Ở đâu có lửa, ở đó có khói.
Các thị trấn đông đúc của chúng tôi ngoài những ngọn lửa nhà dân nay có thêm những đám mây đen mà xưởng sản xuất đổ lên không trung như thể không khí là của riêng họ vậy,
John W. Graham, một nhà toán học người Anh và nhà hoạt động thuộc Hiệp hội Giáo Hữu đã viết vào năm 1907. Trong tất cả các năm kể từ khi than bắt đầu thay thế gỗ làm chất đốt gia dụng, cho nhà máy, trạm điện, động cơ đường sắt, bầu không khí đã trở thành của chung ai cũng dùng được. Tiêu thụ gỗ của Mỹ ở mức 70% vào năm 1870. (Nó đã đạt đỉnh điểm ở nước Anh trước đó một thế kỷ. Ba mươi năm sau, năm 1900, than cung cấp 70% nhu cầu năng lượng của Mỹ và tiêu thụ gỗ giảm. Khoảng 80% người dân sống trong các thị trấn của chúng ta phải sống dưới tầng khói đen, nhà hoạt động người Anh than thở. Tỉ lệ này chưa đáng gì tại một nước Mỹ vẫn chủ yếu theo nông nghiệp, nhưng các thành phố lớn thì đã có thừa khói bụi.
Thời nay có thể khó hình dung mức độ ô nhiễm của khói thành phố vào cuối thế kỷ 19. Sương mù quang hóa, kết hợp với oxid nitơ và chất hữu cơ dễ bay hơi điển hình của thời đại ô tô, vẫn chưa phải là hung thủ chính. Từ sương khói (smog) xuất hiện vào năm 1905 là sự kết hợp giữa khói (smoke) và sương (fog). Khói đốt than, đặc và màu nâu hoặc đen, là chất ô nhiễm đặc trưng đương thời. Ở các thành phố dễ bị thay đổi thời tiết, nó có thể biến ngày thành đêm tối.
Tuy nhiên, khói ban đầu không được coi là một mối nguy hiểm độc hại. Với các nhà máy công nghiệp thế kỷ 19 và nhiều công dân trung lưu cũng vậy, khói than là cái giá của sự tiến bộ, “một hệ quả tất yếu và vô hại”, trích lời một sử gia.
Môi trường không ô nhiễm khói vẫn được coi là một mục tiêu không tưởng, và những người phản đối thường bị coi là những kẻ khó chịu, quấy rầy những người làm việc tốt. ‘những kẻ kỳ quặc hòa nhã và viển vông’.
Ngay cả Gifford Pinchot, nhà bảo tồn nhiệt huyết đồng thời là giám đốc đầu tiên của Sở Lâm nghiệp Mỹ, cũng tin rằng than đá là “huyết mạch của thời văn minh này.”
Vị thanh tra khói năng nổ của Chicago từ năm 1894 đến năm 1897, Fredick Upham Adams, một nhà cải cách xã hội sinh ra ở New York kiêm nhà phát minh, nhà báo, và tiểu thuyết gia, chia dân số Chicago thành hai nhóm: “những người tạo ra thứ khói phiền toái” và “những người bị buộc phải chịu đựng nó.” Theo ông những người tạo ra khói kiên quyết rằng “khói là thứ không thể thay thế, là thứ đi đôi của uy quyền thương mại và sản xuất ở Chicago,” và “khói đó không chỉ không có hại cho sức khỏe mà còn là một chất khử trùng.” Đối thủ của họ tuyên bố ngược lại rằng khói mù “làm tăng đáng báo động các bệnh về họng, phổi và mắt,” và làm hỏng thảm, tranh vẽ, vải vóc, phủ đầy bồ hóng lên mặt tiền của các tòa nhà, biến bầu trời thành biển khói.” Có 15.000 nồi hơi của nội thành thời đó, Adams lưu ý, ít nhất 12.000 nồi đốt than mềm. Chúng rải rác trên 480km2, và khiến cho không có cây có nào còn cùng màu với nhau.
Con người chết với số lượng lớn hơn vì khói lưu cữu, nhưng tỷ lệ tử vong cao thường được gán cho thời tiết mùa đông lạnh thay vì bởi tác hại của khói đến phổi. Cái lạnh sương giá hẳn mới là sứ giả của thần chết chứ sao lại là khói được, người ta sống với khói từ ngày này qua ngày khác có sao đâu. “Than tràn ngập mọi ngóc ngách của các thành phố công nghiệp Mỹ”, sử gia David Stradling viết.
Mọi tầng lớp dân cư nhìn thấy nó, cầm nó, mua nó, và ngửi khói bụi của nó. Người dân biết phân biệt than tốt than xấu và loại nào đốt tốt nhất trong lò của họ. Họ biết tên của các khu mỏ và khu vực khai thác đã dán nhãn cho những viên kim cương đen mà họ sản xuất. Chủ nhà trung lưu mua than theo tấn và cất trong thùng dưới tầng hầm. Người lao động nghèo mua theo xô và sử dụng một cách tiết kiệm trong bếp lò của họ cho sưởi ấm và nấu ăn. Người nghèo dưới đáy xã hội bới tro rác để tìm kiếm các mẩu than chưa cháy hoặc nhặt đường ray tìm than rơi ra từ toa tàu.
Than và khói của nó, giống như ngựa và phân của chúng, là những thứ thường nhật đã biến mất khỏi cuộc sống hiện đại trong các xã hội công nghiệp hiện đại. Để hình dung được khói than vào đầu thế kỷ này đã hủy hoại các thành phố của Mỹ và Anh như thế nào thì ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay là một sự so sánh tương đương. Nó nhắc nhở ta rằng xã hội phát triển trước nhất và sau đó, khi nhu cầu thường nhật của công dân của họ không được đáp ứng, ô nhiễm mới được xử lý. Trong Triển lãm thế giới ở Chicago năm 1893, chính quyền tạm thời chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu (qua đường ống Lima, Ohio) cho phát điện để giảm ô nhiễm khói trên các khu hội chợ. Tương tự, Bắc Kinh đóng cửa các nhà máy để giảm ô nhiễm khói tại thời điểm Thế vận hội Olympic mùa hè 2008.
Trích đoạn từ cuốn sách Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân của tác giả Richard Rhodes được Công ty Omega+ Books mua bản quyền, chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam năm 2020.
Phong Linh
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Sự biến đổi năng lượng trong dòng chảy phát triển của lịch sử nhân loại
Khai thác chiến tranh từ những góc nhìn khác: Những cuốn sách viết từ hậu chiến