Bài học Lớn từ Hoàng Tử Bé: Tìm (lại) sự sáng tạo của Tuổi thơ
Bài học Lớn từ Hoàng Tử Bé: Tìm (lại) sự sáng tạo của Tuổi thơ
“…Nếu khi đó có một em bé đến với bạn, nếu em cười, nếu em có tóc vàng, nếu khi ta hỏi em chẳng trả lời, hẳn bạn đoán biết em đó là ai. Khi đó, xin bạn hãy tỏ ra đáng yêu! Xin đừng để tôi buồn lòng quá đỗi: xin hãy viết thư ngay cho tôi, báo cho tôi là chú đã trở lại…”

“Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử sống trên một hành tinh không lớn hơn cậu là bao, và cậu cần có một người bạn.” Đó là cách mà Antoine de Saint-Exupéry muốn dùng để bắt đầu câu chuyện về Hoàng Tử Bé. Ông nói rằng: “Với những người thấu hiểu về cuộc sống, kiểu mở đầu như thế sẽ thật hơn bất kì cách nào khác.”

Nhưng ông đã không bắt đầu như vậy. Ông không thể làm thế. Bởi vì, bạn thấy đó, những người lớn sẽ không hiểu. Họ sẽ chẳng hiểu gì cả. Với họ, nếu hoàng tử bé là có thật thì phải có bằng chứng nào đó chứ. Tốt hơn hết là nên có số. Tiểu hành tinh B612 nghe có vẻ hợp lí đấy. Bây giờ chúng ta đã bắt đầu định hình được cậu. Còn tuổi của cậu thì sao? Chiều cao? Cân nặng? Mọi thứ rõ ràng hơn một chút rồi đó. Nhưng giọng cậu thì ra sao? Cậu thích chơi trò gì? Hay là cậu có sưu tập bướm không? Mỗi câu hỏi vặt vãnh không liên quan có thể làm sáng tỏ nhân vật của chúng ta hơn một chút.

 

Đó là ranh giới xuất hiện trong cuốn sách kinh điển của Saint-Exupéry, Le Petit Prince. Một mặt, chúng ta có trẻ con, những đứa giống như phiên bản trẻ con của người kể chuyện, những cậu bé được truyền cảm hứng bởi một đoạn văn trong sách động vật học để vẽ một con trăn phồng lên vì nuốt một con voi, hay như Hoàng Tử Bé trong tiêu đề sách, một người rất mong có một bức tranh con cừu để mang về hành tinh của cậu. Một con cừu, tốt nhất là ăn cây bao-báp chứ không phải hoa hồng.

Ở phía bên kia, chúng ta có những người lớn, những người nghĩ con trăn căng phòng kia trông như một cái mũ mềm cũ kĩ - không phải một cái mũ được may cẩn thận - những người hối thúc người kể chuyện của chúng ta theo đuổi một SỰ NGHIỆP THẬT SỰ, và khuyên bảo Hoàng Tử Bé về tầm quan trọng của việc đếm sao, tuân theo những thói quen hàng ngày, vâng lời, thắp đèn vào đúng giờ trong ngày, dù việc đó xảy ra mỗi phút một lần.

Trong thế giới của Saint-Exupéry, người lớn có vẻ như là một sinh vật phi lí, lúc nào cũng vội vàng đi về một nơi vô định, khăng khăng bám lấy những mục tiêu mà không có chút suy nghĩ nào - ngay cả khi họ chẳng hiểu tại sao mình lại theo đuổi những thứ đó. Và nhờ có người đàn ông bé nhỏ (petit gentilhomme), như cách mà người kể chuyện đã gọi cậu, và những người bạn thật thà của cậu, chú cáo và bông hoa hồng, chúng ta đã có được một chút thông thái về những điều quan trọng và không quan trọng, về những câu hỏi đáng để hỏi và câu nào thì không nên.

Việc phóng đại sự tương phản là một điều cần thiết (dù sao thì chúng ta vẫn đang trong vương quốc tưởng tượng cơ mà). Nhưng tư tưởng lớn hơn của Saint-Exupéry về sự sáng tạo và suy tư thì khó có thể bị suy diễn quá đà: khi chúng ta lớn lên, cách mà chúng ta nhìn về thế giới sẽ thay đổi. Rất hiếm người có thể giữ được cảm giác trầm trồ kinh ngạc, cảm giác về sự hiện hữu của ta trên đời, những niềm vui sống và vô tận những khả năng tồn tại trên thế giới này, những thứ vô cùng rõ ràng khi ta còn là trẻ con.

Khi lớn lên, chúng ta sẽ có thêm trải nghiệm. Chúng ta giỏi hơn trong việc kiểm soát bản thân. Chúng ta đòi hỏi nhiều hơn từ khả năng, suy tư và khát vọng. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta đã mất đi sự vô tư đón nhận thế giới một cách trọn vẹn. Những trải nghiệm giúp chúng ta thành công lại đe dọa, hạn chế trí tưởng tượng và cảm giác về những điều khả thi trong cuộc sống. Từ bao giờ mà những kinh nghiệm lại hạn chế trí tưởng tượng của một đứa trẻ như vậy?

Nhưng đó không có nghĩa là chúng ta không thể nhìn thấy một con trăn căng phồng thay vì một cái mũ, mà là vì chúng ta đã lựa chọn không làm thế. Hãy nghĩ về tuổi thơ của bạn. Nếu tôi hỏi về con phố mà bạn đã từng lớn lên ở đó, có rất nhiều khả năng là bạn sẽ nhớ vô cùng chi tiết. Màu sắc của những ngôi nhà. Tính cách của những người hàng xóm. Mùi vị của các mùa. Cảnh sắc của con phố thay đổi theo thời gian. Những nơi bạn hay chơi đùa. Những con đường bạn đã đi qua. Những chỗ bạn chẳng bao giờ dám bước tới. Tôi cược rằng bạn có thể kể hàng giờ đồng hồ.

Khi còn là trẻ con, khả năng nhận thức của chúng ta thật đáng kinh ngạc. Chúng ta tiếp nhận và xử lí thông tin với tốc độ mà có lẽ là chúng ta sẽ không bao giờ đạt được. Khung cảnh mới, âm thanh mới, mùi vị mới, con người mới, cảm xúc mới, trải nghiệm mới: chúng ta đang học được về thế giới và những điều khả thi. Mọi thứ đều mới, mọi thứ đều thú vị, mọi thứ đều đánh thức trí tò mò. Và bởi vì sự mới mẻ đều có sẵn xung quanh ta, chúng ta luôn chú ý, chúng ta hấp thụ, chúng ta đón nhận mọi thứ vào bên trong tâm hồn. Ai biết là đến khi nào những thứ này sẽ trở nên hữu dụng.

Nhưng khi chúng ta lớn lên, cái yếu tố nhàm chán cũng tăng dần theo cấp số mũ. Toàn những thứ cũ rích ở những nơi ta đã từng đi qua, cần gì phải để ý nữa, để ý đến mấy cái mình không biết sẽ phải làm gì với nó thì có tác dụng gì cơ chứ. Và chúng ta đã đóng lại sự chú ý, tương tác và tò mò bẩm sinh để thay bằng một loại những thói quen bị động và không cần phải động não trước khi chúng ta kịp nhận ra điều này. Và ngay cả khi chúng ta muốn nhảy vào tham gia, thì chúng ta mới biết rằng tuổi thơ là một thứ xa xỉ.

Những ngày tháng mà việc duy nhất chúng ta phải làm là học hỏi, tiếp thu, tương tác; bây giờ chúng ta có những thứ khác, đầy áp lực và trách nhiệm (hoặc là chúng ta nghĩ thế thôi) để quan tâm. Và cùng với đó ta luôn bị đòi hỏi phải chú ý hơn – một vấn đề cần quan tâm cùng với áp lực đa-nhiệm (multitasking) ngày càng phát triển trong thời đại số hóa 24/7 – và thế là sự chú ý thực sự của chúng ta lại giảm đi. Và cứ thế, chúng ta càng ngày càng trở nên ít để ý tới thói quen suy tư của mình, và ngày càng cho phép tâm trí đưa ra những phán xét và quyết định, mà lẽ ra nó nên ngược lại.

 

Thiên tài là gì? Là khả năng trở lại làm một đứa trẻ khi ta muốn

 

Vào năm 2010, một nhóm các nhà tâm lí học đã quyết định làm một thí nghiệm về ý tưởng trực quan là: Khi chúng ta rời bỏ con người tuổi thơ của chính chúng ta, thì ta cũng bỏ lại đằng sau một phần cảm hứng sáng tạo – thứ làm nền tảng cho những ý tưởng mới mẻ, các suy nghĩ đột phá và các khám phá. Họ yêu cầu một nhóm sinh viên đại học viết một bài văn ngắn: Hãy tưởng tượng hôm nay bạn được nghỉ học. Bạn sẽ làm gì, nghĩ gì và cảm thấy như thế nào?

Tất cả các sinh viên đều trả lời cùng một đề bài. Nhưng một nhóm khác được thêm vào một câu nữa trong đề: Bạn là một đứa trẻ 7 tuổi.

Sau khoảng 5 phút viết bài, mỗi người tham gia được yêu cầu hoàn thành một Bài kiểu tra về Tư duy sáng tạo kiểu Torrance). Kết quả trung bình đều giống như những gì dự đoán trước – chỉ trừ một việc: Những người được giao làm đề bài có thêm dữ kiện 7 tuổi cho thấy mức tư duy sáng tạo cao hơn hẳn. Câu trả lời bằng ngôn từ và minh họa của họ đều bỏ xa những người bạn có đầu óc người lớn của mình.

Có vẻ như việc tưởng tượng rằng, bạn là một đứa trẻ có thể khiến tâm trí bạn trở nên linh động hơn, mới mẻ hơn, cởi mở hơn khi sáng tạo và dễ dàng tạo ra những sản phẩm của trí tưởng tượng – một bổ sung tuyệt vời cho những nghiên cứu khác chỉ ra rằng, tiếng cười và những cảm xúc tích cực cũng có tác dụng tương tự.

Và điều đó có đáng ngạc nhiên không? J.M.Barrie đã từng viết rằng: “Thiên tài là gì? Là khả năng trở lại làm một đứa trẻ khi ta muốn.” (Quả thực ông đã tạo ra đứa trẻ điển hình nhất mọi thời đại – Peter Pan) – nhưng Charles Baudelaire lại không cho là như vậy, tập thơ Fleurs du Mals (Hoa của Quỷ) của ông có thể là bất cứ thứ gì miễn là không phải một cuốn sách cho thiếu nhi, nhưng ông cũng viết những thứ tương tự với Barrie: “Thiên tài chẳng hơn gì việc tìm lại tuổi thơ khi ta muốn, và tuổi thơ giờ đây được trang bị thêm khả năng của một người trưởng thành, một bộ não biết phân tích để diễn đạt lại mình và sắp xếp những trải nghiệm đã có.” Trên thực tế, phân tích của Baudelaire có lẽ sát hơn với vấn đề ở đây: khả năng lấy lại sự tò mò của trẻ con, nhưng đồng thời cũng kết hợp chúng với những trải nghiệm và chiều sâu mà một đứa trẻ không thể có.

Trong bản tiếng Pháp của cuốn sách, Saint-Exupéry chưa bao giờ sử dụng khái niệm “người lớn” để mô tả những con người lớn tuổi khó hiểu. Ông gọi họ là “les grandes personnes”. Người to xác. Không một lần nào gọi bằng những cái tên khác.

Đó không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên, mà là một sự phân biệt có chủ ý vô cùng quan trọng. Cuối cùng điều quan trọng là thái độ chứ không phải tuổi tác. Bạn có thể gặp những đứa trẻ to xác, les grandes personnes, cũng như bạn gặp những người lớn mà không phải như vậy. Câu hỏi ở đây là về cách ta nhìn thế giới. Nó chẳng liên quan quan gì đến tuổi tác, trừ việc duy nhất là thời gian khiến thái độ của chúng ta nghiêm túc hơn.

Trong nghiên cứu được đề cập ở trên, các nhà nghiên cứu còn tìm ra rằng: không chỉ những người nghĩ như một đứa trẻ bảy tuổi đạt kết quả tốt hơn. Những người đạt điểm cao hơn về mức độ cởi mở với trải nghiệm cũng có số điểm cao hơn…

Tâm trí lúc nào cũng có thể linh hoạt. Chúng ta không phải trở thành grandes personnes mãi mãi, ngay cả khi chúng ta đã hoàn toàn đặt chân vào lối mòn đó. Và giống như câu chuyện của Saint-Exupéry, chúng ta có thể lớn khi chúng ta sửa máy bay – một điều quan trọng nghiêm túc cần làm ở giữa sa mạc, cách xa Xứ Con Người cả ngàn dặm – và cũng như một họa sĩ vẽ hình minh họa mới nổi, vẽ những chồi cây bao-báp nguy hiểm và cừu trong một chiếc hộp khi ta muốn. Đó là vẻ đẹp của tâm trí. Chúng ta có sức mạnh để thay đổi nó khi ta muốn, nhưng chỉ khi ta chọn làm như vậy.

Hoàng Tử Bé bao nhiêu tuổi? Ta không biết. Ta chỉ biết rằng, chàng có tóc màu vàng kim. Tiếng cười của chàng lấp lánh như những ngôi sao. Chàng yêu một bông hoa hồng. Và chàng thuần hóa một chú cáo khôn ngoan để trở thành bạn đồng hành của chàng. Nhưng mà cuối cùng thì đó chẳng phải mới là những điều quan trọng hay sao?

Theo Scientific American

Trạm Đọc.

Tags: