Văn học tuổi 20; “Trăng trong cõi” – Trăng rằm sáng tươi soi cõi lòng vương đế
Văn học tuổi 20; “Trăng trong cõi” – Trăng rằm sáng tươi soi cõi lòng vương đế
Một cuốn sách về đề tài lịch sử với lời kể nhẹ nhàng của một nữ tác giả trẻ, mang đến cho độc giả góc nhìn mới mẻ về các sự kiện lịch sử và các nhân vật từng bị quá khứ phủ mờ. Giữa hư và thật, ảo ảnh và hiện thực, không nhờ có ánh trăng sáng tỏ, làm sao thấu suốt được nhân gian?

 

 

Cuộc hội ngộ vô thực giữa những con người mắc kẹt trong dòng chảy lịch sử

 

 

Tác giả đã kể một câu chuyện hấp dẫn xuyên thời gian và không gian. Lâm, một nữ nhà báo trẻ tìm đường đến Viên Mai, một ngôi làng đơn sơ lặng lẽ và giản dị trên một vùng cao hẻo lánh, cách biệt với văn minh và ánh sáng đô thị, nơi là bến đậu cho dân tứ xứ trôi dạt về, với đặc sản là những gốc trà già cỗi cho thứ nước thơm lừng trong trẻo không đâu sánh bằng. Mục đích ban đầu của cô gái trẻ là lấy tin cho tòa soạn về một vùng đất nên thơ tiềm ẩn khả năng phát triển du lịch sinh thái, nhưng nguyên nhân bên trong thôi thúc còn bởi những bí ẩn đến từ sứ mệnh đặc biệt của dòng họ, truyền từ ông ngoại của Lâm.

Tại đây, cô gặp Phương, trưởng thôn Viên Mai, một nam nhân 35 tuổi có học thức nhưng lại bám trụ lại quê nhà, khác biệt với hầu hết thanh niên đã rời bỏ Viên Mai để tìm một nơi chốn mới hiện đại và quyến rũ hơn. Phương cũng như Viên Mai, bình thản, rỗi rãi và nhàn tản bên niềm đam mê gốm sứ. Phương cũng là người đã kết nối Lâm với cuốn nhật ký cổ xưa mà chủ nhân của nó là Bá Đa Lộc, nhà truyền giáo thế kỷ 18, người thân cận và hỗ trợ đắc lựa cho Nguyễn Ánh, cũng là tác giả cuốn từ điển Tiếng Việt Dictionarium Anamitico Latinum.

Cuốn nhật ký đưa Phương và người đọc quay về thế giới của thế kỷ 18 ở vùng mũi đất tít tận Hà Tiên, với những trang viết về cuộc đời biến động của Bá Đa Lộc, cũng như những trăn trở, khúc mắc của ông về một nhân vật bị lịch sử che mờ: Cảnh Thụy hay vua Lê Long Đĩnh, nhà vua cuối cùng của thời Tiền Lê, người mang trọng tội giết anh soán ngôi, vị vua độc ác và hoan dâm vô độ nổi tiếng của sử Việt. Trong cõi mộng tranh tối tranh sáng của ngôi chùa cổ, cùng với hình ảnh tấm da dê xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, Lâm đã gặp được nhà truyền giáo và cả vị vua trẻ của 700 năm về trước, thấu hiểu những băn khoăn, trăn trở của Bá Đa Lộc, hay ám ảnh và đồng cảm với vị vua trẻ ốm yếu nhưng quyết đoán trên ngôi báu. Cô tiếp tục đi tìm quyển sách Ước, thứ mà bao bậc đế vương khao khát hàng ngàn năm qua, vật kết nối giữa Lê Long Đĩnh và Nguyễn Ánh, để mang về vùng núi Tản Viên, hoàn thành sứ mệnh của đời mình.

 

 

Tình yêu  với lịch sử và ngôn ngữ Việt

 

 

Phạm Thúy Quỳnh kể một câu chuyện lịch sử với giọng văn giàu cảm xúc, ẩn chứa trong đó là tình yêu sâu đậm dành cho đất nước và lòng tự hào dân tộc sâu đậm. Các nhân vật lịch sử như Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Phúc Ánh, Bá Đa Lộc, Mạc Thiên Tứ… được tác giả khắc họa với một thái độ trân trọng và biết ơn sâu sắc. Đó còn là mong ước của một người trẻ với khát vọng muốn rọi sáng được những ngóc ngách còn chìm trong màn sương mờ ảo của quá khứ: Góc nhìn khác minh oan cho vua Lê Long Đĩnh, những biến chuyển trong tâm tư của Bá Đa Lộc khi đem ấu chúa là Hoàng tử Cảnh làm con tin cho người Pháp để cầu viện cho đất An Nam…

Tác phẩm còn là tình yêu bao la với ngôn ngữ Việt. “Ngôn ngữ họ quá đẹp để có thể diễn tả, ngaycả những vì sao ngoài kia cũng không thể lấp lánh bằng.” Đó là lý do mà Bá Đa Lộc đã tốn bao nhiêu công sức và tâm huyết để làm nên cuốn từ điển Tiếng Việt, cũng như bao thế hệ người ngoại quốc đến với nước Việt và say mê những ngôn từ đẹp đẽ trong bài đồng dao của trẻ thơ, những ngôn từ sống động và truyền cảm có sức mạnh lay chuyển cả lịch sử.

 

Tác giả

Sinh năm 1997
Thú vui: ướp trà, ủ rượu, đọc sách.
Hiện đang sinh sống và bán chữ độ nhật ở Hà Nội.

 

Trích đoạn tác phẩm:

“Bóng tối chưa phải là nơi ẩn chứa những điều kỳ quái nhất, mà chính là trong màn sương - khi không gian mờ đục, tranh tối tranh sáng chẳng tỏ được đâu là thật, đâu là ảo, đâu là người còn sống, đâu là người đã chết. Tôi trông thấy Mạc Thiên Tứ, Nguyễn Phúc Ánh, Lý Công Uẩn, Bá Đa Lộc, bà Phượng, bà lão trong căn nhà cổ đứng cùng nhau, trên tay mỗi người cầm một cuộn da dê xuống màu cũ kỹ phảng phất mùi ẩm rữa.
Đi lướt qua họ, tôi cố gắng không nhìn vào mắt họ - mắt của những con người mà tôi đã chứng kiến cái chết, chứng kiến họ quằn quại trong đau đớn vì sứ mệnh vương mang suốt đời.”

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: