Về dòng sách tự trợ (self-help)
Về dòng sách tự trợ (self-help)
Nếu phần thưởng nằm ngoài tầm với bất kể bạn làm gì, thì không có lí do để cải thiện bản thân; những cây bút như Smiles, Carnegre và Duhigg (những tác giả sách self-help) ở đây để bảo bạn rằng phần thưởng nằm trong tầm với. Bạn chỉ cần kiên trì, mỉm cười, đổi thay chút ít, dậy sớm hơn một giờ vào buổi sáng, thực hành món thiền định siêu việt – hay đại loại thế.

“Smarter Faster Better: The Secrets of Being Productive in Life and Business” (Random House) là cuốn sách tiếp theo tác phẩm đắt hàng của ông “The Power of Habit: Why We Do What We Do in Life and Business”, được xuất bản năm 2012. Cuốn sách mới này, giống cuốn trước, có một định dạng quen thuộc trong lĩnh vực phi hư cấu đương thời: nhiều câu chuyện tiêu biểu được sáp nhập với một chút kiến thức về khoa học xã hội và khoa học nhận thức (cognitive science). Mục đích của những câu chuyện này là để tạo ra những câu chuyện thú vị làm lay động người đọc; mục đích của phần khoa học là để trợ giúp tác giả chọn ra một đặc điểm tái dụng được của những câu chuyện đó để độc giả có thể phỏng theo.

 

Điều gì khiến cho viên phi công hạ cánh được chiếc phi cơ bị hư hại trầm trọng? Làm thế nào một kẻ bỏ học Đại học với chứng rối loạn âu lo (anxiety disorder) lại trở thành quán quân bài poker? Điều gì khiến cho “West Wide Story” và “Frozen” của Disney trở thành thứ hút khách? Hoá ra, toàn bộ điều cần làm chính là thao tác tinh chỉnh then chốt đối với guồng vận hành trí óc thường tình hoặc đối với động lực quần thể (group dynamics). Các “mô hình tinh thần” giúp cho viên phi công hạ cánh chiếc phi cơ ấy. “Lối tư duy kiểu Bayes” làm cho một gã khốn cùng thoát thai thành người thắng cuộc trong môn đánh bài. Một “tay môi giới sáng ý (innovation broker)” đã chỉnh lí “West Side Story”, và “Frozen” trở thành bộ phim hoạt hình có tổng doanh thu cao nhất mọi thời nhờ vào một nguyên lí được biết với tên “can nhiễu trung độ (intermediate disturbance)”.

 

Những cách tinh chỉnh khác được đề ra trong “Smarter Faster Better” bao gồm “tạo sự thiếu lưu loát (creating disfluency)”, “thiên về hành động (bias toward action)”, “các mục tiêu SMART” so với “các mục tiêu cố lực (stretch goal)”, và khái niệm về “an toàn mặt tâm lí”. Có một vài nếp nghĩ cũng cần tránh (các ảnh hưởng phụ có thể bao gồm máy bay rớt và Cuộc chiến Yom Kippur): “nhận thức phiến diện (cognitive tunneling)”, “tư duy phản ứng (reactive thinking)”, và một thiên hướng được cường điệu lên đối với trạng thái “bế toả tri nhận (cognitive closure)”. Về cơ bản, các thứ tốt đẹp chung quy có điểm cốt yếu nằm ở những từ ngữ thời thượng trong cơ quan như “gọn gàng (lean)”, “mẫn tiệp (nimble)”, “linh hoạt (flexible)”, “cách tân (innovative)” và “gây nhiễu loạn (disruptive)”. Còn các thứ tiêu cực liên quan đến những quán lệ vô tâm, lối tư duy máy móc và nhu cầu cần đến sự tất định.

 

Không có nhiều điều bất đồng ở đây, và đó là một trong những điều gây tò mò về thể loại sách này. Không phải hàng tá hay hàng trăm mà là hàng nghìn nhan đề sách giống như “Smarter Faster Better” được xuất bản thường niên, và chúng chiếm một tỉ lệ phần trăm lớn quá mức trong tổng doanh số bán sách. Tuy vậy, chủ yếu chúng toàn đáo lại các lẽ thường.

 

Liệu việc trở thành một người làm việc năng suất cao hơn có khiến bạn trở thành một con người tốt hơn?
(Hình: Richard Mcguire)

 

Liệu có ai nghĩ rằng việc trở thành người gọn gàng, mẫn tiệp và có óc cách tân là điều dại? Ai cần một cuốn sách mới thấu được rằng hành vi học vẹt và nỗi sợ sự bất định sẽ không giúp ta tiến xa? Người ta cũng không sửng sốt khi biết rằng những cơ quan nào nuôi dưỡng một “văn hoá gắn bó (culture of commitment)” sẽ đạt năng suất cao hơn những cơ quan không làm vậy, hoặc khi biết rằng các mục tiêu đầy tham vọng có thể khởi phát tinh thần cách tân. “Theo nghiên cứu, người biết cách tự tạo động lực cho chính mình sẽ kiếm nhiều tiền hơn các đồng sự của họ, sẽ cho thấy họ có mức độ hạnh phúc cao hơn, và bảo rằng họ cảm thấy mãn ý hơn đối với gia đình, công việc và cuộc sống của bản thân.” Tôi có thể tin điều đó. “Những người kiên định và chú tâm … thường có được công việc lương cao hơn.” Tôi không tranh cãi chuyện này. “Một bản năng quyết đoán là điều tuyệt vời – nhưng không phải luôn thế.” Một khẳng quyết vững vàng.

 

Có lẽ cuốn sách trứ danh nhất thuộc loại này là cuốn “How to Win Friends and Influence People” của Dale Carnegie [bản dịch Việt ngữ: Đắc nhân tâm, của Nguyễn Hiến Lê], được xuất bản vào năm 1936 và chưa bao giờ tuyệt bản. Cuốn này được cho là tiêu thụ hơn 30 triệu bản. Tôi có thể cho bạn biết bài học từ cuốn đó bằng một câu: Nếu bạn tốt với người ta, họ sẽ thích bạn. Bạn vừa tiết kiệm 16 dollar cho chính mình đó. (Không có ý muốn phá hỏng trải nghiệm đọc, nhưng đây là bài học trong cuốn sách trước của Duhigg, “The Power of Habit”: Thay đổi những thói quen xấu bằng những thói quen tốt.)

 

 

Cố nhiên, như luôn luôn, câu hỏi đâu phải là Jesus sẽ làm gì? mà là Ngài thực hiện điều đó chính xác bằng cách nào? Trở nên siêu tốt với mọi người là một mục tiêu đức hạnh, nhưng đối với hầu hết chúng ta, điều đó thực sự đâu dễ đến thế. Tương tự, ai cũng công nhận rằng không sao đoán trước được cuộc đời, thế nhưng người ta vẫn cứ mãi âu lo. Lời hứa hẹn từ những quyển sách như “How to Win Friends and Influence People” và “Smarter Faster Better” không phải để cho ta biết ta nên ra sao, mà bằng cách thức thân thiện và dễ phỏng theo, chúng sẽ trao cho ta các công cụ để trở thành người kiểu đó, trao cho các phương sách để đưa ta thoát khỏi sự rụt rè và tính ỷ lại phú bẩm nhằm đạt được những điều mà ta thừa biết mình muốn, kiểu thân thiện và dễ thích nghi.

 

Do thế Carnegie không chỉ rao giảng sự tốt bụng. Ông cung cấp các mẹo để ta trở thành người tốt bụng. “Hãy nhớ rằng tên của một người đối với người đó là âm thanh dịu ngọt và quan trọng nhất ở bất kì ngôn ngữ nào” là một trong “Sáu cách làm người ta thích bạn (Six Ways to Make People Like You)”. (Theo kinh nghiệm tôi có thể bảo bạn rằng điều này chỉ đúng khi bạn biết cách phát âm chính xác tên người đó.) Lời khuyên của Duhigg kém cụ thể hơn: “Hãy tìm một lựa chọn, lựa chọn nào cũng được, mà bạn có thể làm chủ được”, “Hãy hình dung đến nhiều viễn cảnh tương lai”, v.v. Song ý tưởng thì như nhau.

 

Hết thảy những ý này nghe như các phương cách giúp bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân, và có lẽ còn để trở thành một người tốt hơn nữa. Nhưng mấy quyển đó không phải sản phẩm làm đẹp cho nhân cách, và đó không phải nguyên do để người ta mua chúng. Hầu hết những người trí năng bình thường có lẽ đều thấy ổn với những nhân cách và tâm tính mà Chúa trời hay chọn lọc tự nhiên đã ban cho họ. Họ biết cách khắc phục tính nết gắt gỏng và cáu kỉnh của mình. Điều họ lo lắng là người khác nhìn họ ra sao và đặc biệt là người tuyển dụng sẽ nhìn họ ra sao. Đầu mối cho biết mục đích thực sự của mấy cuốn sách này nằm ở khu vực bạn tìm thấy chúng trong nhà sách. Chúng không nằm ở khu vực tâm lí học, và cũng không nằm cùng chỗ với những cuốn sách về chế độ ăn uống và thể dục. Chúng nằm cùng chỗ với những cuốn sách kinh doanh.

 

Sở dĩ như vậy là vì những cuốn sách như “How to Win Friends” và “Smarter Faster Better” về căn bản có áp dụng lí thuyết về quản lí. Chúng tìm cách tóm lại luồng tư duy hiện thời trong giới doanh nghiệp về “nguồn nhân lực” và biến nó thành một cuốn cẩm nang phục vụ cho việc tự cải thiện bản thân. Người ta không đọc mấy cuốn này để biết cách trở thành người tốt hơn. Người ta đọc chúng để tìm ra cách trở thành dạng người mà sở làm đang tìm kiếm.

 

Phần nhiều sự hấp dẫn nơi mấy cuốn này, và những thứ làm ta thấy vui thú khi đọc chúng, chính là phần truyện kể tiêu biểu. Cuốn của Duhigg có lối viết khôn khéo, và theo văn phong truyện trinh thám. Đặc điểm đó bắt nguồn từ thuở ban sơ của thể loại này, cuốn “Self-Help” (Tinh thần tự lực) của Samuel Smiles, xuất bản năm 1859 (cùng năm với cuốn “On the Origin of Species”). Cuốn “Self-Help” dành nhiều chỗ cho phần khái lược những truyện kể tiêu biểu, những câu chuyện về (và hầu như dành riêng cho) những người nam có những nỗ lực thành công đủ kiểu mà ta có thể hình dung được. Một chương trong đó bàn về những thợ gốm tài ba.

 

 

Đối với Smiles, thành phần then chốt của sự thành công là tính kiên trì. (Smiles là người Scotland.) Josiah Wedgwood đâu có thông minh hơn hay có đặc quyền hơn, thậm chí cũng chẳng may mắn hơn những người còn lại. Ông ấy cứ tiếp tục công việc của mình. Điều quan trọng về tính kiên trì là mọi người đều có nó, hoặc đều có thể có nó ở dạng tiềm tàng. Bởi tiền đề – và là điểm ăn tiền – của mấy cuốn sách này nằm ở chỗ chúng quả quyết rằng cuộc tranh tài [vươn lên thành công] này không bị thao túng. Nếu phần thưởng nằm ngoài tầm với bất kể bạn làm gì, thì không có lí do để cải thiện bản thân; những cây bút như Smiles, Carnegre và Duhigg ở đây để bảo bạn rằng phần thưởng nằm trong tầm với. Bạn chỉ cần kiên trì, mỉm cười, đổi thay chút ít, dậy sớm hơn một giờ vào buổi sáng, thực hành món thiền định siêu việt – hay đại loại thế.

 

Chúng ta mua mấy cuốn này bởi vì, tận sâu trong lòng và cho đến khi cõi vũ trụ này buộc phải thừa nhận điều ngược lại, thì hết thảy chúng ta vẫn cứ tin vào bản thân mình. Khi lên 12, tôi đoán chắc rằng, chỉ cần để tâm đến, tôi có thể trở thành một ngôi sao bóng rổ. Tôi hẳn sẽ mua cả đống sách đưa ra lí giải về thứ nguyên liệu bí mật để thành công trong lĩnh vực thể thao. Sau rốt, tôi đành phải nhìn nhận rằng những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi chính là những thứ làm cho nghiệp ngôi sao bóng rổ của tôi trở thành điều không thực hiện được. Về cơ bản, tôi không bao giờ có được một cơ hội. Cuộc tranh tài này đã bị thao túng, để hậu thuẫn những ai có tài năng. Tuy thế, không ai muốn chỉ mỗi thứ có sẵn đó. Nếu không cố gắng thì ta sẽ thành gì?

 

Đó đâu phải việc tuỳ tiện lựa chọn thứ nguyên liệu then chốt này, một đặc điểm hay được dùng đi dùng lại trong hết thảy mọi câu chuyện thành công vốn sẽ lí giải lí do tại sao một số người lại ổn hơn những người khác. Nó phản ánh bản chất của thời đại kinh tế này. Khi Smiles xuất bản cuốn sách của mình, ở kỉ nguyên kinh tế tự vận hành (laissez-faire) thuộc chủ nghĩa tư bản công nghiệp, thì tính lưu chuyển về mặt kinh tế và xã hội chính là cái đặc điểm mới mẻ của cuộc sống đương thời dành cho loại người mua mấy cuốn như “Self-Help”. Khả năng hướng thượng (upward mobility) là một triển vọng mới xuất hiện không lâu thuở đó đối với nhiều người, nhưng khả năng hướng hạ (downward mobility) cũng vậy. Những cuốn tiểu thuyết của một Charles Dickens đương thời với Smiles là minh hoạ cho ý thứ nhì. Smiles đã tạo nên cảnh huống trong đó sự cần mẫn và tận tuỵ là chiếc vé hướng thượng.

 

Smiles thấy ưu tư vô cùng khi độc giả than phiền rằng “tự trợ” nghĩa là vị kỉ, hoặc theo đuổi mối tư lợi, và trong phiên bản sau này, ông giải thích rằng “theo ý nghĩa cao cả nhất thì nghĩa vụ giúp bản thân một người bao gồm việc giúp đỡ những người lân cận của họ”. Ý này không hoàn toàn rõ ràng, và khi cuốn sách được ra mắt thì điều đó không phải thứ hệ trọng, bởi vì trong nền kinh tế tự vận hành thì việc mưu cầu tư lợi là một đức tính. Chuyện đó không có gì sai trái hết; ngược lại, nó được cho là thứ khiến cho thị trường vận hành. (“On the Origin of Species” mô tả thế giới tự nhiên theo cách tương tự, như một nơi xét cho cùng bao gồm không gì ngoài các cơ quan chuyên tâm theo đuổi việc sinh sản thành công.)

 

Một điều nổi trội về những truyện kể tiêu biểu trong “Self-Help” là bản chất chiếm hết tâm trí của những ngành nghề được ghi nhận. Không có sự tách biệt giữa cuộc sống công việc và cuộc sống riêng tây. Thành đạt của cá nhân phải đi cùng với thành công trong công việc, và cái ý lược gọn này trở thành ý chủ chốt cho thể loại này. Bí mật của thành công trong kinh doanh cũng chính là bí mật của thành công trong cuộc sống. Nguyên do mà bản chất của bí mật này thay đổi chính là việc bản chất của công việc đã đổi thay. Nhiều loại hình công việc khác nhau kêu gọi nhiều loại người khác nhau.

 

Cho là bạn đang điều hành một công ti thép hồi 100 năm trước. Bạn sẽ muốn các công nhân trong nhà máy thực hiện các việc tay chân càng hiệu quả càng tốt. Bạn muốn họ có thể di chuyển những món đồ lớn thật nhanh chóng tới chỗ này chỗ kia và có thể vận hành cỗ máy nặng nề với thời gian nghỉ ngơi tối thiểu hoặc không có thao tác dư thừa. Bạn sẽ tìm cách tối đa hoá tỉ lệ giữa sản phẩm đầu ra với thời gian thực hiện; đó là thước đo năng suất của bạn. Do vậy, bạn hẳn sẽ muốn các công nhân hình thành các thói quen, thông qua việc lặp đi lặp lại, đối với công việc máy móc hàng ngày vốn đã được chỉ định trước. Bạn sẽ không muốn họ nghĩ ngợi nhiều lúc làm việc. Bạn sẽ muốn thưởng cho những công nhân hiệu quả nhất bằng cách tăng lương.

 

Chữ thời thượng trong ngành sản xuất là “hiệu quả”, và cuốn thánh kinh của nó là cuốn “Principles of Scientific Management” của Frederick Taylor, xuất bản lần đầu năm 1911. Taylor không muốn công nhân nghĩ về những thứ họ đang làm; ông muốn những hành động của họ được chỉ định theo cách khoa học nhờ vào chức năng quản lý nhằm tăng tốc độ lên tối đa. Minh họa chính của ông nói đến những người xử lí gang, những người phải di chuyển những miếng gang lớn suốt cả ngày làm việc. Ví dụ đó dường như không thể là kiểu mẫu cho thói quen trong đời sống thường nhật, nhưng, như Jill Lepore chứng tỏ trong những trang báo [New Yorker] này mấy năm trước, thì giá trị của “hiệu quả” đã được nhập khẩu đúng lúc vào hộ gia đình theo hình thức kinh tế gia đình, một cách tiếp cận khoa học cho việc làm bánh và rửa chén bát. “Hiệu quả” là thuật ngữ kinh doanh được chuyển thành tên gọi cho một loại tính cách.

 

Mặt khác nếu bạn sở hữu một hãng quảng cáo hồi 50 năm trước, thì bạn sẽ không quan tâm nhiều đến số gang mà công nhân có thể chuyển được trong một giờ. Bạn sẽ muốn các nhân viên quan hệ khách hàng có được tính cách thu phục nhân tâm, có thể dễ dàng tạo mối liên hệ với mọi người, hoặc trở thành người dễ mến. Bạn muốn họ có những cung cách xử sự dành riêng cho việc thu hút việc bảo trợ và giữ được lòng trung thành của khách hàng. Nhiệm vụ của họ là thuyết phục, không phải thúc đẩy. Do đó bạn sẽ muốn họ có thể che giấu, thậm chí với chính bản thân họ, cái bản tính thao túng và bản tính vụ lợi có thể có trong mối quan hệ với khách hàng, và muốn họ biến việc giao dịch kinh doanh thành cuộc giao hoán giữa hai người bạn. Bạn sẽ thưởng cho những nhân viên quan hệ khách hàng được việc nhất bằng những bản kê khai công tác phí xa hoa.

 

Dĩ nhiên, nền kinh tế dịch vụ này thuộc thế giới của “How to Win Friends and Influence People”. Trong số nhiều điều mà cuốn sách hứa hẹn mang đến cho độc giả (trong phiên bản đầu tiên; những thứ này bị xoá bỏ ở những ấn bản sau), có những điều sau: “Làm cho bạn có khả năng thu phục thân chủ mới, khách hàng mới”, “Nâng cao năng lực kiếm tiền của bạn”, và “Làm cho bạn trở thành một nhân viên bán hàng tốt hơn, một nhân viên thừa hành tốt hơn”. Thành người tốt thì thật tốt, nhưng cũng phải trả giá.

 

Điểm nhấn mạnh thường gặp, được củng cố trong mấy cuốn sách như của Carnegie, về việc suy tính người ta sẽ nghĩ gì về bạn đã trở thành chủ đề chính yếu cho các nhà xã hội học giữa thế kỉ 20 như David Riesman, người mà trong cuốn sách đắt hàng “The Lonely Crowd (Đám đông cô đơn)” đã phân biệt tính cách ngoại tại định hướng (other-directed) với tính cách nội tại định hướng (inner-directed). Song, đối với độc giả của “How to Win Friends”, ngoại tại định hướng chỉ là một kiểu nội tại hoá lời khuyên trở thành người dễ mến. Ngoại tại định hướng có giá trị tích cực cho nghề nghiệp.

 

Ngày nay, nếu bạn khởi nghiệp với một công ti công nghệ (có lẽ thế!) thì bạn chỉ đơn giản dùng nguồn lực ngoài cho việc thiết lập quan hệ khách hàng. Ở nội bộ công ti, bạn sẽ muốn nhân viên có tinh thần cách tân và linh hoạt, có thể làm việc theo nhóm và có thể điều chỉnh bản thân theo những mục tiêu mới phát sinh. Bạn sẽ muốn khuyến khích tính sáng tạo của nhân viên bằng cách làm họ cảm thấy mình được trân trọng trong công ti, là tác nhân tích cực thay vì chỉ là những con ong cần cù lập trình. Bạn sẽ tìm cách tối đa hoá tỉ lệ giữa não bộ và tính thích nghi. Bạn sẽ tìm cách đảm bảo nhân viên tận tình với mình bằng cách làm cho họ thấy họ đang tạo ra việc cho bản thân và tạo ra những thước đo thành quả, bằng cách cho họ quyền “làm chủ” nơi làm việc. Bạn sẽ muốn những người đáng tin cậy có thể nghĩ “bên ngoài chiếc hộp”, chứ không muốn những ai nghĩ rằng thành quả đạt được chỉ có nghĩa đơn thuần là đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Bạn sẽ thưởng cho những nhân viên trung thành bằng cách cho họ quyền mua cổ phần.

 

“Smarter Faster Better” là cuốn sách cho nền kinh tế này, nền kinh tế thông tin, và sẽ có nhiều cuốn khác giống vậy. Một cuốn bán rất chạy hồi khoảng một thập niên trước là cuốn của Spencer Johnson, “Who Moved My Cheese? An A-Mazing Way to Deal With Change in Your Work and in Your Life”. Cuốn sách này là một câu chuyện phúng dụ về hai con chuột và hai người ở đảo Lilliput tìm kiếm miếng phó-mát trong nỗi hoang mang, và bài học là: Những ai không sẵn sàng cho sự thay đổi sẽ bị tụt lại đằng sau. Các giá trị của tính linh hoạt, tinh thần cách tân và những thứ khác đều phản ánh đặc điểm riêng biệt này của sở làm thế kỉ 21, nơi mà ngày nào cũng có nhiều công ti khởi nghiệp bùng lên và lụi tàn.

 

 

Tôi không làm việc trong một công ti khởi nghiệp. Tôi làm việc trong một ngôi trường Đại học, một trong những nơi làm việc bảo thủ theo định chế nhất ở thế giới bên ngoài Bắc Triều-tiên. Nhưng các đồng nghiệp và tôi đều trân trọng tính linh hoạt và tinh thần cách tân. Chúng tôi chống lại lối tư duy lề thói và kiểu học vẹt. Chúng tôi dạy sinh viên phải biết tư duy bên ngoài chiếc hộp và đừng buồn phiền chuyện thất bại. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc nhóm và tương tác; chúng tôi tìm cách để sinh viên làm chủ lớp học và đảm bảo rằng họ có được không gian an toàn về tâm lí để có thể bàn luận các ý tưởng của mình trong đó. Chúng tôi muốn họ thông minh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn. Nếu ai đó bảo, “Nghe như anh đang điều hành một công ti khởi nghiệp”, thì hầu hết chúng tôi sẽ thấy như bị xúc phạm vậy.

 

Chúng tôi biết là mình không gieo ở đây các giá trị rút ra từ sở làm việc đương thời. Nhưng từ nền văn hoá tổng thể chúng tôi đã tiếp nạp những giá trị đó vào trong bản thân mình. Chúng là những lời khen ngợi của thời đại ngày nay cho một dạng người nhất định. Chúng tôi khâm phục những người như thế, và nghĩ họ sẽ có cơ hội tốt hơn để làm cuộc đời mình trọn vẹn, tựa như Samuel Smiles khâm phục những người trung thành với một công việc bất kể mọi gian khổ, và nghĩ rằng họ sẽ thành những người tốt hơn. Ngày nay, chúng tôi gọi hầu hết những người như thế là cứng nhắc và xem sự đơn điệu đó của họ là công thức cho sự bất hạnh, giống như việc chúng tôi hồ nghi những người quá sức thân thiện, xem đó là một dạng mánh khoé hoặc xem đó là kiểu cách thiếu thành thật.

 

Bình thường thì mỗi thời đại sẽ có một kiểu mẫu người khác để thích ứng với một lí thuyết khác về năng suất, nhưng thật có một chút nản lòng khi nhận ra chúng ta cứ luôn sẵn sàng du nhập những kiểu mẫu này vào cuộc sống thường nhật của mình. Chúng ta áp dụng các kĩ nghệ về bản ngã cho chính bản ngã của ta, và đo lường giá trị của mình bằng những tiêu chuẩn nơi sở làm. Chúng ta còn tự đày đoạ bản thân chút ít khi nỗ lực trở thành loại người trùng khớp với kiểu mẫu.

 

Trong cuốn sách trước của mình, “The Power of Habit”, Duhigg đã lấy ví dụ về việc thay đổi thói quen xấu từ chính bản thân, khi mô tả ông nỗ lực chấm dứt chuyện đang làm việc thì ngưng để ăn bánh quy chocolate. Vì nhiều lí do khác nhau, thói quen này có vẻ làm ông ta thấy muộn phiền, và ông đã thực hiện một nghiên cứu về thời-gian-và-thao-tác (time-and-motion) (không khác với loại nghiên cứu mà Frederick Taylor đi tiên phong, hơn một thế kỉ trước) để tìm ra lí do tại sao ông lại làm vậy. Sau nhiều ngày ghi nhận các tình huống dẫn đến việc mua và dùng bánh quy, ông quyết định rằng ông thường muốn có sự xao lãng khỏi công việc của mình vào một thời điểm nhất định trong ngày, và điều này khiến ông nghỉ giữa giờ ăn bánh quy, khi không có các phương án khác. Ông nguyện sử dụng thời gian đó mỗi chiều để tán gẫu với đồng nghiệp thay vì ăn bánh. Ông nhanh chóng thấy rằng mình không còn cần đến bánh quy nữa. Ông đã vận dụng thuyết quản lí cho chính bản thân để khép mình vào lối sống kỉ luật hơn. Câu chuyện này làm tôi thấy buồn rầu. Ông Duhigg. Charles. Đời ngắn lắm. Cứ ăn bánh quy đi.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Blog Chiếc nón

 

Tags: