Gửi người viết trẻ
Gửi người viết trẻ
Những lời nhắn nhủ của một người viết già gửi đến những người viết trẻ.

Gửi người viết trẻ

 

Dốc lòng mà viết.

 

Đừng bao giờ xấu hổ về chủ đề của mình, và đam mê dành cho chủ đề của mình.

 

Những đam mê “bị cấm đoán” của bạn rất có thể sẽ là nhiên liệu để viết. Như nhà biên kịch người Mỹ vĩ đại của chúng ta Eugene O’Neill cả đời mình chống lại người cha đã mất từ lâu; như bậc thầy văn xuôi người Mỹ vĩ đại của chúng ta Ernest Hemingway cả đời mình chống lại người mẹ; như Sylvia Plath và Anne Sexton đấu tranh cả đời mình chống lại Tử thần cám dỗ luôn dụ dỗ hai người vào cơn say tự sát hại. Bản năng của sự tự cắt đứt thô bạo trong Dostoevsky, và của sự trừng phạt tàn ác đối với “những kẻ hoài nghi” trong Flannery O’Connor. Nỗi sợ bị phát điên trong Edgar Allan Poe và nỗi sợ thực hiện một hành động không thể đảo ngược, không thể diễn tả—sát hại một người già hay một người vợ, treo cổ và móc mắt con mèo “yêu dấu” của ai đó. Đấu tranh với bản ngã hay những bản ngã bị chôn vùi của bản thân sẽ sản sinh nghệ thuật; những cảm xúc ấy là nhiên liệu thúc đẩy công việc viết và hiện thực hóa những giờ, những ngày, những tuần, những tháng và những năm của những gì mà với người khác, ở một khoảng cách, là “tác phẩm.” Không có những động lực không được hiểu đúng ấy thì bạn có thể là một người có vẻ ngoài hạnh phúc hơn, một công dân tham gia tích cực hơn trong cộng đồng, nhưng có rất ít khả năng bạn sẽ tạo ra được bất cứ điều gì về chất.

 

Lời khuyên nào một người viết già hơn có thể đưa ra cho một người trẻ hơn? Chỉ có thể là những gì người ấy mong muốn được chỉ bảo nhiều năm trước. Đừng nản chí! Đừng liếc xéo và so sánh mình với những đồng nghiệp khác! (Viết không phải một cuộc đua. Không ai thực sự “thắng.” Sự thỏa mãn nằm ở nỗ lực, và hiếm khi nằm ở những phần thưởng sau này, nếu có bất kỳ phần thưởng nào.) Một lần nữa, dốc lòng mà viết.

 

Đọc rộng, và đừng hối tiếc. Đọc những gì bạn muốn đọc, không phải những gì người khác bảo bạn nên đọc. (Như Hamlet nói, “Tôi không biết ‘cái nên’ nào cả.”) Đắm chìm trong một nhà văn mà bạn yêu, và đọc mọi thứ người ấy từng viết, kể cả chính tác phẩm sớm nhất. Nhất là chính tác phẩm sớm nhất. Trước khi một nhà văn lớn trở nên lớn, hay thậm chí tốt, người ấy cũng phải mò mẫm một con đường, dò dẫm để có một giọng nói, có lẽ cũng giống như bạn.

 

Viết cho thời đại của mình, nếu không nói là cho thế hệ của riêng mình. Bạn không thể viết cho “hậu thế”—nó không tồn tại. Bạn không thể viết cho một thế giới đã qua. Có thể bạn đang hướng đến, một cách vô thức, một độc giả không tồn tại; có thể bạn đang cố gắng làm hài lòng một ai đó sẽ không hài lòng, và không đáng được làm hài lòng.

 

(Nhưng nếu cảm thấy không thể “dốc lòng mà viết”—gượng gạo, xấu hổ, sợ hãi hoặc làm tổn thương hay xúc phạm tình cảm của người khác—có thể bạn sẽ muốn thử một giải pháp thực tế và viết dưới một bút danh. Có thứ gì đó được giải phóng một cách tuyệt vời, thậm chí như trẻ con, trong một “bút danh”: một cái tên hư cấu được đặt cho công cụ bạn dùng để viết, và không gắn liền với bạn. Nếu hoàn cảnh thay đổi, bạn luôn có thể công bố cái tôi viết lách của mình. Bạn luôn có thể từ bỏ cái tôi viết lách ấy, và nuôi dưỡng một cái tôi khác. Ấn phẩm đầu có thể là một phước lành mơ hồ: chúng ta đều biết có những nhà văn sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì để cuốn sách đầu tay của mình không được xuất bản, và bắt đầu cố gắng mua lại toàn bộ những bản in hiện có. Quá muộn!)

 

(Dĩ nhiên, nếu muốn một cuộc sống chuyên nghiệp bao gồm việc giảng dạy, các bài giảng, các bài đọc—bạn sẽ phải thừa nhận một cái tên viết lách công khai. Nhưng chỉ một.)

 

Đừng mong được thế giới đối xử một cách công bằng. Thậm chí đừng mong được đối xử một cách nhân từ.

 

Cuộc sống được sống một cách trực diện, như một chuyến tàu lượn: “nghệ thuật” được chọn lọc một cách lạnh lùng, và chỉ có thể được tạo ra khi nhìn về quá khứ. Nhưng đừng sống một cuộc sống chỉ để viết về nó bởi “cuộc sống” được sống như thế sẽ là giả tạo và vô nghĩa. Tốt hơn là sáng tạo ra toàn bộ một cuộc sống khác. Tốt hơn nhiều!

 

Đa phần chúng ta đều ngả lòng yêu thích các tác phẩm nghệ thuật, nhiều lần trong suốt cuộc đời. Hãy hiến dâng mình trong sự ngưỡng mộ, thậm chí tôn thờ nghệ thuật của người khác. (Degas đã tôn thờ Manet như thế nào! Melville đã yêu quý Hawthorne như thế nào! Biết bao nhà thơ trẻ, đầy khao khát, tràn đầy cảm xúc mà Walt Whitman đã sinh ra!) Nếu tìm thấy một giọng nói hoặc tầm nhìn hấp dẫn, mê hoặc, hoặc bối rối, hãy đắm chìm trong nó. Bạn sẽ học hỏi được từ nó. Trong cuộc đời tôi đã ngả lòng yêu (và sẽ không bao giờ hoàn toàn hết yêu) nhiều nhà văn như Lewis Carroll, Emily Brontë, Kafka, Poe, Melville, Emily Dickinson, William Faulkner, Charlotte Brontë, Dostoevsky… Trong lần đọc ấn bảnHuckleberry Finn mới của Mark Twain cách đây chưa lâu, tôi phát hiện ra mình đã thuộc lòng nhiều đoạn văn của cuốn tiểu thuyết này. Trong lần đọc lại bộ ba Studs Lonigan gần như chưa được đọc của James T. Farrell, tôi phát hiện ra mình đã thuộc lòng nhiều đoạn văn. Có những bài thơ của Emily Dickinson mà tôi biết chúng có lẽ còn gần gũi hơn cả Emily Dickinson biết chúng; chúng in sâu vào ký ức tôi theo cách mà không thể nào in sâu vào ký ức của bà. Có những bài thơ của William Butler Yeats, Walt Whitman, Robert Frost, D. H. Lawrence vẫn làm tôi dễ chịu và hào hứng sau lần đầu phát hiện ra hàng thập niên.

 

Đừng xấu hổ vì là một người lý tưởng chủ nghĩa, vì lãng mạn và “khao khát.” Nếu khao khát những người sẽ không đáp lại sự quan tâm của bạn dành cho họ, bạn nên biết sự khao khát của bạn dành cho họ có lẽ là điều có giá trị nhất về họ. Miễn là nó không được đáp lại.

 

Đừng đánh giá trước quá vội vàng các tác phẩm kinh điển. Hoặc đương đại. Thỉnh thoảng, chọn một cuốn để đọc, trái với bản chất thị hiếu của mình, hoặc cái mà bạn tin là thị hiếu của mình. Đó  thế giới của một người đàn ông; một người phụ nữ có sự nhạy cảm được vun đắp bởi chủ nghĩa nữ quyền sẽ thấy nhiều phiền hà và xúc phạm, nhưng có lẽ còn có nhiều thứ để học, và để lấy cảm hứng từ đó, nếu biết là một người ngoài và nhìn từ ngoài vào thì như thế nào. Các công trình lớn như Odyssey của Homer và Metamorphoses của Ovid, đọc từ góc nhìn của thế kỷ 21, cuốn đầu nguyên sơ trong sự thiên tài của nó, cuốn sau “hiện đại” đến bối rối, gây chú ý cho độc giả nam và nữ theo những cách rất khác nhau. Một phụ nữ nên thừa nhận nỗi đau của mình, sự tức giận và hy vọng về “công lý” của mình; ngay cả hy vọng trả thù cũng có thể là một điều tốt trong tác phẩm của cô, nếu không nói là trong cuộc đời.

 

Ngôn ngữ là một phương tiện lạnh như băng, trên trang giấy. Không như giới nghệ sĩ và vận động viên, chúng ta có thể tưởng tượng lại, sửa chữa và viết lại toàn bộ nếu muốn. Trước khi tác phẩm của mình được in, như trên đá, chúng ta vẫn còn toàn bộ quyền lực đối với nó. Bản thảo đầu tiên có thể vấp váp và chán chường, nhưng bản thảo hoặc những bản thảo tiếp theo sẽ vút cao và hứng khởi. Chỉ cần có đức tin: Câu đầu tiên sẽ không thể được viết cho đến khi câu cuối cùng đã được viết. Chỉ khi ấy bạn mới biết bạn đang đi đâu, và bạn đang ở đâu.

 

Tiểu thuyết là mối phiền não mà chỉ tiểu thuyết mới là phép chữa.

 

Một lần cuối cùng: Dốc lòng mà viết.

 

Joyce Carol Oates.

Joyce Carol Oates (1938–) là nhà văn người Mỹ và giáo sư hưu trí ngành nhân văn học tại Đại học Princeton. Bà được trao giải Sách quốc gia năm 1970, giải truyện ngắn Rea năm 1990, giải PEN/Malamud năm 1996, và nhiều lần được đề cử và lọt vào vòng chung khảo giải Pulitzer, giải PEN/Faulkner, và giải truyện ngắn quốc tế Frank O’Connor, và cũng là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel văn học trong nhiều năm. Tiểu luận dưới đây, “To A Young Writer,” được in trong Oates, The Faith of A Writer: Life, Craft, Art (New York: HapperCollins, 2004).

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo  Nguyễn Huy Hoàng.

 

Tags: