Tết Mất Chất, Hay Là Chúng Ta Đã Khác
Tết Mất Chất, Hay Là Chúng Ta Đã Khác
Sự trưởng thành kéo theo những mối lo toan trưởng-thành đã phần nào làm Tết trở nên chán hơn. Có lẽ nào Tết đã không còn phù hợp với người lớn?

Những ngày cận Tết, dường như trong lòng mỗi người đều mang những cảm xúc rất-đặc-thù. Sở dĩ tôi dùng tính từ này đặt tên cho mớ cảm xúc ấy là bởi một lẽ, chỉ khi gần Tết, khi gần với những ngày chuyển giao từ năm cũ bước sang năm mới, con người ta mới mang trong lòng những cảm xúc như thế. Là sự háo hức được trở về cùng người thân, gia đình; đó là sự bồn chồn không biết rằng trong năm mới này cần đặt ra những mục tiêu gì để phấn đấu; nhưng đó còn là cảm giác nhàn nhạt vì nhiều người đang mang trong mình suy nghĩ rằng, Tết càng ngày càng… khác xưa!

Nhiều người cho rằng, Tết chỉ thực sự vui trong khoảng thời gian hai mươi ba tháng chạp đến hết đêm giao thừa. Những đợt pháo hoa cuối cùng trên bầu trời cũng là lúc báo hiệu… Tết đã hết! Bởi một lẽ, khoảng thời gian trước Tết là lúc đường phố đông vui, nhộn nhịp nhất. Những chậu mai, chậu cúc,… được bày ra khắp vỉa hè. Len lỏi vào những phiên chợ Tết, hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùi thơm của hoa, mùi của sự náo nức đang lan ra khắp nơi trong cơ thể. Nhưng rồi, khi đến hết đêm giao thừa, mọi thứ trở nên vắng vẻ lạ thường.

 

Có lẽ vì thế, những ngày mồng một, mồng hai, mồng ba, ngoài chuyện đi chơi ra thì chúng ta chẳng còn biết phải làm gì khác. Đường phố lúc này cũng đã trở nên thưa người hẳn, muốn mua gì cũng khó, muốn ăn bát bún riêu cua bình thường hay ăn cũng đã là một chuyện hơi bất khả thi trong những ngày đầu năm.

 

Nhưng lí do lớn hơn cả có lẽ nằm ở việc Tết dần mất đi những giá trị thực vốn có. Dường như, những phong tục cổ truyền đã không còn nữa và dần dần bị thay thế bởi những nếp văn hoá phương Tây hiện đại. Không còn những ông đồ ngồi viết thư pháp, không còn những chiếc bánh chưng được gói bằng những tiếng nói cười rôm rả của mọi người. Và còn nhiều lắm những sự thay đổi khiến Tết trở nên… chán.

Hồi xưa, khi chỉ là một đứa trẻ, chẳng phải lo nghĩ gì, cứ đến Tết là vui hết cỡ vì được nghỉ học, được ba mẹ sắm quần áo mới, được về quê của ông bà chơi. Cả mùa Tết bỗng chốc thu bé lại, vừa bằng những nụ cười rôm rả bên nhau.

Lớn lên, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhiều người cảm tưởng rằng, thay vì ngồi quây quần ngồi bên nhau kể cho nhau nghe những câu chuyện trong năm cũ, họ lại chọn cách chia sẻ những câu chuyện ấy trên mạng xã hội. Thay vì ngồi đến khuya để canh chừng nồi bánh chưng thơm nức mùi gạo nếp quyện hoà với đỗ xanh, họ lại chọn cách đăng những tấm ảnh ấy cùng với những hiệu ứng màu sắc đẹp đẽ để khoe với mọi người rằng, nhà tôi vẫn còn giữ tục nấu bánh chưng đấy!

Hơn thế, sự trưởng thành kéo theo những mối lo toan trưởng-thành đã phần nào làm Tết trở nên chán hơn, âu cũng vì chúng ta đã qua rồi cái tuổi háo hức trước những con lân, những ông địa nhảy múa tưng bừng trước sân nhà. Có lẽ nào Tết đã không còn phù hợp với người lớn?

Những người trẻ tất bật với cuộc sống sinh viên, đi làm. Tết không còn là “vui Tết” hay “chơi Tết” mà chỉ đơn thuần là nghỉ Tết. Nghỉ ngơi bù cho những ngày công bù đầu. Thời gian nghỉ Tết không đủ dài để họ kịp tận hưởng những giây phút bên gia đình, người thân.

Những người-đã-lớn khẽ nhăn mặt vì số tiền chi tiêu cho ngày Tết. Mua sắm phải tiết kiệm, vì bây giờ cái gì cũng mắc lên. Lì xì cũng phải cân nhắc xem bao nhiêu là vừa, bao nhiêu thì khiến đứa trẻ (và cả ba mẹ của đứa trẻ) cảm thấy vui. Dọn dẹp nhà cửa khiến những khớp xương đau nhức, mệt lừ người vì phải quần quật dọn dẹp cả một ngày trời.

Thật ra, Tết vẫn thế, vẫn khoác lên mình chiếc áo vui tươi khiến mọi người phải háo hức và mong chờ. Người ta chờ cả một năm để Tết quay trở lại, mang đến cho họ những cảm xúc đặc-thù ấy. Guồng quay của cuộc sống hiện đại có thể đã thay đổi một phần những giá trị của Tết, song nếu ta chấp nhận thay đổi bản thân để thích nghi trước sự thay đổi ấy, những gam màu vui tươi, nao nức của Tết vẫn sẽ ở đó, nguyên vẹn.

 

 

Thử một ngày, dẹp chiếc điện thoại thông minh sang một bên, xắn tay áo lên, phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa.

 

 

Mồng một Tết, thay vì chúc nhau những lời có cánh trên mạng xã hội, hãy thử cười với nhau một cái thật tươi ngoài đời thực, để biết rằng dù mạng xã hội có kết nối con người ta giỏi đến đâu cũng không thể nào sánh bằng một nụ cười ngày Tết.

Thay vì nghĩ về số tiền sẽ nhét vào bao lì xì, hãy “nhét” vào những chiếc phong bì màu đỏ, có khi màu vàng ấy những niềm vui. “Tết này, cô lì xì cho con hẳn hai mươi nghìn niềm vui và ba mươi nghìn hạnh phúc nhé, cả thảy là năm mươi nghìn, chúc con năm mới vui vẻ”, tự dưng cảm thấy ấm lòng đến lạ.

Gya Rados.

Tags: