Triết học có thể dạy bạn cách sống như thế nào
Triết học có thể dạy bạn cách sống như thế nào
Thong thả, ân cần, khôn khéo, Luc Ferry kể lại câu chuyện triết học của loài người từ thời cổ đại cho tới xã hội đương đại theo hình dung và cách thức của riêng ông, “câu chuyện” bạn có thể đọc một mạch từ đầu tới cuối mà không hề có cảm giác đang bị dạy dỗ hay phải đau đầu với những khái niệm của khái niệm vòng vo.

Chỉ đơn giản vì Ferry đã trình bày cho chúng ta môn khoa học tương đối phức tạp và gắn liền với suy tưởng ở cấp độ đậm đặc này, môn triết học, như những vấn đề tâm lý có thực và vô cùng gần gũi với con người đang sống. Và đây cũng là điều khiến cho ông chỉ dừng lại ở một ý nghĩa ích dụng rõ rệt của triết học, mà chưa truyền đạt được cái nhìn toàn thể về môn khoa học của nhận thức con người vốn liên quan đến mọi mặt của sự sống và đời sống, chưa thoát khỏi chính những phiến diện của các tư tưởng mà ông từng phê phán.

 

Triết học kiếm tìm nguồn an ủi và “cách sống”

 


Xuất phát từ tâm lý đau đớn và sợ hãi trước cái chết hay mất mát nói chung (được xem như nỗi sợ về sự một đi không trở lại của mọi sự kiện và sự sống), coi nó như động lực chính yếu của mọi cảm thụ cũng như nhận thức lý tính về cuộc đời, Ferry muốn đặt vấn đề “triết học” như một cách thức để khắc phục sự chết và mất mát, cũng theo nghĩa đó, triết học được xem như một phương cách để con người giải tỏa mối lo âu, hướng về việc sống sao cho hạnh phúc, ngọt ngào. Đây cũng là cách đặt triết học vào lĩnh vực tâm lý hấp dẫn, đáng quan tâm, thậm chí gây sốc.
 
Với động lực ấy, Ferry đặt ra ba góc độ tương quan chặt chẽ với nhau để một con người muốn “sống hạnh phúc” tìm hiểu triết học: góc độ quan niệm về thế giới, mà ông gọi là Theoria, lý thuyết. Góc độ thứ hai liên quan chặt chẽ đến cái nhìn về thế giới, đó là giá trị đạo đức hay đạo lý tương ứng với cái nhìn đó. Góc độ thứ 3 là “minh triết”, một sự lựa chọn dựa trên các giá trị đạo đức để giải tỏa nỗi lo sợ của kiếp người, các phương cách thực hiện để đạt tới hạnh phúc.
 
Nhấn mạnh đến triết học như một nguồn an ủi, trợ lực cho con người, không phải bằng đức tin không xét đoán, chỉ dựa trên hứa hẹn, “thỏa thuận” về Thiên đường cứu rỗi như một số tôn giáo, mà bằng óc quan sát, suy luận dựa trên sự tỉnh táo sáng suốt của cá nhân, Luc Ferry dẫn dắt người đọc đi qua những hành trình lớn, cơ bản về tư tưởng của nhân loại một cách dễ dàng, liền mạch, tựa như câu chuyện của con người đi tìm hạnh phúc, phải vượt qua những cạm bẫy ảo tưởng về chính mình, cùng với chuyến đi ấy, con người lớn lên, bỏ lại phía sau những lầm lạc, tự tin vào bản thân và trưởng thành về tư duy cũng như về cách thức để tồn tại.
 
Triết học khắc kỷ thời cổ đại với các tên tuổi Platon, Socrates, Hoàng đế La Mã Marc Aurele, Thánh August… trong cái nhìn của Ferry như một trào lưu rộng khắp, tôn sùng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa, có tổ chức chặt chẽ của toàn thể vũ trụ, trong đó con người chỉ cần sống như một phần hữu cơ hài hòa với toàn thể, đến khi chết đi cũng là trở về làm một phần của vũ trụ mênh mông, chứ không bị tiêu hủy, kết thúc vĩnh viễn.
 
Tư tưởng Ki-tô giáo từng thống ngự châu Âu suốt 15 thế kỷ, kể từ thế kỷ II sau CN đến tận thế kỷ XVII, được Ferry nhìn nhận như một mánh khóe khôn khéo trong việc đem lại thứ “ảo ảnh” hạnh phúc và sự giải tỏa tương đối cho con người. Đó là đặt con người vào trung tâm của hiện tại, biến sự đẹp đẽ cao siêu của vũ trụ thành một biểu tượng trung gian vừa mang tính thần thánh vừa mang biểu hiện vật chất của con người, Đức chúa Ki-tô, hứa hẹn một hạnh phúc mang tính thánh thần vĩnh cửu nơi Thiên đường cho từng con người riêng biệt. Con người của ngày hôm nay sợ cái chết đến gần, sẽ được phục sinh mà vẫn giữ nguyên những đặc điểm riêng của mình trong tình yêu Thiên Chúa, nếu người ấy chủ động lựa chọn đạo lý của Thiên Chúa.
 
Chủ nghĩa nhân văn Tây phương kéo dài từ thời Phục hưng (thế kỷ XVI) tới thời kỳ Ánh sáng (hết thế kỷ XVIII) với những tên tuổi: J. J. Russo, Immanuel Kant, được xem như một thời kỳ mà con người còn tự tin hơn nữa. Ngây ngất với thành tựu của khoa học, con người xem bản chất ưu việt của mình (so với những loài động vật khác) ở khả năng tự hoàn thiện, sự thái quá của ý chí, (có thể điều khiển ý chí của mình) và cái nhìn về thế giới trong thời đại này, được xem là một phóng chiếu của bản ngã cá nhân.
 
Thế giới biến đổi tùy thuộc vào những nhu cầu rộng hẹp, gần xa, của tâm thức con người. Ferry dùng một từ ngữ rất hay và đậm đặc tính tâm lý cho quan niệm vũ trụ, theoria của thời kỳ này, đó là tính chất chủ quan hóa. Cũng tại thời điểm này, con người đưa ra một quan niệm đạo lý dung hòa giữa quyền lợi của các cá nhân, hướng tới một trật tự đẹp đẽ có tính tôn trọng tha nhân, để cho tất thảy mọi người đều được hưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Người ta tin rằng có thể cải tạo đời sống và thế giới theo ý chí của mình. Sự tiếp nối của chủ nghĩa hậu- hiện đại được Luc Ferry trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu như là sự phá tan ảo tưởng về tính chất chủ quan, duy ý chí.

 

Nietszche, như một triết gia vĩ đại của thời kỳ hậu- hiện đại, con người gợi tò mò bí ẩn vào bậc nhất, được xem như một ân nhân để tư tưởng loài người không bao giờ còn như xưa nữa. Với Ferry, Nietszche- kẻ đập thần tượng là hiện thân của sự tỉnh táo thực tiễn kiên quyết chối từ những ảo tưởng về một “thế giới bên kia” của sự sống, chối từ những gì cao hơn bản thân sự sống. Ông cũng cực lực phản đối việc dùng tư tưởng để lý giải, gán ghép ý nghĩa mà thực ra là đang chống lại sự sống. Những nỗ lực làm thay đổi thế giới quan của Nietszche thực ra tập trung vào việc không giam hãm sự sống trong những quan niệm được khai phá, công bố và thừa nhận, từ trước tới giờ về tồn tại, chủ yếu dựa trên những phán đoán của lý trí. Vượt khỏi sự hình dung về những dạng thức sống lý tưởng, ưu việt sẵn có, để đến với quan niệm chấp nhận sự sống ở cả dạng thức ưu việt lẫn không ưu việt, chính là cơ sở để đi tới một quan niệm “mở” về hành động sống.

 

Một đóng góp lý thú của Ferry, đó là giúp bạn đọc hình dung về các triết gia giống như những con người tiên phong mà gần gũi, bằng năng lực suy tưởng và phát kiến mãnh liệt của mình, đại diện cho sự năng động, tỉnh táo của loài người, nhận diện và ra sức phá hủy những ảo tưởng, nhất là ảo tưởng duy lý, đưa triết học ngày một gần gũi hơn với bản chất thực có của đời sống con người. Chân dung một Immanuel Kant, người đầu tiên đặt nền móng triết học hiện đại với vị trí trung tâm của con người, nơi con người, bằng nhận thức tích cực, bằng cái tôi của mình phóng chiếu ra thế giới, tạo lập những hạn định của thế giới tương ứng với nội giới chủ thể, hoàn toàn có thể “cải tạo” thiên nhiên và cuộc đời theo những ý tưởng mang tính chủ quan. Một Nietzsche vĩ đại phê phán tư duy lý tưởng hóa, phê phán sự thêu dệt các thần tượng mà mục đích không gì ngoài việc làm cho sự sống trở nên hoang mang với ảo tưởng về cái tốt đẹp cao hơn chính bản thân sự sống, theo cách thức dùng lý trí áp đặt cho sinh thể sống. Chính vì thế ông lên án cả chủ nghĩa cảm thương bạc nhược, vì “chủ nghĩa” ấy xuất phát từ tính nhân văn chủ quan có nguồn gốc duy lý, khi cho rằng “tự do, bình đẳng, bác ái” là thứ có thể đem phân phát, chia đều khắp theo một ước nguyện về thế giới tươi đẹp.

 
Thật cảm động vì những lời toát ra vẻ chân thực, đích xác mà Ferry, từ những suy lý và cảm thụ riêng, viết về Nietszche:
 
Trong mắt Nietszche, thì một sự bịa đặt (về một cõi bên kia tốt đẹp hơn cõi trần này, tưởng tượng ra những giá trị cho là ở bên trên và bên ngoài sự sống) như vậy bao giờ cũng mang ý định xấu, tất nhiên, một cách thầm kín. Mục đích thực sự của nó không phải giúp đỡ nhân loại, mà chỉ là đạt tới chỗ xét đoán và cuối cùng là kết án bản thân sự sống, là phủ định thực tế thật sự nhân danh những hiện thực giả dối, thay vì đảm đương lấy thực tế và chấp nhận nó như nó vốn thế.
 
Mỗi “bộ óc vĩ đại” của loài người hiện lên qua hình dung và chứng nghiệm, chứng giải của Luc Ferry đều đại diện cho một bước tiến vượt bậc, một sự khai phóng con người, nhưng đồng thời cũng như một khía cạnh cực đoan mà sáng tạo- sự vượt xa khỏi quan niệm cũ, cần phải có.
 
Lấy con người làm trung tâm, tương tự như thế giới quan của các nhà nhân văn học Tây phương thế kỷ XVII, đặt ra và trả lời những câu hỏi liên quan tới lợi ích của con người, chăm chút cho những mối băn khoăn hồ nghi của con người, phản tỉnh sự sống, hay chính xác hơn là quan niệm về sự sống, đáp ứng những lo âu của con người về sự tiến bộ, phát triển để luôn luôn tin tưởng vào sự cường thịnh, không bị “bỏ rơi” trong cái mù mịt vô tăm tích của vũ trụ, cuốn sách của Luc Ferry giống như một bài ca ngọt ngào dựa trên nguyện vọng thông tuệ, đi sâu vào những khao khát của tâm trí, là một sự diễn giải mang tính chất tâm lý về những vấn đề của triết học, nhờ thế mà nó trở nên gần gũi, sống động, khơi gợi ở bạn trẻ niềm yêu thích và ham mê khó cưỡng nổi.

 

Cái giá của sự phê phán

 

Triết học, ngay từ thời tối cổ, được hiểu là sự kiếm tìm bản chất, cái đằng- sau- của hiện thực vật chất, là khoa học để giải nghĩa về sự tồn tại, trong đó có tồn tại của con người nằm trong tương quan với những gì còn lại, với vũ trụ bao la. Triết học thời cổ sơ không tách rời khỏi các khoa học thực chứng như Toán học, Vật lý, Sinh học… bởi nó có cùng mục đích tìm hiểu bản chất của thế giới vật chất, và cùng dựa trên sự nghiên cứu những quy luật phổ quát, tìm ra những định thức phản ánh bản chất hay vận động nội tại của sự vật. Nhưng đặc thù của triết học khiến cho nó gần gũi với các khoa học lý thuyết (Toán, Vật lý lý thuyết) ở chỗ triết học luôn luôn cần tới những giả định, thậm chí hoàn toàn là những giả định phác thảo về thế giới và con người.

 
Triết học có rất nhiều bộ phận hợp thành chứ không chỉ bao hàm lĩnh vực tìm hiểu về bản chất thế giới (bản thể luận) hay cách thức để tìm hiểu bản chất đó (phương pháp luận), và vì là một trong những hoạt động nhận thức, chứng giải quan trọng của con người về bản thân, triết học không tách rời khỏi lịch sử tồn tại của loài người cũng như không thể chối bỏ mối quan hệ với nghệ thuật, văn học là những hình thái khác của nhận thức. Thời cổ đại là thời kỳ của văn-sử-triết bất phân là vì vậy.
 
Thu hẹp triết học vào mối quan tâm khắc phục sự chết cũng như những mất mát, ý nghĩa không thể níu kéo, vãn hồi của những gì xảy ra trong cuộc đời, mà Ferry dùng từ “cứu rỗi”, là làm cho triết học trở nên nghèo nàn, phiến diện. Khoác cho nó một mối kỳ vọng về sự an ủi, xoa dịu đối với tồn tại, cũng đồng nghĩa với việc gán ghép cho nó mục đích kiếm tìm sự tồn tại ưu việt, cái “tích cực”.
 
Điều này đã khiến cho Luc Ferry, trong suốt quá trình phê phán những ảo tưởng về nhận thức, tư tưởng của con người, đã gán cho nó mục đích tìm kiếm tồn tại ưu việt hay ở mức độ cao hơn, là cái siêu việt. Ông gán ý nghĩa này cho quan niệm cosmos của các nhà tư tưởng khắc kỷ, diễn giải nó như sự hài hoà, chặt chẽ thuận lý, như một dạng thức của cái đẹp, trong khi quan niệm “tổng hòa” đích thực của các nhà khắc kỷ thực chất là sự đánh giá con người như một bộ phận hợp thành của toàn thể vũ trụ, mang “vũ trụ tính” ở nhiều chiều, bao gồm cả sinh thành và hủy diệt, chứ không phải sự kiếm tìm cứu rỗi hay cái ưu việt. Mục đích kiếm tìm “cứu rỗi” khiến ông nhìn nhận phong thái tự tin của con người thời kỳ nhân văn muốn cải tạo tự nhiên, hoàn thiện loài người, như một cách thức kiếm tìm bất tử hoặc phong cho tồn tại của mình một ý nghĩa lớn lao khả dĩ trùm lấp được sự hữu hạn nhỡn tiền của nó. Mục đích ấy cũng khiến ông nhìn nhận Nietszche như một người chống lại cái siêu việt, hay cái mà ông cắt nghĩa là cao hơn bản thân đời sống.
 
Luc Ferry đã mắc phải cái bẫy phê phán khi bản thân ông chỉ xuất phát từ mục tiêu hướng đến “cái ưu việt”, nghĩa là phải loại trừ cái kém ưu việt, cái tiêu cực. Ông đã rơi vào tư duy tư biện, khi nhìn nhận thế giới phân cực thành tốt- xấu, hay- dở, mà con người chỉ có quyền lựa chọn cái tốt.
 
Lịch sử loài người, và cùng với nó là triết học, hình thành song song với xã hội có tổ chức của con người. Để dung hòa quyền lợi tồn tại giữa nhiều con người, nhiều tầng lớp với nhau, những người điều hành bắt buộc phải tạo ra một thứ giá trị ưu việt, “tích cực”, bắt buộc phải tạo ra những hình mẫu của “chân lý”, những “thần tượng”, để ai nghe theo, duy trì trật tự xã hội, thì được xem là đúng, là tốt. Ai không tuân thủ thì đương nhiên là xấu. Đây cũng chính là ngọn nguồn của lối phủ định tư biện, thay thế cái “xấu” bằng cái “tốt” đã thúc đẩy xã hội loài người vận động và trưởng thành. Nhưng cũng chính sự lệ thuộc vào cách nhìn phân cực này khiến cho đa số người ta tiếp tục bị lệ thuộc vào những “thần tượng” đã mất hết sức sống, trở thành “xấu” chứ không còn là “tốt”. Nietszche đập thần tượng chính là tấn công vào tư duy giáo điều và rắp tâm gian dối, chứ không phải tấn công sự siêu việt.
 
Thực tế, triết học lý giải về con người luôn đi liền với tư tưởng, được vận dụng vào tổ chức đời sống xã hội có quy ước, cũng như để thỏa mãn những nhu cầu soi rọi về nội tâm, soi rọi khía cạnh cao siêu cũng như góc độ sinh vật của con người trong mọi thời đại. Ngay từ thời cổ đại, con người đã ý thức về triết học như một cách thức cung cấp sự lựa chọn tự do, cung cấp cơ sở của hành động sống, nhưng là dựa trên những giả thuyết về chính con người. Chính vì chỉ là ‘giả thuyết”, mà những quan niệm triết học mới đặt người ta vào sự lựa chọn tự do đích thực, sống theo nó hay là không theo nó, và trong chừng mực nào đó, chọn nó, để đạt tới những khát vọng mà bản thân hằng mong đợi. Sống mạnh mẽ, ưu việt là một trong những khát vọng đó.
 
Như vậy, không phải chỉ đến thời kỳ của triết học nhân văn, con người mới quan niệm được về tự do hành động như một bản- chất- người quan trọng nhất, mà bản chất ấy đã được triết học mách bảo với chúng ta từ lâu. Triết học, tự trong nó nó đẫ bao hàm tự do, nó không thể bị phán xét là tích cực hay tiêu cực chỉ dựa vào những tiêu chí tư biện.
 
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, mục đích khắc phục cái chết và mất mát mà Luc Ferry nêu ra như một tiên đề của triết học, hoàn toàn chưa bao giờ giải quyết được, kể cả với học thuyết về con người cao quý của Nietszche, hay những ý niệm hiện sinh của Heidegger. Bởi vì cái chết và mất mát làm nên những bản chất của sự sống mà xét cho cùng nó ràng buộc các bản chất khác, đòi hỏi triết học phải có một sự nhìn nhận thỏa đáng, chứ không phải là tìm cách khắc phục.
 
Tất cả những cách thức mà Luc Ferry phân tích từ các hệ tư tưởng, thực chất chỉ là những cách thức để tạm thời lãng quên cái chết bằng sự gia tăng sức mạnh và ý nghĩa cho việc sống, tức là giải quyết vấn đề “chết” bằng đánh lạc hướng tư tưởng mà thôi. Nói cách khác, chỉ những tư tưởng là đại diện cho con người, “còn sống”, nhờ đó mà con người cũng được “sống” một cách tượng trưng, cách điệu.
 
Kết thúc cuốn sách bằng những ý tưởng về một chủ nghĩa nhân văn mới thừa hưởng từ triết gia J. F. Lyotar về sự khoáng đạt, tri thức mở và tôn trọng phẩm chất dị biệt, đồng thời với lời khuyên sống mãnh liệt trong từng khoảnh khắc, bất kể những thành kiến gắn liền với quá khứ hay sự hình dung chật hẹp về tương lai cũng lại dựa trên quá khứ, như phương châm của Cổ nhân, Luc Ferry thể hiện là một người yêu triết học và làm lan truyền tình yêu đó, nhưng rõ ràng ông đã không đưa ra được một diễn giải thỏa đáng xứng hợp cho tiên đề của mình.
 
Một chân lý đơn giản là, không thể coi bản thân sự sống bó hẹp trong “những quan niệm về sự sống”, mà nhiều thời kỳ triết học đã mang lại cho ta. Phát kiến về sự sống của chúng ta đang dừng ở “không có hiện thực mà chỉ có những diễn ngôn (những cách hình dung và lý giải) về hiện thực”, cũng đồng nghĩa với phủ nhận mọi giáo điều, để cho sự sống chiếm trọn vẹn con người từng giây khắc, mang lại cho ta dù niềm hạnh phúc tột đỉnh viên mãn hay sự hủy hoại, và chấp nhận ý nghĩa mênh mông, vô cùng, ít nhiều bí ẩn của Tự nhiên mà ta là một phần trong đó. Như vậy, thay vì “Học cách sống” như một phương tiện của ý thức, bạn trẻ có thể nghĩ hay rung động về Học sống, hay đơn giản là Sống.

 

Trạm Đọc (Read Station)
Theo Tia Sáng