Truyện Kiều tự kể của tác giả Cao Nguyệt Nguyên mang đến cho bạn đọc xúc cảm đặc biệt và độc đáo khi để các nhân vật: Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà... nói lên tiếng nói của chính mình với những nỗi đau và suy tư nội tại.
Khởi sự từ 3.254 câu thơ của Truyện Kiều, tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã tái tạo nên Truyện Kiều tự kể ở thể dạng văn xuôi. Tuy nhiên, không lối mòn, nhừa nhựa như dạng chuyển thể từ thơ sang văn xuôi đơn thuần. Nếu độc giả từng tiếp cận với Truyện Kiều theo ngôi thứ ba - ngôi kể linh hoạt, đánh giá khách quan, thì trong Truyện Kiều tự kể, tác giả đã ngược dòng thời gian, bước vào thế giới nhân vật để hóa thân và cất lên tiếng nói, có bản ngã và cá tính đặc trưng.
Bên cạnh việc dựng nên chân dung nhân vật bằng lời, Truyện Kiều tự kể còn là một cuốn artbook kỳ công, sáng tạo. Cùng góp mặt tham gia tái dựng Truyện Kiều bằng ngôn ngữ hội họa lần này có 12 họa sĩ - vốn là những cái tên không mấy xa lạ trong cộng đồng minh họa gồm: Hoàng Giang, Thùy Dung, Khang Lê, Vườn Illustration, Lê Đức Hùng, Tuấn Thanh, Nikru, Khoa Lê, Tôn Nữ Thị Bích Trâm, Nguyễn Hoàng Dương, Cù Quyên và KAA llustration.
Với sự sáng tạo của mình, những họa sĩ trẻ đã khoác lên những diện mạo Kiều riêng biệt, mang phong cách, cá tính của chính thời đại mình. 12 họa sĩ là 12 gam màu riêng biệt không hòa lẫn. Mỗi tác phẩm minh họa cũng là một sự hóa thân của họa sĩ vào chính nhân vật. Sự kết hợp logic giữa lời viết và tranh minh họa khiến cho câu chuyện của cuốn sách trở nên đa sắc và hấp dẫn với độc giả.
Trung thành với nguyên tác nhưng cũng có nét đột phá riêng cả về nội dung lẫn minh họa chính là lời hồi đáp của thế hệ trẻ hôm nay với Truyện Kiều. Đây không chỉ là tuyên ngôn sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn góp phần khẳng định vai trò cốt lõi của Truyện Kiều trong đời sống hôm nay.
VỀ TÁC GIẢ:
Cao Nguyệt Nguyên là cây bút thuộc thế hệ 9X. Trước Truyện Kiều tự kể, chị đã ra mắt nhiều tác phẩm như: Trăng màu hổ phách (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2015), Chuột Chi Hô lên thành phố (NXB Mỹ Thuật, 2016), A lê hấp - Ké Xanh (NXB Thanh Niên, 2017), Nguyện của đêm (NXB Trẻ, 2018). Khác với các tác phẩm trước, với Truyện Kiều tự kể lần này, cùng lúc Cao Nguyệt Nguyên phải hóa thân vào 12 nhân vật với 12 tính cách, số phận khác nhau. Chị tâm sự: “Hóa thân vào nhân vật chưa bao giờ là dễ, hơn nữa lại là 12 nhân vật, 12 tính cách khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ đó là những trải nghiệm tuyệt vời, một cơ hội đối với người viết. Đôi khi thách thức giúp người ta trưởng thành hơn; còn với người viết, bạn được bồi đắp rất nhiều ở tâm hồn, sự phong phú và cảm xúc”.