Trong khi đó, Nokia – gã khổng lồ thống trị ngành công nghiệp điện thoại di động, đã lụi tàn rồi sụp đổ khi từ chối chiếc smartphone kết nối internet với màn hình cảm ứng độ phân giải cao do chính các kỹ sư của họ phát triển; còn Apple ở bên kia Đại Tây Dương thì lại thành công rực rỡ với trào lưu mới mang tên iPhone.
Để không bỏ lỡ cơ hội đột phá, mọi tổ chức đều cần hướng tiếp cận khác với sự sáng suốt truyền thống (conventional wisdom) trong việc nuôi dưỡng dài hạn những ý tưởng sáng tạo. Tác giả của Từ lạc loài đến lẫy lừng, tiến sĩ Sam Bahcall – xuất thân là một nhà vật lý (tốt nghiệp PhD tại Đại học Stanford) khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tin rằng sự chuyển dịch trong cấu trúc (structure) quan trọng hơn văn hóa (culture), giúp duy trì sự cân bằng cùng mối liên hệ động lực giữa nhóm phát triển và người thực thi, để các dự án sáng tạo không bị “kết liễu” trước khi chúng kịp chứng tỏ tính khả thi. Việc quản trị bằng tư duy bảo thủ, trì trệ chính là nguyên nhân khiến cho nhiều tổ chức, thậm chí cả quốc gia rơi vào cảnh lụi bại, giống như bài học của ɨanh triều trước ảnh hưởng của Tây phương cuối thế kỷ XIX.
Trên thực tế, không phải ý tưởng sáng tạo nào cũng có thể thành công. Trong lĩnh vực y sinh và dược phẩm mà Bahcall là chuyên gia hàng đầu, ngoài sự lãng phí về mặt thời gian, tổn thất về mặt thương mại có thể lên tới hàng tỷ đô-la nếu nhóm phát triển không đủ đam mê và nỗ lực để thuyết phục ban lãnh đạo. Có một sự thật chẳng hề thoải mái là việc thực thi những ý tưởng mới thường phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, và “phần thưởng” sẽ chỉ được trao cho kẻ kiên nhẫn không chịu lùi bước sau một vài thất bại lúc đầu. Đó chính là Akira Endo, nhà khoa học phát minh ra thuốc statin giúp hạ mỡ máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch và cứu sống hàng chục triệu người trên khắp thế giới mỗi năm.
Mặc dù là người ngoại đạo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kinh tế, nhưng tôi đã rất hào hứng khi được đề nghị viết lời tựa cho cuốn sách này. Nằm trong danh mục best-seller của Wall Street Journal, được cả Bill Gates, Daniel Kahneman, Malcolm Gladwell, Susan Cain, Dan Pink lẫn Adam Grant khuyên đọc, Từ lạc loài đến lẫy lừng xứng đáng là tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu gây chấn động nhất năm 2019 (theo lời Dan Pink). Bằng những câu chuyện thú vị được viết với văn phong hết sức mạch lạc của một người có nền tảng khoa học và tư duy logic vững chắc, Bahcalld đã mang tới cho chúng ta một bộ công cụ mạnh trong việc phân tích bản chất hành vi con người lẫn các tổ chức, và để hiểu về “số phận” của họ. Xa hơn nữa, Từ lạc loài đến lẫy lừng còn giúp chúng ta khai mở tiềm năng sáng tạo để nuôi dưỡng những ý tưởng “kỳ lạ” nhưng có thể làm thay đổi thế giới. Đó là lý do cuốn sách sẽ không làm bạn thất vọng.
TS. Đinh Hoàng Thắng
(Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan)