Tín ngưỡng của Murakami: Giữa thực tại và mộng mơ
Tín ngưỡng của Murakami: Giữa thực tại và mộng mơ
Tiểu thuyết gia người Nhật Haruki Murakami là một trong những tác giả có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Nicholas Blincoe tìm hiểu lý do bằng cách phỏng vấn một vài fan của Murakami – trong đó có Kazuo Ishiguro và David Mitchell.

Càng biết nhiều về Haruki Murakami, tôi càng cảm thấy mình đã bỏ lỡ một thứ gì đó. Có lẽ tình yêu là vậy – càng yêu càng thấy muốn biết nhiều hơn nữa. Nhưng tôi đã biết quá nhiều: Murakami là một tiểu thuyết gia, một phiên dịch viên, thành công đến khó tưởng tượng, có vẻ có xu hướng trốn đời, đang sống hạnh phúc với vợ là bạn từ hồi Đại học, không có con và cuồng thể thao (chủ yếu là marathon). 

 

David Mitchell, một fan cuồng nhiệt khác, kể rằng Murakami đã trở thành một trong ba hay bốn người Nhật nổi tiếng nhất thế giới sau khi xuất bản tiểu thuyết thứ tám của ông, Biên niên ký chim vặn dây cót. Nhưng Mitchell vẫn muốn biết nhiều hơn nữa. “Ông ấy đã làm thế nào?” Mitchell hỏi vậy. Và Kazuo Ishiguro thì nói: “Haruki là một trong ba hay bốn tác giả thu hút và quan trọng nhất đương thời.” Nhưng Kazuo thêm vào: “Khó mà giải thích tại sao.” Vậy là, chúng ta đều mê mệt Murakami và đều bối rối như nhau. Cuối cùng thì Haruki Murakami có cái gì?

 

Tôi phải lập tức chỉnh ngay rằng Murakami không đến nỗi không thể hiểu nổi. Trái lại, những cuốn sách của ông được viết khá đơn giản và độc giả vẫn không vì thế mà bớt bị lôi cuốn. Mitchell, người đã bỏ ra nhiều năm dạy tiếng Anh ở Hiroshima, nhớ lại cảnh đọc Rừng Na Uy "đọc vội đọc vàng trong một quán cà phê, không đủ sức trả tiền và đạp xe về nhà.” Ông nói thêm “Những tín đồ của Haruki Murakami không chỉ nhớ nội dung sách, chúng tôi nhớ cả lần đầu tiên chúng tôi gặp chúng ra sao.”

 

Mối dây giữa Murakami và độc giả có thể thấy được qua Kafka Trẻ Tuổi, một tuyển tập khổng lồ các e-mail Murakami nhận được khi Kafka bên bờ biển đang được xúc tiến xuất bản tại Nhật năm 2002. Cuốn tiểu thuyết sau đó, trong cùng tháng, được xuất bản tại đây

 

Mối quan hệ hai chiều giữa Murakami và những người xem của ông được thiết lập nhờ một huyền thoại, một website có tên là “Ngôi nhà mặt trời mọc của Murakami”, giờ đã ngừng hoạt động. Cái tựa đề nghe giông giống bài hát nhạc pop là một nỗ lực rất chủ ý nhằm cứu vớt trang web khỏi sự nghe có vẻ khoa trương, nhưng cuối cùng vẫn thất bại bởi trang Q&A (Hỏi & Đáp) quá sức dễ thương: “ “Chính là đây! Hãy hỏi Murakami đi nào!” Mọi người hào hứng bảo vậy và thực tế họ đã quăng đến 282 câu hỏi cho Murakami, nhưng liệu Murakami có thể trả lời tất cả một cách tử tế được không?” Nhiều câu hỏi trong số đó thực sự rất vĩ đại: từ sự sợ bệnh ung thư của người Nhật cho đến lần tấn công tàu điện Tokyo của giáo phái Aum Shirikyo. Các câu khác thì tùy hứng hơn – chẳng hạn như liệu mực có tay hoặc chân hay không; câu trả lời của Murakami là “Thử cho con mực 10 chiếc găng với 10 chiếc tất xem nó thích gì hơn.”

 

Kết nối với độc giả qua website vẫn còn là một hình thức khá mới, chưa tác giả nào đã sử dụng hình thức này thành công như Murakami. Kafka Trẻ Tuổi là tuyển tập thứ tư của “Murakamiana” trên mạng. Jay Rubin, giáo sư văn học Nhật Bản của Harvard và một trong ba người chuyên phiên dịch tác phẩm Murakami sang tiếng Anh, cho rằng Murakami lập trang web đầu tiên vì ông thấy có trách nhiệm của tiền bối trong văn học. Ông muốn làm theo kiểu riêng của ông, không phải theo cách của các tạp chí văn học thường cung cấp nền tảng cho các ngòi bút đang ươm mầm của Nhật Bản.

 

Website của Haruki Murakami - Nơi ông kết nối với độc giả của mình

 

Murakami đã vượt qua rào cản học thuật thông thường để giao tiếp với một lượng lớn độc giả - điều này khiến các tác gia khác thêm ngưỡng mộ và ganh tị. Tất nhiên là cuối cùng thì mọi vấn đề cũng từ chất lượng tác phẩm mà ra. Nhưng sự rộn ràng tấp nập trên các website của Murakami có thể nói gì đó về chính Nhật Bản – rằng Nhật Bản là nơi chào đón các tác giả gần gũi đại chúng hơn, ít cổ xưa hơn. Matt Thorne, người đã ăn đủ chỉ trích nhờ sự quá khôn ngoan thường trực của ông, nói “Có vẻ là – xét cả văn học Nhật được dịch và phim Nhật – người Nhật thích sự kết hợp của nhiều thể loại hơn, của cả văn hóa “thượng” và “hạ” (high and low culture). Điều này có thể không được tiếp nhận nồng nhiệt nhanh chóng như thế ở phương Tây.”

 

Thorne không phải là người duy nhất ganh tị với đồng nghiệp đến từ phương Đông. Trong rất nhiều các trang web dành cho Murakami lập ra bởi fan, câu chuyện dễ dàng đi từ tác phẩm của “thầy” (sensei) đến bàn luận về các tác giả khác, đến các chương trình TV của Beat Takeshi, đến đạo Shinto và lịch sử chiến tranh Nhật, hoặc thậm chí là dòng phim kinh dị Nhật đang được hồi sinh. Những trang web này cực kì đa quốc tịch – người tham gia đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Ý, Scandinavia, Anh và mọi nơi khác. Bạn có thể cảm thấy Nhật đang nắm giữ tinh hoa của thời đại (Zeitgeist) như Paris, London, Berlin và New York đã từng nắm giữ.

 

David Mitchell đã nhận thức được nét độc nhất của Nhật Bản khi ông nói: “Thực sự rất muốn lần theo một số cảm hứng nghệ thuật của Murakami về những đại diện của văn hóa Nhật thuở nào, về nguồn manga và anime của thế giới và – ngài Murakami đừng thấy xúc phạm nếu đọc được – văn hóa Nintendo.” Tại sao lại có những sự liên quan này? Mitchell tin rằng đây là “một loại Đông phương học đương đại”. Những dòng trần thuật giống như kể lại hành trình trong tiểu thuyết của Murakami, bên cạnh những mô-típ như thế giới song song, truyền thuyết và khoa học viễn tưởng, có thể thấy rải rác trong văn hóa quần chúng đương đại của Nhật Bản.

 

Kazuo Ishiguro thừa nhận Murakami hòa trộn thực tại và mơ, không chỉ trong những cuốn tâm linh mập mờ nhất kiểu Cuộc săn cừu hoang mà còn trong những cuốn có vẻ tự nhiên nhất như Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời. Ishiguro nói, “câu chuyện trộn lẫn hình ảnh của Casablanca với huyền thoại Bà chúa tuyết, người Nhật ai ai cũng biết nhưng với người phương Tây thì có lẽ không quen thuộc như thế.” Sự trộn lẫn này không độc nhất của Murakami mà còn xuất hiện trong hoạt hình Nhật, trong truyện tranh hay “văn hóa Nintendo”. Một ví dụ được đưa ra là Kobo Abe, một tác giả lớn tuổi hơn cũng “kết hợp cổ tích Nhật Bản với khoa học viễn tưởng kì quái.”

 

Tại Nhật, Murakami được xem là Tây nhất trong các nhà văn Nhật. Nhưng không phải vì tác phẩm của ông nhắc đến phim ảnh và nhạc pop, hay Colonel Sanders hay bóng chày và bánh pizza. Ishiguro nói: “Phong cách sống của các nhân vật của Murakami có lẽ là giống người Nhật hiện đại hơn mức cần thiết với độc giả phương Tây, những người thường nhận thức rất rõ sự khác biệt giữa “Tây” và “Nhật”. Cái thứ hai đối với chúng tôi rất xa lạ và ngoại lai.” Ông cũng nói rằng, “bạn phải nhớ, với một đứa trẻ Nhật lớn lên thời kì hậu chiến, nhạc jazz, rock và điện ảnh Hollywood có vẻ cũng bình thường như những thứ truyền thông mà thôi. Trên thực tế...kabuki, tiệc trà và các tác phẩm của Kawabata sẽ có vẻ càng xa xôi lạ lẫm.”

 

Không phải vì những liên hệ trong sách làm Murakami có vẻ Tây hóa. Câu trả lời là phong cách của ông. “Murakami là bậc thầy với giọng văn nhuốm màu A Kind of Blue hơn là Bitches Brew”, David Mitchell nói, sử dụng một cái tên từ tác phẩm của Miles David. Sau Đại học, Murakami và vợ ông, Yoko, đã điều hành một câu lạc bộ jazz rất thành công trong gần 10 năm. Bản thân Murakami cũng từng nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Context: “Tôi đã nghe jazz liên tục 10 giờ mỗi ngày hàng năm trời, nên có thể tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi loại âm nhạc này – nhịp điệu, ngẫu hứng, âm thanh và kiểu cách.”

 

Murakami và những tác phẩm của ông là một thực tại hay mộng mơ (Ảnh: quotefancy.com)

 

Hơn nữa, trong suốt thời gian này – từ thưở ấu thơ – Murakami không đọc gì khác ngoài truyện của phương Tây, nhất là tiểu thuyết Mỹ. Ngày nay ông gợi ý rằng sự xa cách với truyện của Nhật là một phản ứng với cha ông (một thầy giáo dạy văn học Nhật), cũng như vì mất niềm tin với những sự kì cục của thế hệ chiến tranh.

 

Ở phương Tây, cái sự Tây của Murakami là một điều chúng ta không bao giờ chấp nhận nổi: bản dịch làm mất hết điều đó. Nhưng tôi vẫn tin rằng thành quả này giữ lại được chiều ngang và lọc ánh sáng màu: chúng ta biết nó ở đây dù không thể nhìn hay đánh giá sự trải rộng của nó. Điều này có vẻ rất rõ ràng trên các website, khi mà bài dịch luôn là chủ đề tranh luận nóng nhất.

 

Alfred Birnbaum là người đầu tiên nhận vai trò phiên dịch của Murakami. Là một người Mỹ sống tại Nhật, Birnbaum tìm việc dịch các tiểu thuyết nổi tiếng cho người Nhật trẻ học tiếng Anh. Vai trò của Birnbaum trong việc mang Murakami đến phương Tây không thể xem nhẹ được: nhiệt huyết của ông với các tác phẩm đã khích lệ nhà in giáo dục Kodansha, từ đó chuẩn bị một phiên bản Cuộc săn cừu hoang để xuất khẩu.

 

Những cuốn tiểu thuyết Birnbaum đó đã được Mitchell khám phá ra tại một tiệm cà phê ở Hiroshima. Nhưng ngày nay trên mạng có nhiều ý kiến trái chiều về giá trị của các tiểu thuyết của Birnbaum. Một thành viên web chat của Murakami tên là “Wonderlake” viết: “Gần đây tôi có mượn Con voi biến mất (The Elephant Vanishes) từ thư viện. Truyện ngắn đầu tiên là “Chim vặn dây cót và những người phụ nữ của Thứ Ba”, cũng là chương đầu của Biên niên ký chim vặn dây cót. Bản dịch này của Alfred Birnbaum, tôi nghĩ nó rất tồi.”

 

Dịch giả của Biên niên ký chim vặn dây cót được xuất bản là Jay Rubin (dịch giả thứ ba ngày nay, Philip Gabriel, người đã dịch Kafka bên bờ biển, là học trò của Rubin). Sự chuyển tiếp từ Birnbaum, một người nhiệt tình đến Rubin, một người học thuật, không thể đáng chú ý hơn nữa. Kiểu của Birnbaum rất trực tiếp, thường bắt tai và thỉnh thoảng sắc nhọn với một âm hưởng Mỹ rõ ràng. Tựa đề Cuộc săn cừu hoang (A Wild Sheep Chase) thuộc về Birnbaum, và Rubin khá độ lượng gợi ý Thám hiểm quanh cừu (An Adventure Surrounding Sheep) thì hợp lý hơn vì tựa đề của Birnbaum để lộ cái kết của tiểu thuyết: không tìm thấy chú cừu nào cả. Nhiều độc giả đã cảm nhận được sự mất năng lượng rõ rệt khi Rubin thay thế Birnbaum. Kiểu của Rubin có phần khô cứng hơn. Có vẻ sự thật là văn Murakami tươi mới vì phong cách của ông đã không bị trang hoàng hay tô vẽ biến tấu gì cả (và tôi biết ơn cuốn sách tuyệt vời của Rubin, Haruki Murakami và Âm nhạc của từ ngữ (Haruki Murakami and the Music of Words) vì đã phân tích chi tiết chủ đề này.)

 

Kiểu của Murakami có thể là nhân tố vô hình hay bí mật tạo nên sức hấp dẫn của ông ở phương Tây. Bạn có thể nhận ra âm hưởng này của ông trong những tác phẩm ông chọn dịch. Chúng ta có thể rất tự nhiên cho rằng Murakami tìm đến với dịch thuật để giải quyết vấn đề tiền nong. Thực ra, Murakami đã là một tác giả được công nhận khi ông dịch cuốn đầu tiên (F Scott Fitzgerald's My Lost City). Danh sách các tác giả ông chọn dịch vì thế càng đáng chú ý hơn: Murakami nắm trong tay quyền lực đáng kể, ông có thể dịch tác giả ông muốn và chỉ cần tác giả ông muốn mà thôi. Những tác giả ưa thích của Murakami có Raymond Carver thống trị nhưng cũng có cả John Irving, Truman Capote và Paul Therox, cùng với hai tác giả chuyên viết cho thiếu nhi Ursula le Guin (series Catwing) và Chris Van Allsburg (bao gồm The Polar Express. Cảm giác khá giống Martin Amis là dịch giả Moominpapa nhỉ?)

 

Những tác phẩm nổi bật của Haruki Murakami 

 

Tác phẩm dịch gần đây nhất của Murakami, có lẽ đậm chất cá nhân nhất của ông, là Bắt trẻ đồng xanh của JD Salinger (The Catcher in the Rye). Bản dịch của Murakami xuất hiện ở Nhật cùng lúc với Kafka bên bờ biển. Theo Jay Rubin, hai cuốn tiểu thuyết đã bá chủ các hiệu sách ở Nhật hàng tháng liền; ngoài ra còn một vài điểm giống nữa. Cũng như Holden Caulfield, người được coi là anh hùng trong Kafka là một cậu bé 15 tuổi. Holden là một đứa trẻ, nhưng cũng có thể được xem như một chiến binh tả tơi bị kẹt trong quá trình trưởng thành đã dừng lại - giống bản thân Salinger khi kết thúc chuyến đi Châu Âu. Và từ đó một tiếng vọng nữa giữa Holden và Kafka Tamura: một đứa trẻ, đồng thời là một người lớn đã bị giam giữ, một đứa trẻ ra đời giữa lúc trẻ con tăng vọt, một đứa trẻ số phận là nằm dưới cái bóng của chiến tranh.

 

Murakami từng rất yêu thuốc lá, rượu whisky và những hộp đêm nhạc jazz kiểu Mỹ đầy ám khói, nhưng chỉ đến khi ông gần trở lại Nhật Bản, cách xa trời Tây, ông mới tìm thấy lối đi của mình. Như ông đã thú nhận với tạp chí Context: “Một tối nọ nhìn xuống quầy rượu hộp đêm của tôi, tôi thấy một vài lính Mỹ da đen đang khóc vì họ nhớ nước Mỹ… Tôi nhận ra, dù tôi yêu văn hóa phương Tây này từng nào, với họ nó có ý nghĩa tới mức tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được. Thực sự đó là lý do tôi bắt đầu cầm bút.”

 

Bạn có thể đọc thêm bài về Murakami trong chuỗi bài giới thiệu tác giả của Read Station: Đừng đọc Murakami khi đang cô đơn và Bí ẩn mang tên Murakami

 

Ngân Anh - Trạm đọc (Read Station) dịch

Theo The Telegraph

Tags: