Vì sao giá sách tăng?
Vì sao giá sách tăng?
Hơn một năm trở lại đây, giá sách tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới độc giả, vì phải chi phí nhiều hơn, và ảnh hưởng một phần tới đơn vị làm sách.

Trong khoảng hơn một năm nay, nếu mua sách thường xuyên sẽ nhận thấy sách cùng một phân khúc, cùng lượng trang giấy, có giá bìa tăng lên. Đại diện một nhà xuất bản nhận định giá sách đã tăng từ 3-5%.

Giá giấy tăng là nguyên nhân trực tiếp

Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Bản quyền công ty Nhã Nam - cho biết việc định giá cho một cuốn sách dựa trên chi phí sản xuất.

Không phải tự nhiên mà các nhà xuất bản, công ty sách tự ý đẩy giá bìa sách lên. Khi giá sách tăng, có nghĩa chi phí sản xuất tăng cao.

Ông Minh chia chi phí làm sách thành hai dạng: Chi phí in ấn và chi phí mềm. Chi phí mềm là tiền tác quyền, dịch thuật, biên tập, thiết kế…

Người phụ trách bản quyền của công ty Nhã Nam cho biết vài năm trước, mua bản quyền một tác phẩm văn chương thường 300-500 USD, còn bây giờ tiền bản quyền sẽ tính bằng nghìn USD. Chi phí dịch thuật, biên tập, thiết kế và trả lượng đội ngũ công ty cũng tăng.

Theo ông Minh chi phí mềm tăng là điều hiển nhiên, bởi thị trường xuất bản của chúng ta đang phát triển, nên chi phí bản quyền, dịch thuật, biên tập cũng sẽ tăng. “Thêm nữa, giá cả thị trường luôn tăng. Một bát phở trước đây có giá bao nhiêu, giờ đã tăng gấp bao nhiêu lần rồi? Giá bản quyền, biên tập sách tăng lên cũng là bình thường”.

Tuy vậy, trong lần tăng giá sách lần này có nguyên nhân lớn từ việc giấy và in tăng giá. Ông Nguyễn Xuân Minh cho biết trong khoảng một năm trở lại đây, giá in ấn đã tăng tới 3 lần. Tình trạng khan hiếm đẩy giá giấy lên cao.

Ông Trần Việt Anh - Phó giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam - cho biết từ đầu năm đến nay, các nhà in đã có hai đợt điều chỉnh giá in, trong đó đợt tháng 3-4 tăng 5%, đợt tháng 6 tăng khoảng 10%.

Các nhà in điều chỉnh giá có nguyên nhân từ việc giấy nhập khẩu tăng. Giấy trong nước sản xuất cũng tăng giá, có loại giấy tăng 20%, đặc biệt có loại tăng tới 50% so với năm ngoái. Các nguyên liệu trong ngành in như mực in, kẽm, hóa chất đều tăng giá.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các nước đóng cửa, việc vận chuyển khó khăn. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, hàng hóa lưu thông lại xảy ra tình trạng thiếu container vận chuyển giấy...

Tại một số nơi, vì yếu tố môi trường nên người ta đóng cửa các nhà máy nguyên liệu giấy.

Tất cả những điều đó khiến giấy in sách tăng giá.

“Có những thời điểm như tháng 3, tháng 4 vừa qua, chúng tôi không thể mua được giấy. Có tiền chưa chắc đã mua được”, ông Trần Việt Anh nói về thực trạng khan hiếm giấy.

Việc tăng giá sách có thể nhìn thấy rõ nếu so sánh một cuốn sách tái bản với ấn phẩm được xuất bản lần đầu. Cùng một tác giả, cùng một nhóm làm sách, cùng nhà xuất bản, nhưng ở lần tái bản, giá giấy và nguyên liệu tăng nên giá sách cũng phải điều chỉnh theo.

Một số nhà xuất bản, công ty sách tăng giá bìa chưa tương xứng với việc giá nguyên liệu tăng, nhằm chia sẻ với bạn đọc. Ảnh: Duy Hiệu.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Giới làm sách đánh giá, khi giá sách tăng, người tiêu dùng là đối tượng thiệt hại nhiều nhất.

“Trong bối cảnh Covid-19, người ta phải phân chia túi tiền ra nhiều món, sức mua sách cũng bị ảnh hưởng. Nếu giá sách tăng thì người tiêu dùng sẽ thiệt thòi hơn”, ông Trần Việt Anh nói.

Về phía các nhà xuất bản và công ty làm sách, khi chi phí tăng thì họ điều chỉnh giá sách. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không chịu tác động gì. Tùy thuộc từng đơn vị có cách tăng giá khác nhau. Có đơn vị sẽ chuyển hết mức tăng giá nguyên liệu, chi phí sản xuất vào giá sách.

Nhưng cũng có những đơn vị chọn tăng giá sách vừa phải, mức tăng giá sách chưa tương ứng với việc tăng giá nguyên liệu.

“Chúng tôi rất hạn chế việc tăng giá sách, giữ mức giá thấp nhất có thể. Tuy vậy vẫn không tránh khỏi có những lúc buộc phải tăng giá”, ông Nguyễn Xuân Minh nói. Theo ông Minh, tăng giá sách trong hoàn cảnh nhiều biến động do đại dịch này gây bất lợi cho bạn đọc, cũng bất lợi cho công ty xuất bản, bởi để giá bìa đắt quá thì khó bán sách.

“Chúng tôi cố gắng cân bằng lợi ích công ty với lợi ích người đọc. Giai đoạn này, chúng tôi sẽ chịu thiệt một chút, hy vọng tương lai sẽ sớm ổn định”, ông Nguyễn Xuân Minh nói.

Với NXB Phụ nữ Việt Nam, đơn vị này cũng chọn việc “chịu thiệt” một chút. “Nếu giá giấy tăng 1 đồng, nhà xuất bản cũng tăng giá sách 1 đồng thì nhà xuất bản không thiệt. Nhưng chúng tôi chọn chỉ tăng giá sách 5 hào thôi, để chia sẻ với bạn đọc”, ông Trần Việt Anh cho biết.

Theo Phó giám đốc NXB Phụ Nữ Việt Nam Trần Việt Anh, đây là mức tăng giá giấy cao nhất trong 10 năm qua, vì vậy giá giấy sẽ khó có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Theo Zing News

 

Tags: