Ông bố thì ngoài lo cho 5 miệng ăn của gia đình, lại phải lo thêm tiền thuốc men cho con. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai khiến nhiều lúc ông cảm thấy cuộc sống có phần bế tắc.
Ông không muốn vợ con phải khổ sở, vất vả, nhưng nếu cứ quanh quẩn ở nhà lo ngày ba bữa cơm cho vợ con thế này thì có lẽ suốt đời ông cũng không thể mang đến cho họ một cuộc sống sung túc.
Mỗi buổi tối, ngồi nhìn vợ đan len thuê để phụ giúp với mình lo toan chi phí gia đình, ông lại thương vợ và trong lòng dội lên một nỗi buồn khó tả. Ông thấy mình thật bất tài vì không lo nổi cuộc sống cho vợ con. […]
Ông Immanuel từ sau khi phá sản, nhìn thấy cảnh vợ con sống cực khổ như vậy đã cố gắng vượt lên thất bại. Ông dựng một căn lều nhỏ ở phía vườn để tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Hàng ngày, ông cặm cụi trong căn lều nhỏ ấy, dặn vợ con không ai được đến gần. Có lần bà Karolina đang dọn dẹp nhà cửa thì nghe thấy tiếng loảng xoảng, rồi tiếng giấy xé roạt roạt…
Bà vội chạy lại căn lều thì thấy chồng đang đạp nát mô hình thí nghiệm và xé tan các bản vẽ. Đó là vì kết quả nghiên cứu không thành. Không nói một lời, bà nhìn sâu vào mắt ông như khích lệ, động viên để ông trấn tĩnh, rồi lại lặng lẽ cúi thân hình mảnh dẻ xuống nền nhà nhặt nhạnh từng mẩu ván vỡ nát, từng mảnh giấy vụn vương vãi.
Cứ như thế hết lần này đến lần khác, bà đều thông cảm chia sẻ với ước mong cháy bỏng phải giành lại bằng được những gì đã mất của chồng.
Cho đến khi ông thí nghiệm thành công loại thuốc nổ có sức công phá lớn. Trước sự mừng vui khôn tả của chồng, bà Karolina lại phải cất công giải thích và xin lỗi những người hàng xóm đang kéo đến chật sân, do tiếng nổ phát ra từ nhà bà đã làm rung trời chuyển đất, khiến cánh cửa kính nhà họ vỡ ra, còn trẻ con nhà họ giật mình kêu thét vì sợ hãi.
Vì say mê nghiên cứu về thuốc nổ nên ông Immanuel cũng ít dành thời gian cho các con. Mọi công việc gia đình, bà Karolina đều lo toan hết thảy, từ việc dọn dẹp cơm nước cho đến chăm sóc các con, nhất là bé Alfred Nobel luôn đau ốm. […]
Tối đó, như mọi hôm, sau khi cho Alfred uống thuốc và ru cậu ngủ, bà Karolina lại ngồi đan len trên chiếc đi văng cũ. Ông Immanuel châm tẩu thuốc đưa lên hút, trầm ngâm một lúc, rồi ông nói với vợ:
- Karolina này! Có lẽ anh phải đi ra nước ngoài một chuyến. Ở Thuỵ Điển, anh không phát huy được năng lực của mình. Nhưng anh chỉ lo cho em và các con…
Bà Karolina giật mình nói trong thảng thốt:
- Anh nói sao? Anh định ra nước ngoài ư? Vì sao anh lại không thể làm việc ở trong nước?
Ông Immanuel buồn rầu đáp:
- Em cũng biết đấy! Qua bao thời gian vất vả tìm tòi, anh mới sáng chế ra được loại túi cao su dùng để làm đệm ngủ cho quân sĩ, khi cần có thể nối chúng lại với nhau để tạo thành một chiếc cầu nổi giúp cho quân đội vượt sông.
Vượt qua sông rồi có thể xì hết hơi gấp lại bỏ vào ba lô, rất tiện lợi. Nhưng vì kinh phí quốc phòng không đủ nên anh đành phải cất sáng chế của mình vào ngăn tủ trong khi các chiến sĩ ngoài mặt trận vẫn phải nằm gai, phơi mình trong giá rét.
Bà Karolina ngạc nhiên hỏi chồng:
- Thế còn nghiên cứu thành công về thuốc nổ của anh? Tuy hàng xóm phản đối kịch liệt, em nghĩ là chính phủ phải khuyến khích anh mới đúng chứ, vì anh nói nó có thể giúp ích cho ngành quốc phòng và giao thông vận tải kia mà.
Ông Immanuel như có người chia sẻ nỗi lòng, gay gắt nói:
- Thế mới bất công em à! Không những chính phủ không hoan nghênh mà vừa rồi, nhà lãnh đạo thành phố đã ra lệnh cấm thí nghiệm thuốc nổ, cắt đứt công trình đang nghiên cứu của anh.
Bà Karolina dường như đã hiểu được những khó khăn và bức xúc của chồng, bà nhẹ nhàng an ủi ông:
- Nếu anh đã quyết chí theo đuổi sự nghiệp này, em sẽ ủng hộ anh hết lòng. Anh không phải lo gì cho mẹ con em, mà ngược lại, em đang lo cho anh lắm… Thế bây giờ anh định đi đâu?
Giọng ông Immanuel sôi nổi hẳn lên:
- Vừa qua, anh đã gặp một tiến sĩ - nhân vật thuộc chính giới Nga - khi ông ấy sang thăm Stockholm. Ông ấy ủng hộ công trình thuốc nổ của anh và động viên anh nên di cư sang Phần Lan, rồi sau đó sẽ tìm cách liên hệ để đến Saint Petersburg (Nga) tiếp tục công việc nghiên cứu.
Bà Karolina nhìn chồng, rồi lại sụt sùi. Alfred thấy mẹ khóc, giật mình ngồi nhỏm dậy vừa ho khục khục, vừa gọi to:
- Bố ơi, mẹ khóc!
[…]
Từ sau buổi tối vui vẻ ấy, liền mấy hôm tiếp theo hai vợ chồng ông Immanuel gấp rút chuẩn bị kế hoạch để ông ra nước ngoài.
Mọi việc tưởng chừng đơn giản nay hoá ra phức tạp vì các chủ nợ biết tin đã tìm cách ngăn cản, sợ ông trốn nợ. Bà Karolina lại phải cất công đứng ra bảo lãnh cho chồng để làm yên lòng các chủ nợ. Với những nỗ lực hết lòng của bà, cuối cùng ông cũng nhận được hộ chiếu và chuyến đi được khởi hành tốt đẹp.
Ngôi nhà thiếu vắng ông Immanuel nay lặng lẽ hẳn đi. Cuộc sống vốn đã thiếu thốn nay không có chồng ở nhà, gánh nặng lại càng thêm chồng chất lên đôi vai gầy của bà Karolina.
Để bươn chải nuôi con, bà phải mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán rau cỏ cho bò sữa ở gần nhà. Thế nhưng, lợi nhuận từ cửa hàng cũng chẳng đủ để bà nuôi các con ăn học và mua thuốc men.
Cực chẳng đã, bà đành phải để cho hai con trai lớn đi bán diêm dạo để cùng bà sống đắp đổi qua ngày. Có một lần Alfred trốn mẹ theo các anh đi bán diêm, khi trở về sắc mặt cậu xám ngoét vì lạnh, lại thêm những cơn đau dạ dày hành hạ khiến bà Karolina thức trắng cả đêm vì lo lắng cho con.
Lòng bà đầy những cảm giác xót xa, hối hận và thương các con, bà giận mình vì không lo nổi cho chúng một cuộc sống tốt hơn, rồi bà lại nức nở khóc một mình trong đêm tối.