Vào năm 1977, khi mà chưa từng có bất kỳ ai nhận thức về vấn đề này thì nhà tâm lý học Ellen Langer cùng nhóm của mình tại Đại học Harvard đã tiến hành một nghiên cứu có khả năng thay đổi cách chúng ta hiểu về hành vi của con người.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành như sau:
Trợ lý của Langer sẽ chen vào một hàng người đang đứng chờ để sử dụng máy photocopy tại thư viện. Sau đó, người trợ lý này sẽ nhìn người lạ mặt và đặt một trong ba dạng câu hỏi.
1. Dạng 1 (chỉ có yêu cầu): “Xin thứ lỗi, tôi có 5 trang này. Tôi có thể dùng máy photo được không?”
2. Dạng 2 (yêu cầu kèm theo lý do chính đáng): “Xin thứ lỗi, tôi có 5 trang cần photo. Tôi có thể dùng máy photo được không, vì tôi đang vội?
3. Dạng 3 (yêu cầu kèm theo lý do không thỏa đáng): “Xin thứ lỗi, tôi có 5 trang này.Tôi có thể dùng máy photo được không, vì tôi cần phải photo chúng?”
Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng dạng câu thứ 3 không có nghĩa lắm. Việc có thêm cụm từ “vì tôi cần phải photo chúng” gần như không thể giúp biện minh cho việc chen chân lên trước hàng. Ai đang chờ dùng máy photo thì tức là có văn bản cần phải photo rồi. Rõ ràng, cụm từ trên không mang thông tin mới; nhưng phía nghiên cứu vẫn sử dụng như một cách để biện minh cho hành vi của mình.
Bất ngờ thay, cái lí do ngớ ngẩn này lại tỏ ra rất hiệu quả. Khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu, họ thu được kết quả sau:
+ Dạng 1: Có 60% số người cho phép người trợ lý dùng máy trước
+ Dạng 2: Có 94% số người cho phép người trợ lý dùng máy trước
+ Dạng 3: Có 93% số người cho phép người trợ lý dùng máy trước
Kết quả bài nghiên cứu của Langer, sau này được gọi là Thí nghiệm Máy photocopy, đã được công bố trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý xã hội.
Nghiên cứu này trở nên nổi tiếng bởi nó đã hé lộ một trong những từ có sức ảnh hưởng nhất đến hành vi của chúng ta: từ “vì”. Nghiên cứu của Langer đã chứng minh, miễn là chúng ta có thể giải thích cho hành vi của mình (Tôi làm như thế này vì…), nhất định chúng ta sẽ thực hiện hành vi đó, kể cả nếu như lí do ấy chẳng có nghĩa lý gì.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Quyền lực: Đòn tâm lý của thuyết phục”, Robert Cialdini đã đưa ra lời giải thích cho hiện tượng này: “Một nguyên lý phổ biến của hành vi con người là chúng ta sẽ dễ dàng được người khác giúp đỡ nếu như chúng ta có thể đưa ra lí do cho hành động giúp đỡ đó. Con người đơn giản là thích được biết lý do cho hành vi của họ.”
Trong cuộc sống, rất thường xuyên chúng ta bắt gặp chính mình thực hiện những hành động nào đó hoàn toàn không vì một lí do logic nào cả. Chúng ta bào chữa cho những hành vi ấy bằng những lí do ta tự đặt ra với chính mình, bất chấp lí do ấy chính đáng hay không.
Ví dụ như, bạn giải thích thế nào về việc mình không tập thể dục thường xuyên? Vì sao bạn không thể viết mỗi ngày? Tư duy của bạn đang khiến công việc kinh doanh của bạn trì trệ đi như thế nào?
Chúng ta được tạo nên bởi những câu chuyện ta tự kể với chính mình. Đôi khi, những câu chuyện ấy có thể đúng và chính xác. Đôi khi lại không. Chúng ta có thể tự biện minh cho bản thân vì sao bây giờ chưa phải là thời điểm đúng đắn để làm gì đó, vì sao chúng ta chưa chịu làm những gì chúng ta cho là quan trọng, vì sao chúng ta lại cho phép người lạ cắt ngang hàng của mình.
Chúng ta không nhận ra được rằng hành vi của chúng ta không chỉ đến từ những lập luận logic, mà cả những nguyên nhân rất phi lý.
Như vậy, có 2 điều bạn chắc chắn nên ghi nhớ từ bài viết này.
Thứ nhất, khi bạn muốn nhờ vả ai đó điều gì, đừng quên bổ sung từ “vì” để cho người đó lí do thực hiện hành vi của họ.
Thứ hai, chúng ta luôn đưa ra lí do – lý trí hoặc phi lý trí – để có thể biện minh cho hành động của chình mình. Hãy luôn cảnh giác với điều đó.
Cam - Trạm Đọc (Read Station) dịch
Theo Jamesclear.com