“Tôi sống để tháo tung mọi thứ và tìm ra quy luật vận hành của thế giới”
“Tôi sống để tháo tung mọi thứ và tìm ra quy luật vận hành của thế giới”
Thế giới biến đổi nhanh như vũ bão, và câu chuyện của Jack cũng là câu chuyện của rất nhiều các nhà khoa học mới ở độ tuổi 15 – 19 đang nghiên cứu, tìm tòi. Họ đang thay đổi thế giới.

Bạn có biết Amy Chyao? Ngay khi đọc về cô gái này, tôi đã lập tức tra trên mạng. 16 tuổi đã giành giải thưởng khoa học danh giá Gordon E.Moore với thí nghiệm dùng năng lượng ánh sáng để hoạt hóa một loại thuốc chống ung thư. Cô đã tạo ra một dạng phân tử nano đủ sức tiêu diệt tế bào ung thư, giúp bác sĩ có nhiều khả năng chữa trị các loại bệnh ung thư khác nhau.

Nhưng nhân vật chính của cuốn sách này lại là Jack Andraka. Cậu bé chưa đầy 13 tuổi khi gặp gỡ Amy Chyao, người truyền cảm hứng cho cậu trên hành trình “thay đổi thế giới”.

 

 

“Điều gì xảy ra khi mặt trời biến mất”?

Khi Jack vẫn còn nhỏ xíu, theo mẹ ra ngoài đi chơi, mẹ thường biến những chuyến ô tô buồn chán thành một cuộc thi trí tuệ giữa Jack và anh cậu: Luke. Thường thì mẹ sẽ bắt đầu bằng một câu hỏi vu vơ: “Điều gì xảy ra khi mặt trời biến mất”? Thế là hai anh em đua nhau đưa ra đủ mọi đáp án.

Mẹ Jack là một bác sĩ, bà thích thử thách và giúp con tìm ra đam mê của mình bằng cách cho con trải nghiệm nhiều loại hoạt động khác nhau. Từ thể chất tới âm nhạc, từ hoạt động thí nghiệm tới các chuyến dã ngoại như leo núi, chèo thuyền …

Khi mới học lớp 3, Jack nhận ra là “toàn bộ tri thức trong vũ trụ có thể được khám phá nhờ bấm đúng phím (máy tính) cần thiết”. Được sự khuyến khích của  chú Ted, Jack bắt đầu các nghiên cứu khoa học đầu tiên, xuất phát từ quan sát thực tế. Lớp 7, cậu giành chiến thắng trong nghiên cứu cách: Dừng được cỗ máy nhấn chìm (giảm nguy hiểm trong các vực xoáy nước). Năm sau, cậu tìm ra chất chỉ thị ô nhiễm khiến vi sinh vật phát sáng – để góp phần làm sạch nước trong vịnh.

Hãy nghĩ đến người bệnh

Ung thư tuyến tụy, loại ung thư gây tử vong cao nhất thế giới, đã cướp đi chú Ted thân yêu của Jack, và đó là lý do cậu khao khát tìm ra cách chiến thắng nó. Cậu bé 14 tuổi lúc đó mới vào cấp 3, đã dành hết tâm sức vào việc nghiên cứu căn bệnh này, cho tới khi cậu khám phá ra là bệnh này nguy hiểm do rất khó phát hiện, chưa kể chi phí tầm soát ung thư tuyến tụy sớm lại rất đắt đỏ mà hiệu quả không cao.

Cậu quyết định tấn công vào lĩnh vực tìm kiếm phương pháp phát hiện bệnh sớm. 199/200 bác sĩ mà cậu gửi thư xin giúp đỡ đã từ chối hỗ trợ cậu thực hiện thí nghiệm này. Bố mẹ, vốn luôn ủng hộ, nhưng khi nghe nói tới “tham vọng” của cậu con trai nhí là muốn “tìm ra phương pháp chữa ung thư”, thì cũng lắc đầu: “Điều này có hơi viển vông không?”.

Jack viết: “Chú Ted luôn bảo tôi rằng: Khi gặp phải những khó khăn, chướng ngại tưởng không thể vượt qua nổi, thì hãy nên tập trung vào những người có thể bị ảnh hưởng bởi công việc của mình và tất cả những điều tốt đẹp mà công việc đó mang lại. Hãy nghĩ đến người bệnh”.

1 năm trời ròng rã nghiên cứu. Để mới 15 tuổi. Jack đã gây chấn động toàn bộ nước Mỹ khi đoạt giải thưởng Gordon E.Moore (như thần tượng Amy Chyao của cậu) bằng việc giới thiệu công trình nghiên cứu “tạo ra loại que cảm biến giấy có khả năng phát hiện ra hàng loạt bệnh tật, trong đó có ung thư tuyến tụy, buồng trứng và phổi ». Thí nghiệm của cậu nhanh hơn, rẻ hơn 26.000 lần và nhạy hơn 400 lần so với phương pháp đang được sử dụng hiện nay tại các bệnh viện.

Cuộc đời không phải màu hồng

Mặc dù lớn lên trong một gia đình tuyệt vời và được bố mẹ cùng anh trai yêu thương, hỗ trợ, nhưng cuộc sống của Jack không hề được bao phủ bởi màu hồng. 13 tuổi, cậu nhận ra mình đồng tính. Chuỗi ngày khổ sở vì bị bắt nạt, bị kỳ thị nơi trường học – có lúc đã đẩy cậu tới ngõ cụt và cố tự sát. Ngay cả khi thành công trong các nghiên cứu của mình, cậu cũng phải đối mặt với sự ganh ghét, kỳ thị, nói xấu từ khắp nơi.

Thế nhưng khoa học và sự thương yêu, chấp nhận của gia đình, cùng những người bạn tốt – đã đưa Jack ra khỏi giai đoạn trầm cảm cực kỳ khó khăn ấy và trở thành một khoa học gia trẻ tuổi tài năng.

Jack Thomas Andraka, sinh 8/1/1997 tại Mỹ là người tìm ra phương pháp xét nghiệm sớm ung thư tuyến tụy khi mới 15 tuổi và giành giải thưởng Gordon E Moore của ISEF. Giải thưởng Thomas Jefferson 2014 (dành cho những cá nhân xuất sắc dưới 35 tuổi và thường được coi là giải Nobel cho những hoạt động vì cộng đồng).

Jack và “STEM quanh em”

Tôi yêu thích cuốn sách này vì nó rất đỗi giản dị, nhưng lại vô cùng truyền cảm hứng. Thế giới biến đổi nhanh như vũ bão, và câu chuyện của Jack cũng là câu chuyện của rất nhiều các nhà khoa học mới ở độ tuổi 15 – 19 đang nghiên cứu, tìm tòi. Họ đang thay đổi thế giới.

Mei Ann

Trạm Đọc

Tags: