Thiện và Ác trong Quỷ dữ và Nàng Prym - Paulo Coelho
Thiện và Ác trong Quỷ dữ và Nàng Prym - Paulo Coelho
Thiện và Ác là đề tài quen thuộc trong văn học nghệ thuật. Bao câu chuyện cổ tích, bao tác phẩm vĩ đại của nhân loại đã đề cập đến vấn đề này. Paulo Coelho – một nhà văn đương đại của Brasil – cũng viết về con người, về Thiện - Ác qua những tác phẩm của mình. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác trong tác phẩm Quỷ dữ và nàng Prym của Paulo Coelho...

 

 

Tóm tắt tác phẩm

 

 

Visco là một thị trấn bé nhỏ và thanh bình, với vỏn vẹn 281 thành viên. Đằng sau sự nhỏ bé, thanh bình ấy là một sự lụi tàn. Thị trấn không có trẻ con. Những thanh niên của thị trấn đều tìm cách lập nghiệp ở những vùng đất có tương lai hơn. Cả thị trấn chỉ có duy nhất một người trẻ tuổi, đó là nàng Chantal Prym. Nhưng cả Prym cũng luôn khao khát được rời khỏi thị trấn để có thể tìm được hạnh phúc và thay đổi cuộc đời đơn điệu, tẻ nhạt của mình.

 

Một ngày, có một vị khách lạ xuất hiện ở Visco. Cùng đi với ông là một con quỷ dữ. Ông mang theo 11 thỏi vàng và giấu chúng trong rừng. Một nơi giấu 10 thỏi vàng và một nơi giấu 1 thỏi vàng. Người khách lạ gặp Prym, cho nàng xem hai hố vàng và đề nghị nàng thông báo với người dân của thị trấn lời thách thức của ông: người dân Visco sẽ nhận được 10 thỏi vàng với điều kiện trong vòng một tuần, những con người nhút nhát, an phận kia phải phạm vào điều răn lớn nhất của Chúa: giết người. Nếu hết ngày thứ bảy, có một ai đó trong số những người dân của Visco bị giết thì số vàng sẽ thuộc về họ. Chỉ có người khách lạ là biết chỗ giấu 10 thỏi vàng. Còn nơi giấu 1 thỏi vàng thì Prym biết, nàng có thể lấy nó bất cứ lúc nào nhưng khi đó, Prym sẽ phạm vào điều răn: “Chớ được trộm cướp”.

Cuốn sách Quỷ dữ và Nàng Prym

Trong bốn ngày đầu, Prym đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề nói hay không nói với những người dân của thị trấn về lời thách thức của vị khách lạ, đặc biệt là cô đã phải đấu tranh nội tâm hết sức gay gắt trong việc có nên lấy trộm thỏi vàng rồi ra đi không. Ba ngày còn lại, khi Prym kể hết với mọi người về số vàng thì người dân Visco mới thực sự bị cuốn vào trò chơi tàn ác và khốc liệt của người khách lạ. Họ bị thiêu đốt bởi lòng tham, sự hèn nhát và nỗi khiếp sợ. Cuối cùng, năm người đứng đầu thị trấn quyết định chọn bà lão Berta làm vật hi sinh và không người dân nào phản đối. Trước khi mọi người bắn bà Berta, Prym đã tìm cách thuyết phục được họ không phạm tội ác bằng những lí lẽ hợp lí. Cuối cùng, không một tội ác nào được thực hiện. Prym cùng người khách lạ đem 11 thỏi vàng đổi ra tiền mặt và nàng cầm tất cả số tiền ấy ra đi, để theo đuổi mơ ước của mình và quay lưng lại với Visco mãi mãi.

 

 

Thiện và Ác trong Quỷ dữ và nàng Prym

 

 

Trước khi trình bày về Thiện và Ác, trước khi phân chia nhân vật nào là thiện và nhân vật nào là ác thì người viết xin khẳng định một điều, mọi sự phân chia dưới đây đều chỉ là tương đối cũng như không bao giờ có một ranh giới rõ ràng giữa cái Thiện và cái Ác. Ngay ở nhân vật được coi là sứ giả của cái Thiện cũng có lúc bị cái Ác chi phối và ngay cả nhân vật bị coi là công cụ của cái Ác thì cũng vẫn hướng lòng tin của mình vào cái Thiện. Vì thế, ở đây không có nhân vật một chiều, mà họ tồn tại với tất cả những mặt tốt cũng như mặt xấu trong tâm hồn, chỉ có điều là mặt nào được bộc lộ rõ hơn và họ chọn cái Thiện hay cái Ác.

 

Theo Từ điển Tiếng Việt [1]: “Thiện” nói một cách khái quát là những hành vi tốt, lành, hợp với đạo đức. “Ác” là những hành vi gây đau khổ, tai họa cho người khác.

Theo Bách khoa toàn thư [2]: “Thiện” và “Ác” là phạm trù cơ bản của đạo đức học, đánh giá giá trị đạo đức và hành vi đạo đức con người. Thiện là đẹp, tốt, là sự đánh giá đạo đức phù hợp với xã hội, lịch sử và giai cấp. Ác là độc ác, xấu, hại; là sự đánh giá đạo đức ngược với xã hội, lịch sử và giai cấp.

Từ thời cổ, con người đã phân biệt Thiện và Ác như phân biệt ánh sáng và bóng tối. Tuy nhiên, quan hệ giữa cái Thiện với cái Ác là một quan hệ biện chứng. Chúng có thể chuyển hoá lẫn nhau. Có những cái thiện có tính chất tương đối. Có những ý nghĩ và hành vi được coi là đạo đức trong xã hội này, thời gian này nhưng không còn là đạo đức trong xã hội khác, trong thời gian khác. Cái Thiện khi mới ra đời có thể bị lên án là cái Ác. Trong quá trình phát triển của xã hội, có những tiêu chuẩn cũ trong suy nghĩ và hành vi đạo đức bị xoá bỏ, cái Thiện dần dần được khẳng định. Nó trở thành cái Thiện mới để thay thế cho những cái Thiện cũ đã trở thành lỗi thời.

Có những người nhìn vào hành động và động cơ của họ thì bị coi là ác nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác thì họ lại không quá xấu xa mà vẫn có thể cảm thông. Có những con người đôi lúc cũng có sự trỗi dậy của lòng tham và sự ích kỉ nhưng nếu đó chỉ là giây phút nhất thời thì vẫn không hoàn toàn đáng trách. Ta sẽ gặp những người như vậy qua hai nhân vật chính trong Quỷ dữ và nàng Prym: người khách lạ và Chantal Prym.

Người muốn cái Ác xuất hiện ở Visco là một người khách lạ. Ông là công cụ của cái Ác, chính ông cũng thừa nhận điều này nhưng khi nhìn rõ hoàn cảnh của vị khách, ta có thể cảm thông với ông. Người khách lạ vốn là giám đốc một công ty sản xuất vũ khí. Ông có gia đình hạnh phúc, có tiền và có quyền. Nhưng rồi tai họa thảm khốc ập đến gia đình ông khi tất cả vợ con ông bị bắt cóc và giết chết. Ông cảm thấy rất đau khổ và căm thù cuộc đời. Dần dần, ông không còn cảm xúc nào khác ngoài sự thù hận. Ông luôn muốn tìm hiểu chuyện gì đã diễn ra khi vợ con ông bị sát hại. Lúc đó cái Thiện có xuất hiện một phút, một giây nào không. Mặc dù tìm hiểu cũng không giúp vợ con ông sống lại nhưng ít ra ông cũng còn có lí do để mà tin rằng cuộc đời này thực ra vẫn đáng sống. Tuy đưa ra lời thách thức tàn ác đối với thị trấn Visco nhưng trong thâm tâm người khách vẫn luôn mong cái Thiện sẽ chiến thắng. Ông mong cái Thiện sẽ chiến thắng cũng tức là ông vẫn luôn hi vọng vào lòng nhân hậu của con người, vẫn còn hi vọng vào lòng nhân ái của cuộc đời. Ngay cả một người bị coi là công cụ của cái Ác cũng vẫn tin vào cái Thiện, nó khiến người đọc cảm thấy ấm lòng hơn và tin tưởng vào con người hơn.

Trong truyện, Chantal Prym là người con gái ngay từ nhỏ đã phải gặp rất nhiều bất hạnh. Cô không có cha, mẹ thì chết khi vừa sinh ra cô, trút lại cho cô gánh chịu lỗi lầm. Cô nghèo túng đến độ không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng. Cuộc sống của Prym ngày ngày lặp lại một cách đơn điệu, an bài. Bao cuộc tình đi qua mà cô vẫn tiếp tục cuộc sống nghèo khổ, vô vị, không có hi vọng, không có tương lai.

Khi đối mặt với thử thách người khách lạ đưa ra, Prym thực rất hoang mang. Cô đã trải qua những xung đột vô cùng gay gắt trong nội tâm của mình. Cũng như 280 thành viên còn lại của thị trấn, Prym là một người lương thiện, trong đời chưa bao giờ phạm một tội ác nào. Thế nhưng giờ đây cô lại bị đặt trước một tình huống rất dễ phạm sai lầm. Người khách lạ “đã chỉ cho cô địa điểm của kho báu, như muốn mời mọc cô gái đào thỏi vàng lên và lấy cho mình”. Thỏi vàng ở nơi Prym biết, lại không ai canh giữ, chỉ cần Prym lấy trộm và rời khỏi đây thì cô sẽ trở thành một con người hoàn toàn tự do, cô sẽ thỏa sức thực hiện những mơ ước bao lâu nay mình luôn ấp ủ. Prym là người lương thiện nhưng cô cũng không phải một thiên thần.

Vậy nên cô luôn bị sức mạnh của thỏi vàng ám ảnh, cám dỗ: “Suốt ba đêm liền, Chantal hầu như thức trắng. Gió bỗng chốc lặng đi rồi lại nổi lên như một trận cuồng phong đập vào các cánh cửa bằng sắt kêu loảng xoảng khiến con tim cô như ngừng đập”. Những cơn gió ngoài kia cũng giống như sự đấu tranh dữ dội trong nội tâm của Prym. “Trong đầu cô không hề có ý định, dù chỉ là thoáng qua, kể về những điều cô nghe thấy trong rừng, tức là trở thành kẻ đứng ra tuyên bố về tội ác và chết chóc”. Nhưng có lúc Prym lại nghĩ “Thật thú vị nếu được xem những con người nghèo nàn về tinh thần nhưng có một cuộc sống khá giả này sẽ tổ chức như thế nào một cuộc tranh đua khác, mà trong đó có một ý nghĩa lớn lao hơn. Một tội ác thôi, đánh đổi lại là 10 thỏi vàng có thể đảm bảo tương lai cho con cháu của họ, trả lại vinh quang đã qua cho Visco. Đi với sói hay không đây?”. Sói chính là cái Ác, là Quỷ dữ cứ ám ảnh theo cô từ hôm người khách đưa ra lời thách thức.

Có lẽ bất cứ người nào rơi vào trường hợp của Prym cũng đều có tâm trạng rối bời như cô. Và ai ở vào hoàn cảnh của nàng cũng sẽ bị sự cám dỗ của kho báu kia. Chắc chắn đã, đang và sẽ còn có rất nhiều người phải đối mặt với câu hỏi “Đi với sói hay không đây?”, vì thế, ta hoàn toàn có thể cảm thông với tâm trạng Prym.

Tuy nhiên, Prym không đánh cắp thỏi vàng “không phải ở chỗ cô là người trung thực hay không, mà cô cảm thấy quá khiếp sợ”. Cô khiếp sợ “trước con đường không rõ đưa ta tới đâu, trước cuộc đời ném cho ta những lời thách thức đầy bí ẩn, trước cái khả năng tất thảy những thói quen cố hữu, ăn sâu trong ta sẽ vĩnh viễn bị trốc sạch tận gốc rễ”. Chính nỗi sợ hãi này đã khiến Prym không dám phạm tội và đó cũng là nỗi sợ hãi muôn thủa ấy của con người. Không ít người trong chúng ta cũng từng được đứng trước nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời, nhưng nhiều khi chỉ vì sợ hãi mà ta để cơ hội vụt qua. Prym mong thay đổi cuộc sống nhưng nàng lại khiếp sợ con đường mợ mịt phía trước, còn nhiều lúc chúng ta khiếp sợ chỉ vì chúng ta không dám thay đổi những nếp cũ dù việc ấy là không trái đạo lí. Tác giả đã lí giải tâm trạng của Chantal Prym rất tinh tế nhưng cũng rất thực. Và nỗi sợ hãi muôn thủa kia cũng chính là bàn đạp để giải quyết vấn đề được đặt ra trong tác phẩm.

“Lịch sử của con người chứa đựng lịch sử của cả nhân loại”, vì thế Prym đã lấy những cảm giác mình đã trải qua để phân tích tình hình và từ đó làm chủ tình thế. Cô vẫn bị cái Ác dụ dỗ nhưng cô đã chế ngự được bản thân. Đó là mấu chốt của vấn đề. Những người dân Visco cũng sẽ trải qua những giây phút như cô đã chịu đựng nhưng nếu họ kiềm chế được lòng tham của mình thì họ sẽ không phạm tội ác. Tuy nhiên, đó lại là một điều rất khó khăn. Vì thế, khi mọi người quyết định bắn bà lão Berta thì Prym đã dùng lí lẽ của mình để mọi người cùng trải qua cảm giác như lần đầu tiên cô cầm thỏi vàng trên tay: cảm giác sợ hãi. Cô lập luận để mọi người thấy rằng dù số vàng ấy có thuộc về dân thị trấn Visco thì nó cũng sẽ đem lại rất nhiều rắc rối cho mọi người và cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn. “Đó là nỗi lo sợ cô đã trải qua, khi lần đầu tiên cầm thỏi vàng dành cho mình. Giờ đây nó đang tràn ngập trong lòng tất cả những người đồng hương của cô. Lịch sử của một con người – đó là lịch sử của nhân loại.” Quả nhiên, Prym đã thành công. Cái Ác đã không được thực hiện ở Visco. Nhưng tất nhiên không chỉ vì những người dân của Visco sợ hãi mà còn vì họ không muốn làm điều ác, vì bản tính lương thiện tồn tại trong trái tim mỗi người. Và họ đã chế ngự được ham muốn có được số vàng của người khách lạ.

Người khách lạ luôn băn khoăn về câu hỏi: Bản chất của con người là gì? Có diễn ra hay không dù chỉ một phần trăm giây cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, một cuộc chiến mà trong đó cái Thiện có thể chiến thắng? Lúc này, câu hỏi của vị khách được giải đáp thật giản đơn: “Cái Thiện và cái Ác tranh đấu để giành giật lấy họ, cũng như để giành giật linh hồn của tất cả mọi người, dù trên thế gian này có bao nhiêu người đi chăng nữa. Rốt cuộc, toàn bộ vấn đề ở đây là sự tự kiềm chế bản thân mình. Và sự lựa chọn. Chỉ có vậy”.

Thị trấn Visco có 281 người. Đó là một con số lẻ. Phải chăng, số 1 lẻ loi ấy chính là Prym. Một mình nàng đã chiến đấu để bảo vệ cái Thiện. Số 8 như một đòn cân, tuy thế lực của cái Ác có mạnh mẽ đông đảo hơn nhưng nếu cái Thiện vẫn còn tồn tại thì nhất định nó sẽ không lùi bước. Cái Thiện sẽ dẫn đường cho cái Thiện, lòng tin sẽ nhân lên lòng tin, vì thế dù thế nào thì Thiện cũng sẽ không bị khuất phục bởi cái Ác. Ở đâu đó trên trái đất này vẫn luôn có cuộc chiến giữa Thiện và Ác nhưng niềm tin vào sự chiến thắng của cái Thiện sẽ không bao giờ tắt trong mỗi chúng ta. Cái Thiện thắng cái Ác không phải nhờ vào một thế lực siêu nhiên, vô hình vô ảnh nào mà chính nhờ sự tự kiềm chế bản thân của mỗi người. Tất cả tùy thuộc vào chúng ta. Tất cả chỉ có vậy.

Số vàng chính là biểu tượng của mơ ước, là công cụ để thực hiện ước mơ. Cuối tác phẩm, tác giả để Prym cầm tất cả chỗ vàng ấy đi mà không chia cho bất kì một người dân Visco nào là có lí do của nó. Theo suy nghĩ của người viết, đó là vì hành động Thiện thì không cần bất kì một sự trả công nào. Bản thân hành động ấy đã chứa đựng mọi sự tốt đẹp rồi. Người ta sẽ nhận được sự thanh thản trong tâm hồn khi làm việc Thiện, mỗi người sẽ ngủ ngon giấc khi người ta sống trong sạch, không làm điều tội lỗi. Số vàng – công cụ của ước mơ ấy – sẽ dành cho những người trẻ tuổi, những người biết ước mơ, dám ước mơ và có khả năng thực hiện ước mơ. Visco có thể sẽ bị lụi tàn nhưng đó là điều tất yếu khi cả mấy trăm năm tồn tại mà nó không có một chút thay đổi nào. Cuộc sống là phát triển và đi lên, cái gì cứ đứng yên một chỗ thì sẽ bị tụt lại và cuối cùng là rơi vào quá khứ.

 

 

Kết luận

 

 

Cuộc chiến giữa Thiện và Ác vẫn luôn còn đó nhưng qua tác phẩm này của nhà văn Paulo Coelho, người đọc có thể tìm được một phương thức giải quyết vấn đề hợp lí cho mình. Với giọng văn giản dị, nhẹ nhàng nhưng hết sức tinh tế, Paulo Coelho muốn gửi gắm đến giới trẻ một điều: Trong cuộc sống này sẽ có rất nhiều bước ngoặt, nhiều biến cố nhưng điều quan trọng là mỗi chúng ta cần theo đuổi ước mơ của mình, phải có dũng khí để trở thành một người khác, đặc biệt là phải chiến thắng nỗi sợ hãi thường không cho chúng ta sống một cách thực sự. Thông điệp giản đơn mà đáng trân trọng vô cùng.

 

Theo Văn Việt

Chú thích:

1. Hoàng Phê (chủ biên), 2000. Từ điển tiếng Việt. Nxb Khoa học xã hội & Trung tâm từ điển học.

2. http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn

Tags: