Atlanta trong “Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell ngày ấy chỉ có khoảng gần 20.000 dân nhưng bây giờ là thủ phủ của miền Đông Nam Hoa Kỳ với hàng loạt những trụ sở của tất cả các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới được đặt tại đây. Có thể kể đến như Coca - Cola, hãng truyền thông CNN, Mercedes... Mặc dù có biết bao nơi thật hấp dẫn nhưng khi đến Atlanta, nơi đầu tiên tôi đến viếng thăm là ngôi nhà thời thơ ấu của Mục sư Martin Luther King, nhà hùng biện, nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ và thế giới hiện đại.
Mặc dù nước Mỹ đã bãi bỏ chế độ nô lệ từ thời Tổng thống Abraham Lincoln. Thế nhưng sự phân biệt chủng tộc vẫn còn kéo dài dai dẳng cho đến ngày nay như một vết thương không bao giờ có thể liền sẹo ở đất nước này, nhất là ở các bang miền Nam vì ngày xưa nơi đây ủng hộ chế độ nô lệ nên dẫn đến cuộc nội chiến giữa 2 miền Nam Bắc Mỹ. Sau này khi nội chiến kết thúc và đến tận thế kỷ 20, sự kỳ thị ấy vẫn còn và diễn ra công khai do Đạo luật Jim Crow, luật này cấm người da đen ở những nơi công cộng như nhà hàng, trường học, khu vui chơi giải trí..
Vào một buổi chiều định mệnh cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày 1 tháng 12 năm 1955. Một phụ nữ da đen tên là Rosa Parks lên chiếc xe bus trên đường trở về nhà sau một ngày làm việc ở Montgomery, Alabama. Lúc đó trên các phương tiện công cộng vẫn phân chia rõ rệt, người da trắng sẽ ngồi phía trước, người da đen sẽ phải ngồi phía sau. Nhưng vì một lý do gì đó, Rosa Parks đã không chịu nhường ghế cho một người da trắng bên cạnh. Bị người tài xế quát tháo đuổi xuống phía sau, người phụ nữ 42 tuổi này do mỏi mệt hay nguyên nhân gì không rõ vẫn nhất định không chịu rời ghế của mình và sau đó bà bị cảnh sát bắt giam.
Việc người phụ nữ da đen bị bắt đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình làm rung chuyển nước Mỹ và mục sư Martin Luther King là người dẫn đầu đoàn người trong những cuộc phản kháng bất bạo động. Cuộc tẩy chay đi phương tiện công cộng kéo dài ở Montgomery ngày ấy còn được gọi là "Cuộc phản kháng 385 ngày". Cuối cùng Tòa án tối cao của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ phải tuyên bố bãi bỏ tất cả các hình thức phân chia chỗ ngồi theo màu da và công nhận điều đó là vi hiến.
Từ những cuộc phản kháng bất bạo động cho đến... Tôi có một giấc mơ…
_ Tôi có một giấc mơ... rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình anh em...
_ Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bằng tính cách của chúng...
_ Tôi có một giấc mơ...
Đó là ngày 28/8/1963. Một đám đông chừng 250 ngàn người (sau này người ta cho rằng đây là một cuộc tuần hành đông người nhất đến Washington D.C, thủ đô của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ), từ khắp nước Mỹ với sự dẫn đầu của Martin Luther King và các nhà hoạt động khác tuần hành đến Washington D.C.
Trên những bậc thềm của Đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln, King đã đọc bài diễn văn "I have Dream - Tôi có một giấc mơ" gây xúc động cho toàn nước Mỹ và thế giới, cũng là bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. Ngày 14/10/1964, Martin Luther King trở thành người được trao giải Nobel Hòa Bình trẻ tuổi nhất. Ông dành cả cuộc đời của mình để đấu tranh chống tệ nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ.
Vào ngày 4/4/1968, Martin Luther King bị ám sát khi đang đứng trên ban công của khách sạn Lorraine ở Memphis, Tennessee. Ngày nay ông được chôn cất trên một hồ nước có ngọn lửa vĩnh cửu ở Atlanta.
[..] Đến Atlanta, làm sao tôi có thể không không đến thăm ngôi nhà của nhà văn Margaret Mitchell, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”? Làm sao tôi không thể đến căn nhà này được khi tôi đã đọc tác phẩm bất hủ của bà không biết bao nhiêu lần và không bao giờ bỏ sót dù chỉ là một chữ? Đó là ngôi biệt thự tuyệt đẹp xây kiểu Victoria nằm trên con đường Peachtree ở Midtown của Atlanta.
Tôi cũng tự hỏi chẳng biết con đường Peachtree là đường Cây Đào trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió có liên quan gì đến đường Cây Đào hiện tại. Trong tác phẩm này, ngôi nhà gạch đỏ ở cuối con đường này là nơi gia đình bà cô già Pitty, bác Peter, Melanin và nàng Scarlett ở đó. Tôi chẳng còn hình dung được vì bây giờ con đường Peachtree với rất nhiều cao ốc, khách sạn sang trọng, quán café.. chẳng còn giống như những gì được mô tả ngày xưa trong tác phẩm.
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình (Margaret Mitchell mất năm 48 tuổi do một tai nạn xe hơi ở Atlanta), người ta tin rằng bà chỉ viết duy nhất một tác phẩm "Cuốn theo chiều gió" nhưng tác phẩm ấy đã trở thành bất hủ và trở thành cuốn sách best-seller, cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Ngôi nhà của Margaret Mitchell ngày nay đã trở thành nơi tham quan cho du khách. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật của Margaret Mitchell khi sinh thời. Bà viết cuốn tiểu thuyết này khi cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ đã kết thúc từ rất lâu. Cuộc nội chiến đã xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng sự phân biệt chủng tộc vẫn kéo dài cho đến khi Margaret Mitchell cho ra đời tác phẩm này và ngay cả khi tác phẩm được dựng thành phim, sự phân biệt chủng tộc cũng vẫn còn.
Ai đã từng xem bộ phim "Cuốn theo chiều gió" thì không thể quên được cô hầu gái Mammy do nữ diễn viên da màu Hattie McDaniel thủ vai. McDaniel đã giành được giải Oscar cho vai diễn này trong bộ phim nhưng khi công chiếu Cuốn theo chiều gió ở nhà hát Loew's Grand, Atlanta vào thứ 6 ngày 15 tháng 12 năm 1939, cô không được phép vào nhà hát tham dự chỉ vì cô là người da màu bởi vì luật của tiểu bang Georgia thời đó vẫn còn rất khắc nghiệt. Ngày nay cô được vinh danh bằng hai ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng ở Hollywood và Hall of Fame cho sự nghiệp diễn xuất của mình và cô cũng là diễn viên da màu đầu tiên của Mỹ đoạt Oscar. [...]