Tấn thảm kịch truyền thông của đám đông hiếu kỳ: Cô gái Brooklyn và chúng ta ngày nay
Tấn thảm kịch truyền thông của đám đông hiếu kỳ: Cô gái Brooklyn và chúng ta ngày nay
Cô gái Brooklyn không hề gây thất vọng với những độc giả trung thành của Guillaume Musso với cốt truyện độc đáo và tình tiết ly kỳ đến nghẹt thở. Tuy nhiên, với lần trở lại này, bậc thầy con chữ của nước Pháp đã thẳng tay chỉ trích thói tọc mạch và sự vô cảm đến rợn người của truyền thông khi đưa tin về những vụ lạm dụng tình dục. Chính lũ chó săn tin với vỏ bọc học thức chứ không phải kẻ phạm tội mới là những tay đồ tể dã man: chúng khiến nạn nhân không thể sống một cuộc đời bình thường.
Anna Becker có một cuộc sống dường như viên mãn với công việc sinh viên nội trú năm hai tại khoa Nhi và sắp sửa kết hôn với một tiểu thuyết gia lừng lẫy và điển trai. Nhưng tất cả chỉ là vỏ bọc cho quá khứ đau xót và đen tối của cô. Câu chuyện ấy kinh hoàng đến nỗi cô sẵn sàng vứt bỏ vị hôn thê và chạy trốn với đứa con trong bụng.

Mười năm trước, Anna - khi ấy là Claire Carlyle - đã bị bắt cóc trên đường đi học bởi một kẻ ấu dâm hoang tưởng. Trong suốt hai năm bị giam cầm, cô bé bị hành hạ bởi những lần tấn công tình dục cưỡng ép và thuốc an thần.

Cảnh sát và giới chức đã vào cuộc, nhưng chẳng có tiến triển gì. Claire may mắn thoát ra được trong một lần tên biến thái quên khoá cửa, nhưng mẹ cô đã chết.

Cô bé mười lăm tuổi khi ấy biết rằng cô sẽ mãi mãi không thể sống cuộc đời bình thường với cái tên Claire Carlyle nữa. “Trong mắt người khác, tôi sẽ luôn là con bé đã bị một kẻ tâm thần giam cầm và hãm hiếp suốt hơn hai năm trời. Đó sẽ là cái nhãn dán lên tôi. Không thể tẩy sạch.” Claire đủ thông minh để biết rằng đám truyền thông háu đói sẽ chẳng bao giờ ngừng mổ xẻ câu chuyện của cô, và cô sẽ không bao giờ yên thân để làm lại cuộc đời nữa. Chẳng còn thân thích, cô đưa ra quyết định đau đớn nhưng quan trọng nhất cuộc đời: giết chết Claire Carlyle và sống dưới một danh tính mới.

Thực ra, quyết định của Claire không đơn thuần dựa trên trực giác. Người bạn thời thơ ấu của cô, Candice Chamberlain và cả gia đình đã phải đối mặt với một kết cục bi thảm hơn dưới sự nhúng tay của truyền thông và các nhà chính trị vụ lợi. Sau khi bị hãm hiếp trong nhà chứa rác bỏ không và được giải thoát hai tuần sau đó, Candice trở về nhà sống cùng bố mẹ.

Giới truyền thông như con hổ đói chỉ trực chờ thời cơ này; cánh phóng viên lao đến bủa vây quanh nhà của họ như những con sói. Bất kể động thái gì, phóng viên và thợ quay phim đều “quay những thước phim để minh hoạ cho việc họ đang tác nghiệp trực tiếp trên các kênh truyền hình địa phương và quốc gia.”

Vì Candice là người da đen và những kẻ phạm tội là người da trắng, các tổ chức và chính trị gia cố gắng nhào nặn bi kịch thành vấn đề chủng tộc. Họ tỏ ra đầy cảm thông và đấu tranh cho nhóm người da đen thiểu số, nhưng cùng lúc giày xéo lên nỗi đau của một cô học sinh.

Và cô bé đã cắt cổ tay tự tử. Một ngày, Candice được phát hiện nằm sõng soài trong bồn tắm. Vô cùng đau đớn, ông Darius Chamerlain - bố của Candice, đã cầm súng và nã đạn vào đám phóng viên khiến một kẻ chết và nhiều người bị thương. Bi kịch lại chồng thêm bi kịch.

Tất nhiên, không thể phủ nhận tiếng nói của đám đông đã giúp lật tẩy tội ác. Sự phẫn nộ cộng với sức ép truyền thông đã khiến lực lượng chức năng gấp rút vào cuộc và trong một số trường hợp, ví dụ như vụ hiệu trưởng Nam Trung Yên hay gần đây nhất là vụ án ấu dâm gây tranh cãi, công lý đã được thực thi. Dẫu vậy, mặc dù kẻ phạm tội bị pháp luật trừng trị thì nỗi đau mà sự tai tiếng gây ra cho các nạn nhân nhỏ tuổi không thể xoá mờ.

 “Con người gây ra chiến tranh chống lại chính con người. Ở sâu thẳm trong mình, con người chất chứa đầy bạo lực, hung hăng, xung năng chết, mong muốn thống trị đồng loại, bắt đồng loại phải làm nô lệ đồng thời sỉ nhục họ.” Nhân danh công lý, truyền thông đã gián tiếp giết nhiều mạng người. Nhân danh lòng cảm thông, những kẻ tò mò đã giày xéo lên vết thương của nạn nhân hằng ngày hằng giờ. Chẳng những không giúp ích, những cái tít giật gân trên báo lại hiện thực hoá một sự thật đau lòng: những nạn nhân sẽ mãi mãi bị dán nhãn cùng những con quỷ đã tra tấn họ.

Nhưng với khát vọng sống mãnh liệt, những nạn nhân với quá khứ đen tối như Madeline và Alice trong “Cuộc gọi từ thiên thần" hay Alyson trong “Bởi vì yêu” hoặc thay đổi danh tính hoặc mai danh ẩn tích để làm lại cuộc đời. Thiết nghĩ, nếu đám đông bao dung hơn và ngưng tò mò phán xét thì có lẽ những con người vô tội ấy đã được sống một cuộc đời bình thường mà không bị đè nặng bởi bóng ma quá khứ.  

 Trang Sâu 

Trạm Đọc

Tags: