Chủ nghĩa tối giản: Hành trình trở về với bản ngã của mình
Chủ nghĩa tối giản: Hành trình trở về với bản ngã của mình
Chủ nghĩa tối giản lần đầu được nhắc đến ở thành phố New York (Mỹ) vào những năm 1960, sau đó lan rộng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề này đã được nhắc đến nhiều trong một số năm trở lại đây. Tuy vậy, khi cầm trên tay cuốn sách “Người tối giản – Hành trình trở về số 0” của tác giả Phạm Quỳnh Giang, độc giả không chỉ hiểu sâu hơn mà còn tìm thấy những điều mới lạ về chủ nghĩa này.
Trong hình dung của tác giả Phạm Quỳnh Giang, tinh thần cơ bản nhất của tư duy tối giản là đặt sinh mệnh con người vào vị trí trung tâm, xem sinh mệnh con người là khởi điểm đẹp đẽ nhất, một sự “tối thiểu hoá” hay “tối giản hoá” hoàn hảo nhất. Do vậy, với cô, hành trình tối giản hoá cuộc sống là cuộc hành trình đi đến đỉnh cao của tư tưởng tôn vinh sinh mệnh nhằm đạt được hạnh phúc, bình an và tự do đón nhận mọi điều trong cuộc sống này. Đó là cuộc hành trình trở về con số 0, hay nói cách khác là cuộc hành trình trở về với bản ngã của mình. Ở trạng thái này, cuộc sống của bạn tràn đầy viên mãn.


Nội dung cuốn sách nghiêng về tối giản hơn là tối thiểu và nghiêng nhiều về mặt tinh thần bên trong (tư duy tối giản) hơn là mặt biểu hiện bên ngoài (lối sống tối giản). Trong 195 trang của “Người tối giản – Hành trình trở về số 0”, tác giả đã đề cập đến tư duy tối giản đối với các vấn đề như chuyện ngoại hình, kiếm tiền, định kiến xã hội, sống – chết… bằng những câu chuyện nhỏ đầy hấp dẫn.

Mục đích của cuốn sách này là khơi nguồn cảm hứng, hướng độc giả đến tư duy tối giản để giải phóng bản thân khỏi những bộn bề của công việc, áp lực tài chính trong đời sống thường ngày và tiến nhập vào trạng thái tự do về tinh thần, chẳng còn vướng bận đến những hối hả của xã hội. Dù bạn không đi đến chặng cuối của cuộc hành trình tìm đến sự tự do tuyệt đối thì bạn cũng đã trút bỏ đi ít nhiều lo toan.

Chân dung người tối giản


Theo tác giả cuốn sách, chủ nghĩa tối giản là một thứ “tôn giáo vô thần” và mỗi tín đồ của loại tôn giáo này phải là những người có tâm tĩnh lặng, tư duy mạch lạc về thứ mình cần và dám vứt bỏ những thứ thừa thãi trong cuộc sống của mình. Nói tóm lại, họ là người độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trước hết, người tối giản phải là người độc lập, làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ được cả tư duy lẫn cảm xúc của mình. Điều đó có nghĩa là, họ không sống theo ý muốn của người khác, không nghĩ theo sự áp đặt của bất kỳ thế lực nào và giữ được tâm bình lặng trong mọi nghịch cảnh.

Trong những nền văn hoá, nơi mà cha mẹ vẫn can thiệp sâu vào những quyết định quan trọng của con cái, việc tự làm chủ cuộc sống của mình không phải là điều dễ dàng. Với tư cách là người đi trước, cha mẹ luôn thay con quyết định từ chuyện học ngành nào, làm nghề gì đến việc kết hôn với ai đó mà không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con.

Một điều không khó nhận ra là ngay chính bản thân các bậc phụ huynh cũng không làm chủ được cuộc sống của mình. Khi chưa lập gia đình, họ nhất nhất nghe theo ý muốn của đấng sinh thành, đến khi được “dựng vợ, gả chồng”, họ lại “hi sinh cả cuộc đời cho con cái”. Người tối giản đã nhận ra bi kịch trong cái vòng luẩn quẩn không dứt ấy và chịu trách nhiệm đến cùng với cuộc sống của mình.

Nếu độc lập là sự giải phóng bản thân khỏi những cái trói buộc bên ngoài thì tự do là sự vượt qua những rào cản trong chính bản thân chúng ta như nỗi e sợ, khiến ta chưa dám thể hiện ra hành động. Do đó, nhiều người tuy độc lập nhưng chưa chắc đã tự do. Đây là điều hoàn toàn ngược với khí chất của người theo chủ nghĩa tối giản bởi họ là những người tôn trọng bản thân, không ngần ngại thể hiện mình, làm điều mình thích và theo đuổi ước mơ.

Đặc điềm thứ ba của người tối giản là quan niệm của họ về hạnh phúc. Thông thường, con người thường muốn một điều gì đó trước khi họ có được hoặc sau khi đã mất. Trong khi đó, họ lại chẳng mảy may quan tâm những cái gì thuộc về mình, nằm trong tay mình. Thế nên, người tối giản luôn trân trọng nhưng gì mình đang có để biết ơn, tận hưởng và yêu thương.

Tuy duy tối giản về tiền bạc: Hãy tập trung vào mong muốn chứ không phải tiền


Một trong những phần đáng quan tâm trong cuốn sách này là tư duy của người theo chủ nghĩa tối giản về vấn đề tiền bạc. Về lý thuyết, tiền là phương tiện để người ta thực hiện những điều cao cả trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế, giữa bộn bề cuộc sống, chúng ta cứ mải miết theo đuổi hết ham muốn này đến tham vọng khác. Rốt cuộc, cuộc đời vẫn là trò đuổi bắt, có được rồi lại muốn đuổi theo nhiều thứ hơn nữa. Và vì thế, thu nhập có tăng lên bao nhiêu đi chăng nữa, cuộc sống cũng không tốt đẹp hơn, tinh thần cũng không hạnh phúc hơn.

Những người như vậy đã quên mất mục tiêu mình kiếm tiền trong những giây phút hiện tại là gì. Chỉ khi họ làm rõ được mục tiêu cuộc đời mình, lúc đó, họ mới thấm thía vai trò của đồng tiền và đồng tiền mới trở thành phương tiện chứ không còn là mục đích nữa. Việc kiếm tiền đối với họ khi đó sẽ là một niềm vui, chứ không phải là một nghĩa vụ mệt mỏi vì họ sẽ cảm thấy mình đang tiến đến gần hơn với mục tiêu đề ra.

Lối sống tối giản chỉ là phương tiện, nghĩa là các bước thực hiện chỉ giúp ta quét dọn tâm trí của mình. Còn phần cốt lõi nhất của tư duy tối giản mới thực sự giúp chúng ta luôn bình yên giữa bộn bề cuộc sống này.

Minh Phương

Tags: