Điểm khác biệt trong truyện cổ của người Nhật Bản, người Do Thái
Điểm khác biệt trong truyện cổ của người Nhật Bản, người Do Thái
Nối tiếp 7 cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách đời người, "Truyện dân gian Do Thái" và "Truyện cổ Nhật Bản" là hai ấn phẩm mới nhất được giới thiệu đến độc giả.

Tủ sách Đời người là dự án giới thiệu tới độc giả Việt các sáng tác dân gian; các tác phẩm văn học kinh điển; sách phát triển bản thân; sách về văn hóa - giáo dục, lịch sử - tư tưởng; sách về lối sống, phong tục - tập quán, nghi lễ truyền thống từ các quốc gia trên thế giới.

 7 cuốn đầu trong tủ sách này là: Truyện cổ nước Nam (2 tập); Truyện ngụ ngôn AesopThơ ngụ ngôn La FontaineTruyện cổ dân gian NgaTruyện KiềuGia lễ chỉ nam. Tới nay, tủ sách có thêm hai ấn phẩm mới là Truyện dân gian Do Thái và Truyện cổ Nhật Bản.

Những câu chuyện nhân văn trong truyện dân gian Do Thái

Truyện dân gian Do Thái bao gồm gần 100 câu chuyện được tuyển dịch, truyền tải những bài học ý nghĩa, những câu chuyện nhân văn về nét đẹp đạo đức, niềm tin tôn giáo và niềm tin bất diệt về một tương lai tươi sáng.

Đến với tác phẩm này, độc giả sẽ được tiếp cận những nhân vật mới lạ, khác với những hình tượng anh hùng, sử thi kỳ ảo trong truyền thuyết nước Nam. Nhân vật trong truyện dân gian Do Thái là các cá nhân thông tuệ, minh triết như vua Solomon, những người mang phép màu và niềm hy vọng như đại ngôn sứ Elijah; bậc lãnh đạo uyên bác, khôn ngoan như thầy cả đại diện cho cộng đoàn Do Thái giáo...

Những nhân vật này được lồng ghép khéo léo vào các câu chuyện dân gian Do Thái, thể hiện đúng bản sắc văn hóa và đức tin của cộng đồng này, tạo nên một bức tranh huyền ảo đầy màu sắc về hàng nghìn năm tha hương của dân tộc Do Thái.

Những câu chuyện xử án tài tình của vua Solomon, những màn đấu trí tại tòa của người dân - trong đó có cả các bà nội trợ khôn ngoan hay những mẩu truyện cười tinh tế, đầy ẩn ý cũng cho thấy trí tuệ đặc biệt của người Do Thái.

Truyện dân gian Do Thái cũng có nhiều chi tiết trào phúng, mỉa mai thể hiện ước mơ về sự bình đẳng, tự do và no đủ của người dân Do Thái - những người phải chịu cảnh tha hương. Bên cạnh đó, còn có niềm tin mãnh liệt rằng trời luôn đền đáp cho những người có tâm hướng thiện và sẽ trừng phạt kẻ xấu, kẻ ác.

Cũng như phần lớn câu chuyện dân gian của các dân tộc khác, Truyện dân gian Do Thái cũng được đặc trưng bởi tính truyền miệng, tính tập thể. Các câu chuyện cổ tập trung nhiều vào yếu tố giáo dục, răn dạy về tôn giáo, đạo đức, lối sống nên cách dẫn dắt cốt truyện luôn ngắn gọn, trực tiếp nhưng cũng không kém phần ly kỳ, hấp dẫn.

Sự gắn kết của con người với thiên nhiên trong truyện cổ Nhật

Khác với tính giáo dục đạo đức trong văn học dân gian Việt Nam và niềm tin tôn giáo thiêng liêng trong truyện dân gian Do Thái, truyện cổ Nhật bản hướng đến nét văn hóa đậm đà, gắn kết với thiên nhiên tươi đẹp.

Cuốn sách này chọn lọc ra 56 câu chuyện cổ tích nổi bật, đặc trưng, đã góp phần lưu giữ ý thức hệ về thế giới tự nhiên trong văn hóa của người Nhật bản. Qua các câu chuyện trong trẻo, bức tranh thiên nhiên thanh bình, hài hòa hiện lên tinh khiết, hòa quyện với các nét văn hóa cổ truyền và tinh thần nghệ thuật cao của xã hội Nhật Bản.

“Những minh triết căn bản của đời người” là thông điệp lớn nhất trong các câu chuyện cổ của xứ Mặt Trời mọc. Nội dung bình dị, gần gũi đan xen yếu tố kỳ ảo thú vị, truyện cổ tích Nhật thường nhấn mạnh tới luật nhân quả: ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.

Truyện cổ tích của người Nhật hướng đến sự thanh tịnh, yên bình chứ không hùng tráng, quyết liệt như sử thi.

Tản mạn qua các câu chuyện cổ Nhật Bản, không khó để độc giả bắt gặp hình ảnh những người nông dân chất phác, những Samurai với tinh thần Võ Sĩ Đạo, những con vật nhỏ thích giúp đỡ, biết trả ơn... Ngay cả trong các bối cảnh mùa đông, ta vẫn thấy màu trắng của tuyết, màu xanh của những loài cây mùa đông và cả những đốm lửa đỏ rực đã tạo nên một không gian yên ả xuyên suốt, vừa sống động, tình cảm, lại vừa tinh tế.

Một trong những điều quan trọng nhất để tạo nên một kho tàng truyện cổ Nhật Bản giàu sức gợi, sức tả là cách sử dụng bút pháp khéo léo trong lối kể chuyện và vận dụng linh hoạt các yếu tố ngôn ngữ.

Truyện cổ tích Nhật Bản có nguồn gốc là những câu chuyện vui trong cuộc sống và được truyền tai nhau, nhân hóa lên những sự hư ảo và kỳ thú, nhấn mạnh những bài học ý nghĩa. Vì lẽ này, truyện cổ Nhật Bản là một người bạn đồng hành dịu dàng, ấm áp dành cho mọi người chứ không chỉ riêng trẻ nhỏ.

Theo Zing News

Tags: