Ông Bạch Ngọc Chiến: Quan chức cũng có người biết đọc sách
Ông Bạch Ngọc Chiến: Quan chức cũng có người biết đọc sách
Đây là bài chia sẻ của ông Bạch Ngọc Chiến về việc đọc sách cũng như mối tương giao của ông với nhà thơ Trần Đăng Khoa. Trạm đọc xin đặt lại tiêu đề bài viết cho phù hợp với chuyên mục của chúng tôi cũng như thông điệp mà tác giả bài viết muốn truyền tải.


Sau khi “Chương trình tủ sách lớp học” tại Nam Định mà tôi tham gia cổ suý đạt được một số tiến bộ, tôi được chị Vũ Dương Thuý Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL mời phát biểu và tham gia toạ đàm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh về văn hoá đọc sách vào ngày 19 tháng 5 năm 2017. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng dự cuộc này. Ông xin phát biểu trước và nói rất hấp dẫn và chốt câu kết thế này: “Có hai loại người cần đọc sách nhất nhưng không chịu đọc, đó là sinh viên và quan chức”. Nói xong ông bảo phải đi sân bay và rời toạ đàm, khiến tôi mất cơ hội đáp trả là “tuy là quan chức nhưng có đọc sách”.


Tháng 4/2018 Trần Đăng Khoa cùng nhiều văn nghệ sĩ về Nam Định tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi và một số lãnh đạo tỉnh khác tham gia nhiều hoạt động tại Vụ Bản và TP Nam Định. Trong bữa cơm trưa, một lãnh đạo tỉnh giới thiệu với Trần Đăng Khoa về tôi và cả nhân thân của tôi nữa. Nhà thơ không bày tỏ thái độ gì.


Chiều hôm đó, một lãnh đạo tỉnh nhờ tôi dự thay cuộc Hội thảo về thơ Nguyễn Bính do Trần Đăng Khoa chủ trì. Ông đặt vấn đề là các diễn giả trong phát biểu của mình cần trả lời hai câu hỏi “Tại sao người ta thích thơ Nguyễn Bính và tại sao Nguyễn Bính bất tử?”


Các diễn giả gồm các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ và cả con gái Nguyễn Bính lần lượt lên phát biểu. Đang ngồi chờ nghe diễn giả tiếp theo thì Trần Đăng Khoa nói: “Mời ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên phát biểu tham luận”. Tôi giật mình vì Ban Tổ chức báo cáo là tôi sẽ lên phát biểu cuối cùng để cám ơn Ban Tổ chức chứ không phải là phát biểu tham luận. Nếu phải tham luận thì chắc chẵn sẽ có người viết cho tôi đọc.


Đúng là bị nhà thơ bỏ bom rồi. Nhưng tôi vẫn lên bục và nói: “Tôi được mời dự để phát biểu kết luận và cám ơn Ban tổ chức chứ không phải tham luận. Tuy nhiên, anh Khoa đã yêu cầu thì tôi cũng xin góp một đôi lời như sau.” Và sau đây là những gì tôi nói vo hôm đó.

Năm 2003, khi tôi đang làm việc tại Đại sứ quán VN tại Mỹ, có một nhà thơ đến thăm và chào Đại sứ quán. Tôi mời ông về nhà uống rượu. Sau khi rượu đã ngà ngà, nhà thơ nói “Chiến ạ, anh đi dọc 28 tỉnh có đường bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, đến đâu cũng được lãnh đạo tỉnh tiếp đón niềm nở và mời cơm rượu. Sau bữa rượu nào các ông ấy cũng thò ra một tập thơ nhờ anh “thẩm định” vì anh là một nhà thơ mà”. Anh ấy không chỉ là nhà thơ có tiếng mà còn là một nghệ sĩ đa tài - Nguyễn Quang Thiều.

Từ câu chuyện của anh Thiều tôi mới vỡ ra rằng nhiều chính trị gia không đủ tự tin về di sản chính trị của mình nên cố tạo một di sản thơ ca. Nhưng hàng vạn người viết thơ, mấy người thành được nhà thơ, huống hồ là nhà thơ lớn như Nguyễn Bính?

Trong kinh doanh, người ta có khái niệm phân khúc thị trường. Nhà thơ Nguyễn Bính đã chọn phân khúc bình dân. Và ông đã dùng phương pháp và ngôn ngữ bình dân, phù hợp với phân khúc ấy là thơ lục bát.

Khi mới vào hội thảo có một số tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ tỉnh nhà biểu diễn. Khi họ mặc áo mớ ba mớ bảy và đội nón thúng hát dân ca, cử toạ có vẻ không hào hứng lắm. Nhưng vẫn những nghệ sĩ ấy lúc sau thay trang phục váy bó sát, hở hang với các vũ khúc bốc lửa thì cử toạ thấy rộn ràng hẳn lên. Truyền thống thì không hấp dẫn bằng hàng ngoại nhập. Nhưng truyền thống là lợi thế tuyệt đối. Hàng ngoại là lợi thế vay mượn.

Cùng thời với Nguyễn Bính, nhiều nhà thơ dùng các thể thơ mới, hiện đại, cách biểu đạt đột phá, lạ lẫm. Còn Nguyễn Bính vẫn bám chặt lợi thế tuyệt đối là trung thành với tiếng Việt, trung thành với lục bát. Và nhờ thế, ông trở thành một “chuyên gia” hàng đầu về thơ lục bát, chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt. Vì thế mà nhà thơ Hữu Thỉnh lúc nãy có nói là “Nguyễn Bính đã làm cho tiếng Việt sang trọng thêm”.

Tại sao người ta thích thơ Nguyễn Bính? Vì ai đọc thơ ông cũng thấy thân phận của mình trong đó. Các trai làng thấy mình trong anh lái đò nghèo bị mất người yêu vào tay đại gia vì dù bán thuyền cũng chỉ 9 quan tiền trong khi tiền đại gia dẫn cưới tới 9.000. Cô gái nào đi lấy chồng cũng thấy tình cảnh “qua sông đắm đò”. Ai cũng thấy mình trong tình cảnh có nhiều mong ước mơ đẹp đẽ nhưng sống trong hiện thực thất vọng.

Chính vì gắn với thân phận con người mà thơ ông được đông đảo người bình dân đón nhận nồng nhiệt. Tôi nhớ đọc được ở đâu rằng cô hàng xén nào ở các chợ quê cũng đều có cuốn “Lỡ bước sang ngang” của ông trong gánh hàng của mình để đọc những lúc vãn khách.

Sáng nay, khi đi thăm nhà Nguyễn Bính ở xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, nhà thơ Hữu Thỉnh có khen Vụ Bản là đất “địa linh nhân kiệt”. Tôi xin được nhắc đến các nhân kiệt điển hình.

Đất Vụ Bản có một vị tướng nổi tiếng của QĐND Việt Nam là Thượng tướng Song Hào, từng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người cùng tuổi với Nguyễn Bính và cũng mới được Quân đội tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh. Đất Vụ Bản là quê của nhà ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Cơ Thạch và con trai là Phạm Bình Minh cũng là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao.

Vụ Bản là quê hương của Cường bạo Đại vương, người có thể được coi là ông tổ STEM của Việt Nam vì đã biết áp dụng các nguyên lí vật lý để đánh lại Thần sét và tiến đánh Thiên đình nhờ lợi dụng sức nâng của nước. (Ai không biết tích Cường bạo Đại vương đánh Thần sét thì hỏi giáo sư Gúc Gồ nhé )

Vụ Bản cũng là quê của nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của Tiến quân ca với một lời hát rất dũng mãnh “đường vinh quang xây xác quân thù”. Hơn 30 năm sau viết Tiến quân ca, ông viết một kiệt tác khác với điệp khúc “từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”. Một chuyển biến lớn từ “giết người” sang “yêu người”.

Còn Nguyễn Bính? Ông nhất quán “yêu người” và ông làm thơ tình từ lúc 14 tuổi! Nguyễn Bính về tính cách là người kiêu ngạo và phong tình. Ông chỉ coi Nguyễn Du là thầy của mình và không cho ai sửa thơ của ông. Đi đến đâu ông có bồ đến đấy. Nhưng người ta yêu ông và ông sống mãi vì đã đóng góp nhiều giá trị cho cộng đồng và cũng thể tất cho những gì chưa trọn vẹn của ông. Người Nam Định chúng tôi nói điều mình nghĩ và làm điều mình nói nên tôi nghĩ gì nói đấy, góp vui cho hội thảo. Xin cám ơn.

Kết thúc hội thảo, Trần Đăng Khoa nắm lấy tay tôi và nói “đáng lẽ ra tôi kết luận nhưng vì ông nói đúng rồi nên tôi thôi. Ông nói đúng, thơ Nguyễn Bính nói đến số phận con người”. Tôi đính chính “em nói là thân phận con người”.

Tôi biết, từ lúc đó Trần Đăng Khoa không còn khó chịu về tôi nữa. Mấy tháng sau anh Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Liên hiệp VHNT tỉnh Nam Định bảo tôi “ông Khoa quý anh lắm” và bốc máy nối tôi với Trần Đăng Khoa. Nhà thơ bảo “tôi biết về việc của ông, nếu tôi giúp được gì tôi sẽ giúp. Khi nào về Hà Nội tôi mời ông uống rượu nhé!”.


Bạch Ngọc Chiến

 

Tags: