau, mất mát thường chưa bao giờ sẵn sàng cam kết chung sống với bạn tình. Mọi người có thể không cảm thấy sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ nếu họ đang cố gắng làm quen với một công việc, chỗ ở hoặc địa vị xã hội mới.

Theo lý thuyết, sự sẵn sàng cam kết trong một mối quan hệ tình cảm luôn ảnh hưởng đến chất lượng của mối quan hệ đó. Lý do là bởi, người trong cuộc cảm thấy bản thân cần phải đầu tư thời gian và năng lượng vào mối quan hệ đó. Nói cách khác, để chuyện tình cảm đi đến một “happy ending”, bạn nên hiểu bạn cần đầu tư điều gì cho mối quan hệ. Người yêu của bạn có thể không hoàn hảo nhưng bạn sẵn sàng làm mọi việc chỉ bởi vì bạn đã chuẩn bị đầy đủ tư thế cho việc chung sống cùng người này.

Tóm lại, để hạnh phúc, bạn cần thay đổi đồng hồ sinh học của mình theo hướng bạn thực sự mong muốn theo đuổi chuyện tình lãng mạn đó. Không chỉ có bạn mà người yêu bạn đều được hưởng lợi khi cả hai yêu nhau vào đúng thời điểm.

Theo Psychology Today

Minh Phương

Tags: