Từ status của nhà báo Đào Tuấn về Tân Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê: Trước khi phát ngôn hãy suy nghĩ bằng bộ não trên cổ, không phải dưới thắt lưng!
Từ status của nhà báo Đào Tuấn về Tân Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê: Trước khi phát ngôn hãy suy nghĩ bằng bộ não trên cổ, không phải dưới thắt lưng!

*Lưu ý: Bài viết có chứa một số ngôn từ nhạy cảm

 
Tôi vốn không quan tâm đến những cuộc thi Hoa hậu, bởi với tôi đó chỉ là một hình thức giải trí không hơn không kém, mà nếu muốn giải trí thì tôi sẽ thích đọc sách hơn là xem dăm ba cô gái phô bày hình thể và (một chút) tri thức. Tôi cũng chưa bao giờ coi những cô hoa hậu này là “đại diện cho nhan sắc và trí tuệ Việt Nam”, “đại diện cho người phụ nữ Việt Nam”. Xin lỗi mấy anh Ban Tổ chức và Truyền thông, chẳng có ai có thể đại diện hay thay mặt được cho tôi, mẹ tôi hay bà tôi cả!
 

Thế nhưng, những cô hoa hậu này, cũng giống như quán quân các chương trình giải trí khác như The Voice hay Vietnam Idol, họ đều có những cố gắng nhất định và đáng được tôn trọng. Bởi thế nên khi lướt Facebook và thấy câu chuyện của một “nhà báo” nào đó tên Đào Tuấn bình phẩm về tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê, cô gái người Ê Đê, là có (xin lỗi các bạn vì phải đọc những câu chữ bẩn thỉu này, nhưng đó chính xác là những gì anh nhà báo đăng lên trang Facebook cá nhân): “làn da thâm màu bìu ***” và “không cần đuôi vẫn có thể đàng hoàng vào rừng HÚ mà không bị kiện bản quyền”, thì tôi đã cảm thật sự thấy kinh tởm, kinh tởm vì thứ suy nghĩ kiểu này vẫn còn tồn tại trong đầu óc của một bộ phận những người được đánh giá là “tri thức” trong xã hội, hoặc có lẽ tôi không nên cảm thấy kinh tởm làm gì cả vì vốn dĩ những “sinh vật” kiểu này không có đầu óc.

H'Hen Nie

 

Tôi không rõ từ bao giờ, hoa hậu đã trở thành một nghề, thậm chí là một nghề đang rất “hot”, mang lại không ít danh tiếng và tiền bạc. Như một lẽ thường, người nổi tiếng thì thường nhật được rất nhiều chú ý từ công chúng, và nổi tiếng thì đôi khi phải chịu sự soi mói và bình phẩm của người khác. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ phải chịu đựng sự sỉ nhục và thóa mạ mà nguyên nhân lại xuất phát từ những lí do rất vô lí như từ màu da và gốc gác. Bình phẩm là tấm gương phản chiếu nhân phẩm, nhưng nếu thiếu đi sự tế nhị, công bình thì bình phẩm sẽ biến thành sỉ nhục, và sỉ nhục thì chỉ có thể phản chiếu những xấu xí và khuyết tật trong nhân cách mà thôi.

Nhân danh một nhà báo, một người đàn ông “có học” (nhà báo thì phải có học chứ!) mà anh Đào Tuấn lại đi so sánh làn da của một cô gái với màu *** *** (ôi tôi còn không cả muốn viết ra nữa), thì cảm giác đầu tiên của tôi chính là sự buồn nôn đến tởm lợm. Một suy nghĩ hoàn toàn bằng nửa thân dưới! Một sự sỉ nhục ở mọi khía cạnh! Có chăng ở con người ấy vốn chỉ coi phụ nữ như một vật mua vui và xem giống đực của mình như sinh vật thống trị, thứ tư tưởng chắc chỉ tồn tại ở thời Trung cổ.

Kết quả hình ảnh cho anh hùng bàn phím

 

Và không chỉ dừng lại ở việc công kích cá nhân và miệt thị ngoại hình, anh ta còn đang sỉ nhục cả một dân tộc. Nhà báo Đào Tuấn đã dùng chữ nghĩa của mình để so sánh cô gái ấy như khỉ như vượn, không cần đuôi vẫn vào rừng hú mà không sợ bọn khỉ vượn khác đòi bản quyền. Nếu đúng dòng status này có ý như vậy thì anh ta đã xúc phạm không chỉ một mình H’Hen Niê mà là cả dân tộc Ê Đê, thậm chí là cả hơn 50 dân tộc thiểu số anh em khác. Tôi nhận thấy rằng, người dân tộc thiểu số ở Việt Nam vốn đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Thực ra tâm lí miệt thị, phân biệt người dân tộc thiểu số, ít hay nhiều đều ăn vào trong suy nghĩ của người Kinh dù họ thật sự không đáng bị như vậy. Nhưng anh nhà báo à, chẳng lẽ anh chưa nghe những “danh tiếng” mà người Việt Nam phải chịu khi đi ra nước ngoài, những kì thị không đáng có mà chúng ta phải đối mặt hay sao? Anh có buồn, có tức giận, có phẫn nộ hay không? Nếu có, sao anh còn làm đúng những điều đáng khinh ấy với dân tộc mình, với những người anh em cùng chung bọc “trăm trứng”?

Lạm bàn một chút ngoài trường hợp của nhà báo Đào Tuấn, dường như thời buổi bây giờ quá dễ dàng để người ta buông lời miệt thị người khác, nhất là bằng câu chữ. Đâu đó ta buông một câu bình luận dưới cái tài khoản ẩn danh, chẳng ai biết đó là ai, và nghĩ rằng đó là tự do ngôn luận, là vui, là hài hước. Nhưng không, đó là vô học.

Có hàng vạn cách sống trên đời này, hà cớ gì phải chọn cách làm đau nhau bằng thứ kì điệu đẹp đẽ mang tên ngôn ngữ?

Tôi biết ngoài kia, còn rất nhiều người khác, rất nhiều “Đào Tuấn” khác cũng đang hành xử bất công như thế với chính đồng loại của mình, thậm chí là chính các bạn nữ buông lời sỉ nhục nhau. Và H’Hen Niê, đến thời điểm này không phải là một cô gái ham hư vinh thích nhàn hạ. Ít nhất, cô đã vượt qua định kiến hủ tục để không phải lấy chống từ khi còn bé mà thay vào đó đã hoàn thành hết chương trình học Phổ thông và thậm chí là Đại học. Tất cả các cô gái, chàng trai khác đang cào phím gào mồm kia liệu rằng đã cố gắng được đến mức ấy hay chưa?

 

Tôi hi vọng rằng, trước khi nói ra một lời, ta hãy nhớ uốn lưỡi bảy lần, và trước khi viết ra một dòng cũng hãy nhớ đặt bút bảy lần, gõ phím bảy lần. Hãy chứng tỏ rằng mình là sinh vật suy nghĩ bằng bộ óc trên cổ, không phải dưới thắt lưng!

 

Phanh

Trạm Đọc.

 

Tags: