Cuốn sách về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tập hợp các bài viết, tranh vẽ... như những mảnh ghép đa diện để sắp đặt thành một bức chân dung tương đối trọn vẹn về nhà văn.
Nhân 100 ngày Nguyễn Huy Thiệp rời cõi tạm, Công ty Sách Liên Việt phối hợp với Nhà xuất bản Dân trí giới thiệu cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” bao gồm các tản văn, ký, phê bình văn học và bài phỏng vấn xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn.
Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty Sách Liên Việt, cho rằng cuốn sách như một nén nhang tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một người giản dị, ít nói, trầm lặng trước đám đông.
“Đây là một tác phẩm văn học đáng quý, với những câu chuyện xúc động về cuộc đời nhà văn, thể hiện những tình cảm của những người bạn, những người trân quý ông,” bà Vũ Phương Liên cho biết.
Ngọn gió Hua Tát vẫn thổi
Ngay khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất (20/3/2021), họa sỹ Lê Thiết Cương đã nghĩ tới việc thực hiện một cuốn sách chứa đựng hồi ức và kỷ niệm về người bạn thân của mình. Ông cùng nhiều nghệ sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình bắt đầu lên ý tưởng cho cuốn sách. Trong rất nhiều bài về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng như tác phẩm của ông, nhóm biên tập chọn ra 36 bài.
Các văn nghệ sỹ quan niệm rằng trước tiên đây là một cuốn sách, sau mới đến ý nghĩa tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cho nên bài đầu tiên là bài ai cũng biết "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió" của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến. Bài này là bài đầu tiên viết về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp và in như lời giới thiệu trong tập truyện ngắn "Tướng về hưu" cũng là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do Nhà xuất bản Trẻ và Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) xuất bản năm 1987). Bài cuối cùng của cuốn sách này là bài "Nói chuyện một mình" do Nguyễn Huy Thiệp viết vào dịp trước Tết âm lịch 2020.
Phần 2 của sách là ảnh tư liệu chụp nhà văn, một số tác phẩm gốm của ông và đặc biệt những bức tranh đề thơ của nhà văn khi ông đã nằm trên giường bệnh.
“Cuốn sách gồm những mảnh ghép đa diện để sắp đặt thành một bức chân dung tương đối trọn vẹn về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hy vọng ở một nơi nào đó, ông sẽ hài lòng,” họa sỹ Lê Thiết Cương bày tỏ.
Độc giả, những người yêu mến Nguyễn Huy Thiệp sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về “Người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại” như đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều hay “Nhà văn của những con người bị sỉ nhục” theo cách gọi của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến hoặc như Bảo Ninh gọi ông là “Nhà văn tầm châu lục,” còn giản đơn theo cách của bà Marion Hennebert (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Aube, Pháp) thì “Thiệp đơn thuần là một đại văn hào.”
Các tác giả tham gia trong cuốn sách đều có chung một ước vọng là để "ngọn gió Hua Tát" tiếp tục thổi mãi trên văn đàn Việt Nam.
Trăn trở về di sản của Nguyễn Huy Thiệp
Bà Marion Hennebert (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Aube, Pháp) chia sẻ rằng khi Aube in “Tướng về hưu” năm 1990 thì đó là lần đầu tiên một nhà văn đương đại Việt Nam được in sách ở Pháp kể từ sau chiến tranh Đông Dương.
“Khi Nguyễn Huy Thiệp mất, tôi mạo muội xác định rằng giọng của một nhà nhân bản đích thực vừa tắt,” bà tâm sự.
Nhận định ấy nhen lên một sự trăn trở đối với các văn nghệ sỹ Việt Nam, rằng làm sao để lưu giữ di sản văn chương Nguyễn Huy Thiệp, để giọng văn ấy vang xa trên thế giới, không chỉ Nguyễn Huy Thiệp mà còn cả những nhà văn khác của văn học Việt nữa.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho hay văn học Việt Nam cần phải được dịch sang tiếng nước ngoài và quảng bá rộng rãi hơn nữa.
“Nói đến văn chương Việt Nam, thế giới biết đến Bảo Ninh nhiều nhất và sau đó là Nguyễn Huy Thiệp. Chúng ta cần phải chủ động chọn tác phẩm của các nhà văn khác, ở các thời đại khác để dịch và xuất bản ở nước ngoài, nếu không thì thế giới sẽ không thể hiểu đúng về Việt Nam,” nhà thơ nói.
Đánh giá về cuốn sách mới xuất bản “Về Nguyễn Huy Thiệp,” nhà thơ cho rằng cuốn sách này cũng giống như Nguyễn Huy Thiệp, là một sự cống hiến cho văn chương đến tận cùng.
“Nguyễn Huy Thiệp dùng văn chương để bảo vệ con người theo cách của ông. Ông tìm cách mổ xẻ đến tận cùng bóng tối bên trong con người, để người ta đi qua bóng tối ấy mà không sợ hãi. Ông đã tận hiến cho văn chương như vậy. Cuốn sách này cũng là một sự tận hiến, không phải dành cho ông Thiệp, bởi bây giờ ông không còn cần gì cả. Cuốn sách này là cho chính chúng ta, để nhớ đến ông, và tiếp tục những điều mà ông đang làm,” ông chia sẻ.
Nhà thơ khẳng định rằng chặng đường này cũng sẽ đầy những thách thức khó khăn nhưng đích đến là một thế giới đầy nhân tính và tốt đẹp./.