The Beatles: Mỗi người cảm thấy chính mình bị bỏ qua với tư cách một cá thể!
The Beatles: Mỗi người cảm thấy chính mình bị bỏ qua với tư cách một cá thể!
Bốn con người thôi không lên đường nữa, họ ở yên một chỗ vào cuối năm 1966, tò mò nhìn quanh mình, họ là những sinh thể mà thế giới hiện đại chưa từng sản sinh ra.
Shout! The Beatles: Hơi Thở Thời Đại của Thế Kỷ 20
(0 lượt)

Chỉ thời cổ đại, những con trai của các Hoàng đế và Pharaoh mới được mặc đồ và thậm chí nuôi ăn bằng vàng ròng, và giờ thì chỉ những anh chàng trẻ tuổi ấy mới thống lĩnh được niềm yêu thương, mới có được niềm say mê và mới có thể nhận được sự giám sát liên tục nhường vậy. Cũng không một ai có thể mong đợi được thế – tuổi trẻ như thế và tài sản như thế; quần áo, xe hơi, người làm và những người đàn bà như thế; tất cả được tùy chỉnh cho bất cứ trạng thái nào của họ trừ niềm hạnh phúc. Không ai từ thời những đứa con trai của Pharaoh, từ thời những đứa con trai được nuông chiều đến chết của Caesar từng biết được điều mà The Beatles đang biết, cảm giác ra sao khi đã cảm thấy mọi thứ, đã làm được mọi thứ, đã nếm trải mọi thứ, mọi thứ đều thừa thãi; cảm giác sống trong sự dư thừa chói mắt, chói tai, tê liệt khiến mỗi người trong bọn họ, trong những ngày xấu trời nghĩ rằng mình đang già đi nhanh gấp đôi so với thông thường.

Mà cũng ít ai hiểu được rằng, đạt được danh tiếng như The Beatles có thể cũng là không đủ: mỗi người trong số họ, trong sự tôn thờ choáng ngợp dành cho cả bốn, cảm thấy chính mình bị bỏ qua trên tư cách một cá thể, mỗi người họ khao khát khảo nghiệm thực tế hay nếu không, thì khảo nghiệm sự tồn tại độc lập của chính mình.

-

shout-john-lennon

John Lennon dường như là người quyết tâm nhất và có đủ năng lực để hình thành một sự nghiệp riêng. Mùa thu năm ấy, cùng với Neil Aspinall, anh tách mình khỏi ba người kia để xuất hiện trong một bộ phim mới, How I Won the War, được đạo diễn bởi một người mà giờ cực kỳ thời thượng và dư dả, Richard Lester. Thật rõ ràng với Lester, dù chỉ trong mấy màn diễn hài vô thưởng vô phạt trong hai bộ phim về The Beatles, là John có triển vọng nghiêm túc làm một diễn viên điện ảnh. Quan điểm này được khẳng định khi How I Won the War phát hành và vai diễn khắc họa Binh nhì Gripweed của John được giới phê bình đặc biệt khen ngợi. “Tôi đã bảo anh rằng anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn thông qua điện ảnh”, Richard Lester nói, “Nhưng anh không hứng thú. Nó quá dễ với anh. Anh khinh thường nó”. Con người Beatles đã biến mất và sẽ không bao giờ trỗi dậy nữa nơi Binh nhì Gripweed. Anh để nguyên mái tóc ngắn, như một sự thoái lui được loan tin lên hết các tin tức trang nhất trên khắp thế giới. Anh bắt đầu đeo kính, điều mà anh đã luôn căm ghét, và ngang ngạnh chọn chiếc kính mắt cú nho nhỏ như chiếc mà anh phải đeo hồi tiểu học những năm 1940. 

Dưới mái tóc ngắn, cặp kính bà già và những bộ đồ ngày càng có xu hướng nghiêng về khăn quàng cổ hoa hay áo ghi-lê rộng, phần lớn con người trước đây của John vẫn thế. Vẫn là sự mơ hồ không tin nổi ấy khiến anh cứ quên mất ca từ các bài hát của mình, quên luôn số điện thoại cũ của nhà mình, quên luôn cả tên Thánh rửa tội của bà bác Mimi. Vẫn là sự hào phóng không tin nổi ấy, dúi vào tay người khác điếu thuốc cuối cùng của mình hay bất cứ thứ gì còn trong túi, dù đó là đồng 6 xu hay 1.000 bảng. Vẫn là sự chế giễu thổi phồng hay những lối chơi chữ ngớ ngẩn khiến những người quanh anh khựng lại vì vẻ đáng sợ trong sự coi thường và những tràng cười không kiểm soát, đầy ngờ vực của anh. John vẫn như xưa, sẵn sàng thử bất cứ điều gì, dù là một tác giả mới, một họa sĩ mới, một món rượu mới, một loại rau mới hay một sự hoán vị giới tính. [...]

-

Shout-Paul-McCartney

Paul, người tận tâm nhất với việc biểu diễn, người tôn thờ lễ nghi hơn cả, người đã làm việc chăm chỉ nhất trong việc làm một Beatle, giờ cảm thấy mình đang mất điều gì đó. Hành động đầu tiên của anh sau khi việc lưu diễn kết thúc là đi nghỉ phép một chuyến dài và với anh, đó còn là một chuyến đi xa hoa nữa. Cùng với Mal Evans, người đang có cô vợ kiên nhẫn chờ đợi trong căn nhà ở Sunbury trên bờ sông Thames, Paul lên đường làm một chuyến khám phá qua châu Phi.

Khi trở lại, Paul tuyên bố tương lai của anh sẽ xoay quanh việc hoàn thiện bản thân về mọi mặt văn hóa. Anh cảm thấy, cũng như cả John và George đều cảm nhận, rằng việc làm một Beatle chính là đang đánh mất cuộc đời của chính mình. [...]

-

Shout-George-Harrison

George có vẻ như còn lạc lối hơn thế. Anh đã là một Beatle từ năm 15 tuổi. Toàn bộ cuộc sống trưởng thành của anh là để chạy show hay để chỉ đứng đó, với tiếng guitar ngày càng trở nên tuyệt diệu của mình, với mái tóc moptop và gương mặt lợt lạt, thận trọng.

Trong năm cuối cùng đi lưu diễn, mà có khi còn từ trước đó, George đã căm ghét sự tồn tại với tư cách một Beatle của mình. Ở bên ngoài, nó có vẻ là vàng ròng còn bên trong, nó xù xì những lần bị làm nhục và bị coi thường. Sự kiên nhẫn cùng cực của George Martin trong studio; sự dồi dào trong các sáng tác của John và Paul bóp nghẹt anh và mỗi album, nếu may mắn, anh sẽ được một ca khúc; anh nhận ra rằng trong mắt họ anh vẫn chỉ là anh như hồi ở Liverpool, một cậu bé bám đuôi.

Cơn thịnh nộ đè nén ấy anh trút lên thế giới sùng bái mình. Trong khi cơn sốt Beatles còn là niềm vui với mọi người thì với George nó đã là một sự sỉ nhục đối với công việc làm nhạc mà anh đã dày công tự học. Danh tiếng của anh dường như chỉ mang lại cho anh tiền bạc và sự nhạy cảm khủng khiếp – một nỗi nghi ngờ về việc “mọi người đứng quanh vật bạn xuống đất” đã được viết trong một ca khúc. Cô vợ Patti của anh, họ kết hôn vào tháng Một năm 1966, gần như đã từ bỏ sự nghiệp người mẫu vì trong mắt George, người ta sẽ cố mà khai thác anh thông qua cô. 

-

Shout-Ringo-Starr

Có lẽ chỉ mình Ringo là thực biết anh muốn gì. Anh muốn ở nhà cùng Maureen và đứa con mới chào đời của họ, bé Zak. Họ gọi bé là bé Zak vì đó là tên mà Ringo mong muốn được đặt hồi còn bé. Cuộc đời với Ringo vẫn giản đơn thế thôi, ngay cả khi anh đứng trong khuôn viên của "Sunny Heights, nhìn qua mảnh vườn của mình về phía bức tường đang xây dở của công ty xây dựng của chính anh; hay nhìn về những chiếc xe hơi của anh, chiếc Facel Vega, chiếc Land-Rover, chiếc Mini Cooper; hay nhìn vào ngôi nhà với tấm rèm dài hàng dặm, với thảm trắng, sáu chiếc TV, hệ thống cine, bàn bi-a và máy đánh bạc. Anh sẽ nhớ về tuổi thơ của mình ở Liverpool Dingle và tất cả những chiếc giường bệnh cô đơn đó, và anh nghĩ: "Cái ngữ như mình làm gì với tất cả những thứ này?” [...]

Ngay cả khi sống riêng và mỗi người đều là triệu phú, họ cũng không thể thôi ở bên nhau. Không có một cô vợ hay một cô bạn gái nào phá vỡ được mối ràng buộc khó lý giải giữa bốn con người đã không chỉ trưởng thành cùng nhau mà còn giúp nhau vượt qua những cơn khốn đốn mà không ai trừ bốn người họ hiểu được.

- Trích dẫn từ Chương 14 - "Đây sẽ là lần cuối cùng" trong cuốn sách "Shout! - The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20" - 

Các cuốn sách hiện đã có mặt trên kệ sách Trạm Đọc. Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc
Tags: