Hướng đi mới cho ngành xuất bản trong kỷ nguyên số
Hướng đi mới cho ngành xuất bản trong kỷ nguyên số
Ông Nguyễn Văn Tuân - CEO công ty VH&TT 1980 Books chia sẻ những suy nghĩ, nhận định về quan điểm của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong quãng thời gian gần 15 năm làm việc, cống hiến trong ngành xuất bản, tôi đã chứng kiến và đồng hành cùng sự phát triển của ngành sách qua nhiều giai đoạn khác nhau. Những năm gần đây cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến nhiều chuyển biến về hành vi, trải nghiệm đọc sách của độc giả, điều này buộc ngành xuất bản cũng phải biến đổi mô hình, quy trình sản xuất để phù hợp hơn với xu thế. 

Ông Nguyễn Văn Tuân - CEO công ty VH&TT 1980 Books.

Vậy nên tôi hoàn toàn đồng ý và tán thành quan điểm, phương hướng phát triển ngành xuất bản của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong bài phát biểu về Đưa xu thế thời đại vào ngành sách.

Nhìn theo góc độ tổng quan, xuất bản là một trong những ngành ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ cuộc cách mạng số. Sự tác động này mang tính hai chiều: Đầu tiên là mở ra nhiều cơ hội phát triển mới đồng thời cũng dẫn theo những thách thức, khó khăn cần giải quyết, khắc phục. Thời kỳ công nghệ mở ra một hướng đi mới về cách đọc, thu thập, lan tỏa thông tin, xuất bản phẩm nhờ Internet có thể phổ biến tới độc giả ngay lập tức. Cùng với đó “tư liệu sản xuất” của tác giả, biên tập viên cũng có thêm nhiều kênh để tra cứu, tìm kiếm, tham khảo các đề tài và dễ dàng khảo sát thị hiếu của độc giả hơn. 

Dấu mốc năm 2020 - dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây nhiễm trong cộng đồng khiến nhiều hệ thống cửa hàng sách phải tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động vì giãn cách xã hội. Sự kiện này một lần nữa thúc đẩy việc thay đổi phương thức xuất bản sách theo hướng số hóa là cần thiết hơn bao giờ hết. Ứng dụng các dịch vụ CNTT giúp đa dạng hóa trải nghiệm đọc sách của độc giả qua nhiều nền tảng như: Sách điện tử (Ebook), Sách nói (Audio Book), Tóm tắt sách, Nhận xét bình luận về sách. Trong tương lai những ứng dụng đọc sách còn góp phần đáng kể vào việc xây dựng sự tương tác với độc giả.

Để tận dụng những thuận lợi cũng như hạn chế, ứng phó với khó khăn, thách thức, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, phát hành sách, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất cần xây dựng cơ sở hạ tầng: Xuất bản đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Nhà xuất bản cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số. Trong năm 2021, 1980 Books đang hợp tác sản xuất hàng trăm đầu sách EBook, Audio Book phục vụ độc giả.

Thứ hai, phương thức sản xuất mới đi kèm với những yêu cầu mới về nguồn nhân lực: Những thói quen mới của độc giả như: mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và VRBook (sách công nghệ thực tế ảo) buộc các NXB phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu.

Thứ ba, phát triển thị trường sách điện tử và dịch vụ xuất bản mới trên cơ sở “kết hợp hài hòa” với thị trường sách in truyền thống: Tạo điều kiện để các nhà xuất bản, nhà sản xuất và phân phối khéo léo kết hợp giữa 2 loại hình sách in truyền thống và sách điện tử. Vì vẫn còn một bộ phận lớn người đọc thích trải nghiệm thư thái, thoải mái khi đọc một cuốn sách giấy.

Tóm lại, xuất bản điện tử là vấn đề ngành cần tập trung trong thời gian tới, cần tạo điều kiện để các Nhà xuất bản tham gia sân chơi này. Với sự phát triển của các công cụ như smart-phone, máy tính bảng. Ngành xuất bản Việt Nam cần sớm nhận ra những cơ hội và thách thức, giải quyết những yêu cầu đặt ra về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực... để nắm chắc cơ hội, chủ động bắt kịp xu hướng phát triển của xuất bản thế giới.

Nguyễn Văn Tuân - CEO Công ty VH&TT 1980 Books

(Theo Vietnamnet)

Tags: